Pages

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

Đã đến lúc mạnh tay với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông

Nếu chúng ta để mặc Trung Quốc tiếp tục mở rộng vị thế và tham vọng [tại khu vực Biển Đông] thì chúng ta cũng đang làm ngơ trước khả năng xảy ra xung đột ở quy mô lớn hơn sau này.

Thủy thủ Trung Quốc trong nghi thức tiếp đón Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ Ray Mabus vào năm 2012. Ảnh của Sam Shavers, Trưởng nhóm Chuyên viên Truyền thông Đại chúng của Hải quân Hoa Kỳ.
Thủy thủ Trung Quốc trong nghi thức tiếp đón Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ Ray Mabus vào năm 2012. Ảnh của Sam Shavers, Trưởng nhóm Chuyên viên Truyền thông Đại chúng của Hải quân Hoa Kỳ.
Trung Quốc vẫn đang duy trì những động thái gây hấn ở Biển Đông. Cách họ đâm chìm tàu ​​đánh cá của Việt Nam hay cách họ tiếp tục nạo vét cát và san hô để bồi đắp các đảo nhân tạo đều chứng minh ý định xâm lược, thái độ hiếu chiến và thiếu tôn trọng của họ đối với các nước láng giềng trong khu vực. Với những hành động như vậy, rõ ràng chính quyền Bắc Kinh không có ý định thay đổi lập trường hay thậm chí tìm kiếm một giải pháp trung gian, công bằng để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Hoa Kỳ, trong sự hợp tác với đồng minh và đối tác ở Tây Thái Bình Dương, cần phản ứng mạnh tay hơn trước một tình hình như vậy.

Hãy bắt đầu với một số sự kiện. Yêu sách về lãnh thổ của Trung Quốc, dựa trên một bản đồ xuất hiện năm 1947 với đường lãnh hải gồm chín đoạn bao quanh Biển Đông, hoàn toàn không có cơ sở pháp lý trong thực tế. Trung Quốc chưa bao giờ là một quốc gia hướng đại dương. Nỗ lực ngắn ngủi nhằm đạt được quyền lực trên biển của quốc gia này, chính là hành trình của Đô đốc Trịnh Hòa – một thái giám đời nhà Minh, chỉ kéo dài 28 năm và đã kết thúc 650 năm trước. Đường chín đoạn vốn được khẳng định trong thời Trung Hoa Dân Quốc[1], chính quyền hiện tại ở đảo Đài Loan, sau khi nước Nhật bại trận trong Thế chiến và chính phủ Dân Quốc đã nỗ lực yêu cầu bồi thường vì những cuộc xâm lược tàn khốc của Nhật Bản trong thời chiến. Những tuyên bố như vậy đã không được công nhận bởi cộng đồng quốc tế khi ấy hay bây giờ; bởi vì bề rộng của đường lãnh hải trong yêu sách của Trung Hoa Dân Quốc phụ thuộc vào những bãi cát thấp, chỉ hiện diện khi thủy triều xuống thấp, nên không thể tiệm cận với bất kỳ cơ sở nào trong luật pháp quốc tế.

Cách Trung Quốc nỗ lực mở rộng các bãi cát bằng vật liệu nạo vét cũng không phù hợp với luật pháp quốc tế, bởi vốn không hề có tiền lệ cho phép các quốc gia có thể chủ động “tạo ra” lãnh thổ có chủ quyền hay nắm quyền sở hữu vùng nước xa hơn 12 hải lý so với phần lãnh thổ thuộc chủ quyền. Khả năng một quốc gia yêu cầu bồi thường chiến tranh bằng lãnh hải cũng đã bị luật pháp quốc tế từ chối ngay từ năm 1609, khi nhà triết học Hà Lan Hugo Grotius định hướng về mặt pháp lý vấn đề tự do hàng hải qua việc khẳng định rằng biển là “tài sản chung của tất cả” trong công trình The Free Sea.

Lời giải đáp cho truy vấn về lý do Trung Quốc muốn thiết lập chủ quyền đối với các đảo trong một lãnh hải rộng như vậy ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Bất chấp những tranh luận về nguồn cung năng lượng và thực phẩm có thể rất phong phú bên dưới những vùng nước của Biển Đông, những động thái của chính phủ Bắc Kinh ngày càng cho thấy rằng quốc gia này đang tìm cách mở rộng tầm kiểm soát trong khu vực bằng lợi thế quân sự riêng của mình và thiết lập sự thống trị đối với các quốc gia láng giềng khác. Từ Malaysia đến Đài Loan và từ Philippines sang Việt Nam, thông điệp mà chính phủ Trung Quốc muốn gửi đến những quốc gia này đều nhất quán và rõ ràng: hoặc họ phục tùng những yêu sách của Trung Quốc hoặc họ chấp nhận hậu quả. Những nỗ lực theo đuổi vỏ bọc của một lập trường “trỗi dậy trong hòa bình” ngày trước nhằm che giấu tham vọng của quốc gia này đã kết thúc. Bây giờ chỉ còn lại một nỗ lực trần trụi nhằm đạt được uy quyền và khả năng cai trị trong khu vực, nhưng tại sao lại là lúc này?

Thời gian khả dĩ để Trung Quốc lấy lại vị thế của một Siêu Cường đã gần hết. Tình hình suy thoái kinh tế, dân số ngày càng già đi, và nỗ lực chuyển tiền ra nước ngoài của tầng lớp tinh hoa trong Đảng Cộng sản Trung Quốc đều cho thấy rằng thời kỳ tăng trưởng đã qua và bất cứ ai trong tầng lớp cầm quyền đều hiểu rõ tình hình. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nỗ lực khơi dậy ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc trong lòng những kẻ cuồng tín của bằng cách tổ chức một cuộc diễu hành mừng chiến thắng của Trung Quốc trước Nhật Bản 70 năm trước, một chiến thắng mà Đảng Cộng sản Trung Quốc, không như chính phủ ở đảo Đài Loan, không hề có quyền đưa ra yêu sách bồi thường chiến tranh một cách hợp pháp.

Đây chính là lúc chính phủ Hoa Kỳ phải mạnh tay với sự ngạo mạn của Trung Quốc. Nước Mỹ nên lập tức đưa tàu chiến, có lẽ một trong những tàu khu trục Aegis tiên tiến nhất, vượt qua giới hạn 12 hải lý của một hoặc tất cả các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc nhằm chứng minh một cách rõ ràng rằng tất cả những đảo này không thuộc chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc, cả trong hiện tại và tương lai. Lực lượng tàu khu trục này đều được vũ trang toàn diện, đều sở hữu khả năng xuất sắc trong duy trì hoạt động trên biển, và có khả năng “đáp trả” những tàu cố gắng đâm vào chúng hoặc buộc chúng thay đổi hành trình. Hải quân Hoa Kỳ nên đến sẵn sàng để “dùng vũ lực với kẻ không phận sự”.

Diễn biến kiểu này không cần phải xảy ra vào lúc ông Tập chuẩn bị sang thăm Hoa Kỳ. Chúng ta khác với Trung Quốc, họ luôn cố gắng làm bẽ mặt các quan chức Hoa Kỳ trong khi khi những nhà ngoại giao ấy sang thăm Trung Quốc, qua việc thực hiện những động thái gây hấn mới, chúng ta không cần phải cúi mình thực hiện những hành vi như vậy trong khi Chủ tịch của họ ở đây. Minh chứng về quyền tự do trong cách thể hiện sức mạnh hàng hải nên diễn ra trước khi ông Tập đến nơi, giúp Tổng thống Hoa Kỳ có thêm cơ hội nhấn mạnh rằng tự do thương mại và tự do hàng hải đều là những vấn đề cốt lõi trong lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. Sau đó ông Tập có thể hồi đáp trong thiện chí, hoặc quyết định không ghé thăm nữa và từ bỏ một cơ hội đối thoại với nước Hoa Kỳ. Cần làm rõ rằng, quy ước giao chiến phải được thông báo đến mọi sĩ quan chỉ huy tàu chiến, nhưng mục tiêu chiến lược vẫn là duy trì được tiền lệ pháp lý trên các vùng biển tự do đã kéo dài 400 năm. Nếu chúng ta để mặc Trung Quốc tiếp tục mở rộng vị thế và tham vọng thì chúng ta cũng đang làm ngơ trước khả năng xảy ra xung đột ở quy mô lớn hơn sau này.

Jerry Hendrix, Defense One
Trường Sơn chuyển ngữ, CTV Phía Trước

_______

[1] Trung Hoa Dân Quốc ở đây không phải là chính quyền Đài Loan hiện tại mà là chính quyền Dân Quốc được thành lập vào năm 1912, thay thế nhà Thanh, chế độ phong kiến kéo dài hơn 2000 năm ở Trung Quốc. Đây cũng là nền cộng hòa tồn tại lâu đời nhất ở Đông Á. Trong lúc chế độ này cầm quyền tại Trung Hoa đại lục, Trung Quốc đã bị nhiều thế lực tranh giành quyền lực, và cuối cùng lao vào một cuộc nội chiến. Cuộc nội chiến này tạm kết thúc năm 1949, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát gần toàn bộ Trung Hoa đại lục trong khi chính quyền Trung Hoa Dân quốc kiểm soát đảo Đài Loan và một số đảo khác. Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố thành lập một quốc gia mới, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tại Bắc Kinh năm 1949. Còn chính quyền Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan tiếp tục khẳng định rằng đây mới là chính phủ chính thống của toàn bộ Trung Quốc.

Jerry Hendrix là Giám đốc của Chương trình Phân tích và Chiến lược Phòng thủ tại Trung tâm An ninh Mới của Hoa Kỳ, ông cũng là Đại úy Hải quân Mỹ đã về hưu, cựu giám đốc của chương trình Lịch sử Hải quân và Di sản Quyền Chỉ huy.

© 2007-2015 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét