Pages

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

Nga ra đòn "ăn miếng trả miếng" với Mỹ

(VnMedia) Việc cung cấp hệ thống tên lửa phòng thủ S-300 của Nga cho Iran là một vấn đề thương mại - đã được quyết định từ lâu và nó không ảnh hưởng gì tới Mỹ vì các tổ hợp tên lửa này hoàn toàn chỉ nhằm mục đích phòng thủ. Thông tin trên vừa được Phó Giám đốc Học viện Nghiên cứu Mỹ và Canada – Thiếu Tướng Pavel Zolotaryov đưa ra hôm qua (21/8). 
Chuyên gia này đã đưa ra bình luận trên sau khi người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ - ông John Kirby tuyên bố Mỹ phản đối việc Nga bán hệ thống tên lửa S-300 cho Iran.

Hợp đồng bàn giao hệ thống tên lửa S-300 cho Iran có thể sẽ được ký kết lại vào tuần tới, theo đó, từ giờ đến cuối năm, Tehran có thể tiếp nhận 4 hệ thống tên lửa S-300.

“Washington từng thuyết phục Moscow rằng lá chắn tên lửa của họ triển khai ở Đông Âu là không nhằm vào Nga mà chỉ nhằm mục đích đối phó với các mối đe dọa từ Iran. Và chúng tôi cũng đáp trả với lập luận tương tự (đối với hợp đồng S-300) rằng: Mục đích của việc Nga cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran không nhằm vào bất cứ quốc gia Trung Đông nào, trong đó có Israel – đồng minh của Mỹ”, chuyên gia trên nói. 


Ông Zolotaryov nhận định thêm rằng: “Ngược lại, những loại vũ khí do Iran nắm giữ sẽ giúp tăng cường an ninh (cho Trung Đông), bởi vì đây là một yếu tố giúp ngăn chặn những kẻ có ý định giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran cũng như vấn đề vũ khí hóa học của Syria bằng biện pháp quân sự”.

“Nếu ông Muammar Gaddafi có trong tay các hệ thống phòng không này, chính quyền của ông ta có lẽ là đã có khả năng ngăn chặn các cuộc không kích của Mỹ và NATO nhằm vào Libya trong năm 2011 và đất nước Libya đã không rơi vào khủng hoảng như hiện nay”, ông nhấn mạnh.

Theo ông, việc Iran mong muốn được sở hữu hệ thống tên lửa phòng không là hoàn toàn hợp pháp.

Thiếu Tướng trên thêm rằng: “Mặc dù Nga đã nhượng bộ với Mỹ trong việc cung cấp thông tin tình báo về Afghanistan cho Washington, và cũng như việc phá hủy vũ khí hóa học của Syria, giúp Washington tránh sa vào vũng lầy của một cuộc chiến mới, tuy nhiên mọi thứ giờ đã bị quên lãng”.

Năm 2007, Nga và Iran ký một hợp đồng cung cấp một số thiết bị liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa S-300. Nhưng đầu năm 2010, chính phủ Moscow đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu, kết hợp một số biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Iran, do nước này tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân bất chấp phản đối từ cộng đồng quốc tế.

Sau động thái này của Nga, Iran đã đâm đơn kiện tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc gia Rosoboronexport của Nga lên Tòa án Hòa giải và Trọng tài của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu tại Geneva.

Ngày 13/4, Nga quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận và xúc tiến quá trình bán hệ thống S-300 cho Tehran, sau khi cuộc đàm phán tại Geneva giữa Iran và nhóm P5-1 đạt được một số thỏa thuận nhất định.

Nga giải thích cho hành động của mình, Moscow cho biết những tiến bộ trong cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) khiến Nga không cần thiết phải cấm xuất khẩu tên lửa đất đối không cho Iran. Iran ca ngợi quyết định của Nga là một bước tiến lớn để duy trì an ninh lâu dài tại khu vực Trung Đông đang đầy rẫy các cuộc xung đột. Tuy nhiên, quyết định trên của Nga đã vấp phải sự lên án không chỉ của Mỹ mà cả Israel.

Tên lửa S-300 của Nga được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Hiện có khá nhiều quốc gia trên thế giới sở hữu hệ thống S-300 của Nga, chủ yếu là ở Đông Âu và châu Á, trong đó có Ukraine, Hy Lạp, Syria, Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam… Theo Wikipedia, ngay cả Mỹ cũng đã từng mua một hệ thống S-300V của Nga năm 1993 để đánh giá, áp dụng công nghệ để nâng cấp các hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300 là hệ thống tên lửa di động vô cùng tinh vi. S-300 có khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu tên lửa đạn đạo, đồng thời được coi là một trong những hệ thống chống máy bay mạnh nhất hiện nay với tầm bắn lên đến hơn 150 km. S-300 cũng sở hữu sức mạnh ngăn chặn cả chiến đấu cơ tàng hình.

Được xem là một trong những tên lửa quý giá nhất của Nga, S-300, hay SA-20 Gargoyles theo cách gọi của NATO, có thể bắn hạ máy bay và tên lửa đạn đạo ở tầm xa 150km và ở độ cao lên tới 27km.

S-300 khởi thủy được thiết kế để đảm bảo an ninh cho các cơ sở công nghiệp và hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận nước Nga trước máy bay tấn công của kẻ thù.

Khi lần đầu tiên được Liên Xô (cũ) triển khai vào năm 1979, S-300 được người Nga mệnh danh là “con cưng” và hiện nó vẫn là một trong những tên lửa đất đối không mạnh nhất trên thế giới. Đây cũng là một trong những loại tên lửa mà nhiều nước thèm muốn có được để bảo vệ cho vùng trời lãnh thổ của họ.

S-300 bao gồm một loạt hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa do Tổng công ty Khoa học Công nghiệp Almaz-Antey của Nga sản xuất.

Hệ thống tên lửa S-300 có thể đồng thời theo dõi đến 100 mục tiêu và xử lý được từ 12 đến 36 chiếc trong số đó. Ở những phiên bản S-300PMU1/2 trở về sau, khả năng của radar được tăng cường, theo dõi đến 300 mục tiêu và xử lý cùng lúc tới 72 vật thể bay xâm phạm.

Thời gian để triển khai S-300 là 5 phút. Các tên lửa S-300 được đặt trong những ống kim loại kín và không cần bảo trì trong suốt thời gian sử dụng./Đan Khanh (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét