Pages

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Giáo dục VN và ‘thói chửi' đặc 'Chí Phèo’

Đề tài đổi mới giáo dục đang được dư luận quan tâm thời gian qua
Báo, đài, truyền hình đưa cảnh những phụ huynh mệt mỏi nộp hồ sơ, mệt mỏi rút hồ sơ cho con em mình.
Facebook thì lan truyền clip của một cậu bé với tổng kết duy nhất được mọi người tung hô "Một nền giáo dục thối nát".
Nền giáo dục Việt Nam vốn dĩ khá tệ. Điều này chẳng có gì mới mẻ cả. Là một người đã từng trải qua tất cả các cấp học ở Việt Nam, tôi có thể khẳng định điều đó.

Về toán học, thế hệ chúng tôi học những môn như: Đạo hàm, tích phân, vi phân, lượng giác... mà chẳng biết để làm gì? Ra trường, đi làm, việc liên quan đến toán học duy nhất mà tôi hay làm là bấm máy tính.
Về văn học, chúng tôi phải học nói dối theo một khuôn mẫu tứ bé: Cô giáo em thì phải dáng thon thon, giọng nói dịu dàng, bà em thì dáng khom khom, tóc bạc phơ... Và chúng tôi phải thích những bài thơ, những bải văn "cách mạng" dù thật ra phần lớn chúng tôi ghét cay ghét đắng chúng.
Về sử học: Ở Việt Nam không phải là một môn khoa học, thuần túy là một môn tuyên truyền. Ngày x tháng y năm z, quân ta chiến thắng, quân địch thất bại, địch chết bao nhiêu, ta thu được bao nhiêu vũ khí, bắt được bao nhiêu tù binh... luôn luôn là như vậy!
Về ngoại ngữ: Tệ nhất! Chương trình rất nặng về ngữ pháp, nhưng kỹ năng nghe, nói thì rất tệ. Và thực ra ở nhiều nơi, chính kỹ năng của các giáo viên cũng rất tệ. Và còn rất nhiều những bất cập khác nữa...
Em trai đó có quyền nói ra những điều em ấy muốn nói, có quyền trình bày những quan điểm của mình. Tôi ủng hộ điều đó!
Nhưng tôi không tán đồng với đám đông đang tung hô em ấy, đầy hả hê.
Những lời chỉ trích, có làm nền giáo dục này đang "thối nát" trở lên "thơm phức" không? Có làm nền giáo dục này trở lên tốt đẹp hơn không? Hay chỉ đơn giản có tính giải tỏa bức xúc cho mỗi cá nhân?

'Giáo dục không phải là trồng rau'

Cái mà chúng ta cần, là những giải pháp, đâu phải là những lời chỉ trích.
Mọi năm, kỳ thi tốt nghiệp bị coi là vô ích, kỳ thi đại học bị coi là quá căng thẳng, hai kỳ thi bị coi là lãng phí.
Năm nay, hai kỳ thi được gộp lại làm một, các thí sinh có điểm rồi mới xét tuyển, cách làm tiệm cận với các nền giáo dục tiên tiến.
Mọi năm, thí sinh chỉ có một bộ hồ sơ, trượt là không có cơ hội thứ hai, năm nay các em được quyền rút hồ sơ, được thay đổi lựa chọn ban đầu. Nhưng mọi người than mệt, than rắc rối. Thật kỳ lạ!
Chỉ trích nền giáo dục hiện tại, nhưng lại không có hành động gì để thay đổi.
Chỉ trích nền giáo dục này thối nát. Nhưng khi một dự thảo đưa ra xin ý kiến đóng góp của xã hội, thì có bao nhiêu người chịu đọc dự thảo, chịu đóng góp ý kiến. Hay là tất cả đều coi không phải việc của mình? Và không chịu đóng góp ý kiến nhưng khi cải cách được triển khai thì lao vào chỉ trích rất hăng.
Tất nhiên những thay đổi đó còn nhiều bất cập, cần thêm sự góp ý và các giải pháp để hoàn thiện. Cải cách giáo dục không phải là trồng rau, hôm nay trồng ngày mai có thể hái, nó cần thời gian và sự giúp đỡ của cả xã hội này.
Có bạn sẽ nói với tôi. Không cần biết nấu cơm nhưng vẫn có thể nhận xét cơm ngon hay dở. Đúng! Vấn đề là "ngon" hay "dở" phải đối với số đông trong xã hội. Những lời chỉ trích theo đám đông sẽ không làm xã hội này tiến lên mà chỉ làm cho những người có đầu óc cải cách và đổi mới chùn bước.
Bởi vì, không làm gì nền giáo dục cũng bị chỉ trích là "thối nát" mà làm gì thì cũng bị chỉ trích là "cải lùi", và rất nhiều người sẽ lựa chọn "không làm gì".
Theodore Roosevelt - Vị tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ đã từng nói: "Đôi khi, điều tốt nhất ta có thể làm là quyết định đúng, điều gần như tốt nhất là quyết định sai, và điều tệ nhất là chẳng làm gì cả".
Muốn thay đổi, xin hãy chỉ trích một cách xây dựng và đưa ra các giải pháp. Hoặc là ít nhất chỉ trích bằng cách chỉ ra những điểm bất hợp lý, cần khắc phục.
Xin đừng như Chí Phèo!
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét