Pages

Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Lấy ý kiến người dân – Hình thức hay con đường đến dân chủ?

Cát Linh, phóng viên RFA

000_Hkg4913878-622.jpg

Một phụ nữ đi qua một bức tranh tuyên truyền về bầu cử ở trung tâm thành phố Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây.
AFP




Đây là lần thứ hai, sau lần Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, là dự thảo từng nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận với “Kiến nghị 72”, nhà nước Việt Nam tiếp tục kêu gọi lấy ý kiến người dân về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) từ ngày 17 tháng Bảy và kết thúc ngày 14 tháng Chín, 2015.

Thăm dò ý kiến ở nhiều điều khoản trong dự thảo

Luât sư Nguyễn Văn Hậu cho biết trong chương trình làm luật vừa qua, Quốc hội đã ban hành luật ban hành văn bản vi phạm pháp luật. Cho nên quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc lấy ý kiến người dân cho dự thảo bộ luật hình sự sửa đổi lần này là căn cứ vào nghị quyết 972 của Quốc hội. Và theo nhận định cá nhân trong vai trò là một luật sư, ông nói rằng:
Việc lấy ý kiến là cần thiết và phải có ý kiến của những người, những đối tượng khi họ tham gia đối tác với Việt Nam.
-LS Nguyễn Văn Hậu
“Phải lấy ý kiến của người dân.”
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, lần thăm dò ý kiến này đã nhận được nhiều hưởng ứng từ người dân và cả các tổ chức doanh nghiệp. Ngoài sự quan tâm về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân và các loại tội phạm đối với pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự đó, thì do Việt Nam có tham gia Công ước về quyền trẻ em nên dự thảo bộ luật hình sự sửa đổi lần này có thăm dò ý kiến về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, một phạm vi mà mỗi một quốc gia có một quy luật riêng.
“Lấy ý kiến về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên và các biện pháp thay thế biện pháp thay thế trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên.”
Ngoài ra, trọng tâm của những vấn đề kêu gọi tham gia góp ý vào dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi lần này bao gồm những cách xử án và hình thức kết án như trục xuất, bỏ hình phạt tử hình với 1 số tội…
Với giáo sư Tạ Văn Tài, người từng giảng dạy luật học ở Đại học Havard cho biết Bộ luật hình sự Việt Nam có rất nhiều điều khoản cần tu chính, ví dụ như những điều khoản về tuyên truyền chống Tổ quốc thì nên có những qui định cụ thể hơn.
000_Hkg10109894-622.jpg
Một phiên họp Quốc hội Việt Nam, ảnh minh họa.
“Ở các nước văn minh khi qui định thế nào là chống lại Tổ quốc thì phải có những qui định rất cụ thể chứ không thể nói một câu là vi phạm.”
Sự khác biệt trong lần lấy ý kiến người dân cho một dự thảo luật của nhà nước Việt Nam lần này là đón nhận sự góp ý của người Việt định cư ở nước ngoài, mà theo luật sư Hậu, lý do vì:
“Vì nó liên quan đến nhiều vấn đề như những đối tượng là một pháp nhân nước ngoài, hoặc những người không phải là người có quốc tịch Việt Nam khi họ sản xuất, buôn bán, quan hệ lao động. Bên cạnh đó, tình hình vi phạm pháp luật hình sự đang diễn ra trong quan hệ dân sự, kinh tế.”
Luật sư Hậu cho biết, Việt Nam hiện tại đang tham gia khoảng 3.000 điều ước quốc tế. Những điều ước này ngoài việc thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội giữa Việt Nam và thế giới thì sẽ có những liên quan đến vấn đề xâm phạm trật tự công cộng, và cả môi trường sống an lành của người dân. Với lý do đó, ông nhấn mạnh rằng:
“Việc lấy ý kiến là cần thiết và phải có ý kiến của những người, những đối tượng khi họ tham gia đối tác với Việt Nam.”

Niềm tin và sự thay đổi

Lấy kinh nghiệm quá khứ, giáo sư Tạ Văn Tài đặt câu hỏi rằng liệu lần này cũng là một hình thức hay sẽ được thực hiện một cách trọn vẹn?
“Ví dụ như tham khảo về tu chính hiến pháp. Lấy rất nhiều ý kiến, bao nhiêu là phát biểu, trong nước và hải ngoại. Nhưng cuối cùng thì không du nhập ý kiến đó vào việc tu chính hiến pháp.”
Có điều khoản phải tu chính, liệu chế độ có tu chính hay không? Hay lại ra lệnh cho những người trong Quốc hội theo lệnh Đảng lờ đi những ý kiến đó?
-GS Tạ Văn Tài
Luật sư Nguyễn Văn Hậu xác nhận vấn đề này đã xảy ra với Dự thảo Hiến pháp sửa đổi 1992. Tuy nhiên, luật sư Hậu cho biết đối với việc lấy ý kiến lần này sẽ có sự khác biệt:
“Vừa rồi đúng là có những ý kiến đóng góp. Nhưng sau đó họ cho rằng ý kiến này là xác đáng nhưng không được ghi vào dự thảo. Cho nên lần này theo luật ban hành dự thảo văn bản pháp luật thì những ý kiến đóng góp đó phải có sự phản hồi lại.”
Một câu hỏi thứ hai được Giáo sư Tạ Văn Tài đặt ra, đó là:
“Có điều khoản phải tu chính, liệu chế độ có tu chính hay không? Hay lại ra lệnh cho những người trong Quốc hội theo lệnh Đảng lờ đi những ý kiến đó?”
Khi nói về những lần thăm dò ý kiến người dân trước đây mà chính phủ Việt Nam từng thực hiện, luật sư Hậu bày tỏ nhận định cá nhân mà theo ông, đó là chủ trương nên duy trì:
“Trong những lần ý kiến khác, những người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo thông lệ quốc tế có nhiều người có những ý kiến rất là hay. Cho nên đó là nguồn để xây dựng pháp luật rất là tốt và tôi thấy là cần phải nhân rộng ra.”
Và ông cũng khẳng định rằng, một đường lối dân chủ sẽ được áp dụng trong lần lấy ý kiến Dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi lần này, đó là, những người soạn thảo phải có trách nhiệm và nghĩa vụ phản hồi lại ý kiến đóng góp đó.
“Những ý kiến đóng góp sẽ được phản hồi theo luật ban hành vi phạm pháp luật.”
Ngày 14 tháng Chín sẽ kết thúc thời gian cho người dân Việt Nam trong và ngoài nước đóng góp ý kiến về bộ luật hình sự của xã hội mà họ đang sống hoặc có những mối quan hệ đối tác. Liệu những người ấy có thể hy vọng về sự đóng góp của mình sẽ được đón nhận và thực hiện trọn vẹn hay không? Và xa hơn nữa, liệu họ có quyền mơ nghĩ về một xã hội dân chủ trong tương lai qua việc sửa đổi quan trọng này hay không
?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét