Pages

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Biển Đông và quan hệ Mỹ-Việt-Trung sau khi Tập Cận Bình thăm Mỹ

Sắp tới có khả năng cả Tổng thống Obama và ông Tập Cận Bình đều sang thăm chính thức Việt Nam, đây là thách thức cũng là cơ hội để Việt Nam tỏ rõ lập trường.
LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi cho Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài bình luận của ông về trục quan hệ Mỹ - Việt - Trung và Biển Đông sẽ diễn biến ra sao sau khi ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc thăm Hoa Kỳ, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Biển Đông là trung tâm của trục quan hệ giữa Việt Nam với 2 siêu cường Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hiện nay Biển Đông đang nóng lên không chỉ bởi các hành động leo thang bành trướng của Bắc Kinh trong việc theo đuổi, thúc đẩy yêu sách chủ quyền vô lý, phi pháp đường lưỡi bò bằng nhiều thủ đoạn nguy hiểm, mà còn bởi đã không có gì tiến triển trên thực tế sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Tập Cận Bình và ông Obama.

Trước hội nghị thượng đỉnh Trung - Mỹ, dư luận khu vực đã gửi gắm nhiều hy vọng vào ông chủ Nhà Trắng về những cam kết bảo vệ luật pháp và trật tự quốc tế, hòa bình và ổn định, an ninh và an toàn hàng không hàng hải trên Biển Đông. Obama cũng đã có những tuyên bố lên án đích danh hành vi leo thang phá vỡ hiện trạng, tạo ra cái gọi là "trạng thái bình thường mới" ở Biển Đông bằng cách bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa bất hợp pháp các bãi cạn, rặng san hô ở Trường Sa thành đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành.
Ông Obama và nhiều quan chức cấp cao Hoa Kỳ đã lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh làm rõ bản chất và căn cứ pháp lý yêu sách đường lưỡi bò đòi "chủ quyền" với 90% diện tích Biển Đông kia ở đâu ra. Tuy nhiên từ những phát biểu của Tập Cận Bình tại Nhà Trắng cho thấy, Trung Quốc lại càng ngông nghênh hơn, thách thức dư luận hơn trước.
Điều đó dự báo tình hình Biển Đông sẽ còn diễn biến phức tạp hơn nhiều sau chuyến thăm này khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi, liệu Tập Cận Bình và Obama đã đổi chác những gì trên Biển Đông?
2 thứ Tập Cận Bình muốn đổi chác trên Biển Đông với Mỹ
Phát biểu công khai của Tập Cận Bình về Biển Đông trước và trong khi thăm Hoa Kỳ nổi lên ba điểm chính:
Một là, khẳng định cái gọi là "chủ quyền" vô lý với quần đảo Trường Sa của Việt Nam để bảo vệ cho hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp đã và đang diễn ra. Điều này có nghĩa là Trung Quốc muốn làm gì thì làm ở Trường Sa vì họ ngụy biện đó là "lãnh thổ" của họ.
Bởi vậy, thái độ cứng rắn này của Tập Cận Bình cũng là mong muốn của ông ta rằng Mỹ hãy "tôn trọng" nó bằng cách không cho tàu chiến, máy bay đi qua phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo vừa bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp.
Hai là, ông Tập Cận Bình tuyên bố việc xây dựng, bồi lấp, lắp đặt "thiết bị" trên các đảo nhân tạo vừa bồi lấp ở Trường Sa không ảnh hưởng và cũng không nhằm vào bất cứ quốc gia nào?! Thực tế đây chỉ là trò xảo ngôn ngụy biện của nhà lãnh đạo Trung Quốc bởi hầu hết các chuyên gia, học giả, giới quan sát quốc tế đều nhìn ra ngay nguy cơ đe dọa an ninh, hòa bình, ổn định và phá vỡ trật tự, luật pháp quốc tế mà Trung Quốc gây ra ở Biển Đông.
Ba là, Tập Cận Bình cam kết không quân sự hóa, thậm chí ngược lại còn cam kết "bảo vệ tự do, an toàn hàng hải" ở Biển Đông để làm giảm lo ngại và hoãn xung phản ứng của Hoa Kỳ.
Từ những phát biểu này có thể thấy, cái thứ nhất Tập Cận Bình thực sự mong muốn đổi chác với Mỹ chính là sự "mặc nhiên thừa nhận" yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo Trường Sa của Việt Nam, mặc nhiên thừa nhận sự tồn tại của các đảo nhân tạo và công trình thiết bị trên 7 bãi đá, rặng san hô ở Trường Sa, mặc nhiên thừa nhận quy chế lãnh hải 12 hải lý vốn chỉ dành cho các đảo tự nhiên bây giờ được áp dụng cho 7 đảo nhân tạo này thông qua việc Mỹ không cho tàu chiến, máy bay đi qua phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Scott Swift và Tư lệnh Hạm đội 7 Harry Harris nhiều lần tuyên bố Mỹ sẽ tuần tra hàng không hàng hải ở bất cứ vùng biển, vùng trời quốc tế nào mà luật pháp quốc tế không cấm.
Phạm vi này bao gồm cả vùng biển, vùng trời bên trong bán kính 12 hải lý xung quanh các bãi đá, rặng san hô vốn chỉ có tối đa 500 mét an toàn mà Trung Quốc đã xây bất hợp pháp ở Trường Sa. Ông Obama cũng đã nói về khả năng này. Nhưng tất cả mới chỉ dừng ở phát ngôn, tuyên bố, dự định, khả năng chứ chưa có dấu hiệu nào trong thực tiễn. 
Tập Cận Bình rất muốn điều này không xảy ra, ít nhất Trung Quốc có thêm thời gian để tiếp tục củng cố, quân sự hóa 7 đảo nhân tạo bất hợp pháp. Về lâu dài, sự "mặc nhiên thừa nhận" này càng củng cố vị thế cho Trung Quốc ở Biển Đông, đến khi Hoa Kỳ có Tổng thống mới thì mọi sự cũng đã xong.
7 đảo nhân tạo và những pháo đài quân sự Trung Quốc xây dựng trên đó được nhiều nhà quân sự tin rằng dễ trở thành mồi ngon cho tên lửa Hoa Kỳ nếu xảy ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Biển Đông. Nhưng vấn đề đặt ra là, hiện không có lý do nào để thúc đẩy một kịch bản như vậy xảy ra, trong khi chúng lại vô cùng nguy hiểm trong những sự kiện đụng độ nhỏ lẻ do vô tình hay Trung Quốc cố ý tạo ra trong khu vực.
Khả năng đổi chác thứ hai trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong cuộc họp kín giữa Tập Cận Bình và Obama tối 24/9 đó là việc áp dụng quy chế chạm trán bất ngờ giữa tàu hải quân, máy bay quân sự hải quân hai nước ở Biển Đông sang nhóm tàu Cảnh sát biển Trung Quốc.
Đây thực sự là mong muốn của Tập Cận Bình, nhưng nếu điều này xảy ra thì hậu quả thật vô cùng tệ hại. Đô đốc Scott Swift đã tiết lộ khả năng này hôm 26/8. Năm 2014 Trung - Mỹ ký kết Quy chế về các tình huống chạm trán bất ngờ trên biển giữa hải quân hai nước, Hoa Kỳ đang quan tâm đến khả năng mở rộng quy chế này đối với hoạt động của Cảnh sát biển Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Tập Cận Bình và ông Obama, ảnh: Vivalanka.
Vấn đề đặt ra là phạm vi áp dụng Quy chế này cho Cảnh sát biển Trung Quốc ở Biển Đông đến đâu? Chắc chắn là Trung Quốc muốn áp dụng cho toàn bộ vùng biển bên trong đường lưỡi bò, nếu Mỹ đồng ý thì Bắc Kinh xem đó là sự mặc nhiên thừa nhận của Mỹ đối với đường 9 đoạn.
Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc cũng ủng hộ ý tưởng này của phía Hoa Kỳ, nhưng nói rằng ông ta không đủ thẩm quyền quyết định. Phải chăng Tập Cận Bình mới ra quyết định về việc này và đặt nó lên bàn đàm phán với Obama hôm 24/9?
Những miếng mồi Tập Cận Bình có thể chìa ra cho người Mỹ và hệ quả nếu Washington gật đầu
Trước những phát biểu của Tập Cận Bình về Biển Đông, dư luận chỉ thấy ông Obama nhắc lại những gì đã nói trước đó mà không có tiến triển hay hành động gì mới, bất chấp bức xúc và kêu gọi phản ứng cứng rắn với hành vi leo thang của Trung Quốc từ phía Lầu Năm Góc và Ủy ban Quân vụ Thượng viện. Sự án binh bất động của Hoa Kỳ trên Biển Đông đã là thành công lớn của Tập Cận Bình trong chuyến đi này.
Đổi lại, Tập Cận Bình có thể chìa ra những miếng mồi nào cho người Mỹ? Rất có khả năng để đổi lấy sự im lặng làm ngơ, án binh bất động hay chí ít là chỉ nói không làm của người Mỹ ở Biển Đông, Trung Quốc cũng sẽ im lặng làm ngơ, thậm chí ủng hộ Mỹ trong các vấn đề, điểm nóng quốc tế khác như Trung Đông, IS, Bắc Triều Tiên...
Thứ hai là Trung Quốc cam kết chia sẻ với Mỹ chi phí và trách nhiệm trong các hoạt động của Liên Hợp Quốc. Những cam kết tài chính và quân sự hoành tráng mà Tập Cận Bình tuyên bố trong họp báo chung với Obama hay trước phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cho thấy khả năng này.
Thứ ba, Tập Cận Bình đưa ra cam kết không bao giờ có thật là không quân sự hóa Trường Sa, cam kết đảm bảo tự do, an toàn hàng không hàng hải ở Biển Đông, tất nhiên là phải ngoài phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo. Thậm chí có thể là cam kết Trung Quốc sẽ không gây ra chiến tranh hay xung đột lớn với các đồng minh, đối tác mà Mỹ đã cam kết bảo vệ hay giúp đỡ để giữ thể diện cho Hoa Kỳ.
Nếu những điều này xảy ra, rõ ràng Hoa Kỳ đã vô tình tiếp tay cho Trung Quốc phá hủy Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà nhân loại mất bao nhiêu công sức, thời gian, tiền bạc để xây dựng nó chỉ với việc mặc nhiên thừa nhận 12 hải lý lãnh hải xung quanh đảo nhân tạo từ các bãi cạn, rặng san hô chỉ có vùng an toàn bán kính tối đa 500 mét.
Tệ hại hơn nữa là sự mặc nhiên thừa nhận đường lưỡi bò, tức là thừa nhận Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc mà có thể Bắc Kinh sẽ thỏa thuận, riêng Hoa Kỳ qua lại thì không cần xin phép, không bị thu tô như các nước nhỏ khác?
Một khi để Trung Quốc hiện thực hóa điều này có nghĩa là Hoa Kỳ chấp nhận Trung Quốc trở thành ông trùm ở Biển Đông, trật tự quốc tế và khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau Chiến tranh Thế giới II mà Mỹ định hình và ra sức bảo vệ sẽ bị phá vỡ. Quan trọng hơn là niềm tin của các đồng minh, đối tác Hoa Kỳ trong khu vực vốn đã lung lay sẽ bị sụp đổ hoàn toàn.
Trong khi đó, những miếng mồi Trung Quốc đưa ra thì mới chỉ là bánh vẽ và chưa chắc Bắc Kinh đã có tác động ảnh hưởng gì ghê gớm như Hoa Kỳ vẫn nghĩ. Ví dụ như trong trường hợp bán đảo Triều Tiên, bất chấp nhiều quan điểm cho rằng Bình Nhưỡng lệ thuộc vào Bắc Kinh về kinh tế, sự độc lập và thái độ ngang tàng của ông Kim Jong-un trước Trung Nam Hải cho thấy ông không phải chính khách "chư hầu" mà Tập Cận Bình muốn ép gì cũng được.
Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam trong khủng hoảng giàn khoan 981.
Hy vọng rằng đây chỉ là những lo lắng thái quá của cá nhân tôi, còn thực tế người Mỹ cũng hiểu rõ những điều được mất, lợi hại trong chuyện này. Chỉ có điều ông Obama thì sắp hết nhiệm kỳ, trong khi Putin và Tập Cận Bình lại đang bắt tay rất chặt nên có thể dẫn đến sự chần chừ, do dự nào đó trong phản ứng của Mỹ trước những diễn biến mau lẹ trên Biển Đông?
Trục quan hệ Mỹ - Việt - Trung diễn biến ra sao sau khi Tập Cận Bình đi Mỹ?
Hoài nghi có lẽ là tâm trạng chung của cả người Việt Nam, Hoa Kỳ và Trung Quốc về đối phương, đối tác trong trục quan hệ này xoay quanh những diễn biến trên Biển Đông gần đây. Với Việt Nam, hoài nghi lo ngại tăng lên sau khi Tập Cận Bình đi Mỹ và có những tuyên bố công khai thách thức chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa, né tránh Hoàng Sa và tìm cách thỏa hiệp, bắt tay với Mỹ, đó là mối quan tâm, cũng là lo ngại hàng đầu của người Việt về Biển Đông hiện nay.
Quan hệ Việt - Mỹ đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, đặc biệt là từ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ. Tuy nhiên qua những cuộc tiếp xúc, trao đổi với các học giả, nhà nghiên cứu Hoa Kỳ cũng như những phát biểu của chính khách, quan chức Mỹ tôi nhận thấy người Mỹ vẫn còn hoài nghi về thiện chí của Việt Nam cũng như chính sách đối ngoại của người Việt.
Ở cái thế của Việt Nam hiện tại không thể có chuyện liên minh với nước này chống nước kia, mà bắt buộc phải đa phương hóa đa dạng hóa quan hệ quốc tế, bắt tay với các nước lớn, với các nước láng giềng, với những nước thân thiện. Việt Nam không muốn trở thành nạn nhân "xâu xé địa chính trị" của các cường quốc. Hy vọng người Mỹ hiểu và chia sẻ điều này với Việt Nam.
Nhưng một khi ai đó bất chấp tất cả, dùng sức mạnh quân sự uy hiếp độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đe dọa chiến tranh với Việt Nam như lo ngại của học giả Joshua Kurlantzick từ Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ cảnh báo gần đây về khả năng xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì lúc đó bắt buộc Việt Nam phải tìm mọi cách bảo vệ mình, kể cả phải tính đến việc liên minh với Mỹ.
Việt Nam đã mất mát quá nhiều vì chiến tranh và hơn ai hết hiểu được sự quý giá của hòa bình, nhưng khi bị chèn ép thì người Việt buộc phải vận dụng mọi nguồn lực và sức mạnh để bảo vệ mình. Trong tình huống bị chiến tranh, xâm lược, liên minh sẽ rất cần thiết và lịch sử đã từng xảy ra, trong đó Việt Minh là một hình thức liên minh, thậm chí là liên minh giữa người Việt và người Mỹ. Hoa Kỳ đã từng hỗ trợ, giúp đỡ Việt Minh chống phát xít thời kỳ trước Cách mạng Tháng 8 là minh chứng điển hình.
Trong quan hệ Việt - Trung sự hoài nghi còn lớn hơn nhiều. Sự cảnh giác của người Việt trước hoạt động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông đã tăng lên rất nhiều sau khủng hoảng giàn khoan 981 mà Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam năm 2014 cũng như những gì đã và đang diễn ra ở Trường Sa, Hoàng Sa.
Còn với Trung Quốc lâu nay vẫn tìm cách buộc Việt Nam nằm trong vòng ảnh hưởng của họ và không muốn Việt Nam phát triển quan hệ hợp tác với các cường quốc khác, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Truyền thông báo chí nhà nước Trung Quốc đã công khai bình luận về điều này, thậm chí có cả luận điệu đe nẹt dọa dẫm kiểu nước lớn, đại Hán. Nhưng tất cả điều đó không ngăn cản được xu thế hội nhập, phát triển quan hệ đối ngoại, an ninh quốc phòng của Việt Nam với Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác. 
Chính Trung Quốc đang leo thang bành trướng ở Biển Đông, chính Trung Quốc đang ra sức phát triển và phô diễn sức mạnh quân sự ở Biển Đông, cũng chính Trung Quốc sở hữu lực lượng Cảnh sát biển vốn là một dạng lực lượng vũ trang trá hình công vụ lớn nhất khu vực đã buộc các nước ven Biển Đông, chứ không riêng Việt Nam phải tìm cách nâng cao năng lực phòng thủ cho mình. Hợp tác với Mỹ, Nhật và các nước khác lẽ dĩ nhiên phải trở thành lựa chọn ưu tiên.
Theo nhiều nguồn tin và dư luận, sắp tới có khả năng cả Tổng thống Obama và ông Tập Cận Bình đều sang thăm chính thức Việt Nam, đây là thách thức cũng là cơ hội để Việt Nam tỏ rõ lập trường của mình. Việt Nam không gây hấn, khiêu khích ai, nhưng những gì thuộc về chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì chúng ta phải kiên quyết bảo vệ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét