Pages

Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Cuộc chiến tình báo mới giữa Trung Quốc và Mỹ

Mối đe doạ liên quan tới tình báo Trung Quốc sắp có những thay đổi to lớn khi mới đây các tin tặc được cho là có liên quan tới cơ quan tình báo dân sự của Trung Quốc – Bộ An ninh quốc gia (MSS) – đã thu được hàng triệu hồ sơ cá nhân từ Văn phòng Quản lý Nhân sự Mỹ (OPM). Mặc dù chưa biết rõ tổng mức thiệt hại là bao nhiêu, vụ việc đã dấy lên bao nỗi lo sợ về lỗ hổng dữ liệu được thu thập qua quá trình kiểm tra lý lịch an ninh bảo mật, bao gồm cả thông tin liên lạc quốc gia ở nước ngoài. Các chuyên gia an ninh đã đúng khi cho rằng loại thông tin này là cả một kho báu đối với cơ quan tình báo nào đang cố gắng thâm nhập các tổ chức an ninh quốc gia Mỹ. Kho tàng này có giá trị sử dụng rất lớn, và đối với MSS, những thông tin như vậy sẽ cung cấp nền tảng cho các chiến dịch gián điệp mới chống lại nước Mỹ, qua đó chứng tỏ giá trị của mình đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc – những người luôn hoài nghi về những gì MSS có thể mang lại. Dữ liệu của OPM đã đem lại cho cơ quan tình báo Trung Quốc một cách thức mới tập trung vào các công dân Mỹ “quan trọng”, thay vì lệ thuộc vào khả năng sáng tạo của cá nhân các đặc vụ trong việc tìm cách kết nối lực lượng tình báo nội địa Trung Quốc với các chuyên gia trong lĩnh vực an ninh quốc phòng ở nước ngoài.

Những trắc trở của Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc.

Đối với giới quan sát “tay ngang”, Trung Quốc có vẻ giống như một bậc thầy về các hoạt động tình báo nhắm vào Mỹ. Điều này chỉ đúng một phần. Bởi lẽ kể từ khi Chi Mak – một kĩ sư người Mỹ gốc Hoa làm việc cho công ty quốc phòng Power Paragon – bị bắt năm 2005, FBI đã tiến hành bắt giữ hành chục người vì hoạt động gián điệp cho Trung Quốc mà gần đây nhất là vụ bắt giữ vào tháng Năm. Trong khi đó, các đối tượng người Trung Quốc thu thập dữ liệu trên không gian mạng cứ hàng tháng lại gây xôn xao, buộc các chính phủ và các công ty thừa nhận nhiều lổ hỗng thông tin to lớn còn tồn tại. Tuy nhiên MSS chỉ có thể nhận một phần nhỏ chiến thắng về phía mình. Những thành công đó chủ yếu thuộc về các cơ quan tình báo của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Theo báo cáo, các tin tặc làm việc cho các cơ quan tình báo tín hiệu PLA, như những cơ bị FBI truy tố, đã lấy cắp hàng terabyte dữ liệu của doanh nghiệp và chính phủ (1 terabyte tương đương 1.000 GB), cùng với những nhân viên thu thập thông tin tình báo của Tổng cục hai Bộ Tổng tham mưu (2PLA), đã tiến hành thâm nhập vào Lầu Năm Góc cũng như các chương trình nhạy cảm liên quan tới tàu ngầm lớp Virginia hay hệ thống chiến đấu Aegis.

Tuy nhiên, với những gì có thể đo lường được, thì bảng thành tích của MSS thật sự không có gì là to tát.

Trong những vụ án tình báo có liên quan tới người Trung Quốc tại Mỹ gần đây, MSS có lẽ chỉ liên quan tới một trường hợp duy nhất: Glenn Duffie Shriver. Và trường hợp này khó có thể gọi là thành công khi Shriver đã bị cơ quan phản gián Mỹ bắt ngay từ “vòng” thẩm tra lý lịch khi anh đang xin làm việc cho CIA vào năm 2010. Anh ta đã hai lần thất bại khi xin gia nhập vào phái đoàn của Bộ Ngoại giao Mỹ. MSS trả cho anh ta 70.000 USD nhưng đổi lại không thu thập được bất kì thông tin tình báo nào. Có vẻ số tiền này không nhiều nhưng nếu tính thêm cả những cố gắng và nỗ lực không thành công thì thật sự rất tốn kém.

Trong 3 năm qua, MSS đã mất đến 3 phó lãnh đạo cấp cao vì những vụ tai tiếng. Đầu tiên là ông Lu Zhongwei mất chức vào năm 2012 do những báo cáo cho rằng một trong những trợ lý cá nhân của ông là gián điệp cho Mỹ kể từ thập niên 1980. Tiếp theo là ông Qiu Jin mất chức vào năm 2014 vì ông và một thân tín tại Văn phòng Công an Bắc Kinh đã chính trị hoá những cuộc điều tra của MSS, với mục đích ủng hộ Cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc bị giáng chức Chu Vĩnh Khang. Quá trình chính trị hoá có thể là một đặc trưng trong bộ máy an ninh của hệ thống cộng sản, thế nhưng Đặng Tiểu Bình đã tạo ra MSS vào năm 1983 với mục đích ban đầu là nhằm tách nhóm tình báo Trung Quốc ra khỏi chuyển động chính trị nội bộ, tập trung vào hợp pháp hoá lực lượng phản gián và thu thập tin tình báo từ nước ngoài. Đầu năm nay, trong một cuộc điều tra tham nhũng, cựu Thứ trưởng Bộ An ninh Trung Quốc là Ma Jian (Mã Kiện) cũng bị phát hiện dính líu đến các giao dịch chứng khoán lợi nhuận lớn và bị cách chức. MSS có thể vượt qua cơn bão lớn như vậy nếu những hoạt động tình báo của MSS sinh lợi nhiều hơn, thế nhưng sự thật không phải thế và có lẽ các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tự hỏi liệu MSS có tiếp tục hoạt động hiệu quả hay không.

Những thiếu sót trong hoạt động thu thập thông tin tình báo Trung Quốc

Hầu hết các hoạt động thu thập thông tin tình báo Trung Quốc đều xuất phát từ bên trong phạm vi quốc gia, ngay cả những hoạt động nhắm vào các chính phủ và quân đội nước ngoài. Trái với kịch bản quá quen thuộc là nhân viên tình báo giả làm các nhà ngoại giao làm việc tại thủ đô các nước, các sĩ quan tình báo Trung Quốc thường xuyên tiếp cận mục tiêu ngay tại đất nước mình dưới nhiều hình thức khác nhau. Có thể dưới dạng nhân viên văn phòng ở thành phố, những học giả nghiên cứu sách lược (think tank scholars), doanh nhân hay thậm chí đôi khi họ không cần bất cứ vỏ bọc nào để che dấu thân phận liên quan đến tình báo của mình. Nhìn lại lịch sử gián điệp Trung Quốc, chỉ có 2 trường hợp mà chúng ta biết (hiện có khả năng có trường hợp thứ 3 tại Đài Loan) là những nhân viên người nước ngoài được tuyển dụng bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Quá nhiều điệp viên được tuyển dụng bên trong Trung Quốc hiển nhiên sẽ tạo ra những điểm mù, và các kĩ năng cần thiết cho cách thức tiếp cận này hoàn toàn khác xa chu trình “gián điệp ngoại giao” thông thường. Hệ quả hiển nhiên nhất là những nguồn thông tin tình báo này sẽ phải di chuyển thường xuyên đến Trung Quốc. Mặc dù số lượng người đến Trung Quốc với bất kì lí do nào tăng lên đáng kể, những người thường xuyên đi đến Trung Quốc (đặc biệt là các quan chức chính phủ nước ngoài) thường có hồ sơ liên quan tới Trung Quốc hoặc Châu Á. Do đó, MSS có khả năng giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến Trung Quốc tốt hơn nếu so sánh với các vấn đề chính sách của Mỹ hoặc châu Âu tại Trung Đông. Các đặc vụ tiềm năng tại Trung Quốc có thể được phát hiện bằng cách sàng lọc giữa người nước ngoài đến du lịch và làm việc ở Trung Quốc – một công việc ngày càng trở nên dễ dàng hơn nhờ vào khả năng truyền tải và lùng sục dữ liệu điện tử của một người khi họ không giám sát kĩ những thiết bị cá nhân của mình.

MSS giống như những cơ quan ngang bộ khác, cũng là một hệ thống có cơ quan trung ương được hỗ trợ bởi các sở, các phòng ở địa phương và thành phố thực hiện hầu hết các hoạt động hằng ngày của hệ thống. Năng lực và hiệu suất của những cơ sở địa phương khác nhau cũng rất khác nhau, vì mỗi nơi phải chịu trách nhiệm cho việc tuyển dụng nhân sự của riêng mình. Lấy ví dụ Văn phòng an ninh quốc gia Bắc Kinh và Thượng Hải có thể dễ dàng chọn được những sinh viên tốt nhiệp đại học tốt nhất tại Trung Quốc. Trong khi các phòng ban an ninh quốc gia tại Thiểm Tây và Cam Túc chỉ có được những nhân tài này khi các sinh viên tốt nghiệp gần đây bị buộc phải trở về phục vụ quê nhà nhờ vào chính sách quản lí di cư nội địa của Trung Quốc. Cũng có thể có những khác biệt làm nên chất lượng của các thành phần trong MSS như khả năng tiếp cận công nghệ hoặc kinh nghiệm cũng như khả năng ngoại ngữ. Vì thế mà trách nhiệm đối với an ninh quốc gia chắc chắn khác nhau ở những địa điểm khác nhau. Mặc dù Bắc Kinh có lẽ rất thích hợp cho các hoạt động tình báo nước ngoài, nhưng trước một số lượng lớn quan chức nước ngoài, doanh nhân sống và quá cảnh tại thành phố này buộc Bắc Kinh hầu như tập trung nhiều hơn vào vấn đề phản gián.

Năng lực không đồng đều của Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc đồng nghĩa rằng khả năng xác định và nghiên cứu đối tượng của các thành tố an ninh quốc gia, khi không có một bộ hồ sơ dữ liệu trung tâm, sẽ rất hạn chế. Tuy nhiên, việc nhận diện một cá nhân và xác định lý do vì sao mà họ có tiềm năng mới chỉ là bước đầu trong khâu tuyển chọn nhân sự. Các mối quan hệ cá nhân phải được phát triển, điểm yếu phải được xác định ngay hoặc có khi là phải được chủ ý tạo ra. Cuối cùng theo lời ngài cựu giám đốc tình báo Anh Richard Dearlove, một sĩ quan tình báo muốn được tuyển dụng phải “được hỏi đúng cách, bởi đúng người, trong đúng thời điểm”. Đối với nhiều cơ sở ninh quốc gia tại vùng quê, việc hoàn thành các công tác này – bao gồm cả khâu xác định đối tượng có năng lực tiềm năng – có thể vượt quá khả năng của cơ sở nếu không có sự chỉ dẫn và hỗ trợ từ trung ương.

Với việc Trung Quốc ngày càng thu hút sự quan tâm từ nước ngoài, MSS gần như chắc chắn sẽ đối mặt với việc buộc phải mở rộng các hoạt động ở nước ngoài. Một vài động thái nhỏ chẳng hạn như việc Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc xử lý vụ một người Duy Ngô Nhĩ tại Thuỵ Điển bị bắt vào cuối năm 2010, cho thấy Bộ đang dần mạnh dạn hơn trong việc theo đuổi các hoạt động tình báo nước ngoài. Tuy nhiên Bộ còn phải vượt qua rất “di sản” của sự trì trệ, bị động trong các chiến dịch bí mật ở nước ngoài. Quay lại năm 1985, Đặng Tiểu Bình đã đặt ra các giới hạn khắc nghiệt đối với những hoạt động của MSS ở các đại sứ quán Trung Quốc và các hệ thống ngoại ngao chính thức khác. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi đó đã thuyết phục ông Đặng Tiểu Bình rằng rủi ro các nhân viên MSS bị bắt khi đang tiến hành hoạt động bí mật từ các cơ sở ngoại giao chính thức có thể làm hỏng những phương diện quốc tế trong chính sách Cải cách và Mở cửa của ông. Việc xây dựng một nỗ lực thu thập thông tin vững chắc ở nước ngoài cần có thời gian và các cơ quan tình báo cũng cần được đào tạo dựa trên kinh nghiệm thực tiễn. Khả năng thực hiện chuyển tài liệu kiểu “dead drop” (một phương thức chia sẻ dữ liệu offline), trao đổi thông tin liên lạc bí mật và các dấu hiệu nhận biết giao dịch bí mật khác là rất quan trọng bởi vì một cơ quan điệp viên luôn đòi hỏi các đặc vụ đặt cược cuộc sống và sự tự do của bản thân hoàn toàn vào tay tổ chức.

Văn phòng quản lý Nhân sự Mỹ “giúp” gì cho tình báo Trung Quốc?

Hành vi trộm cắp các tập tin tài liệu và thông tin an ninh của Văn phòng quản lý Nhân sự Mỹ (OPM) về các nhân viên và cựu nhân viên chính phủ Mỹ cùng đầu mối liên lạc nước ngoài của họ trong đó có Trung Quốc, sẽ cung cấp cho MSS (hoặc các thành phần khác trong bộ máy tình báo Trung Quốc) một nguồn thông tin đáng kinh ngạc trong việc xây dựng một chương trình tình báo nhắm đến nước Mỹ. Như tôi đã đề cập ở trên, những trường hợp hiếm hoi như Glenn Duffie Shriver cho thấy đến nay, MSS vẫn đang cố gắng cho ra đời một chương trình nghiêm túc và bền vững, có khả năng đem lại những thành quả cho Bắc Kinh. Điều đó nay đã có thể thay đổi.

Một trong những chìa khoá để thành công trong lĩnh vực gián điệp của Trung Quốc đối với Đài Loan dường như nằm ở sự am tường về chính phủ, quân đội, các sĩ quan tình báo cũng như gia đình và cả những đồng nghiệp đã nghỉ hưu của Đài Loan. Trong hầu hết mọi vụ việc – bao gồm cả vụ 33 người Đài Loan bị kết án là có liên quan đến gián điệp trong 5 năm trở lại đây được giám đốc Cục An ninh Quốc gia của Đài Loan (NBS) nhấn mạnh – thì tình báo Trung Quốc đã xác định và tuyển dụng các cựu quan chức vốn có đi lại và làm việc ở đại lục, và sau đó sử dụng họ để khai thác những người đồng nghiệp còn trong chính phủ Đài Loan. Thay vì phải soi xét hàng ngàn khách du lịch Đài Loan ra vào Trung Quốc, MSS chỉ cần kiểm tra những đối tượng cần thiết. Cần lưu ý rằng vào năm 2000, giám đốc nhân sự đương thời tại cục An ninh quốc gia Đài Loan nghỉ hưu đã chuyển sang một công việc có trụ sở tại Trung Quốc. Mà ngay cả khi ông này không tiết lộ danh sách nhân sự Đài Loan, rất nhiều người khác trong cơ quan tình báo và phản gián Đài Loan cũng đã cung cấp tên và lai lịch những đồng nghiệp của họ cho tình báo Trung Quốc.

Thông tin về các cựu quan chức Mỹ với những dữ liệu an ninh trong quá khứ thậm chí có thể còn giá trị hơn thông tin về các nhân viên đương nhiệm. Đầu tiên, các cựu quan chức không gặp hạn chế trong khi du lịch hoặc yêu cầu báo cáo các đầu mối liên lạc hoặc cuộc họp với các cơ quan tình báo nước ngoài. Thứ hai, bởi vì họ có thể đi lại tự do hơn, họ có thể trả lời câu hỏi một cách ung dung, chấp nhận những câu hỏi không cần đi ngay vào nội dung hoạt động, có thời gian rộng rãi hơn đề trả lời và do đó có thể tự kiểm chứng nguồn tin. Thứ ba, các cựu quan chức hầu như chắc chắn sẽ hoạt động tốt hơn các đặc vụ gần đây mà cơ quan tình báo Trung Quốc sử dụng để tiếp cận những các thông tin mật của Mỹ. Những nguồn tin như nhân viên bán hàng nội thất tại bang Louisiana Kou Tai-shen có thể tiếp cận thông tin bằng cách của riêng mình (Kou đã khiến cho 2 sĩ quan quốc phòng Mỹ tiết lộ những thông tin mật của họ) nhưng các cựu quan chức thì không cần thiết phải có một mối quan hệ phụ thuộc trong giới an ninh quốc gia như thế. Họ có khả năng thu thập thông tin mà không “bứt dây động rừng” và đánh giá khả năng có nên tuyển dụng các đồng nghiệp cũ của mình hay không.

Thông tin liên quan đến các đầu mối liên lạc người Trung Quốc của các quan chức chính phủ Mỹ cũng góp phần nâng cao mức độ đe dọa một khi các dữ kiện bị đánh cắp của OPM rơi vào tay MSS hoặc các cơ quan tình báo Trung Quốc khác. Các nhân viên an ninh Bắc Kinh sẵn sàng bắt giữ các quan chức và công dân Mỹ tại sân bay trong một vài giờ, nhưng đằng nào họ cũng phải thả người. Tuy nhiên, đối với mọi người Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh có thể áp dụng những hình phạt khắc nghiệt hơn rất nhiều so với người nước ngoài. Điều này gây nguy hiểm đến các đầu mối liên lạc Trung Quốc có tên trong dữ liệu bị OPM đánh cắp và thành viên trong gia đình của họ. Bị đưa vào một tình trạng không thoải mái hoặc bị giam giữ trong nhiều giờ là một chuyện, biết bạn bè hoặc người thân của mình có thể bị giam giữ vô thời hạn lại là một chuyện hoàn toàn khác và nó có thể gây nên sức ép lớn. Điều này đã xảy ra với vợ một sĩ quan tình báo Đài Loan khi bà đến thăm một người bạn ở Thượng Hải vào năm 2012. Chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ và buộc bà viết thư cho chồng cầu xin anh ta đến thành phố. Viên sĩ quan vẫn ở lại Đài Loan, nhưng vợ của ông hiện vẫn ngồi trong nhà giam đại lục, bất kể những nỗ lực từ phía Đài Bắc yêu cầu thả người. Trước động thái này, không có lí do gì để nghĩ rằng Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc – đang tuyệt vọng tìm cách chứng tỏ giá trị của mình cho những nhà hoạch định chính sách bằng thông tin tình báo về Washington – sẽ “tự giác” kiềm chế không sử dụng những phương pháp hung hăng đạt được mục đích, đặc biệt là khi Bắc Kinh đang sẵn sàng chấp nhận các rủi ro lớn trong những hoạt động tình báo của họ.

Kết luận

Việc MSS có khả năng đã nắm giữ dữ liệu của OPM không đảm bảo Trung Quốc sẽ thành công trong việc thâm nhập vào chính phủ Mỹ. Tuy nhiên nó sẽ giúp gia tăng cơ hội cho cơ quan đang đứng trước sức ép này. Các bộ phận khác nhau của MSS có thể tập trung vào các mục tiêu cụ thể, thay vì nỗ lực định vị, nghiên cứu và tiếp cận từng người Mỹ khi họ bước chân vào khu vực nằm trong quyền tài phán của mình. Mỗi một thành công có thể trở nên hoàn thiện hơn so với những gì trong quá khứ.

Nguồn: Peter Mattis, “China’s New Intelligence War Against The United States”, War on the Rocks, 30/7/2015.

Biên dịch: Hoàng Cao Quyền | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Peter Mattis là nghiên cứu viên khách mời tại Chương trình Trung Quốc tại Quỹ Jamestown (Jamestown Foundation) và tác giả của cuốn sách Analyzing the Chinese Military: A Review Essay and Resource Guide on the People’s Liberation Army.

(Nghiên Cứu Quốc Tế)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét