Pages

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Anh em Đoàn Văn Vươn được đặc xá

Image copyright
Image captionThượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, chủ trì buổi họp báo về đặc xá ngày 28/8
Ông Đoàn Văn Vươn, và em trai Đoàn Văn Quý, được biết đến vì hành động chống lực lượng cưỡng chế tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, được trả tự do trong đợt đặc xá ngày 2/9.
Không rõ có tù nhân chính trị, mà Việt Nam gọi là phạm tội an ninh quốc gia, trong số hơn 18.000 phạm nhân được đặc xá lần này hay không.

Bộ Công an Việt Nam nói đây là đợt đặc xá cao thứ hai trong lịch sử, sau năm 2009.
Hồi năm 2009 có hai đợt đặc xá với tổng số hơn 20,5 nghìn phạm nhân.
Trả lời BBC ngày 28/8, bà Nguyễn Thị Thương, vợ ông Đoàn Văn Vươn, cho biết gia đình “mong chờ ngày này lâu lắm rồi”.
“Gia đình thực sự vui mừng, mong không có gì thay đổi,” bà Thương nói.
Bà cho biết khi vào thăm chồng trong trại giam hồi giữa tháng Tám, chồng bà nói đã nhận được quyết định đặc xá đợt 2/9.
Hai anh em, Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý, bị tòa phúc thẩm tại Hải Phòng hồi tháng Bảy 2013 giữ nguyên án tù 5 năm.
Hai ông bị kết tội “Giết người” khi nổ súng vào đoàn cưỡng chế của huyện Tiên Lãng khi lực lượng chính quyền tiến hành cưỡng chế đầm vườn của nhà ông Vươn.
Hai người bị bắt từ tháng Giêng 2012 và ra tòa vào đầu năm 2013.

'Ma túy, giết người'

Tại buổi họp báo về đặc xá ngày 28/8, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, nói trong số 18.000 phạm nhận được đặc xá, có hơn 1.400 người phạm tội về ma túy.
Báo Pháp Luật TP. HCM dẫn lời Thượng tướng Lê Quý Vương giải thích thêm còn có hơn 2.100 người phạm tội giết người, hơn 1.300 người phạm tội hiếp dâm, hơn 2.600 người cướp giật, hơn 500 người trộm cắp tài sản.
Ngoài ra có hơn 500 người xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, hơn 300 người phạm tội về chức vụ.
Có hơn 2.000 phạm nhân nữ trong số 18.000 phạm nhân.
Trong năm 2014 và 2015, số phạm nhân này đã nộp lại hơn 265 tỷ đồng - người nộp nhiều nhất là hơn 17 tỷ, người ít nhất là 50.000 đồng.
Bộ Công an nói tỷ lệ tái phạm tội, trung bình từ 2002 đến 2012 là khoảng 3,02%, nhưng đang giảm theo chiều hướng dưới 1%.
Quyết định đặc xá năm 2015 được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký.
Thông tấn xã Việt Nam nói quá trình xem xét đặc xá “đảm bảo chặt chẽ, công khai, công bằng, minh bạch và dân chủ”.
Trong đợt này, theo Thông tấn xã, có 34 người nước ngoài được đặc xá, trong đó đông nhất là 16 người Trung Quốc, 6 người Lào, 6 Malaysia.
Ngoài ra có công dân các nước gồm 1 Campuchia, 1 Thái Lan, 2 Australia, và 2 Philippines.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét