Pages

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Hùng Vương - Thử chấm điểm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng


Con đường quan lộ xuôn xẻ và chông gai của Thủ tướng Tấn Dũng.

Đầu năm 1995, dư luận ở Hà Nội lần đầu tiên nghe đến cái tên Nguyễn Tấn Dũng, vì khi đó, ông Dũng được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công An. Trước đó, không có mấy ai biết ông Tấn Dũng là ai.

Khi ông Tấn Dũng làm Thứ trưởng Bộ Công an, trong giới Công an, và giới thạo tin ở Hà Nội bắt đầu xì xào về ông Dũng, rằng ông nguyên là Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, rồi Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, và nay chuẩn bị sẽ làm Bộ trưởng Bộ Nội Vụ-tên Bộ Công An khi đó, thay Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ. Cái thông tin rằng ông Dũng đã từng làm Giám đốc Công an tỉnh sau này biết là sai, vì trong lý lịch của ông không có thông tin này. Chưa từng làm Công an, mà nay làm Thứ trưởng Bộ Công an thì cũng chẳng có gì lạ, vì đồng chí Lê Hồng Anh cũng đã từng là Bí thư Kiên Giang, sau đồng chí Tấn Dũng, mà sau này làm Bộ trưởng –Đại tướng Công an cơ mà. Ở các nước, dân sự chuyển sang làm Công an, Quân đội là bình thường.

Khi đó, năm 1995, Bộ Công an đang có chuyện lình xình giữa Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ, và Thứ trưởng Phạm Tâm Long. Con trai Thứ trưởng Phạm Tâm Long là Phạm Tâm Liên, nguyên thiếu tá công an, Đội trưởng thuộc Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Hà Nội, đã bị Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ chỉ đạo cho bắt giam, cùng một loạt nhân viên Công an Hà Nội, vì tội bắt oan người, tống tiền. Bộ Công an khi đó nát bét, tham nhũng, “cướp ngày” đầy dẫy. Tình hình Bộ Công an bây giờ cũng không khá hơn, nếu không nói là còn xấu xa hơn thời đó, dân tình vô cùng phẫn nộ, chỉ chờ khi “dân nổi can qua”, sẽ cho tất cả những tên tội phạm đội lốt công an này vào nhà đá. Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ là người hiền, đức độ, giản dị. Ông muốn làm trong sạch lực lượng Công an. Nhưng có thể nói, lực lượng Công an ngày nay đã thối nát lắm rồi, không một cá nhân nào, không một Bộ trưởng Công an nào, cho dù là cả tập thể Bộ Chính trị, cả Ban chấp hành Trung ương Đảng, muốn làm trong sạch lực lượng này, thì cũng không thể làm nổi. Chỉ có thay đổi cả thể chế hiện nay, mới có thể làm nổi.

Giới thạo tin cũng nói rằng đồng chí Tấn Dũng là con trai của bạn chiến đấu chí cốt của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nên được Thủ tướng Kiệt nâng đỡ.

Theo một thông tin gần đây, bố của ông Tấn Dũng là ông Nguyễn Tấn Thử-tức Mười Minh, nguyên Chính trị viên Tỉnh đội Kiên Giang, đã bị hi sinh năm 1969.

Một thông tin khác nói bố ông Tấn Dũng là Nguyễn Tấn Minh, quê ở Hà Tây, vào Nam chiến đấu và hi sinh.

Một thông tin không chính thức khác nữa nói là ông Nguyễn Tấn Dũng là con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tức là ông Tấn Dũng là anh em cùng cha khác mẹ với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh hiện nay. Đại tướng Thanh sinh năm 1914, nếu là cha ông Tấn Dũng, tức ông Tấn Dũng sinh ra khi ông Chí Thanh 35 tuổi, là điều hợp lý về thời gian. Các thông tin cũng nói rằng mẹ ông Tấn Dũng vẫn còn sống, và năm nay, 2014, đã khoảng 90 tuổi. (Mẹ 90 tuổi, con 65 tuổi, ông Tấn Dũng sinh năm 1949, năm nay 2014 là 65 tuổi, tức là mẹ sinh con khoảng năm 25 tuổi cũng là điều hợp lý). Các thông tin về bố ông Tấn Dũng quả là chưa biết thông tin nào đúng. Nhưng có một nghi vấn nhỏ, là, theo truyền thống nhân đạo của Đảng ta, thì ít khi nào cho cả 2 bố con vào bộ đội, và cùng vào chiến trường, vì có thể sẽ hi sinh cả hai bố con, là điều mà Đảng ta thường không làm.

Bởi vậy, cả 2 bố con ông Tấn Dũng đều vào bộ đội, đều vào chiến trường chiến đấu, là điều nghi vấn khá rõ, khó mà có thật được. Nếu gặp trực tiếp mẹ ông Tấn Dũng để hỏi bây giờ, thì chắc cũng khó biết sự thật, vì có thể bà cũng không nói thật, mà chỉ nói theo chỉ đạo của Đảng ta.

Chúng ta có thể nghi ngờ về việc bố ông Tấn Dũng là ai, nhưng chúng ta hoàn toàn không nghi ngờ về một việc, là ông Tấn Dũng được Thủ tướng Võ Văn Kiệt nâng đỡ.

Ông Tấn Dũng làm Thứ trưởng Bộ Công an chỉ hơn 1 năm, từ tháng 1 năm 1995, đến tháng 5 năm 1996. Sau đó, ông được chuyển sang làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Bộ trưởng Bộ Công an thay ông Bùi Thiện Ngộ là ông Lê Minh Hương-nguyên là nhân viên Đại sứ quán của Việt Nam ta ở nhiều nước.

Khi đó, ở Hà Nội bắt đầu đồn đại là ông Kiệt muốn ông Tấn Dũng thay ông Kiệt làm Thủ tướng, khi ông Kiệt về hưu. Còn ông Khải Phó Thủ tướng thì ông Kiệt không ưa.

Năm 2009, kỷ niệm 1 năm ngày mất của ông Kiệt, Thủ tướng Tấn Dũng có bài viết dài ca ngợi công lao của ông Kiệt. Trong triều đại của Đảng ta, không có vị Thủ tướng nào viết về vị Thủ tướng tiền nhiệm nồng nhiệt, thống thiết như vậy. Có thể nói, ông Tấn Dũng có mối tình cảm đặc biệt thân thiết với ông Kiệt.

Đọc bài viết của ông Tấn Dũng ca ngợi ông Kiệt, lần đầu tiên người ta mới biết được ông Kiệt là người chỉ đạo phá Hiệp định Pari năm 1973. Vì theo bài viết của ông Tấn Dũng, ông Kiệt vào năm 1972-1973, là Bí thư Khu 9, là khu vực Cần Thơ ngày nay, và ông Lê Đức Anh là Tư lệnh quân sự Khu 9, Phó Bí thư của ông Kiệt. 2 ông Kiệt-Anh đã báo cáo Bộ Chính trị là không thực hiện Hiệp định Pari, và được ông Lê Duẩn ủng hộ. Hồ ký của ông Lê Đức Anh cũng nói rõ việc này.

Vào tháng 5 năm 1996, ông Thủ tướng Võ Văn Kiệt bố trí ông Tấn Dũng làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương là có dụng ý rõ ràng, nhằm đưa ông Dũng lên cao hơn. Vì hơn 1 tháng sau, vào tháng 6 năm 1996, có Đại hội Đảng 8, bầu lãnh đạo mới. Đại hội Đảng 8 quyết định 3 ông Tổng bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, va Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn ở lại vị trí, không về hưu, và bầu ra Bộ chính trị gồm tới 19 vị.

Chính ông Võ Văn Kiệt, và Lê Đức Anh (2 người này nguyên là thủ trưởng và thủ phó cũ của nhau-ông Kiệt là Bí thư Khu 9, ông Anh là Phó Bí thư khu 9 hồi năm 1972-1973) đã nghĩ ra cái cơ cấu Bộ Chính trị đông tới 19 vị này.

Mục đích để làm gì?

Mục đích để bầu ra cơ cấu Thường trực Bộ Chính trị, gồm 5 người, giống Trung Quốc. (Trung Quốc có Bộ Chính trị 25 người, và họ dựng ra cơ cấu Thường vụ Bộ Chính trị 9 người). Nhưng không phải vì 2 ông Kiệt-Anh thích gì Trung Quốc, mà vì, 2 ông muốn đưa người của mình vào cơ cấu Thường trực Bộ Chính trị này, để sau này “người của mình” sẽ thay mình.

Người của ông Lê Đức Anh là ông Lê Khả Phiêu, mà ông Anh muốn ông Phiêu sẽ làm Tổng Bí thư.
Người của ông Kiệt là ông Tấn Dũng, mà ông Kiệt muốn ông Dũng sẽ làm Thủ tướng.

Bởi vậy, sau khi 2 ông Kiệt-Anh khéo léo đạo diễn để Ban Chấp hành Trung ương 1 của Đại hội Đảng Khóa 8 bầu ra Bộ Chính Trị đông tới 19 người, (ông Tổng bí thư Đỗ Mười bị thịt thì chỉ biết ừ, ừ), thì tất nhiên, cơ cấu Thường trực Bộ Chính trị phải được đặt ra.

Và tất nhiên Thường trực Bộ Chính trị 5 người được lập ra, và 5 ông được bầu vào cơ cấu Thường trực này, là Tổng bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thường trực Ban Bí thư Lê Khả Phiêu, và Trưởng ban Kinh tế Nguyễn Tấn Dũng.

Ông Phó Thủ tướng Thường trực Phan Văn Khải không được bầu vào Thường trực Bộ chính trị này. Tháng 9 năm 1997, ông Võ Văn Kiệt thôi Thủ tướng, Quốc hội bầu ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng, khi ông Khải đã 64 tuổi. Nhưng ông Khải vẫn không phải là Thường trực Bộ Chính trị. Còn ông Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn là Thường trực Bộ Chính trị, đứng trên ông Khải.

Ông Khải có lẽ buồn về vụ này lắm. Nên ông ông Khải lần lữa làm Thủ tướng tới 10 năm, ông Khải kiên quyết không chịu giới thiệu ông Tấn Dũng thay mình làm Thủ tướng.

Trở lại tháng 6 năm 1996, khi ông Kiệt cố bố trí được ông Tấn Dũng vào Thường trực Bộ Chính trị, thì tưởng rằng vào Kỳ họp Quốc hội tháng 9 năm 1997, ông Tấn Dũng được bầu làm Thủ tướng. Nhưng ông Kiệt thất bại vụ này, vì ông Khải được bầu làm Thủ tướng.

Điều này rất dễ hiểu, vì ông Tấn Dũng lên nhanh quá, mà chưa làm được việc gì cả, nên Quốc hội không tin tưởng. Ông Khải đã từng làm Chủ tịch Sài Gòn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế-Kế hoạch, Phó Thủ tướng. Còn ông Tấn Dũng khi đó chỉ là Thứ trưởng Bộ Công an, rồi Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Cho nên khi đó, mặc dù trong Bộ Chính trị, ông Tấn Dũng đứng trên ông Khải, nhưng ông không đủ uy tín để làm Thủ tướng.

Nhưng dù sao ông Dũng cũng được bầu làm Phó Thủ tướng, khi ông Khải được bầu làm Thủ tướng vào tháng 9 năm 1997. Quan hệ giữa ông Thủ tướng Khải, và Phó thủ tướng Dũng chắc chắn là không tốt đẹp lắm. Vì vào Đại hội Đảng 9 năm 2001, ông Thủ tướng Khải đã 68 tuổi không chịu nghỉ, và không chịu giới thiệu ông Phó thủ tướng trẻ tuổi Tấn Dũng thay mình.

Vào tháng 6 năm 2006, khi đã 73 tuổi, ông Khải phải nghỉ, nên đành phải giới thiệu ông Tấn Dũng thay mình. Ông Khải đọc bài phát biểu thống thiết, đầy đạo đức, không “tham quyền cố vị”, xin thôi chức Thủ tướng trước Nhiệm kỳ 2 của ông 1 năm. Nhưng phải hiểu cái hành vi “đầy dũng cảm, không tham quyền cố vị”, nghỉ trước 1 năm của ông Khải là như sau: Tại Đại hội Đảng 10 tháng 4 năm 2006, ông Phan Văn Khải đã 73 tuổi, phải ra khỏi Bộ Chính trị. Mà theo qui định bất thành văn của Đảng ta, không Bộ chính trị, thì không thể làm Thủ tướng.

Thế cho nên, tại Kỳ họp Quốc hội tháng 6 năm 2006, ông Khải phải thôi chức Thủ tướng. Nên cái hành động dũng cảm “không tham quyền cố vị” xin nghỉ trước 1 năm của ông Khải, sau 10 năm làm Thủ tướng, hoàn tòan chẳng phải là ông Khải tự giác làm.

Thất bại, và thành công của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trong quá trình làm Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng có 3 thất bại, và 3 thành công.

Thất bại thứ nhất, là nâng đỡ cho ông Nguyễn Thiện Nhân.

Tháng 6 năm 2006, Quốc hội bầu ông Tấn Dũng làm Thủ tướng. Ngay khi đó, ông Tấn Dũng đưa ông Thiện Nhân lên làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. và 1 năm sau, tháng 8 năm 2007, ông Dũng giới thiệu ông Thiện Nhân làm Phó Thủ tướng.

Có thể nói, ông Thiện Nhân là một người tốt, một giáo sư đại học giỏi, nói thạo tiếng Anh, tiếng Đức, vì ông Nhân dã được đào tạo tại Đức, và Mỹ. Nhưng ông Nhân không phải là một nhà chính trị, không phải là một nhà quản lý giỏi. Ông Nhân làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, và Phó Thủ tướng phụ trách khối văn xã, nhưng ông chẳng làm được gì. Ngược lại, ông Dũng thường cử ông Phó Thủ tướng Thiện Nhân phụ trách giáo dục đi dự Hội nghị kinh tế Davos ở Thụy Sĩ, còn ông Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng phụ trách kinh tế thì không được cử đi.

Ông Nhân cũng thường đi dự các Hội nghị Khoa học để trình bày về các học thuyết kinh tế của ông. Còn học thuyết về giáo dục là trách nhiệm của ông, thì không thấy ông trình bày. Ngành giáo dục ông Nhân để lại bây giờ ngày càng nát bét. Nên ông Dũng bây giờ đành buông ông Nhân ra, để ông Nhân sang làm Mặt Trận để chuẩn bị về hưu.

Việc ông Nhân vào Bộ Chính trị thì cũng như “mèo mù vớ cá rán”, giống như ông Trương Quang Được, nguyên Tổng gám đốc Hải quan, rồi chuyển sang làm Phó Chủ tịch Quốc hội, rồi cũng vào Bộ Chính trị, rồi âm thầm về hưu.

Thế nhưng chưa biết chừng. Nếu ông Tấn Dũng làm Tổng Bí thư, chưa biết chừng ông Dũng lại lôi ông Nhân ra để làm cái gì đó.

Mà thực tế đã chứng minh rồi, là bổ nhiệm người kém vào chức vụ quan trọng, là tự đào hố chôn mình. Không biết ông Tấn Dũng đã thấm thía điều này chưa.

Thất bại thứ hai, là tăng đầu tư quá lớn, gây nên lạm phát.

Khi làm Thủ tướng năm 2006, ông Tấn Dũng mong muốn kinh tế tăng trưởng nhanh hơn nữa, nên ông cho tăng tiền đầu tư lên gấp đôi thời ông Khải.

Nhiều nước cũng đã “thắt lưng buộc bụng”, tăng đầu tư như ông Dũng. Nhưng khác là các nước quản lý đầu tư tốt hơn, hiệu quả hơn, tham nhũng ít. Nên tăng tiền đầu tư dẫn đến tăng trưởng.

Nước ta quản lý kém, tiền đầu tư tung ra, nhưng tiền hiệu quả đầu tư thu vào không có, nên gây ra lạm phát phi mã, tới 23% vào năm 2011, 2012.

Ông Phan Văn Khải chẳng làm gì cả, chẳng có tham vọng, cứ trước thế nào, sau thế ấy, nên ông Khải an toàn. Còn ông Dũng hăng hái, nên ông bị thất bại.

Thất bại thứ ba, là vụ Vinashin.

Nguyên nhân cũng là ông Dũng hăng hái, ông muốn thành lập các Tập đoàn kinh tế Nhà nước mạnh, nên ông cho thí điểm xây dựng Tổng Công ty Vinashin.

Ông Dũng chọn Vinashin để làm thí điểm Tập đoàn kinh tế mạnh, là có dụng ý của ông Dũng. Ông muốn Vinashin sẽ đóng được tàu lớn, và tiến đến đóng được tàu chiến, tàu ngầm để bảo vệ được biển đảo.

Thế nhưng ông Dũng chọn nhầm người. Ông Dũng chọn người đồng hương Cà Mau của ông làm Tổng giám đốc Vinashin, và ông Tổng này là mọt con mọt lớn, tham nhũng và bất tài. Vụ Vinashin lại là một minh chứng rất rõ nữa cho câu châm ngôn: “Bổ nhiệm người kém vào chức vụ quan trọng, là tự đao mồ chôn mình”.

Ông Tổng Bí thư Phú Trọng, ông Chủ tịch nước Tấn Sang định sử dụng vụ Vinashin để lật ông Dũng, nhưng thất bại. Ông Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội tuy không chống ông Dũng ra mặt, nhưng chắc là cũng khoái cái vụ lật ông Dũng này lắm. Nhưng cả 3 Trọng, Sang, Hùng đều thất bại. Ông Dũng vẫn vững vàng. Tức là số ông Dũng vẫn còn có “Quí nhân phù trợ”, có thể ông Dũng còn lên cao hơn nữa.

3 thành công của ông Dũng là gì?

Thành công thứ nhất, là sau khi bị lạm phát, ông Dũng đã khéo léo điều hành để kéo lạm phát xuống. Có thể nói ông Dũng vừa làm Thủ tướng, vừa học nghề Thủ tướng. Và ông học khá nhanh.

Ông Dũng không biết ngoại ngữ, không học kinh tế, chỉ học trường đời, và học trường Đảng. Nhưng ông khá thông minh. Năm 2011, khi trình bày tại Quốc hội về quần đảo Hoàng Sa, ông Dũng nêu ra mọi thông tin về Hoàng Sa, và không cần đọc giấy. Ông có trí nhớ rất tốt.

Ông là vị Thủ tướng trẻ, khi nói chuyện với các nguyên thủ quốc gia trên thế giới, ông không cần giấy. Điều này hoàn toàn khác ông Thủ tướng Khải, năm 2005, khi đi thăm Mỹ, ông Khải nói chuyện với Tổng thống Bush, ông Khải cầm giấy đọc, như học sinh đọc bài trước thầy giáo, làm mất thể diện của nước Việt Nam hơn 4000 năm văn hiến.

Còn nhớ chuyện ngày xưa cụ Mạc Đĩnh Chi, khi tiếp chuyện sứ Tàu. Sứ Tàu đánh rắm, và ngân nga đọc “Sấm động Nam vang”. Cụ Mạc Đĩnh Chi ứng khẩu ngay, cụ bắt “vòi” ra đái, và đọc to “Vũ qua Bắc Hải”. Cái câu chuyện đó, cách đây gần 700 năm, mỗi người Việt Nam ta đều nhớ, và đều tự hào khi nhớ lại chuyện đó. Thế mà ông Thủ tướng Khải ngày nay cầm giấy đọc bài trước mặt ông Tổng thống Bush. Xấu hổ quá. Ông Thủ tướng Dũng không bao giờ làm thế.

Bây giờ lạm phát của Việt Nam ta đã được kéo xuống gần bình thường, là một thành công rõ ràng về khả năng điều hành kinh tế của ông Tấn Dũng đã có nhiều tiến bộ.

Thành công thứ hai, ông dám quyết định cho mua một loạt tàu ngầm, tàu chiến, máy bay để nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội ta.

Suốt 10 năm làm Tổng bí thư của ông Nông Đức Mạnh, và đồng thời là 10 năm làm Thủ tướng của ông Khải, Đảng ta chỉ dám cho mua vũ khí nhỏ giọt, vừa sợ mất nhiều tiền, vừa sợ Tàu tức giận.

Khi ông Dũng làm Thủ tướng, ông kiên quyết đề xuất phải mua tàu ngầm, mua máy bay, mua tên lửa. Không có ông Tấn Dũng, quân đội ta đã không thể có 2 tàu ngầm đã về cảng Cam Ranh, và sắp tới 4 tàu nữa về. Người bạn Nhớn phương Bắc rất lo lắng cho các vụ mua vũ khí này.

Thành công thứ ba, ông Dũng dám đề xuất bầu thêm 2 Phó Thủ tướng trẻ Vũ Đức Đam, và Phạm Bình Minh, không qua Ban Tổ chức Trung Ương của ông Tô Huy Rứa.

Liệu ông Đam, ông Minh có phải là người tài không? Chưa biết. Có thể tài, có thể không tài.

Nhưng vụ bổ nhiệm 2 ông trẻ này làm Phó Thủ tướng, cho thấy ông Dũng dám làm, dám chịu trách nhiệm, và nếu 2 ông trẻ này không làm được việc, ông Dũng chắc cũng rất nhanh cho 2 ông nghỉ việc, để thay người khác.

Cái bản lĩnh dám làm- dám chịu trách nhiệm của ông Dũng là một bản lĩnh rất cần thiết trong Đảng ta hiện nay. Cả ông Phú Trọng, ông Tấn Sang, và các Ủy viên Bộ chính trị khác đều không có bản lĩnh dám làm đó.

Trong Bộ Quốc phòng, ông Thứ trưởng đầy tai tiếng Nguyễn Chí Vịnh cũng là người dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nếu 2 năm sau, ông Tấn Dũng làm Tổng Bí thư, rất có thể ông sẽ mạnh dạn đề xuất việc sáp nhập 2 chức vụ Tổng Bí thư, và Chủ tịch nước vào làm một. Thời ông Lê Khả Phiêu làm Tổng bí thư, Bộ Chính trị đã nhiều lần thảo luận về việc sáp nhập này, để chức Tổng Bí thư có vai trò như Tổng thống. Nhưng ông Nông Đức Mạnh, và ông Phú Trọng ngày nay đều là người ù lì, ba phải, không có bản lĩnh, chẳng dám đề xuất việc này ra Đại hội Đảng và Hội nghị Trung ương để thảo luận.
Ngoài ra, dám bổ nhiệm người ngoài Đảng vào các chức vụ Bộ trưởng, như Bác Hồ đã làm, thì có lẽ chỉ có ông Tấn Dũng dám làm. Sau Bác Hồ, trong Đảng ta không còn có ai dám bổ nhiệm người ngoài Đảng làm Bộ trưởng. Hi vọng ông Tấn Dũng sẽ làm theo được như Bác Hồ.

Ông Tấn Dũng là người dám cho con gái kết hôn với Việt kiều Mỹ, trong Đảng ta cũng chưa có ai dám làm như vậy. Hi vọng ông Tấn Dũng nếu đượclàm Tổng Bí thư, ông sẽ cho mạnh dạn sử dung nhiều Việt kiều vào các chức vụ quan trọng, vì sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”.

Còn nhiều việc lắm.

Nếu ông Tấn Dũng làm Tổng Bí thư, có rất nhiều việc chờ ông, đòi hỏi bản lĩnh dám làm của ông.

Dẹp bỏ Chủ nghĩa Mac-Lênin xa lạ, đề cao Tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất, và khó nhăn nhất của ông Tấn Dũng, nếu ông làm Tổng Bí thư.

Nhưng nếu ông Tấn Dũng cũng lại hèn nhát, sau khi lên chức vụ cao nhất đất nước, chỉ lo giữ ghế, thì cũng không có gì là lạ. Vì bản chất của Đảng ta là như vậy.

Làm khác đi, dám làm, dám bản lĩnh, mới là điều kỳ lạ trong Đảng ta.

Mũ ni che tai, “mặc kệ nó”-mắc-kê-nô-cũng là điều thường tình trong Đảng ta.

Nhưng dù bất kỳ ai sẽ làm Tổng Bí thư, hay Thủ tướng, hay Chủ tịch nước, thì năm 2016 cũng là sự mở đầu cho chấm dứt một triều đại độc tài, để đất nước ta sẽ chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới, dân chủ và tự do.

Bởi vì không có một triều đại độc tài nào tồn tại mãi được.

Bởi vì nước Việt Nam 4000 năm văn hiến không thể để cho một nhóm chóp bu độc tài thống trị, đè đầu cưỡi cổ dân ta mãi được.

Chỉ có dân chủ-tự do là tồn tại mãi với sự tiến hóa của tự nhiên.

Hùng Vương

(Dân Luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét