Pages

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Cơn lốc chứng khoán và sự trú ẩn vào đồng đô la

Nam Nguyên, phóng viên RFA

000_Hkg10204811.jpg

Các nhà đầu tư chứng khoán theo dõi giá cổ phiếu trên bảng điện tử tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội hôm 25/8/2015.
 AFP photo




Tỷ giá tăng kịch trần ở các ngân hàng thương mại, trên thị trường chợ đen giá đô la vượt mức 22.900đ. Trong khi đó thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc thê thảm. Phải chăng Việt Nam đang thực sự rơi vào cơn lốc xoáy tiền tệ Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn của Nam Nguyên vào tối 25/8/2015, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định rằng, toàn bộ các thị trường lớn trên thế giới đang có sự điều chỉnh, Trung Quốc chỉ là một nhân tố. Tình hình liên quan đến giá dầu, cuộc chiến về giá dầu của Ả Rập Saudi và Iran.
Nhà nghiên cứu này cho rằng, tình trạng giá dầu giảm phản ánh nhiều thứ hơn, vừa là sự cạnh tranh nguồn cung của các nước sản xuất dầu, vừa là sự giảm nguồn cầu của Trung Quốc cũng làm cho giá giảm. TS Nguyễn Đức Thành tiếp lời:
“Tôi nghĩ đấy là một yếu tố lớn, còn việc Trung Quốc phá giá đồng tiền thì nó chỉ phản ánh cái kết cục hiện nay là sự khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc. Cá nhân tôi không cho rằng Trung Quốc chủ động phát động một cuộc chiến tranh tiền tệ, bởi vì Trung Quốc đang ở thế bị động chứ không phải thế chủ động trong vấn đề giảm giá. Sự giảm giá phản ánh nội tại nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu một cách nhanh hơn chính họ có thể tưởng tượng được, cũng như là giới quan sát có thể tưởng tượng được.
Đây chính là điều khó vì thế giới đang đứng trước cái ngưỡng của sự điều chỉnh. Tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam, thị trường kinh tế Việt Nam cũng đang trong khuynh hướng chung như vậy. Tôi không cho rằng Việt Nam hiện nay đang bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh tiền tệ của Trung Quốc. Bởi vì hiện nay chính sách của Việt Nam rất là rõ sau việc Trung Quốc bất ngờ điều chỉnh. Tuy nó cũng tạo ra một số bất ngờ nhưng bản thân chúng tôi, cũng như các nhà hoạch định chính sách khác của Việt Nam đã nhận ra được vấn đề cốt lõi là sự bị động, thụ động của chính phía Trung Quốc và những điều chúng tôi phân tích liên quan đến giá dầu giảm.”
Cá nhân tôi không cho rằng Trung Quốc chủ động phát động một cuộc chiến tranh tiền tệ, bởi vì Trung Quốc đang ở thế bị động chứ không phải thế chủ động trong vấn đề giảm giá.
- TS Nguyễn Đức Thành
Đánh giá về các biện pháp hạ giá đồng tiền Việt Nam và nới biên độ tỷ giá vừa qua của Ngân hàng Nhà nước, ông Bùi Kiến Thành chuyên gia tài chính hiện sống và làm việc ở Hà Nội nhấn mạnh tới thực tế sức khỏe nền kinh tế Việt Nam. Ông nói việc phá giá đồng bạc Việt Nam không hẳn chỉ là ảnh hưởng ngoại lai, mà Ngân hàng Nhà nước đã có cơ hội nhân thể Trung Quốc phá giá, để có thể vượt ra ngoài cam kết không hạ giá quá 2% trong năm 2015. Với các quyết định phá giá 1% và nới biên độ mua bán đồng đô la thêm 2% lên mức 3% là khá lớn. Chuyên gia Bùi Kiến Thành đặt câu hỏi:
“Nhưng mục đích để làm gì, nếu nói mục đích để khuyến khích hàng Việt Nam xuất khẩu thì Việt Nam có hàng gì mà xuất khẩu. Những mặt hàng tỷ lệ nội địa hóa lớn thì đâu có bao nhiêu, chỉ là nông sản thủy sản không phải là các mặt hàng chủ lực. Ngoài ra mình xuất khẩu giày dép may mặc thì nguyên liệu nhập khẩu gia công rồi xuất khẩu, tỷ lệ phần nguyên liệu nhập khẩu sẽ tăng giá lên vì đồng bạc Việt Nam mất giá, đồng đô la mua nguyên liệu sẽ đắt lên. Như vậy cộng trừ lại chưa chắc gì nó ảnh hưởng tốt cho vấn đề làm giảm giá thành của Việt Nam để tăng năng lực xuất khẩu lên. Điều này phải thận trọng chứ không phải là áp dụng một cách máy móc những nguyên lý về tiền tệ mà các nước khác áp dụng, Việt Nam mình hoàn cảnh nó khác.”
Đối với thông tin thị trường chứng khoán Việt Nam hoảng loạn mà báo chí gọi là ngày đen tối, phiên giao dịch lao dốc ngày 24/8/2015 đã làm tổng vốn hóa thị trường bị mất 60 ngàn tỷ đồng tương đương khoảng 3 tỷ USD. Nếu so với đỉnh cao giữa tháng 7 thì đến hết ngày 24/8 thị trường chứng khoán Việt Nam đã mất khoảng 7,6 tỷ USD.
Tình hình không sáng sủa
Nhận định về tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam với các biểu hiện tiêu cực vừa qua, TS Nguyễn Đức Thành nhận định:
“Tôi cho là sự điều chỉnh ở đây là do thị trường đón nhận các tin mà có thể cảm thấy là tiêu cực của bầu không khí chung đối với thị trường tài chính thế giới, sự bất ổn của Trung Quốc, kể cả các thị trường lớn như Mỹ, bản thân các nhà đầu tư cũng có những kỳ vọng mà có thể nó tiêu cực theo môi trường hiện nay thì họ có những sự điều chỉnh của họ. Thế còn diễn biến xa hơn, tôi không có khả năng dự báo được xa hơn, vì là nó tùy thuộc rất nhiều vào những kỳ vọng và tính toán của các nhà đầu tư và quan điểm của họ về tương lai, không chỉ Việt Nam mà của thế giới nữa…sự điều chỉnh hiện nay theo tôi là ngắn hạn cục bộ thôi.”
Trong câu chuyện với chúng tôi, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành có cách nhìn rất tiêu cực về thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông nói:
“Thị trường chứng khoán Việt Nam không phải là một thị trường thật mà là thị trường ảo. Giá chứng khoán dựa trên đầu cơ chứ không dựa trên sức khỏe doanh nghiệp, chỉ cần một tín hiệu không tốt thì mấy ông đầu cơ bỏ chạy. Mấy ông bán ra nhiều mà không có người mua thì tất nhiên chứng khoán phải xuống. Còn nếu những doanh nghiệp thực sự ăn nên làm ra tốt thì lại khác. Nhưng cũng có trường hợp doanh nghiệp có fundamental tốt nhưng bị ở trong tình trạng gọi là náo loạn bị stampede đạp nhau mà chạy, lúc đó là khủng hoảng những anh tốt cũng bị tai nạn do sự đạp lên nhau mà chạy thôi.”
Thị trường chứng khoán Việt Nam không phải là một thị trường thật mà là thị trường ảo. Giá chứng khoán dựa trên đầu cơ chứ không dựa trên sức khỏe doanh nghiệp, chỉ cần một tín hiệu không tốt thì mấy ông đầu cơ bỏ chạy
- Chuyên gia Bùi Kiến Thành
Cùng với cơn lốc chứng khoán, giá đô la tại các ngân hàng đã tăng hết biên độ cho phép tức 22.547 đồng. Trong khi đó ở thị trường chợ đen người mua đô la phải chịu giá tới 22.900 đồng, đây là mức chênh lệch khá cao. Chuyên gia Bùi Kiến Thành  nhận định:
“Đây là biểu hiện của vấn đề trú ẩn, thấy đồng tiền Việt Nam đương yếu như thế thì phải tìm cách trú ẩn, mua đô la hay mua vàng trú ẩn trong khi nền kinh tế bất ổn. Chuyện này xảy ra thường xuyên trong tất cả các nền kinh tế không riêng gì Việt Nam. Khi thấy tình hình kinh tế bất ổn rồi, những người có tiền không đầu tư vào chứng khoán được, vào bất động sản được, không đầu tư vào doanh nghiệp được, người ta muốn bảo vệ giá trị đồng tiền thì người ta mua đô la, mà khi người mua nhiều mà người bán ít thì tự nhiên giá nó lên… Vì vậy phải làm sao cho nền kinh tế phát triển để có nơi cho người có tiền có thể đầu tư.”
Kết thúc câu chuyện với chúng tôi, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhận định rằng, Việt Nam cần nhìn vào tình hình nội tại của mình như thế nào để làm việc, chứ không phải nhìn vào vấn đề tỷ giá trên thế giới. Chắc chắn với tình hình cả thế giới bị xáo động như thế này, nếu các nước khác người ta co lại không nhập khẩu, Việt Nam dù có xuất khẩu gì thì cũng bị teo tóp lại. Như vậy tình hình kinh tế Việt Nam từ giờ đến cuối năm không sáng sủa chút nào, mà dùng chính sách tỷ giá tiền tệ để giải quyết vấn đề kinh tế Việt Nam thì nó chỉ có tác dụng rất hạn chế.
Ông Bùi Kiến Thành cho rằng giải quyết kinh tế Việt Nam là làm sao cho doanh nghiệp phát triển, làm sao sản xuất ra những mặt hàng có thể bán được với giá phải chăng, giá cạnh tranh. Theo ông, hiện giờ Việt Nam chưa làm được và làm sao có thể làm được khi một loạt rào cản đang bao vây doanh nghiệp, từ quản lý hành chính khó khăn cho tới nạn tham nhũng và điều gọi là chi phí quan hệ chiếm tỷ lệ quá lớn trong giá thành sản xuất
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét