Pages

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Sinh con thứ 3 bị phạt và không được làm giấy khai sinh

Xuân Nguyên, thông tín viên RFA

Một số hình ảnh các em ở xã Diễn Đoài không được làm giấy khai sinh

Một số hình ảnh các em ở xã Diễn Đoài không được làm giấy khai sinh
 Photo Xuan Nguyen, RFA




Trong những ngày qua, người dân trên một số xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang phản đối việc sinh con thứ 3 trở lên bị chính quyền xã không làm giấy khai sinh cho các em để các em được đi học, còn nếu làm thì bị phạt.


Phản đối của người dân.
Chính phủ Hà Nội từng ban hành nghị định xử phạt những đối tượng sinh con thứ ba với mục đích được nói nhằm giảm tình trạng tăng dân số. Cụ thể theo Khoản 2 điều 2 Nghị định 114/2006/NĐ-CP thì: đảng viên sinh con thứ ba trở lên sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Chính phủ; thành viên của các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý theo quy định của quy chế, quy định của đoàn thể, tổ chức, và người dân sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý theo quy định của hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, xóm, cụm dân cư nơi cư trú.
Tuy nhiên, theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP (có hiệu lực kể từ 31/12/2013) thay thế Nghị định 114/2006/NĐ-CP thì không đề cập gì đến việc “xử lý việc sinh con thứ ba” nữa. Đây là một chính sách mở để đối phó với tình trạng già đi của dân số của Việt Nam trong tương lai. Do đó những quy định xử lý việc sinh con thứ 3 cũng sẽ phải thay đổi đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.
Mặc dù Chính phủ đã có Nghị định mới, không đề cập đến việc xử phạt hành chính khi sinh con thứ 3. Thế nhưng, UBND xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu (Nghệ An) vẫn dựa theo quy định cũ, bắt người dân nộp phạt, mới được làm giấy khai sinh bản sao cho con.
Chị Nguyễn Thị Bình ở xóm 6 xã Diễn Thành, huyễn Diễn Châu, Nghệ An cho biết.
“Nhà em đi làm giấy khai sinh thì họ nói là chưa nạp tiền kế hoạch hóa gia đình nên họ không làm giấy khai sinh bản sao, giấy khai sinh bản gốc thì có rồi còn giấy khai sinh bản sao để nạp cho nhà trường thì họ không làm”
Không những ở xã Diễn Thành mà ở xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu có đến gần 60 em bé từ 3 – 6 tuổi không được làm giấy khai sinh, không được đi học với lý do là gia đình không có tiền nộp phạt khi sinh con thứ 3 trở lên (mỗi em phải nạp 2 triệu đồng) dù điều này không được pháp luật quy định.
Khi đi xin giấy khai sinh cho con thứ 3 thì xã nói phạt 2 triệu VND nhưng mà sau đó tôi hỏi chủ trương này của nhà nước sao nhà nước nói không phạt sao mà bên xã nói là phạt 2 triệu VND, nhưng xã trả lời cái này là dân tự nguyện phải đóng ra 2 triệu họ mới cho giấy khai sinh
Anh Cao ở xã Diễn Đoài
Anh Cao ở xã Diễn Đoài cho biết.
“Khi đi xin giấy khai sinh cho con thứ 3 thì xã nói phạt 2 triệu VND nhưng mà sau đó tôi hỏi chủ trương này của nhà nước sao nhà nước nói không phạt sao mà bên xã nói là phạt 2 triệu VND, nhưng xã trả lời cái này là dân tự nguyện phải đóng ra 2 triệu họ mới cho giấy khai sinh, còn khi mà anh không đóng 2 triệu hoặc là gia đình anh khó khăn hộ nghèo hoặc vô dạng đặc biệt thì làm đơn thì người ta giảm cho 500.000đ là nạp 1,5 tr VNĐ khi đó họ mới cho”.
Anh Hòa ở xã Diễn Đoài tiếp lời.
“Nó bảo là qua kế hoạch sinh con thứ 3 theo kế hoạch của nhà nước nên bị phạt hành chính”.
Chị Thanh ở xã Diễn Thịnh chia sẻ thêm.
Các biểu ngữ nhắc nhở kế hoạch hóa gia đình
Các biểu ngữ nhắc nhở kế hoạch hóa gia đình
“Hồi trước 2 triệu mà làm giấy khai sinh cho trẻ thứ 3 là họ bắn về trong giấy sản lượng. Giờ bé được 8 tháng rồi mà em lên xã hỏi là giờ muốn để lấy giấy khai sinh có can gì không thì họ nói là đưa 2 triệu lên nạp là có giấy khai sinh”
Số tiền mà đóng phạt khi sinh con thứ 3 thì xã nói đây là tiền ủng hộ nhưng lại không cho dân biết tiền ủng hộ này để làm gì.
Anh Cao cho biết thêm.
“Xã nói là cái tiền ủng hộ, nhưng tiền ủng hộ này để làm cái chi vô mục đích chi thì tôi sẵn sàng tôi ủng hộ ngay. Nhưng họ không cho biết lai lịch cái đồng tiền này để làm cái gì họ nói là đẻ con thứ 3 trái pháp luật là bị phạt 2 triệu họ chỉ nói vậy thôi”
Khi người dân hỏi tiền phạt này dùng vào mục đích gì thì chính quyền xã không trả lời được và dân nhất quyết không đóng.
“Giáo dân nói là họ không đóng nhưng chính quyền bắt họ đóng, giáo dân thấy đồng tiền này không đúng với những việc họ làm nên giáo dân nói họ không đóng”
Xã bảo là nạp 2 triệu, nhưng gia đình nạp phạt bao nhiêu thì họ cũng nhận chứ không bắt phải nạp đúng số tiền đó, nếu đây là quy định của xã thì làm gì có chuyện lấy không đúng vậy.
Anh Hòa chia sẻ.
“Cũng có nhà thì nộp 500.000đ cũng có nhà nạp 1tr VNĐ, 1,5tr VNĐ nó lấy lung tung chứ không lấy được 2tr VNĐ”
Bên cạnh những người sinh con thứ 3 bị phạt thì lại có những gia đình sinh con thứ 3 đi làm giấy khai không bị phạt vì có người thân là cán bộ xã.
Chị Bình cho biết.
Từ trước đến nay thì việc sinh con thứ 3 đã bao giờ vi phạm hành chính đâu, chỉ những người làm trong cơ quan nhà nước mới bị gọi là cảnh cáo phạt về đảng thôi
luật sư Trần Thu Nam
“Họ vẫn làm được giấy khai sinh, hình như ông của họ xuống họ vẫn làm bình thường dù vẫn có giấy nộp phạt lần thứ 3”
Ý kiến của chính quyền và luật sư.
Để tìm hiểu thông tin chúng có liên lạc với bà Nguyễn Thị Liên phó trưởng phòng tư pháp huyện Diễn Châu bà cho biết.
“Cái việc phạt là theo quy định của pháp luật chứ không phải là miễn phạt là phạt còn trường hợp cụ thể cô không nói cụ thể được cái phạt luôn luôn theo quy định của pháp luật về lĩnh vực đăng ký quản lý hộ tịch”.
Cô Nguyễn Thị Liên cho biết đây là không phải chủ trương của huyện mà là do pháp luật quy định, tuy nhiên theo quy định mới của pháp luật không đề cập đến việc phạt khi sinh con thứ 3 nữa.
“Không phải cái việc phạt là chủ trương của huyện mà phạt do văn bản chủ trương của nhà nước”.
Để tìm hiểu thêm về các quy định của pháp luật chúng tôi có liên lạc với luật sư Trần Thu Nam và luật sư cho biết.
“Từ trước đến nay thì việc sinh con thứ 3 đã bao giờ vi phạm hành chính đâu, chỉ những người làm trong cơ quan nhà nước mới bị gọi là cảnh cáo phạt về đảng thôi ”
Còn đối với những việc cán bộ không làm giấy khai sinh cho các em chưa nạp phạt thì luật sư cho biết thêm.
“Việc đó là vi phạm nhân quyền”
Tình trạng các địa phương tùy tiện giải thích và áp dụng luập phát tại Việt Nam diễn ra lâu nay, nhất là tại những vùng nông thôn, vùng sâu - vùng xa nơi mà người dân bị cho là thiếu hiểu biết về pháp luật.
Thực tế ở một số xã ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An như vừa nêu cho thấy cán bộ địa phương không thực hiện tốt nhiệm vụ là giúp cho dân hiểu luật và mọi người trong xã hội kể cả các cán bộ cũng phải thực hiện khẩu hiệu mà Việt Nam đưa ra lâu nay ‘sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét