Pages

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

TQ: Tăng trưởng kì diệu đến hồi kết?

Truyền thông Trung Quốc ngày 24/8 có một sự kiện khác lạ: Tờ Nhân dân Nhật báo bản tiếng Anh cho chạy dòng tít: “Chứng khoán giảm điểm kỉ lục kể từ năm 2007 khi các giải pháp hỗ trợ của nhà nước thất bại”.
Thông tin được đưa ra sau khi chỉ số chứng khoán Shanghai Composite giảm 8,5% kết thúc phiên giao dịch cùng ngày, với hiệu ứng lan sang các thị trường tài chính, hàng hóa toàn cầu, kéo khắp từ châu Á, châu Âu cho tới Bắc Mỹ.
Bài viết trên tờ báo chính thống cũng đồng nghĩa với việc Bắc Kinh chính thức thừa nhận thất bại trong điều hành thị trường. Hơn 100 tỉ USD đã được bơm ra vẫn không đủ để “khôi phục lòng tin thị trường”. Mức độ tồi tệ chưa dừng ở đó, đằng sau sự nhảy múa của các cổ phiếu là một loạt những dữ liệu chỉ báo giai đoạn “suy thoái sâu” của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Ngôn từ hiếm gặp của một tờ báo chính thống khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Điều gì đang diễn ra? Có vẻ như tâm lý hoảng loạn đã bắt đầu xâm lấn dư luận Trung Quốc.
“Thực sự ở đây mọi người có cảm giác rằng mọi thứ đang dần chệch khỏi đường ray. Lãnh đạo Trung Quốc cố gắng hỗ trợ giá chứng khoán, phá giá đồng tiền, cùng lúc lại nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang suy giảm. Thế nhưng họ không thể có đủ tiền để thực hiện cùng lúc các mục tiêu này, có cái sẽ phải hy sinh và đó là chứng khoán đại lục”, Andrew Polk, nhà kinh tế cao cấp thuộc Tổ chức Conference Board chuyên nghiên cứu cho các tập đoàn của Mỹ, châu Âu có trụ sở tại Bắc Kinh nhìn nhận.
“Ngày thứ hai đen tối” của chứng khoán Trung Quốc xảy đến tại thời điểm khó có thể tồi tệ hơn. Đi dọc đại lục là các dấu hiệu của đình trệ. Kinh tế bắt đầu suy thoái do hệ quả của việc tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư và định hướng xuất khẩu, tệ tham nhũng kéo dài. “Công xưởng của thế giới” đã có nhiều điểm thay đổi ít thấy.
Tại nhiều nhà máy, xí nghiệp, công nhân giờ đã được cho nghỉ luân phiên, dù thời tiết không nóng tới 40 độ C (ngưỡng được nghỉ làm việc) - Lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước ở miền Đông bày tỏ và nói hài hước rằng đó là “ngày nghỉ địa phương”.
Một kĩ sư khác thì tiết lộ, công ty anh này làm việc đã hoạt động dưới công suất trong một năm qua. Nhiều công nhân lành nghề đã bị buộc phải nghỉ không lương, những lao động di cư từ các vùng nông thôn khác còn gặp khó khăn hơn nhiều.
Những câu chuyện tiểu tiết như vậy phản ánh thách thức thực sự mà Trung Quốc đang gặp phải. Nhìn rộng ra, bức tranh không được đẹp cho lắm. Từ các siêu đô thị trung tâm như Thâm Quyến tới vùng Tân Cương kém phát triển ở tây bắc, cảm giác bao trùm là thất vọng.
Tất cả những chỉ số trong một năm qua đều cho thấy một tương lai không màu hồng. Tại thời điểm tháng 6, tiêu thụ điện năng - một trong những chỉ dấu tin cậy nhất về sức khỏe nền kinh tế đại lục, ghi nhận mức tăng chậm nhất trong gần 3 thập kỉ qua. Tổng lượng hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường sắt liên tục giảm từ tháng 9/2014 trở lại đây. Xuất khẩu giảm 8,3% trong tháng 7, trong khi giá nhà đất đóng băng. Sản lượng công nghiệp, tổng mức hàng hóa bán lẻ, vốn đầu tư đều ở mức yếu.
Trong quá khứ, dự đoán về suy giảm kinh tế nghiêm trọng luôn thất bại, vì Trung Quốc đã giải quyết mọi thách thức theo cách riêng của mình. Tại đỉnh điểm của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, Trung Quốc vẫn đạt mức tăng trưởng 9,2% trong năm 2009, trong lúc Mỹ và Anh lần lượt suy giảm 2,8% và 4,3%.
Thành quả này chủ yếu dựa trên việc bơm một lượng cực lớn vốn giá rẻ vào thị trường nội địa, cùng với đó là bùng nổ đầu tư vào các dự án hạ tầng. Nhưng tác dụng phụ đi kèm những điểm đen liên quan đến tài chính, tín dụng dần tích tụ.
Tổng cục Thống kê Trung Quốc tuyên bố kinh tế nước này vẫn duy trì được mức tăng trưởng 7% trong hai quý vừa qua. Vấn đề nằm ở chỗ tính xác thực đến đâu. Theo Andrew Polk, mức tăng trưởng trên thực tế chỉ là 4% trong hai năm qua. Đối với một nền kinh tế mới nổi tăng trưởng nhanh như Trung Quốc, thì mức tăng này là tiệm cận ngưỡng suy thoái, vì “4% đó chỉ là mức tăng 0% tương ứng tại các nền kinh tế phát triển như Anh và Mỹ”.
Kinh tế Trung Quốc suy giảm sẽ tạo ra những thách thức to lớn về công ăn việc làm.
Thời kì kinh tế Trung Quốc gặp khốn khó gần nhất đã là hơn 25 năm, khi mức lạm phát lên đến 30% vào năm 1988, với hàng chục triệu người đổ về các thành phố tìm kiếm việc làm.
Thế nhưng suy thoái lần này sẽ khác, đó là tác động của nó đến kinh tế toàn cầu. Hãy quên Hy Lạp đi, những xáo động tại Trung Quốc mới là câu chuyện đáng quan tâm nhất của kinh tế thế giới trong năm 2015. Lý do là bởi Hy Lạp chỉ chiếm 0,3% kinh tế toàn cầu, trong khi con số đó của Trung Quốc là hơn 13,4%. Nội một chiếc lốp trên “cỗ xe Trung Quốc” phát nổ cũng đủ làm tổn thương bất kì ai, từ những tập đoàn xuyên quốc gia “mắc nợ” khi đặt cược vào tương lai tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tới những nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nguyên liệu thô sang Trung Quốc hoặc có giao dịch thương mại.
Chưa thể biết Trung Quốc trong thế kỉ 21 sẽ như thế nào. Liệu đà suy giảm chỉ là nhất thời và quãng thời gian đó đủ để Bắc Kinh dọn dẹp những khoản nợ xấu ngân hàng đang phình to trước khi lại vươn mình trỗi dậy; hay đó sẽ là mốc khởi đầu về sự kết thúc của giấc mộng Trung Hoa?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét