Nguyễn Trần Sâm – Vài chục năm trước, khi VN bắt đầu mở cửa, thì những dòng tiền từ bên ngoài bắt đầu đổ vào đất nước này. Một trong những hệ quả thấy rõ nhất của sự đổ tiền vào là việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: nhà cửa, đường sá. Bấy giờ, các công trường bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều. Ai cũng hồ hởi, hy vọng mươi mười lăm năm sau đất nước sẽ mang một bộ mặt khang trang.
Vài chục năm đã qua đi, đến bây giờ thì đất nước ngổn ngang hơn trước. Nhìn vào cung cách làm ăn của nhà nước cũng như các công ty được dự thầu xây dựng, có thể thấy 20 năm sau quang cảnh còn ngổn ngang hơn nữa.
Sự tệ hại được “hoàn thiện hóa” khi những công trình ngàn tỉ, chục ngàn tỉ, trở thành những thứ vô dụng, thành phế tích. Những khu chợ hoành tráng, những chung cư vài ba chục tầng lầu, những bảo tàng mênh mông,… bị bỏ hoang, không ai thăm viếng. Chúng trở thành những “tượng đài” của sự lãng phí, của lòng tham và sự tệ bạc đối với những kẻ đồng tộc nghèo hèn. Những “tượng đài” làm đau lòng những người ít nhiều có chút lương tri. Những “tượng đài” như những khối u trên cơ thể của đất nước, muốn phẫu thuật để cắt bỏ cũng phải tốn mỗi cái hàng trăm tỉ.
Đã hai ba chục năm, người ta thi nhau làm những con đường. Đường tỉnh lộ, quốc lộ, rồi đường cao tốc. Có những con đường mà mỗi kilometre tốn hàng trăm tỉ hoặc hơn. Thậm chí mỗi thước vỉa hè cũng được tính bằng tiền tỉ. Nhưng kỳ lạ là đường cứ làm xong đã bắt đầu hỏng. Người ta huy động các cơ quan truyền thông hướng toàn bộ sự chú ý của dân chúng vào những cỗ xe hoán cải, cơi nới, dẫn đến quá tải, coi đó là nguyên nhân chính của việc đường hỏng. Đành rằng những chiếc xe này đang được lưu hành một cách phi pháp, nhưng chẳng lẽ những người thiết kế đường không tính đến sự tồn tại của những chiếc xe được sản xuất hoặc nhập hợp pháp, nhưng còn có trọng tải lớn hơn thế nữa? Thậm chí, người ta còn hướng sự chú ý của công chúng vào việc dường như có một thế lực (thù địch?) nào đó đang dùng cả nhựa thông để phá đường (với hình ảnh điều tra là cảnh ông bộ trưởng giao thông lấy tay ấn ấn xuống mặt đường để thử độ chắc, và dùng mũi ngửi để xác định hóa chất phá đường – đúng là cùng “bộ” với ông bộ trưởng dùng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón!). Bọn chúng, các thế lực đó, là bọn nào mà lắm nhựa thông đến vậy? Những con đường này, chúng như những vết lở lói, hoặc giống như những mạch máu bị bục ra trên một cơ thể bệnh hoạn.
Có một câu hỏi chỉ cần nêu ra đã có thể thấy toàn bộ bộ mặt thật của những nhóm người đang nắm độc quyền làm những con đường. Đó là: Tại sao những đoạn đường do người Mỹ (hay VNCH) làm trước 1975 đến nay vẫn không sụt lún?
Những con đường này cũng là một kiểu “tượng đài”. “Tượng đài” của sự giả dối và đểu cáng.
Nhưng ngoài những kiểu “tượng đài trong dấu nháy” trên, còn có một loại TƯỢNG ĐÀI THẬT, hiểu theo nghĩa đen của từ này, tức là những tổ hợp điêu khắc để tưởng niệm ai đó hoặc cái gì đó. Hàng trăm tượng đài như vậy, với chi phí mỗi cái hàng trăm hàng ngàn tỉ, mọc lên khắp nơi. Những “tượng đồng phơi những lối mòn”.
Ở đây, tôi không muốn bàn thêm về sự tốn kém vô ích của những tượng đài thật này, mà muốn nói về chuyện chúng có ra gì hay không, hay nhìn mà thấy ngứa mắt và rầu lòng. Về điểm này, xin được trích lời của một người trong nghề, họa sỹ Lý Trực Dũng:
“Về hình thức, cả ngàn tượng đài đều na ná giống nhau: sáo mòn, rập khuôn, cũ rích, nhàm chán, đơn điệu… Do yếu về chuyên môn nên có tượng đài càng to, càng cao càng lộ sự yếu kém, non nớt về tay nghề của tác giả tượng đài đó. Chất lượng xây dựng tượng đài hiện nay cũng là cả một vấn đề. Chúng ta đều biết vụ rút ruột khi xây tượng đài Điện Biên Phủ… Còn mới đây, một tượng lớn ở Quảng Ninh bị sét đánh vỡ lộ ra chất lượng quá tồi. Nó thể hiện sự tùy tiện, yếu kém của cơ quan hữu quan: quy hoạch, thiết kế, xây dựng, giám sát, chủ đầu tư…”
Những tượng đài mà ông Nguyễn Huệ với ông Lê Lợi giống nhau hơn là hai ông Lê Lợi ở hai nơi khác nhau. Những tượng đài người Việt mà đầu nhỏ so với thân còn hơn cả người Tây, thân thì rất bé, nhưng hai cánh tay lại to rầm, đường nét thì thô lậu. Rồi tượng đài vị lãnh tụ mặc quần mà như mặc hai váy. Tượng đài có hình bà mẹ như thân máy bay B-52,… Những thứ tượng đài đó, là tượng đài thật mà cũng muốn để vào “dấu nháy”. Chúng như những mụn ghẻ trên cơ thể đất nước. Cả chúng nữa, cũng là những “tượng đài” của sự đốn mạt.
Rồi thế hệ sau sẽ phải tốn rất nhiều tiền bạc, thời gian và công sức để phẫu thuật cắt bỏ những khối u, chữa lành những vết lở loét, loại bỏ những mụn ghẻ đó. Trong khi đó, trong những đống tiền được ném vào các thứ “tượng đài” và chui vào các túi tham, có phần khá lớn là vay của nước ngoài. Tiền đổ vào từ bên ngoài không có nghĩa là được không. Chúng quàng những món nợ vào cổ các thế hệ sau. Sẽ đến lúc người Việt phải đàm phán để hoán đảo nợ giống như Hy Lạp hiện nay, nhưng với mức sống của dân chúng thấp hơn mấy lần.
Di sản mà vài thế hệ sau tiếp nhận từ thế hệ chúng ta sẽ là một đất nước lở lói, ô nhiễm, với những món nợ không trả nổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét