Pages

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Chính sách của Mỹ đối với các “quốc gia bất hảo”

kim-jong-un-generals-us-mainland-strikeplan-reveal

Trong Thông điệp Liên bang trước Quốc hội Mỹ năm 2002, Tổng thống George W. Bush đã gây chú ý khi gọi các nước Iraq, Iran và Bắc Triều Tiên với cái tên “Trục ma quỷ”. Tuy nhiên, trong những năm sau đó, Mỹ lại không đối xử với các quốc gia này theo cùng một cách. Những điểm khác biệt trong cách đối xử của Mỹ gợi lên nhiều điều.

Tổng thống Bush và các cố vấn theo đường lối cứng rắn của ông ta tin rằng chỉ có vũ lực hoặc “thay đổi chế độ” mới có thể ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố hoặc những chương trình chế tạo vũ khí giết người hàng loạt của các “quốc gia bất hảo” này. Vì vậy, tháng 3 năm 2003, Mỹ đưa quân vào Iraq, biến Iraq thành một quốc gia gần như nội chiến triền miên trong suốt hơn một thập niên, tạo ra một chính quyền trung ương bất lực ở Baghdad và bây giờ là sự xuất hiện của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tại Iran, Tổng thống lúc đó là Mohammad Khatami, người theo đường lối chính trị ôn hòa, đã đề xuất những điều lẽ ra có thể đã là một thỏa thuận hợp lý để kiểm soát chương trình hạt nhân của quốc gia này. Nhưng Tổng thống Bush và các cộng sự của ông ta thiên về biện pháp gây sức ép lên Iran bằng các lệnh trừng phạt cũng như các đe dọa quân sự, và mọi hy vọng về một giải pháp thương lượng hòa bình đã tan biến khi Madmoud Ahmadinejad kế nhiệm Khatami vào năm 2005. Chỉ khi Hassan Rouhani, một tổng thống theo đường lối ôn hòa khác, nhậm chức vào năm 2013 thì hi vọng về một pháp thương lượng hòa bình mới sống lại.

May mắn thay, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không bỏ lỡ những cơ hội đến với ông. Thật sự, thỏa thuận đạt được với Iran vừa rồi, sau những bước tiến ngoại giao vượt bậc với Myanmar và Cuba, có thể sẽ khiến cho những người cho rằng nước Mỹ đang trong tình trạng trượt dốc phải suy nghĩ lại.

Nhưng còn với Bắc Triều Tiên, thành viên cuối cùng trong trục khét tiếng đó, thì sao? Với chính quyền Tổng thống Bush, Thỏa thuận khung Geneva, được Bắc Triều Tiên và Mỹ ký vào năm 1994 với mục đích đóng băng hoạt động hạt nhân của Bắc Triều Tiên cũng như dần xóa bỏ các lò phản ứng nước nặng, là một hành động xoa dịu của chính quyền Clinton “ngây thơ”. Chính quyền của Tổng thống Bush lại ưa chuộng các biện pháp cứng rắn hơn, sử dụng cái gọi là các cuộc đàm phán sáu bên bắt đầu từ năm 2003 với sự tham dự của Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc để đóng vai trò gần như một phương tiện gây sức ép. Dù không công khai bày tỏ nhưng nhiều người tin rằng các nhà hoạch định chính sách Mỹ chủ chốt muốn có sự thay đổi chế độ ở quốc gia này.

Tuy nhiên, dù Tổng thống Bush vẫn duy trì thái độ cứng rắn của Mỹ đối với Iran thì ông cũng đã thay đổi chiến lược trong đối phó với Bắc Triều Tiên vào năm 2006 và bắt đầu tìm kiếm một thỏa thuận – điều rõ ràng chịu tác động từ cuộc thử hạt nhân đầu tiên của Bắc Triều Tiên vào tháng 10 năm đó. Một thỏa thuận sau cùng, đạt được trong vòng đàm phán thứ mười lăm giữa sáu bên vào tháng 1 năm 2007, đã không thể được thực thi bởi Bắc Triều Tiên từ chối ký Nghị định thư về vấn đề xác minh (các lò phản ứng của Bình Nhưỡng).

Khi Tổng thống Barack Obama bước vào Nhà Trắng hồi tháng 1 năm 2009 và đề xuất “giang rộng vòng tay” đối với các “quốc gia bất hảo” của Tổng thống Bush, những người lạc quan đã hy vọng về viễn cảnh thực hiện giải trừ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên thông qua đàm phán hòa bình. Nhưng buồn thay, Bắc Triều Tiên đã quay lưng với Mỹ ít nhất ba lần kể từ đó: Bắc Triều Tiên đã thực hiện vụ thử hạt nhân thứ hai vào tháng 5 năm 2009; cho phóng một vệ tinh vào tháng 4 năm 2012 bất chấp Nghị quyết 1718 và 1874 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, và cho thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ ba vào tháng một năm 2013. Với việc Bắc Triều Tiên liên tục đe dọa biến các mục tiêu ở Mỹ, từ Hawaii đến Washington, thành “biển lửa” thì khó ai có thể duy trì được sự lạc quan.

Những kinh nghiệm với bộ ba “Trục ma quỷ” kể từ năm 2002 đã cho giới hoạch định chính sách Mỹ biết những gì? Trước hết, mong muốn “thay đổi chính sách” là có lý hơn so với nỗ lực “thay đổi chế độ”. Chính quyền Tổng thống Bush đã thay đổi chế độ ở Iraq nhưng bằng một cái giá đắt đỏ đến giờ nước Mỹ vẫn phải gánh lấy. Ngược lại, mục tiêu của Tổng thống Obama trong vấn đề Iran là khiêm tốn hơn và chỉ tập trung vào việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Điều đó đã cho ra “trái ngọt”.

Vậy, điều đó nói lên điều gì trong quan hệ với Bắc Triều Tiên? Với chiến thuật đàm phán vừa qua của chế độ nhà Kim, thật dễ hiểu khi Tổng thống Obama sẽ miễn cưỡng nếu phải thực hiện bất kỳ sáng kiến đối ngoại mới nào và có thể tin rằng đàm phán với Bắc Triều Tiên sẽ đem lại cho phe đối lập chính trị trong nước Mỹ phương tiện để làm phá sản thỏa thuận của ông với Iran.

Vậy nên hướng tiếp cận kiểu “chờ xem” có vẻ sẽ tiếp diễn. Nhưng ngồi đợi Bắc Triều Tiên sụp đổ về bản chất cũng là một chiến lược thay đổi chế độ – và cái giá của một sự sụp đổ đầy bạo lực hay hỗn loạn có thể đắt đỏ đến đáng sợ. Thực vậy, nỗi sợ về cái giá phải trả đó chính là lý do khiến Trung Quốc thụ động đến vậy trong các vấn đề liên quan đến đồng minh Bắc Triều Tiên của mình.

Nhưng thời gian không ủng hộ Mỹ. Bắc Triều Tiên tiếp tục mở rộng khối lượng dữ trự hạt nhân và phát triển công nghệ tên lửa tầm xa (hoàn toàn có thể phóng một tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công bờ Tây nước Mỹ). Tóm lại, Bắc Triều Tiên đang trở thành một mối đe dọa an ninh trực tiếp đối với Mỹ.

Do đó, lẽ ra các nhà hoạch định chính sách Mỹ chỉ nên có một mục đích giới hạn trong việc xử lý vấn đề Bắc Triều Tiên, và họ nên nhận ra rằng họ sẽ chỉ đạt được những mục đích đó khi gắn chúng với những lợi ích kinh tế dành cho chế độ nhà Kim. Đây cũng chính là lý do dẫn đến quyết định từ bỏ lựa chọn hạt nhân của Libya tháng 12 năm 2003 cũng như thỏa thuận với Iran đạt được trong năm nay.

Tất nhiên, Bắc Triều Tiên không phải là Lybia hay Iran. Nhưng nó cũng không phải là một quốc gia tách biệt với thế giới bên ngoài như trong những năm 1950 và đang chuyển một cách rõ nét sang một nền kinh tế thị trường trong những năm gần đây. Thật vậy, cho tới đầu những năm 2000, hơn bốn phần năm thu nhập hộ gia đình bình quân ở Triều Tiên gồm những nguồn thu không chính thức từ các hoạt động kinh tế thị trường. Cùng lúc đó, chế độ cũng phụ thuộc vào việc đánh thuế các hoạt động thương mại quốc tế để tồn tại.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un không phải là người có tư tưởng cải cách như Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc nhưng chế độ của ông ta đang ngày càng trở nên giống chế độ Trung Quốc bởi sự mở rộng không thể thay đổi được của các lực lượng thị trường. Điều đó chắc chắn sẽ thay đổi bối cảnh mà trong đó Kim cân nhắc thiệt hơn từ chương trình hạt nhân của mình. Phương Tây nên tạo điều kiện thuận lợi cho sự thay đổi trong những tính toán này của Kim.

Hơn nữa, việc Mỹ, Trung Quốc và Nga có thể hợp tác cùng nhau trong vấn đề đạt được thỏa thuận với Iran có thể có ích. Cụ thể, lập trường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên gần với lập trường của Mỹ hơn so với bất kỳ người tiền nhiệm nào của ông. Do sự phụ thuộc kinh tế của Triều Tiên vào Trung Quốc – vốn chiếm đến khoảng 90% thương mại của Triều Tiên hiện nay – thì việc tận dụng sự tương đồng chính sách này là rất quan trọng.

Cách tốt nhất để làm điều này là từ bỏ “sự kiên nhẫn chiến lược” và bắt đầu các liên hệ không chính thức với Triều Tiên để thăm dò ý định của Kim. Rốt cuộc, với một chế độ thất thường như Triều Tiên thì kiên nhẫn không bao giờ là một giải pháp tốt.

Nguồn: Yoon Young-Kwan, “Rapprochements with Rogue States,” Project Syndicate, 04/8/2015.

Biên dịch: Lê Công Anh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Yoon Young-Kwan, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, là giáo sư Quan hệ Quốc tế tại Trường Đại học Quốc gia Seoul.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Rapprochements with Rogue States

(Nghiên Cứu Quốc Tế)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét