Pages

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

VNTB- Góp ý Dự thảo Luật về hội: Nhà nước cần lắng nghe

Trần Thành
 
(VNTB) - Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (VINASME) đã tổ chức góp ý Dự thảo Luật về hội.
Ông Cao Sĩ Kiêm, chủ tịch VINASME chia sẻ: “Tôi cho rằng, Nhà nước phải thấy được vai trò của hiệp hội, từ đó trân trọng tiếng nói của hiệp hội vào tạo điều kiện hơn cho hiệp hội phát huy được vai trò của mình. Khi hiệp hội có những phản biện đúng, Nhà nước cần lắng nghe”.
1.  Về Điều 9. Điều kiện thành lập hội.
Đề nghị không nên quy định lĩnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập trước đó trong cùng phạm vi hoạt động (khoản 3, Điều 9) đối với hội của các tổ chức kinh tế trên phạm vi toàn quốc.
Lý do: (i) Sẽ làm hạn chế nhiều kênh, nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp: Thực tế đã cho thấy, đối với các doanh nghiệp hoặc đơn vị sản xuất kinh doanh kể cả trong cùng một ngành nghề kinh doanh giống nhau, nhưng quan điểm phát triển doanh nghiệp, phương thức bán hàng, nhu cầu đối nội, đối ngoại cho đến văn hóa doanh nghiệp đều có sự khác nhau, thậm chí còn đối ngược nhau (đó là đặc thù của nghề nghiệp kinh doanh). 
Theo đó, mỗi tổ chức hội được thành lập đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đó và đều có sứ mệnh riêng, đều có lợi thế riêng tương thích với một nhóm doanh nghiệp, một nhóm đơn vị sản xuất kinh doanh, ngay cả nguồn lực huy động cho hoạt động của mình cũng khác nhau. Vì vậy, nếu quy định như dự thảo thì không thể đáp ứng được những yêu cầu này, và sẽ làm hạn chế nhiều kênh, nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp;
(ii) Không tạo nên được môi trường để các hội phải luôn nâng cao năng lực trong hoạt động do không có yếu tố “cạnh tranh”, không tạo được cơ chế buộc các hội phải nâng cao hiệu quả hoạt động và không khắc phục được tình trạng hoạt động theo kiểu hình thức của nhiều hội như hiện nay; (iii) Và không phù hợp với Điều 26 của Dự thảo về chia, tách, sát nhập, hợp nhất hội; (iv) Làm hạn chế quyền tự do thành lập hội theo Hiến pháp.
Vì vậy, Đề nghị bỏ khoản 3, Điều 9 hoặc điều chỉnh như sau: “3. Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lắp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động trừ thành lập hội của các tổ chức kinh tế”.
2.  Về Điều 14. Thẩm quyền cấp giấy đăng ký thành lập, chia tách, sát nhập, hợp nhất, tạm đình chỉ, giải thể, đổi tên, công nhận điều lệ và chức danh người đứng đầu hội.
Đề nghị bỏ khoản 2. Thẩm quyền phê duyệt điều lệ hội.
Lý do: (i) Không tạo nên được sự bình đẳng giữa các hội, bởi lẽ mỗi hội được thành lập, tồn tại và phát triển đều có mục đích tự thân, tự nguyện và có vai trò riêng của mình. Và đều có những đóng góp trên từng lĩnh vực riêng của mình cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
(ii) Về mặt khoa học thì cũng không có cơ sở khoa học để lý giải, để chứng minh việc Chính phủ phê duyệt điều lệ của hội thì sẽ tác động tích cực hơn vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước hay của một ngành, lĩnh vực mà hội đó hoạt động, hay sẽ làm cho năng lực hoạt động của hội tốt hơn.   Nhưng điều đó lại rất dễ tạo nên một tâm lý bất lợi trong xã hội, trong những hội không được chính phủ phê duyệt điều lệ là Nhà nước thường quan tâm nhiều hơn, chăm lo nhiều hơn đến các hội có tính chất “nhà nước” và coi những hội đó quan trọng hơn. Điều đó sẽ bất lợi cho việc phát huy mạnh mẽ tính nghề nghiệp trong các hội (bất vụ lợi và phi chính trị) đã thành lập, đang thành lập và sẽ thành lập để đáp ứng xu thế, nhu cầu cấp thiết thực tiễn đòi hỏi. Bởi nó sẽ làm giảm đi môi trường pháp lý bình đẳng, thuận lợi cho các tổ chức hội bất vụ lợi và phi chính trị hoạt động.
3.  Về Điều 21. Ban lãnh đạo và người đứng đầu hội.
Đề nghị điều chỉnh bổ sung khoản 4 như sau: “Người đứng đầu hội là người đại diện theo pháp luật của hội, chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của hội. Người đứng đầu hội do ban lãnh đạo bầu trong các ủy viên ban lãnh đạo theo quy định của pháp luật và điều lệ hội. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và bãi miễn chức danh người đứng đầu hội trên cơ sở kết quả bầu và bãi miễn người đứng đầu hội của các ủy viên ban lãnh đạo theo quy định của pháp luật và điều lệ hội”.
Lý do: Cần khẳng định rõ việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và bãi miễn chức danh người đứng đầu hội trên cơ sở kết quả bầu, và bãi miễn người đứng đầu hội là thể hiện việc cơ quan nhà nước không can thiệp sâu vào các vấn đề nội bộ của hội, và tôn trọng nguyên tắc tự quyết của hội. Ngoài ra còn phù hợp với điều 6 của Dự thảo luật.
4.  Về Điều 27. Tạm đình chỉ
4.1 Đề nghị bỏ điểm đ, khoản 1.
Lý do: Mâu thuẫn nội bộ giữa các hội viên, thành viên trong hội kéo dài, tức là hội không tự giải quyết được, thì các hội viên, thành viên trong hội hoàn toàn có thể đề nghị tòa án giải quyết theo pháp luật. Nếu coi việc không tự giải quyết được mâu thuẫn nội bộ là lý do để cơ quan quản lý nhà nước tạm đình chỉ hoạt động hội là không hợp lý, bởi lẽ quy định pháp luật không thể có tình huống “bắt bí”, và nếu cứ quy định như vậy thì vẫn không giải quyết được mâu thuẫn nội bộ.
4.2. Đề nghị điều chỉnh điểm e, khoản 1 như sau: Không hoạt động liên tục trong vòng 12 tháng.
Lý do: Việc quy định 06 tháng như trong Dự thảo Luật là quá ngắn, không phù hợp với thời gian phán quyết của tòa án, nếu lý do không hoạt động được là do các tranh chấp, mâu thuẫn nội bộ hội phải đưa ra tòa án phân xử. Mặt khác, nếu với quyền tự quyết của hội, thì hội hoàn toàn có thể tự quyết định được việc ngừng hoạt động trong vòng 12 tháng để củng cố và giải quyết các vấn đề nội bộ. Trong trường hợp này hội chỉ cần thông báo cho cơ quan nhà nước.
4.3 Đề nghị điều chỉnh bổ sung điểm g, khoản 1 như sau: “Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quản lý tài sản, tài chính”.

Lý do: Chỉ tạm đình chỉ khi vi phạm nghiêm trọng, nếu quy định như trong Dự thảo Luật thì tất cả mọi vi phạm đều bị đình chỉ ngay, không tạo cơ hội khắc phục sửa chữa, vì thế quy định sẽ mang nặng tính chất “trừng trị” điều đó áp dụng đối với một tổ chức xã hội bất vụ lợi là không phù hợp.

Theo: Việt Nam Thời Báo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét