Pages

Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Nội bộ Mỹ vẫn tranh cãi về đối sách chống Trung Quốc ở Biển Đông

mediaNgoại trưởng Mỹ John Kerry (T); Thượng nghị sĩ John McCain (đứng phía sau) tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, ngày 29/07/2015.Reuters
Trong thời gian gần đây, phản ứng của chính quyền Mỹ đối với các hành động bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông đã cứng rắn hơn một cách rõ rệt. Tuy vậy, theo một số nhà quan sát, trong nội bộ chính quyền Mỹ, vẫn tồn tại những bất đồng quan điểm giữa giới tướng lãnh, muốn phản ứng mạnh hơn để răn đe Trung Quốc, và giới lãnh đạo chính trị và ngoại giao, không muốn gây sứt mẻ trong quan hệ với Bắc Kinh.





Trong một bài phân tích được công bố trên mạng vào hôm qua, 31/07/2015 tờ báo Mỹ chuyên về chính trị Politico đã nêu bật quan điểm chung của Washington hiện nay là Hải quân Mỹ cho tầu thuyền hoặc phi cơ tiến vào vùng biển chung quanh hay không phận bên trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh vừa bồi đắp tại vùng Trường Sa.
Vấn đề tuy nhiên lại là, dù quan điểm chung là như vậy, nhưng trong hành động thực tế, tình hình có khác, và hiện nay một số chỉ huy cao cấp của Hải quân Mỹ trên hiện trường có mâu thuẫn với giới lãnh đạo tại Washington về nên hay không nên cho tàu Hải quân tiến hẳn vào bên trong những khu vực tranh chấp ở Biển Đông
Môt số lãnh đạo quân đội Mỹ cho rằng cần phải chứng tỏ băng hành động cụ thể quyền tự do lưu thông trên không và trên biển, trong lúc các quan chức chính phủ, hay các lãnh đạo ngoại giao thì lại dè dặt hơn, vì muốn xử lý tốt một giai đoạn khá tế nhị trong quan hệ Mỹ-Trung,
Đối với các chỉ huy quân sự, cũng như một số nghị sĩ được liệt vào diện « diều hâu », Hoa Kỳ phải cho thấy rõ thái độ không chấp nhận các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh bằng việc cho chiến hạm Mỹ tiến sâu vào bên trong vùng lãnh hải 12 hải lý chung quanh các đảo vừa bồi đắp của Trung Quốc.
Theo những người ủng hộ quan điểm cứng rắn này, nếu không làm vậy, Hoa Kỳ đã mặc nhiên chấp nhận các động thái gây bất ổn của Trung Quốc, đang khiến cho các đồng minh hay đối tác của Mỹ trong khu vực là Nhật Bản, Philippines và Việt Nam hết sức lo ngại.
Trả lời báo Politico, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, đã không ngần ngại tố cáo thái độ dè dặt của chính quyền : « Chúng ta tiếp tục giới hạn hoạt động của Hải quân Mỹ ở bên ngoài vùng 12 hải lý quanh các đảo đá đã được Trung Quốc cải tạo. Đây là một sai lầm nguy hiểm vì là một sự mặc nhiên công nhận các yêu sách chủ quyền nhân tạo của Trung Quốc ».
Quan điểm cứng rắn của Thượng nghị sĩ McCain cũng là lập trường của Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ. Ông là người ủng hộ tích cực việc phái tàu chiến tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo Trung Quốc.
Theo báo Politico, các nguồn tin từ quân đội và từ chính quyền Mỹ đã thừa nhận, trong hậu trường, rằng các bất đồng quan điểm nói trên thực sự tồn tại, và tranh luận đã nổi lên trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị sẽ có dịp gặp nhau vào tuần tới trong khuôn khổ các hội nghị của khối ASEAN tại Kuala Lumpur, và nhất là trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ công du Hoa Kỳ trong tháng Chín.
Câu hỏi đặt ra là cho đến nay, Hải quân Mỹ đã từng thách thức Trung Quốc tại khu vực Trường Sa hay chưa ? Vào tháng Năm vừa qua, Hải quân Hoa Kỳ đã xác nhận một vụ « gặp gỡ » gần vùng Trường Sa giữa chiến hạm tối tân nhất của Mỹ là chiếc USS Fort Worth, và tàu Trung Quốc. Nhưng Hải quân Mỹ vẫn giữ kín về địa điểm cụ thể nơi xẩy ra vụ chạm trán.
Thái độ cố tình mập mờ kể trên được cho là bắt nguồn từ tình hình tranh cãi vẫn chưa ngã ngũ giữa giới lãnh đạo dân sự và giới chỉ huy quân sự Mỹ, về việc có nên phản ứng mạnh trước các hành động quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông hay không.

1 nhận xét:

  1. LÊN THẲNG ĐẢO GẠC MA CHẠY CHƠI VÀI VÒNG BẰNG XE GẮN MÁY CŨNG ĐƯỢC MÀ.

    Trả lờiXóa