Pages

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Lá chắn diệt máy bay không người lái bằng mệnh lệnh

Lá chắn Chim ưng sẽ trở thành khắc tinh của các máy bay không người lái khi có khả năng can thiệp hệ thống và chiếm quyền kiểm soát mục tiêu từ xa.


Lá chắn Chim ưng khống chế UAV mà không gây thiệt hại cho con người hay tài sản xung quanh. Ảnh: Selex ES


Tại Triển lãm Thiết bị An ninh và Quốc phòng Quốc tế (DSEI) ở London vừa qua, công ty quốc phòng Selex ES, Anh, giới thiệu một hệ thống điều khiển điện từ có khả năng phát hiện, khống chế máy bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ, giúp ngăn ngừa các vụ tấn công tiềm tàng. Tên đầy đủ của hệ thống này là Lá chắn Chim ưng (Falcon Shield) chống UAV, theo IBTimes.



Trước tình trạng người dân sử dụng UAV bừa bãi ở những nơi không được phép, gây ra những sự cố suýt va chạm với máy bay chở khách hay trực thăng chữa cháy, chính phủ nhiều nước bắt đầu gia tăng cảnh giác trước khả năng phần tử khủng bố sử dụng UAV thực hiện các cuộc tấn công.

Tại một hội nghị công nghệ quân sự tổ chức ở bang Virginia hồi tháng một, các quan chức chính phủ Mỹ đã cho trình chiếu một video tập trận với bối cảnh phi đội UAV trị giá 5.000 USD trang bị súng đối đầu một đoàn xe thiết giáp, với chiến thắng thuộc về những chiếc UAV.

"UAV với giá chỉ vài trăm USD nhưng có khả năng mang chất nổ tấn công. Chúng cũng có thể chở theo những thứ khác, hay đơn giản chỉ là một gói bột mì mà khi thả xuống những nơi đông đúc như sân vận động sẽ gây hoảng loạn. Từng có trường hợp UAV trang bị camera bí mật bay qua những địa điểm nhạy cảm, chẳng hạn nhà máy điện hạt nhân", Stephen Williams, chuyên gia cấp cao phụ trách chương trình Falcon Shield ở Selex ES, cho biết.

Khống chế mà không gây thiệt hại



Lá chắn Chim ưng gồm nhiều bộ phận có thể vận chuyển dễ dàng hoặc lắp đặt tại địa điểm cố định. Ảnh: Selex ES
Hiện cách thường dùng để loại bỏ một UAV cỡ nhỏ là bắn hạ, khống chế người điều khiển hoặc tìm các lỗ hổng an ninh trong phần cứng của UAV để hack và vô hiệu hóa. Selex ES bỏ ra ba năm để nghiên cứu một phương pháp hoàn toàn khác nhằm vô hiệu hóa UAV, và Lá chắn Chim ưng ra đời.

Lá chắn này sử dụng radar, các camera tầm nhiệt và nhiều bộ cảm ứng quang điện để giám sát, xác định vị trí nơi phát ra tín hiệu vô tuyến điều khiển UAV. Đồng thời, một hệ thống máy tính sẽ thực hiện các hành động được lựa chọn trước, như khống chế và vô hiệu hóa UAV hoặc cảnh báo người sử dụng về mối đe dọa UAV đang xuất hiện để tìm cách xử lý khác.

Selex ES không thể công bố quá chi tiết về cơ chế vận hành của Lá chắn Chim ưng vì công nghệ mật độc quyền có liên quan tới các khách hàng quân sự. Tuy nhiên, công ty khẳng định lá chắn này đủ năng lực để phát hiện và khống chế UAV, sau đó buộc chúng hạ cánh an toàn ở nơi cách xa mục tiêu cần bảo vệ.

Tạp chí quốc phòng IHS Jane nhận định lá chắn hoạt động theo 5 giai đoạn: tìm kiếm, xác định, lần theo, nhận diện và khống chế mục tiêu.

Ở giai đoạn "tìm kiếm" đầu tiên, lá chắn sẽ giám sát các mối đe dọa tiềm tàng trong khu vực cần bảo vệ thông qua một radar kết hợp tần số điện tử. Giai đoạn này có thể lần ra mối đe dọa từ cả trên không và mặt đất.

Sau đó, cơ chế giám sát radar và tần số điện tử sẽ kết hợp với camera quang điện tử hồng ngoại "xác định" mục tiêu. Tiếp đến, camera quang điện tử hồng ngoại và radar sẽ "lần theo" rồi "nhận diện" mối đe dọa.

Giai đoạn "khống chế" sẽ là điểm làm nên khác biệt của Lá chắn Chim ưng so với những đối thủ cạnh tranh. Williams cho hay giai đoạn này không chỉ đơn giản là phá nhiễu tần số vô tuyến của mục tiêu mà còn cung cấp các giải pháp phức tạp khác, tùy biến theo yêu cầu của khách hàng.

Trong video giới thiệu cơ chế hoạt động của Lá chắn Chim ưng, hệ thống đã chiếm quyền kiểm soát và buộc một UAV đối phương hạ cánh an toàn. Nó cho thấy Lá chắn Chim ưng không dùng năng lượng vi sóng cường độ cao để phá hủy cấu hình điện tử của UAV dù tính năng trên hoàn toàn có thể được thêm vào nếu khách hàng mong muốn.

"Chúng tôi đang vượt qua các giới hạn khoa học, vậy nên chúng tôi không cần dùng tới lực tác động để chống lại UAV, bắn hạ nó trên trời hay hack nó", ông Williams nhấn mạnh. "Bạn cứ hình dung rằng chúng tôi đang khai thác công nghệ radar mà Không quân Hoàng gia Anh sử dụng, và không có lý do gì khiến phần cứng hay phần mềm của UAV bị hư hỏng cũng như không có thiệt hại phụ nào cho con người trên mặt đất".

Tính khả dụng

Lá chắn Chim ưng bao gồm nhiều bộ phận dễ dàng vận chuyển hay lắp đặt tại một địa điểm cố định. Theo Selex ES, giải pháp Lá chắn Chim ưng có khả năng bao quát và bảo vệ một tòa nhà nằm giữa lòng thành phố hoặc khu vực rộng lớn hơn như nhà máy điện hạt nhân, sân bay, thậm chí căn cứ quân sự ở nước ngoài.

Lá chắn có thể gắn trên mái nhà hay lắp vào một xe bọc thép trong một đoàn xe đang di chuyển hoặc mang bằng tay tới các địa điểm khác nhau.

Sau sự việc một người đàn ông say rượu làm rơi UAV xuống bãi cỏ Nhà Trắng hồi tháng một, giới chuyên gia an ninh và quân đội Mỹ đã phải thảo luận về cách phản ứng trong trường hợp một tên khủng bố sử dụng UAV cỡ nhỏ chở theo bom, bay với tốc độ cao, tấn công Nhà Trắng.

Sự cố trên cho thấy rất khó để ngăn ngừa kịp thời các UAV nhỏ nếu người điều khiển có ý đồ xấu. Cơ quan Mật vụ Mỹ (USSS) đề xuất ý tưởng thử nghiệm UAV của riêng mình để nhận dạng và vô hiệu hóa UAV kẻ thù trước khi chúng tiếp cận các cứ điểm quan trọng.

Selex ES không tiết lộ về mức độ bao quát của Lá chắn Chim ưng nhưng điểm đáng chú ý của hệ thống này là nó cảnh báo sớm cho người dùng biết có UAV đang bay đến, từ đó giúp họ có thời gian để quyết định hành động tiếp theo.

Lá chắn Chim ưng cũng được lập trình để tự động ứng phó với các UAV lao nhanh tới, buộc chúng hạ cánh ở một vị trí định sẵn. Trong tình huống chiến đấu phức tạp, như kịch bản giả định về cuộc chiến giữa đoàn xe thiết giáp và phi đội UAV, chỉ huy đoàn xe có thể sử dụng Lá chắn Chim ưng để thực hiện nhiều chiến lược khác nhau cùng một lúc nhằm kiểm soát và điều các UAV đi chỗ khác.

Selex ES dự định bán Lá chắn Chim ưng cho các lực lượng an ninh dân sự, hành pháp và quân đội. Lá chắn Chim ưng sẽ được thiết kế để tự giám sát liên tục 24h mỗi ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét