Pages

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

Khi Tòa không tôn trọng sự thật

LS Trần Hồng Phong
H1Hôm nay tình cờ đọc một bài viết trên báo Lao Động (xem bài bên dưới), về trường hợp một nhân chứng phản đối việc Tòa, qua việc lập Biên bản xác minh, đã gán những nội dung không có thật vào biên bản. Rồi từ đó căn cứ vào tài liệu có thể nói là giả này, dùng làm chứng cứ để xét xử, tuyên án.
Ở đây, tôi không nói đến một vụ án cụ thể nào, cũng không nói đến việc Tòa xử đúng hay bất hợp lý trong vụ án trên. Mà qua đó, tôi muốn nói đến tư cách, cái tâm, sự tôn trọng sự thật, tôn trọng pháp luật của thẩm phán – những người cầm cân nảy mực, nhân danh công lý, nhân danh chế độ, có thẩm quyền xét xử và đưa ra phán quyết.


Pháp luật Việt Nam, cũng như bất kỳ nước nào khác, đều có quy định và nguyên tắc, là trong xét xử các vụ án, phải bảo đảm tính khách quan, công bằng và đúng pháp luật. Mà muốn như vậy, thì điều kiện đầu tiên và mang tính quyết định, là sự thật khách quan phải được tôn trọng. Nếu điều gì chưa rõ thì cố gắng làm rõ (đây cũng chính là nghĩa vụ/quyền lợi của chính các đương sự trong vụ án). Nếu cuối cùng vẫn không (thể) rõ, thì Tòa sẽ vẫn xử và ra phán quyết, nhưng phải trên cái cơ sở sự thật ở mức không/chưa rõ đó. Chứ Tòa (hay bất kỳ ai), không thể “sáng tạo” ra các tình tiết, chứng cứ giả mạo, không có thật – để xét xử.
Pháp luật cũng quy định bất kể là ai, nếu cố tình có hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, làm sai lệch bản chất vụ việc – thông qua việc giả mạo tài liệu, chứng cứ – thì đều sẽ bị xử lý rất nghiêm. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng, tính chất nghiêm trọng, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong Bộ luật hình sự từ lâu có quy định những tội danh rất cụ thể trong lĩnh vực hoạt động tư pháp (tức là hoạt động nghiệp vụ của thẩm phán, thư ký tòa, kiểm sát viên …) như: tội ra bản án trái pháp luật, tội làm sai lệch hồ sơ vụ án …vv.
Thế nhưng trên thực tế, thật đáng buồn, là tình trạng thẩm phán cố tình không tôn trọng sự thật, cố tình hiểu sai, bỏ qua những tình tiết, tài liệu … trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án (đặc biệt trong lĩnh vực dân sự, kinh tế) hiện đang rất phổ biến, ở mức rất nghiêm trọng.
Việc này thể hiện ở rất nhiều hành vi, “dấu hiệu” khá phổ biến, chẳng hạn như:
 – Khi luật sư đến Tòa đọc hồ sơ, thì thẩm phán kiểm tra trước, có khi rút bớt tài liệu trong hồ sơ vụ án. (Để luật sư không biết đường mà “cãi” sau này).
– Khi đương sự giao nộp chứng cứ, thì Tòa cố tình không lập Biên bản giao nhận chứng cứ theo quy định. (Để sau này khi xử có thể “bỏ lơ” những chứng cứ này, nói rằng đương sự không nộp!).
– Tài liệu trong hồ sơ vụ án không được đánh số bút lục (đánh số trang) theo đúng quy định. Tức là nhiều khi chỉ sau khi đã xử xong, Tòa mới thực hiện việc đánh số bút lục, để chuyển lên tòa cấp trên khi có kháng cáo. Việc không đánh số bút lục dẫn đến luật sư hay các đương sự khó khăn trong việc chỉ rõ, đối chiếu tài liệu, chứng cứ nào có trong hồ sơ vụ án.
– Ý kiến của luật sư không được ghi nhận đầy đủ, khách quan trong Bản án, trong Biên bản phiên tòa. Thậm chí có nhiều trường hợp Tòa cố ý ghi sai lệch ý kiến của luật sư ngay trong bản án. Tứa là luật sư nói A, thì trong bản án ghi là B!
– … vv và vv…
Tất cả những biểu hiện như trên, ở những mức độ khác nhau, đều dẫn đến làm sai lệch bản chất sự việc, bóp méo sự thật khách quan. Và là nguồn gốc dẫn đến xử oan, xử ép, xử không đúng sự thật. Kết quả xét xử mà không công bằng, thì chính là Tòa đã bảo vệ, dung dưỡng cho cái sai, cái xấu.
Tất nhiên, không phải ngẫu nhiên mà Tòa làm như vậy. Mà phải có quyền lợi, có “đi đêm”. Nhưng bằng chứng về tiêu cực của Tòa thì rất khó mà phát hiện. Mà quyền của thẩm phán trong xét xử hiện nay – nếu họ không tôn trọng đúng quy định của pháp luật, thì lại quá lớn và hầu như không ai có thể giám sát, kiểm tra được.
Hay nói khác đi, tính “độc lập” trong xét xử là hay, Nhưng nếu thẩm phán quyết “độc lập” một mình, mà cố tình không tôn trọng sự thật, thì thật là quá nguy hiểm!
Là người có thực tiễn hành nghề luật sư trong nhiều năm, tham gia rất nhiều vụ án, từ lâu tôi thực sự không còn niềm tin vào công lý, vào sự nghiêm minh, khách quan của Tòa án. Rất nhiều luật sư đồng nghiệp cũng có tâm trạng như vậy. Thật đáng buồn!
Tôi cũng cảm thấy không có nhiều hy vọng trong việc sẽ có sự đổi thay, nâng cao chất lượng xét xử, cũng chính là tôn trọng sự thật khách quan, trong bối cảnh hiện nay.
Trước đây, khi còn là phóng viên tại báo Pháp luật TP.HCM, tôi từng viết nhiều bài phản ánh thực trạng và hướng tới mục tiêu cải cách tư pháp. Chẳng hạn như kiến nghị trong bản án phải ghi ý kiến của luật sư, luật sư và đương sự phải được quyền xem và ký vào Biên bản phiên tòa, kết quả xét xử phải khách quan …vv. Nhưng xem ra tình hình ngày càng chuyển biến theo hướng xấu đi. Tiêu cực ngày càng nhiều hơn, công khai hơn.
Theo tôi, với mô hình xét xử như hiện nay, khi mà quyền phán xét hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào thẩm phán, thì công lý trong xét xử vẫn còn rất đáng nghi ngại. Có lẽ chúng ta phải hướng đến việc thay đổi mô hình xét xử, theo hướng thẩm phán chỉ là người điều hành xét xử, không có quyền trực tiếp phán quyết. Mà quyền phán quyết nên thuộc về Bồi thẩm đoàn, hay Ban Hội thẩm nhân dân chẳng hạn – trên cơ sở căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Khi đó, sẽ bắt buộc các bên phải tự mình đưa ra chứng cứ và chứng minh. Bên nào có chứng cứ, lý lẽ rõ ràng thì sẽ thắng kiện. Thẩm phán không còn quyền và không thể “bóp méo” sự thật khách quan như trong các tình huống nêu ở trên.
Nhưng đây có lẽ cũng chỉ là một mơ ước viển vông mà thôi! 
_____
Tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” của TAND TP.Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) vào ngày 25.8.2015, anh Trần Ngọc Thắng – người làm chứng – “té ngửa” vì trong biên bản xác minh của tòa có một số nội dung gây bất lợi cho bị đơn mà anh không hề hay biết.
Ngay tại tòa, anh Thắng không chấp nhận những nội dung này, nhưng không được HĐXX xem xét. Điều kỳ lạ rằng, sau phản ứng của người làm chứng, HĐXX vẫn “lờ” đi như chưa từng có chứng cứ này và căn cứ vào bằng chứng “nửa nạc nửa mỡ” khác để ra phán quyết.
Người làm chứng phản ứng, tòa “lờ” bằng chứng
Ngày 22.4.2015, anh Trần Ngọc Thắng (trú tại khu phố 6, phường 1, TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) đã gửi đơn khiếu nại liên quan đến biên bản xác minh ngày 22.4.2015 của TAND TP.Đông Hà. Anh Thắng cho biết, ông Trần Quốc Huy – thẩm phán và ông Nguyễn Trí Diện – thư ký TAND TP.Đông Hà đã đến tại nhà riêng của anh để lập “Biên bản xác minh, làm rõ một số nội dung liên quan đến việc vay tài sản giữa bà Trần Thị Ngọc Mai và ông Nguyễn Thanh Đình, Nguyễn Thị Minh”. “Tôi là em trai bà Mai, tôi chỉ biết chị gái tôi có vay tiền, nhưng không rõ vay thời gian nào, bao nhiêu tiền. Biết chừng nào tôi khai chừng đó. Vậy mà trong biên bản xác minh của tòa, ghi ngày, tháng, năm chị tôi đi vay cụ thể. Cái ngày vay tận vào năm 2010 thì làm sao tôi biết được, vô lý quá”, anh Thắng nói.
Ngoài ra, anh Thắng đưa ra một số vấn đề cần được cơ quan chức năng làm rõ: Biên bản xác minh được lập tại nhà riêng của anh, có 2 nhân viên và vợ của anh Thắng chứng kiến, nhưng lại ghi nơi lập biên bản là tại trụ sở TAND TP.Đông Hà. Thời điểm ngày 22.4.2015, anh Thắng chưa được đưa vào đối tượng nào trong vụ án TAND TP.Đông Hà đang thụ lý, nên việc anh Thắng tham gia vào vụ án với tư cách là người làm chứng trái với quy định tại Điều 85, Bộ luật Tố tụng dân sự 2004.
Biên bản xác minh của TAND TP.Đông Hà lập không có chữ ký của người được lấy lời khai tại các trang, không có người làm chứng hoặc xác nhận của UBND phường khi lấy lời khai ngoài trụ sở TAND. Anh Thắng không chứng kiến việc vay mượn giữa bà Mai và ông Đình, bà Minh, vì thế không thể biết ngày tháng vay, trả tiền cụ thể như trong biên bản xác minh. Ví dụ như đoạn: “Vay ngày 27.6.2010”, câu này ở sau dấu chấm phẩy của một câu rất dài. “Rồi đoạn: “Vay ngày 27.6.2010 cho ông Đình, bà Minh…” lại được viết tràn xuống phía dưới rất buồn cười. Cái này tòa tự viết thêm chứ tôi có biết gì đâu mà nói”, anh Thắng bức xúc.
Bất chấp việc anh Thắng phản ứng tại phiên tòa về những điểm bất hợp lý trong biên bản xác minh người làm chứng, HĐXX vẫn sử dụng chứng cứ do chính thẩm phán – chủ tọa phiên tòa Trần Quốc Huy – đi thu thập. “Nhưng đến lúc tuyên án, HĐXX lại lờ đi như chưa từng có biên bản xác minh lời khai của tôi” – anh Thắng cho biết thêm.
Ông Trần Quốc Huy – thẩm phán, chủ tọa phiên tòa TAND TP.Đông Hà – cho biết, có đến nhà anh Thắng, nhưng việc lập biên bản lại được tiến hành tại tòa. “Anh Thắng chịu sự tác động của người khác và trình bày mâu thuẫn với nhau. Việc nói rằng tòa viết thêm vào biên bản là không đúng, vì cuối biên bản có chữ ký và lời cam đoan của chính anh này”, ông Huy nói.
HĐXX dựa vào đâu để tuyên án?
Trở lại vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Thanh Đình, bà Nguyễn Thị Minh với bị đơn là bà Trần Thị Ngọc Mai đã được TAND TP.Đông Hà đưa ra xét xử và có bản án số 21/2015/DS-ST. Theo đó, nguyên đơn khởi kiện, yêu cầu bị đơn trả số tiền 860 triệu đồng. Phía nguyên đơn cung cấp cho tòa một giấy vay số tiền 100 triệu đồng do bị đơn đứng tên và một giấy xác nhận nhờ vay tiền có nội dung bị đơn nhờ nguyên đơn vay giúp hơn 1,1 tỉ đồng.
Tại phiên tòa, nguyên đơn trình bày, đã cho bị đơn vay 12 lần trong năm 2009 và 2010 với tổng số tiền hơn 1,1 tỉ đồng. Do bị đơn không trả lãi đúng cam kết, nên hai bên đã lập văn bản “Giấy xác nhận nhờ vay tiền”. Nguyên đơn khẳng định, thực chất giấy xác nhận nhờ vay tiền này là tổng hợp 12 lần vay trước đó, chứ không có chuyện đi vay giúp hơn 1,1 tỉ đồng cho bị đơn như trong nội dung giấy xác nhận. Năm 2014, bị đơn có trả số tiền 250 triệu đồng, nên nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả nốt số tiền 860 triệu đồng còn lại.
Phía bị đơn cho biết, do có nhu cầu cần tiền lo cho các con đi du học và xin việc, nên đã nhờ nguyên đơn vay giúp hơn 1,1 tỉ đồng. Tuy nhiên, giấy nhờ vay đã làm xong nhưng nguyên đơn chưa giao tiền cho vay theo thỏa thuận. Phía nguyên đơn cho rằng, bị đơn có trả số tiền 250 triệu đồng, tuy nhiên bị đơn cho rằng chỉ có việc giao nhận tiền cho nhau, còn trả hay không thì không thể xác định được. Nếu có trả tiền thì cũng là trả cho các khoản vay khác, không có cơ sở nào chứng minh đây là món tiền trả liên quan đến vụ việc này. Vì thế, bị đơn không chấp nhận yêu cầu khởi kiện.
Sau khi nghe các bên trình bày, đại diện VKSND TP.Đông Hà đặt câu hỏi đối với nguyên đơn rằng: Trong 12 lần cho bị đơn vay, có bằng chứng gì không. Nguyên đơn chỉ đưa ra được một giấy cho vay viết tay ngày 27.10.2008 với số tiền 100 triệu đồng và nói 11 lần còn lại “chỉ nói miệng với nhau”.
Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung “lãi thanh toán hàng tháng tính từ ngày vay là 27.6.2010” trong giấy xác nhận nhờ vay tiền, HĐXX cho rằng, “đã thể hiện rõ thời điểm bên vay là bà Trần Thị Ngọc Mai vay tiền của ông Đình, bà Minh với số tiền vay hơn 1,1 tỉ đồng”. Vì vậy, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đình, bà Minh, buộc bà Mai phải trả số tiền 860 triệu đồng.
Không đồng tình với phán quyết của HĐXX, bà Trần Thị Ngọc Mai đã làm đơn kháng cáo. Theo bà Mai, HĐXX đã không khách quan khi chỉ căn cứ vào lời trình bày của nguyên đơn, chứ không căn cứ vào bằng chứng cụ thể để kết luận. “Nguyên đơn khẳng định chưa chuyển tiền cho tôi theo thỏa thuận, thực tế tôi cũng chưa ký nhận bất cứ khoản tiền nào từ phía nguyên đơn. Bên cạnh đó, bản án dân sự sơ thẩm xác định quan hệ vay tiền phát sinh giữa tôi với ông Đình, bà Minh là không phù hợp với lời khai và chứng cứ ở chỗ, giao dịch giữa chúng tôi là nhờ vay tiền, và điều này thể hiện rõ tại giấy xác nhận nhờ vay tiền được lập vào ngày 27.6.2010” – dựa vào những lý do này mà bà Mai đã làm đơn kháng cáo.
____
Theo luật sư Trần Đức Anh – Văn phòng luật sư Trần và cộng sự (TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị): Trong vụ án này, chứng cứ là “giấy nhờ vay tiền” nguyên đơn đã xuất trình để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện đòi bị đơn trả tiền nhưng không hề có “chứng cứ giao nhận tiền”. HĐXX căn cứ vào chứng cứ này để chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là không có cơ sở. Đây là loại hợp đồng dịch vụ được quy định cụ thể tại Điều 518 Bộ Luật Dân sự, còn hợp đồng vay tài sản thì pháp luật quy định rất cụ thể tại Điều 474 Bộ Luật Dân sự. Đây là hai loại giao dịch hoàn toàn khác biệt nhau và được pháp luật dân sự điều chỉnh ở hai điều luật khác nhau không thể xem là giống nhau và cùng bản chất được. Theo đó, bên nhận thực hiện nghĩa vụ chưa thực hiện nghĩa vụ thì không thể có quyền yêu cầu bên kia trả tiền. Tất cả đều phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật và tại thời điểm các bên xác lập quan hệ giao dịch các bên đã không tuân thủ đúng những gì pháp luật quy định về loại quan hệ giao dịch mà các chủ thể muốn xác lập, thì khi rủi ro xảy ra các chủ thể phải chịu hậu quả tương ứng với việc không tuân thủ pháp luật của mình. Chứ không thể cho rằng tôi giao dịch là “cho vay” nhưng xác định quan hệ pháp luật nhầm nên xác lập với nhau là “nhờ vay giúp”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét