Pages

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

'Trung Quốc phải thận trọng hơn ở Biển Đông'

Chiến đấu cơ Super Hornet AF / A-18F của Mỹ chuẩn bị cất cánh từ boong tàu sân bay USS George Washington trong cuộc diễn tập hải quân thường niên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chiến đấu cơ Super Hornet AF / A-18F của Mỹ chuẩn bị cất cánh từ boong tàu sân bay USS George Washington trong cuộc diễn tập hải quân thường niên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Xung đột nếu xảy ra trong Biển Đông sẽ có hậu quả vô cùng tai hại cho thương mại thế giới, nhưng đặc biệt sẽ tác hại vô cùng nặng nề tới lĩnh vực xuất khẩu và nền kinh tế Trung Quốc, đó là kết luận của bài xã luận của tờ The Washington Post, khuyến cáo Trung Quốc nên thận trọng hơn sau những động thái mới nhất của Hoa Kỳ nhằm tìm cách răn đe tham vọng bành trướng của Trung Quốc trong Biển Đông.

Bài xã luận đăng vào khuya hôm 25/8 điểm qua những bước hành động cụ thể của Washington trong thời gian gần đây, và đơn cử một phúc trình do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi tuần trước, vạch ra chiến lược an ninh biển của Mỹ ở Á Châu-Thái Bình Dương để chống lại các hành vi khiêu khích của Trung Quốc trong khu vực.



Tờ báo nêu bật rằng phúc trình của Ngũ Giác Đài được soạn thảo do yêu cầu của quốc hội Mỹ, và những hành động của Trung Quốc chắc chắn sẽ mang lại hậu quả, mặc dù chưa biết được các cuộc ‘thử lửa’ sẽ diễn ra như thế nào, nhưng điều chắc chắn là chúng sẽ đến.

Vào cuối tháng Ba năm nay, Đô Đốc Harry Harris Jr., Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tố cáo Bắc Kinh đang xây các đảo nhân tạo trong Biển Đông với ý đồ lấn chiếm biển đảo. Đô đốc Harry Harris so sánh việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, là xây ‘Vạn lý Trường thành bằng cát' trên biển.

Giờ đây phúc trình của Ngũ Giác Đài cung cấp thêm nhiều chi tiết mới đáng lo ngại. Từ tháng 12 năm 2013 khi Trung Quốc khởi sự lấp biển xây đảo. Trung Quốc đã nới rộng 7 trong số 8 cơ sở của nước này tại quần đảo Trường Sa, và cho tới tháng 6 năm nay, đã tạo ra hơn 2.900 mẫu anh đất đai, vượt xa các công trình tương tự của các nước khác, kể cả Việt Nam. Chỉ nội trong 20 tháng, Trung Quốc đã tạo ra một diện tích đất đai lớn gấp 17 lần diện tích đất tân tạo của các tất cả các nước khác cộng lại trong 40 năm qua.

Nếu các đảo nhân tạo này trở thành các tiền đồn quân sự với đầy đủ các bến cảng và đường băng cho tàu chiến phi cơ quân sự, thì Trung Quốc có thể củng cố các tuyên bố chủ quyền của mình trong vùng biển này, và như thế, họ đặt ra một thách thức nghiêm trọng cho Hoa Kỳ, và do đó Mỹ đã cam kết sẽ bảo vệ quyền tự do hàng hải tại đây.

Ngũ Giác Đài lưu ý rằng Trung Quốc đã sử dụng lực lượng tuần duyên của họ theo từng bước tiến tuần tự để tăng quyền kiểm soát trong vùng biển tranh chấp mà không làm cho căng thẳng leo thang căng thẳng thành một cuộc xung đột quân sự.

Trong khi đó, hãng tin Reuters hôm nay tường thuật rằng giàn khoan dầu nước sâu gây nhiều tranh cãi trong cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc hồi năm ngoái, sẽ tiếp tục khoan tại một địa điểm gần bờ biển Việt Nam.

Giàn khoan dầu Hải Dương 981, vốn được dời đi nơi khác hồi tháng 7 năm ngoái, lại được kéo trở lại vùng biển này hồi tháng 6 năm nay để thăm dò dầu khí.

Cục Hải sự Trung Quốc mới đây cho biết giàn khoan này sẽ tiếp tục các hoạt động hải dương cho tới ngày 20/8, tuy nhiên một thông báo mới tải lên trang mạng của Cục Hải sự Trung Quốc cho biết giàn khoan sẽ tiếp tục hoạt động ở một địa điểm chếch sang hướng Bắc cho tới ngày 20/10 năm nay.

Dựa trên những động thái đó của Trung Quốc, câu hỏi được đặt ra hiện nay, cũng được nêu lên trong kết luận của bài xã luận của tờ Washington Post, là liệu những cảnh cáo của Mỹ có đủ để thuyết phục giới lãnh đạo Trung Quốc xét lại tham vọng xây Vạn lý trường thành bằng cát trên Biển Đông hay không.

Theo Washington Post, Reuters.

(VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét