Pages

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

Bắc Kinh bịt miệng những luật sư « chuyên gây rối »

mediaAmnesty International biểu tình trước Sứ quán Trung Quốc tại Bangkok ngày 06/08/2015, đòi Bắc Kinh trả tự do cho hàng trăm luật sư bảo vệ nhân quyền bị bắt giữ.AFP/ Nicolas ASFOURI
Theo tổ chức Ân xá Quốc tế, có khoảng 220 nhà bảo vệ và đấu tranh vì nhân quyền bị triệu tập hay bị bắt giam tại Trung Quốc. Tờ Le Monde, dưới tựa đề « Bắc Kinh bịt miệng những luật sư " gây rối " » đăng trong số ra hôm nay, trích dẫn nhận định của một luật sư Trung Quốc, cho biết : « Đây là làn sóng trấn áp tồi tệ nhất đối với giới luật sư từ những năm 1980 ».





Le Monde bắt đầu bằng trường hợp của Cai Ying, một người quen bị các nhân viên An ninh Nhà nước triệu tập, vì vị luật sư này thường xuyên xử lý những hồ sơ nhạy cảm. Ông đã từng đề cập tới trường hợp cán bộ của tỉnh Hồ Nam nơi ông sinh sống bị tra tấn để thú nhận hành vi tham nhũng. Cai Ying cũng vậy, ông thường xuyên bị tra tấn.
Năm 2012, vì công kích cách xét xử của các quan tòa địa phương, ông đã bị biệt giam gần ba tháng, bị trói trên « ghế hổ » treo lơ lửng trên trần nhà trong vòng nhiều giờ, hai bàn tay bị trói trên một tấm ván cho tới khi không chịu được nữa. Sợ hãi trở thành thói quen đối với luật sư Cai Ying. Ông quen với những lời hăm dọa, thường xuyên tự hỏi có bị theo dõi khi buổi tối từ văn phòng về nhà hay điện thoại và các phương tiện làm việc khác có bị nghe lén hay không.
Thế nhưng, « buổi làm việc » ngày 14/07 vừa qua không giống như những lần trước. Hai nhân viên ép ông về đồn, nhưng luật sư từ chối. Vì thế, họ làm việc ngay tại văn phòng của ông. Họ tỏ ra lịch sự với hàng nghìn câu hỏi, cứ như họ chưa biết gì về đời tư của ông.
Cuối cùng, họ chỉ « yêu cầu » ông hai việc : Thứ nhất, không được đăng tin gì trên các mạng xã hội về hai luật sư Vương Vũ (Wang Yu) và Chu Thế Phong (Zhou Shi-feng) thuộc văn phòng luật Phong Thụy (Fengrui) ở bắc Kinh. Cả hai bị cảnh sát bắt ngày 10/07, vì bào chữa cho một trợ lý người Trung Quốc, Trương Mạc (Zhang Miao), của tờ tạp chí Đức Die Zeit, vì cô đã đưa tin về phong trào biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông.
Thứ hai, ông không được tiếp tục theo dõi trường hợp của một người bạn luật sư khác, Li Heping, người đã bảo vệ các thành viên của Giáo hội « thầm lặng » hay công dân bị chiếm đất đai. Nhà bảo vệ nhân quyền này cũng bặt vô âm tín từ khi bị bắt ngày 10/07 vừa qua. Anh trai của Li Heping, là một luật sư dân sự không dính líu tới các vụ việc nhạy cảm trên, cũng bốc nhiên bị bắt ngày 01/08.
Từ đầu tháng Bẩy, tổ chức Ân xá Quốc tế đã thống kê được 220 luật sư và các nhà đấu tranh đã bị triệu tập hay bị bắt giữ, một số người hiện nay vẫn chưa được thả. Đây là chiến dịch quy mô nhất chống các « luật sư chân đất » (Weiquan) và các quyền cơ bản từ những năm 1980.
Luật sư Teng Biao, hiện đang sống tại Massachusetts, nhận xét chiến dịch trên nằm trong khuôn khổ trấn áp tất cả những gì liên quan tới xã hội dân sự từ khi ông Tập Cận Bình giữ chức Chủ tịch nước vào mùa thu năm 2012. Ông nói : « Sau các tổ chức phi chính phủ, các giảng viên đại học, Internet, các nhà trí thức và nhà đấu tranh hay Giáo hội, không có gì ngạc nhiên là các luật sư bị bủa lưới vì họ nằm trong số những thành phần hoạt động tích cực nhất ».
Trong khi đó, trên các phương tiện truyền thông nhà nước, chiến dịch bôi xấu hình ảnh những luật gia trên đang đi đúng hướng. Ngày 19/07, một chương trình phóng sự chiếu trên đài CCTV giới thiệu văn phòng Phong Thụy (Fengrui) là những kẻ gây rối có khả năng « biến những vụ việc bình thường thành những vụ nhạy cảm và những vụ nhạy cảm thành những vấn đề chính trị ». Còn tờ Tân Hoa xã cáo buộc những luật sư trên là những người đam mê đi tìm « danh vọng và vinh quang ».
Theo luật sư Cai Ying, chiến dịch đàn áp này gây ra hai hậu quả nghiêm trọng. Một mặt, hình ảnh của những luật sư đấu tranh vì nhân quyền có nguy cơ bị bôi nhọ trong mắt những công dân bình thường. Mặt khác, sự tự do hành động của họ bị hạn chế, vì co cụm lại theo yêu cầu của chính quyền đồng nghĩa với việc chẳng bảo vệ được vấn đề gì nữa, ngoài ra, xác suất bị bắt giữ sẽ còn gia tăng.

Không có nhận xét nào: