Phạm Chí Dũng (Người Việt)
Trong cuộc nhậu sôi nổi vào cuối Tháng Bảy, lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng tỉnh thầm thì, “Sắp tới tôi cũng tính tìm đường rút cho êm. Gọn nhất là cứ lấy lý do sức khỏe mà từ nhiệm. Làm ăn thì đâu còn thời hoàng kim như hồi những năm 2010, 2011 muốn nâng hạ lãi suất bao nhiêu tùy ý. Ở lại bây giờ không phải đầu cũng phải tai. Bây giờ mà không hết sức che chắn có khi lại bị coi là ‘sân sau’ của mấy anh Hai, anh Ba, anh Tư, rồi coi chừng lại bị công an ‘chém’ như với mấy ông ngân hàng xây dựng hay Oceanbank vừa rồi...”
Nguyễn Sự và nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh: Internet |
Lời ta thán ấy được thốt ra ngay vào lúc ông Cao Sỹ Kiêm từ nhiệm chủ tịch hội đồng quản trị Ðông Á Bank “vì lý do sức khỏe,” cho dù sức khỏe của ngân hàng này được coi là khá ổn do được “cơ cấu” bởi cổ phần của khối đảng. Một nhân vật khác trẻ hơn nhiều và có vẻ còn dồi dào xung lực nhưng cũng xin từ nhiệm nốt là chủ tịch hội đồng quản trị Eximbank Lê Hùng Dũng.
“Khai đao”
“Người giàu phải khóc” đang ứng với cơ sự điên đảo thời nay. Những người giàu của ngân hàng - giới mà từ lâu đã bị cả báo chí nhà nước xỏ xiên là “cá mập” bởi thói đời ngồi mát ăn bát vàng nhưng lại “thắt cổ” doanh nghiệp và người dân.
Vào Tháng Bảy năm ngoái, ba người giàu nổi đột biến của ngân hàng xây dựng đã bị bắt cùng lúc. Sau đó đến Tháng Mười, “doanh nhân thành đạt” Hà Văn Thắm của Ocean Bank cũng nối gót. Ðường vào trại giam của các nhân vật này còn được phủ đầy tin đồn về mối quan hệ mật thiết với giới lãnh đạo cao cấp.
Còn Tháng Bảy năm nay, Bộ Công An bắt một lúc 4 lãnh đạo ngân hàng, 2 người trong số đó thuộc về GP Bank - được dư luận xem là “sân sau” của một quan chức cấp cao. Vài ngày sau, Nguyễn Xuân Sơn - chủ tịch Petro Việt Nam và từng là nhân vật lãnh đạo của Ocean Bank nhưng vẫn được tung tăng trong cả năm qua, đã bị công an lôi ra từ bệnh viện Bạch Mai và tống vào trại tạm giam với tội “đồng phạm với Hà Văn Thắm.”
Một hình ảnh ấn tượng quá đỗi cũng được lôi ra: chỉ trước khi bị bắt 10 ngày, ông Nguyễn Xuân Sơn còn thung dung ký tá hợp tác với người Mỹ tại Washington, trước sự chứng kiến của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Khó có thể hiểu khác hơn rằng sự kiện ông Sơn bị cách chức rồi tống thẳng vào trại giam là một sang chấn vỗ mặt người đứng đầu đảng.
Giới ngân hàng thêm một phen rúng động trong sang chấn của chiến dịch tống giam lãnh đạo nhà băng kể từ năm 2012. Nếu vào năm ngoái, bầu không khí được mô tả là “nín thở,” thì năm nay, cũng không khí ấy đang bị xem là “nghẹt thở.” Nếu cả một nhân vật quá quyền thế như Bầu Kiên ở ngân hàng ACB mà còn không “binh” được đường thoát, khó có nhà ngân hàng nào dám bảo đảm được số mệnh trót lọt cho mình trong thời buổi đầy nhiễu nhương tống tiễn này.
Một lần nữa từ sau sự kiện trang blog Chân Dung Quyền Lực vào đầu năm 2015, dư luận Việt Nam lại ồn lên về một cuộc quyết đấu nội bộ đã đến hồi “khai đao.” Ngay cả báo chí nhà nước, bất chấp rào chắn dựng lên của giới tuyên giáo, cũng phải bóng gió nói về “các ông chủ ngân hàng đang như ngồi trên lửa.”
Nhưng xem ra, “ngồi trên lửa” vẫn còn là cụm từ dung dị. “Lịch sử” năm 2014 đã bắt đầu lặp lại vào Tháng Bảy “bắt ngân hàng” trong năm nay, và nếu được tái hiện trọn vẹn thì từ đây đến cuối năm 2015, trước hội nghị trung ương 12 và kỳ họp Quốc Hội, sẽ còn một số lãnh đạo ngân hàng nữa phải “nhập kho.”
Nghề nào nguy hiểm nhất?
Không hiểu từ khi nào, ngân hàng bắt đầu bị xem là “nghề nguy hiểm.” Một số nhà phân tích bình dân còn đế thêm là trong tình cảnh số muốn chạy ra nhiều hơn kẻ muốn nhào vào này, chính cái nghề “chủ tịch hội đồng quản trị” của các tập đoàn nhà nước lỗ lã tan nát mới là nguy hiểm nhất.
Sau đó là giới ngân hàng.
Quả đúng như lời thì thầm của lãnh đạo chi nhánh ngân hàng trên bàn nhậu, không rớ vào thì thôi chứ đã rớ thì “trăm thằng trúng cả trăm” đều vi phạm pháp luật. Rồi cứ hàng đống tội danh vi luật ấy mà nâng qua điểm “lợi dụng chức vụ” lẫn “cố ý làm trái,” cộng thêm cái tội tày trời không có trong luật về chuyện ngân hàng này nọ là “sân sau” của những lãnh cao cấp nào đó, nhất là còn cung ứng hậu cần và hậu phương để các “anh ấy” đấu đá với nhau từ đây đến đại hội 12 của đảng... Khi ấy thì chỉ có chết!
Thật vậy, cứ nhìn vào những gì mà sự kiện trang blog Chân Dung Quyền Lực đã “diễn biến hòa bình” vào cuối năm 2014, đầu năm 2015 thì “không có gì là không thể” - tạm mượn cụm từ của Ðại Sứ Ted Osius khi nói về tương lai quan hệ Việt-Mỹ.
Ngân hàng - một trong những tiêu điểm mà Chân Dung Quyền Lực nhắm vào - làm cho người ta hoàn toàn có thể nhận thức rằng những nhân vật tự nguyện tham gia vào chiến dịch “sân sau” sẽ có số phận dao kiếm lơ lửng trên đầu. Thanh trừng chính trị đã được khởi sự bằng chiến dịch “thanh toán” nguồn thu nhập.
Nhưng báo chí nhà nước, bởi thói quen và não trạng “tự điều chỉnh” lâu năm, vẫn còn né tránh một nghề nguy hiểm - thậm chí là nguy hiểm nhất. Ðó là nghề “chính trị gia.”
“Thoát khỏi chính trường”
Không phải ngẫu nhiên mà chỉ mới từ tháng Tháng Năm, 2015 đến nay, đã có hàng loạt quan chức tự nguyện từ nhiệm “chờ nghỉ hưu”: Bí Thư Hội An Nguyễn Sự, Phạm Thế Tập thôi giữ chức bí thư thành ủy Hải Dương; Tô Văn Cường - Bí thư Huyện Ủy, chủ tịch Hội Ðồng Nhân Dân huyện Thường Tín; Nguyễn Văn Nguyệt - Bí thư Huyện Ủy, chủ tịch Hội Ðồng Nhân Dân huyện Sóc Sơn; Phạm Hùng Vỹ - Phó Bí thư Huyện ủy, chủ tịch Hội Ðồng Nhân Dân huyện Phú Xuyên; kể cả các phó chủ tịch Hội Ðồng Nhân Dân các quận, huyện: Ðông Anh, Phúc Thọ, Mê Linh, thị xã Sơn Tây, Ứng Hòa và quận Hai Bà Trưng cũng xin nghỉ hưu sớm.
Ðặc biệt, bí thư Tỉnh Ủy Quảng Nam - ông Lê Phước Thanh - vừa xin nghỉ hưu vì lý do “sức khỏe,” chỉ năm tháng sau khi giữ chức.
Trường hợp ông Thanh được xem là người có chức vụ đảng cao nhất nhằm “thoát khỏi chính trường.”
Nhưng xem ra chỉ có trường hợp tự nguyện xin nghỉ của ông Nguyễn Sự là còn để lại dấu ấn đồng cảm trong lòng dân chúng về một công bộc thật sự có tầm và có tâm.
Số còn lại, như lời bình giảng của dân gian, chẳng phải từ nhiệm bởi cao đạo tre già măng mọc, mà bởi nỗi sợ hãi bị diệt vong đang trùm lên tất cả. Hiện tượng này lại có thể dẫn đến một làn sóng rời bỏ quan trường ngày càng rộng và đi từ cấp thấp đến những cấp cao hơn, kể cả hàm bộ trưởng.
Nhưng trong bầu không khí như bị cô nén và nghẹt thở hiện thời, không chỉ những người làm chính trị chuyên nghiệp mà cả giới công an điều tra cũng bị coi là nghề nguy hiểm không kém. Sự ồn ào của dư luận về việc “phe này bắt người phe kia” tất có thể làm cho người ta hình dung về một kết cục khó có hậu của những bộ sắc phục khi tự nguyện hoặc bị bắt buộc tham dự vào vòng xoáy chính trị cùng lợi ích.
Chỉ còn 6 tháng nữa, thời điểm dự kiến khai mạc đại hội 12 của đảng cầm quyền sẽ ập đến. Song trùng với lời bình luận của một nhà phân tích dân gian về “cuộc tháo chạy thoát thân bắt đầu,” không ai và cả các chính trị gia lão luyện có thể biết được kịch bản tranh đấu nhân sự nào sẽ khả thi nhất, cũng như số phận của những người làm nghề chính trị mạo hiểm sẽ ra sao - trước, trong và cả sau đại hội 12.
Không gì là không thể...
Phạm Chí Dũng
(Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét