Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc tại New York ngày 25/09/2015.REUTERS/Andrew Kelly
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Mỹ AP vào hôm qua, 28/09/2015 nhân dịp đến New York tham gia khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã công khai tố cáo việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông. Theo lãnh đạo Việt Nam, đấy là những hành động vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa an ninh hàng hải.
Phát biểu với hãng AP, ông Trương Tấn Sang nêu bật thực tế là Biển Đông đang trở thành « một điểm nóng của khu vực và thế giới », bắt nguồn từ các hoạt động của Trung Quốc « bồi đắp trên quy mô lớn để biến các đảo ngầm thành đảo rất lớn ».
Viện dẫn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Chủ tịch nước Việt Nam cho rằng : « Các hành động đó của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế » cũng như Bản Tuyên bố về cách ứng xử của trên Biển Đông ký kết năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc.
Đối với ông Trương Tấn Sang, thái độ quan ngại của Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác là điều « tất nhiên và dễ hiểu vì các hành vi của Trung Quốc ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông. »
Lớn tiếng với Trung Quốc, hòa hoãn với Hoa Kỳ
Theo ghi nhận của hãng AP, vào lúc ông có lời lẽ gay gắt với Trung Quốc, Chủ tịch nước Việt Nam đã có những tuyên bố thân thiện với Hoa Kỳ, kêu gọi Mỹ bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam và thúc giục Tổng thống Barack Obama đi thăm Việt Nam vào cuối năm :
« Lúc mà Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam sẽ là thời điểm gởi đi một tín hiệu cho toàn thế giới biết rằng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã được bình thường hóa hoàn toàn », và giữa hai nước không còn bất kỳ một sự nghi kỵ nào.
Theo ông Trương Tấn Sang, một chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama đến Việt Nam - có thể vào mùa thu tới đây khi lãnh đạo Mỹ công đến Philippines và Malaysia - cũng sẽ góp phần củng cố thêm quan hệ đối tác toàn diện giữa hai kẻ cựu thù đã từng được chính hai ông Trương Tấn Sang và Barack Obama chính thức hóa nhân dịp chủ tịch nước Việt Nam thăm Mỹ vào năm 2013.
Riêng về trở ngại nổi bật trong quan hệ Mỹ-Việt là vấn đề nhân quyền, ông Trương Tấn Sang xác định rằng Việt Nam sẵn sàng tiếp tục thảo luận về nhân quyền với Hoa Kỳ, và một chương về quyền con người hiện đã được đưa vào Hiến pháp của Việt Nam…
Cho đến nay, chính quyền Obama vẫn cho rằng Việt Nam cần phải cải thiện thêm tình trạng nhân quyền trong nước nếu muốn quan hệ hợp tác song phương đạt được tiềm năng tối đa. Nhiều nhà lập pháp Mỹ cũng cho rằng Hà Nội phải có thêm bước tiến trong địa hạt nhân quyền trước khi gia nhập khối tự do mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương TPP hiện đang được đàm phán.
ĐỪNG NGHE SANG SÂU (CSẢN VN) HOA KỲ HÃY NHÌN KỸ NHỮNG GÌ CS LÀM .
Trả lờiXóa