Hơn 35 năm qua, mô hình kinh tế do chính phủ kiểm soát của Trung Quốc và phương pháp tính tốc độ tăng trưởng kinh tế của chính phủ đã trải qua nhiều cải cách. Bắt đầu từ một hệ thống kế thừa từ Liên Xô cũ, Trung Quốc chuyển sang hệ thống chỉ số GDP theo tiêu chuẩn quốc tế vào cuối năm 1970. Nhưng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đều là do chính sách kích cầu của chính phủ. Đây là một việc làm không bền vững. Chúng ta đang bắt đầu thấy được hậu quả.
Tôi tốt nghiệp năm 1981 ngành kinh tế và trở thành giáo viên giảng dạy môn thống kê của trường đại học mà tôi tốt nghiệp. Các số liệu thống kê dạy ở Trung Quốc vào thời điểm đó được sao chép từ Liên Xô cũ và dựa trên lý thuyết Mác-xít. Nó chỉ thừa nhận giá trị hàng hóa được sản xuất và được gọi là Hệ thống Vật liệu Sản phẩm (MPS). MPS không tính đến ngành thương mại dịch vụ vì cho rằng ngành này không làm ra vật chất của cải cho xã hội.
Hệ thống trước đây của chính quyền cộng sản chỉ tính tổng giá trị sản xuất
Ở thời điểm đó, Liên Hiệp Quốc đặc biệt sử dụng hệ thống MPS này để công bố dữ liệu kinh tế của Liên Xô, Đông Âu, Trung Quốc và một số nước khác. Chỉ số cốt lõi của MPS là tổng giá trị sản xuất. Ví dụ, nếu một doanh nghiệp chi 70 NDT cho nguyên liệu (bao gồm nguyên liệu thô, năng lượng, chi phí khấu hao, v.v), 20 NDT tiền lương, và 10 NDT lợi nhuận thì giá trị sản xuất của họ là 100 NDT.
Chỉ số MPS có hai vấn đề. Một là định nghĩa khái niệm: tổng giá trị sản xuất bị tính nhiều lần. Ví dụ, tổng giá trị sản xuất của một doanh nghiệp khai thác than đá được tính vào tổng giá trị sản xuất của một nhà sản xuất máy móc sử dụng than đá, có tổng giá trị sản xuất được tính vào tổng giá trị sản xuất của một công ty thực phẩm sử dụng máy móc của nhà sản xuất máy móc, có tổng giá trị sản xuất một lần nữa được tính vào tổng giá trị sản xuất của các doanh nghiệp bán thức ăn, và giá trị sản xuất cứ bị tính trùng lặp như vậy.
Hậu quả của gói kích cầu kinh tế 4 nghìn tỷ NDT đã trở nên hiển hiện: một số lượng lớn các dự án bất động sản bỏ không, sản xuất dư thừa, và các khoản nợ rất lớn của chính quyền địa phương.
Vấn đề thứ hai là định nghĩa hoạt động: Một sản phẩm được hạch toán giá trị sau khi nó được “kiểm tra và lưu trữ trong hàng tồn kho”. Nó không liên quan gì đến việc liệu sản phẩm có bán ra được hay không. Điều này làm cho ngành công nghiệp có kết quả sản xuất tốt, nhưng kết quả kinh doanh lại kém. Nhà máy sản xuất báo cáo giá trị hàng hóa phát sinh khi sản phẩm về đến kho. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nếu sản phẩm không thể bán ra.
Nền kinh tế do chính phủ kiểm soát sẽ sử dụng giá trị sản xuất như là chỉ số cốt lõi. Nhưng giá trị sản xuất làm biến dạng hình ảnh thực sự của nền kinh tế. Để loại bỏ những thiếu sót của hệ thống kinh tế chỉ huy này, cải cách kinh tế bắt đầu vào năm 1978.
Hệ thống toàn cầu tính Sản lượng ròng
Khi cải cách theo hướng thị trường, Trung Quốc từ bỏ hệ thống MPS và sử dụng Hệ thống thống kê (SNA) đang được hầu hết các nước trên thế giới sử dụng. Theo phương pháp này, các doanh nghiệp chỉ tính sản lượng ròng bao gồm tiền lương cộng với lợi nhuận, được gọi là giá trị gia tăng. Cụ thể, nó là giá trị sản lượng hàng hóa bán ra trừ đi các chi phí vật liệu sử dụng. Quốc gia sẽ tổng hợp sản lượng ròng của tất cả các doanh nghiệp, bao gồm các ngành công nghiệp thương mại dịch vụ. Đây là tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Từ quan điểm chi tiêu, GDP cũng bằng với tổng lượng tiêu thụ, cộng với tổng vốn đầu tư, cộng với chi tiêu nhà nước, cộng với tổng xuất khẩu ròng.
Cải cách này đã có ý nghĩa lớn, đưa ra một thước đo phù hợp cho các hoạt động thị trường của Trung Quốc và kết nối số liệu thống kê của Trung Quốc với các tiêu chuẩn quốc tế. Tiến bộ kinh tế của Trung Quốc cũng nhờ vào cơ chế thị trường, cụ thể là các ngành xuất khẩu.
Mô hình Trung Quốc
Việc sử dụng hệ thống chỉ số GDP là một bước đi đúng hướng. Nhưng sau đó chính quyền Trung Quốc bắt đầu tính GDP như MPS. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Bắc Kinh tung ra gói kích cầu kinh tế trị giá 4 nghìn tỷ NDT. Một lượng tiền lớn cuối cùng lại rót vào các doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan chính phủ, đặc biệt là chính quyền địa phương, thông qua tài trợ và vốn vay ngân hàng. GDP duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, đạt được mục tiêu của Bắc Kinh trong một vài năm. Tất nhiên, số liệu từ Cục Thống kê cần phải được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và chính quyền trung ương chấp thuận.
Mô hình Trung Quốc dưới sự kiểm soát của chính phủ “có vẻ” tốt hơn so với nền kinh tế thị trường của phương Tây.
Tuy nhiên, hiện tại, hậu quả của gói kích thích kinh tế 4 nghìn tỷ NDT đã trở nên hiển hiện: một số lượng lớn các dự án bất động sản bỏ hoang, dư thừa công suất sản xuất, các khoản nợ rất lớn của chính quyền địa phương, v.v. GDP kích cầu này tương tự với giá trị sản lượng sản phẩm không thể bán ra dưới hệ thống kinh tế chỉ huy.
Điều này không thể áp dụng cho các quốc gia tiên tiến hơn, mặc dù không bao giờ các quốc gia dân chủ với cơ chế thị trường tiến bộ thực hiện một kế hoạch kích cầu kinh tế như Trung Quốc đã làm. Chính phủ các nước đó cũng không thể nhanh chóng và tùy tiện phân bổ số tiền lớn như vậy. Cơ quan lập pháp và các phương tiện truyền thông tất cả đều theo dõi hoạt động của chính phủ. Các doanh nghiệp phải có trách nhiệm cho việc sản xuất và có trách nhiệm đối với nhà đầu tư trong một hệ thống thị trường.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chính phủ Mỹ đã mạnh tay giải cứu thị trường tài chính và một số doanh nghiệp, nhưng không phải để cứu thị trường chứng khoán. Khi cuộc khủng hoảng qua đi, thị trường trở lại hoạt động bình thường và đã trải qua quá trình điều chỉnh, phục hồi và tăng trưởng.
Hiện nay, so với Trung Quốc, nền kinh tế Mỹ đã mạnh mẽ và năng động hơn. Tình hình chung ở châu Âu cũng khả quan hơn Trung Quốc.
Chúng ta có thể thấy rõ rằng GDP của Trung Quốc không thể so sánh với GDP của các quốc gia tiên tiến này. Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc cũng không tương đương với tốc độ tăng trưởng của các nước đó. Sự ưu việt của mô hình Trung Quốc với kế hoạch kích cầu kinh tế 4 nghìn tỷ NDT nằm ở đâu?
Khủng hoảng thị trường chứng khoán
Thật không may, sự can thiệp của chính phủ và các quy định kiểm soát lại áp dụng một lần nữa trên thị trường chứng khoán trong năm nay. Để ngăn đà tăng trưởng GDP giảm tốc và để giải quyết tình hình kinh tế khó khăn, Bắc Kinh kích thích thị trường chứng khoán thông qua một loạt các chính sách và đòn bẩy tài chính. Vì vậy, 9 nghìn tỷ NDT, hoặc nhiều hơn, đã rót vào thị trường chứng khoán, đẩy chỉ số chứng khoán lên trên 5.000.
Khi thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến sụp đổ vào ngày 12 tháng 6, Bắc Kinh tung ra gói cứu hộ tích cực thông qua một loạt các biện pháp quyết liệt, bao gồm cả cảnh sát điều tra để ngăn chặn bán cổ phiếu, mệnh lệnh hành chính cấm các cổ đông lớn không được bán cổ phiếu trong vòng sáu tháng, và thúc đẩy giá cổ phiếu blue-chip lên trong khi một nửa số công ty niêm yết vẫn ngưng giao dịch.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc không còn là một thị trường chứng khoán hoạt động theo cơ chế thị trường của nền kinh tế. Chỉ số thị trường chứng khoán không còn phản ánh biến động thị trường chứng khoán bởi vì tất cả mọi thứ được quyết định bởi chính phủ. Chính phủ có quyền lực không giới hạn để thực hiện mục tiêu riêng của mình. Sự can thiệp và kiểm soát như vậy có thể tạm thời ổn định thị trường chứng khoán, nhưng nó cũng gây thiệt hại cho thị trường chứng khoán và tài sản tài chính và niềm tin của các nhà đầu tư. Mức độ thiệt hại sẽ dần dần lộ diện.
Đây là một bản dịch tóm tắt từ bài viết của Ren Ze được xuất bản trên China in Perspective . Ren Ze trước đây là một nhà thống kê ở Trung Quốc và là một nhà báo chuyên viết về các vấn đề thời sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét