Pages

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Henry Kissinger: Mỹ luôn “ủ mưu” làm tan rã nước Nga

Cựu Ngoại trưởng, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger đã có những nhận định mang tính “xổ toẹt” về chính sách của Mỹ và châu Âu về Ukraine. Theo đó, phương Tây không đếm xỉa gì tới quan hệ của Nga với các nước láng giềng.

“Làm tan rã nước Nga đã luôn là điều (mà giới chức Mỹ) tích hợp trong các mục tiêu dài hạn. Nếu như chúng ta hành xử nghiêm túc với Nga – một quốc gia ở vị thế nước lớn, bước đi đầu tiên mà chúng ta phải làm là xác định sự cần thiết phải xoa dịu mối quan ngại của Moskva”, cựu chính khách Mỹ bày tỏ trong bài phỏng vấn dài với tờ tạp chí tên tuổi “National Interest” (Lợi ích Quốc gia).


Vị quan chức Ngoại giao 92 tuổi, người từng rất nổi bật dưới thời Tổng thống Richard Nixon, đã cáo buộc phương Tây không chịu chấp nhận bối cảnh lịch sử đưa đến những rắc rối gần đây giữa Moskva và Kiev. “Quan hệ Ukraine - Nga luôn là một dấu ấn đặc biệt trong suy nghĩ của Nga. Không bao giờ được phép giới hạn mối bang giao đó theo kiểu giữa hai quốc gia truyền thống, kể cả trên quan điểm của Nga hay Ukraine. Vì lẽ đó, những gì đang diễn ra ở Ukraine không thể nhét vào một công thức đơn giản là áp dụng các nguyên tắc vận hành ở châu Âu phương Tây”, ông Kissinger chia sẻ.



Cựu ngoại trưởng kiêm Cố vấn ANQG Mỹ Henry Kissinger.

Ông này cũng cho phương Tây là bên gây ra xung đột ở ngay cửa ngõ Liên minh châu Âu (EU) khi chính thiết chế này đã đề xuất một thỏa thuận tự do thương mại hồi năm 2013 mà không tính đến tác động đối với Moskva, làm chia rẽ dân tộc Ukraine. “Lỗi lầm đầu tiên chính là bước đi phiêu lưu của EU. Họ không hiểu được những tác động của các tình huống do chính họ tạo ra. Những vấn đề chính trị nội bộ của Ukraine không cho phép (cựu Tổng thống) Viktor Yanukovych chấp thuận các điều khoản của EU để rồi tái đắc cử. Nga cũng không thể xem thỏa thuận này chỉ là vấn đề kinh tế thuần túy”, ông Kissinger nói.

Sự thực rồi thì ai cũng rõ. Ông Yanukovych từ chối ký thỏa thuận, EU “kinh hãi”, Nga hành xử “đầy tự tin” còn Mỹ thì lâm vào thế “bị động”. Tất cả là bởi “các bên đã hành động quá duy ý chí, dựa trên những nhận định sai lệch về đối phương và không có bất kì hoạt động thảo luận chính trị đáng kể nào”. Khi Ukraine trượt vào vòng xoáy Maidan tại thời điểm mà nước Nga dưới sự chèo lái của Putin đã xác lập được vị thế, Moskva có lý do để tin rằng phương Tây đang lợi dụng tình hình để kéo bật Ukraine khỏi quỹ đạo của Nga.


Đề cập đến khủng hoảng chưa thấy lối thoát hiện nay ở Ukraine, cựu Ngoại trưởng Mỹ một lần nữa nhắc lại đề xuất nên để Ukraine trở thành một vùng đệm hoặc là “bên trung gian” giữa Nga và phương Tây. Ông nói rằng: “Chúng ta cần nghiên cứu những khả năng về một cơ chế không liên kết quân sự tại các vùng lãnh thổ nằm giữa Nga với đường biên giới hiện nay của NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương). Phương Tây miễn cưỡng trong việc phục hồi kinh tế cho Hy Lạp và chắc chắn sẽ không để vấn đề Ukraine tự trôi đi. Ít nhất, cần tính đến khả năng hợp tác Nga – phương Tây về một Ukraine không liên kết quân sự”.


Trong khi nhấn mạnh sự cần thiết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thống nhất của Ukraine, nhà ngoại giao kì cựu người Mỹ cảnh báo phương Tây dừng ngay việc hỗ trợ, hậu thuẫn cho Kiev bằng mọi giá. Nguyên nhân là bởi “khủng hoảng Ukraine biến thành một thảm kịch do Kiev nhầm lẫn giữa lợi ích về một trật tự thế giới mới trong dài hạn và nhu cầu cấp thiết khôi phục bản sắc cho dân tộc Ukraine ở ngay trước mắt”.


Theo Hoài Thanh/RT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét