Pages

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Tin tặc quân đội Trung Quốc do thám các nước tranh chấp Biển Đông

WASHINGTON, DC (Người Việt) - Một nhóm tin tặc liên quan đến quân đội Trung Quốc đã do thám, đánh cắp dữ liệu quân sự chính trị trên mạng của các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông trong khu vực


Sơ đồ minh họa hoạt động của nhóm tin tặc của quân đội Trung Quốc Unit 78020 do thám các nước tranh chấp Biển Đông. (Hình: Securelist)
Vào ngày Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Tòa Bạch Ốc họp bàn và ăn tiệc do Tổng Thống Barack Obama khoản đãi, hai tổ chức an ninh mạng ThreatConnect và Defense Group Inc., (DGI) công bố một bản tường trình tố cáo nhân vật Ge Xing (Cát Tinh) và nhóm Naikon APT của anh dò xét, đánh cắp qua mạng các loại tin tức quân sự, chính trị và kinh tế của các nước trong khu vực. 



Dù họ có tranh chấp chủ quyền biển đảo Biển Đông với Trung Quốc hay không, họ đều bị tổ chức tin tặc Naikon xâm nhập hệ thống máy tính, gài mã độc để phá hoại hoặc đánh cắp thông tin như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore, Lào, Cambodia, Thái Lan, và Miến Điện.

Theo các cuộc điều tra theo dõi suốt nhiều tháng của hai tổ chức an ninh mạng nói trên, Ge Xing là thành viên của cụm tình báo mạng Unit 78020 của quân đội Trung Quốc. Anh cầm đầu nhóm tin tặc có tên là Naikon và với bí danh "greensky 27." Truy tìm tông tích của nhóm này, người ta thấy trụ sở của họ đặt tại một cơ sở ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, của cụm tình báo quân đội Trung Quốc, Unit 78020.

ThreatConnect và DGI đi sâu vào hoạt động gián điệp của nhóm tin tặc của Ge Xing nhờ những sơ hở của nhóm này, thí dụ cùng có một số ký hiệu của nhóm mã độc mà nhóm Naikon sử dụng.
“Kết luận phân tích của chúng tôi dựa vào các phân tích kỹ thuật từ các hoạt động de dọa an ninh mạng của Naikon và nghiên cứu ngôn ngữ địa phương của một sĩ quan quân đội Trung Quốc trong cụm tình báo mạng Unit 78020,” bản tường trình của ThreatConnect và DGI viết.
Ít lâu nay, có các lời tố cáo các tổ chức tin tặc của quân đội Trung Quốc là chủ mưu của các vụ đánh cắp dữ liệu từ khoa học, kinh doanh đến quân sự chính trị của Hoa Kỳ. Cụm tình báo mạng 78020 và Naikon từng bị phanh phui hoạt động đen tối hồi Tháng Năm vừa qua. 

Hai năm trước, cụm tình báo mạng Unit 61398 của quân đội Trung Quốc ở thành phố Thượng Hải từng bị tố cáo xâm nhập hệ thống máy tính của các công ty từ sản xuất nước uống như Coca Cola đến trang bị quốc phòng như Lockeed Martin bắt đầu từ năm 2006.

Trong cuộc gặp gỡ tại Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Obama được tường thuật là nói thẳng với ông Tập Cận Bình về sự quan tâm của Hoa Kỳ với các hoạt động tin tặc của Trung Quốc. Tuy nhiên báo chí cho hay ông Tập Cận Bình không những chối mà còn cả quyết Trung Quốc cũng là nạn nhân của tin tặc, bất chấp các bằng chứng được đưa ra.

Sau nhiều năm mua sắm trang bị và tự sản xuất ồ ạt các loại võ khí tân tiến từ chiến hạm, tàu ngầm, máy bay chiến đấu, vệ tinh gián điệp, hỏa tiễn siêu thanh tầm xa, ngày nay, Trung Quốc thấy đã đủ lực để cạnh tranh với Mỹ về ảnh hưởng địa chính trị. Tham vọng bá chủ Biển Đông được nhìn thấy rõ qua việc cải tiến và tăng cường trang bị tối tân các cơ sở ở quần đảo Hoàng Sa và thành lập một chuỗi bảy đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực.


[img]
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm...GeXing_400.jpg[/img]

Ge Xing (Cát Tinh) cầm đầu nhóm tin tặc Naikon, trụ sở nằm trong cụm tình báo quân đội Unit 78020 ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam. (Hình: TheatConnect)

“Biển Đông được Trung Quốc coi là khu vực địa chính trị cốt lõi,” ông Dan Alderman, phó giám đốc tổ chức DGI, phát biểu. Theo ông nhận xét, nhóm Naikon được sử dụng như một bộ phận lớn đặt trọng tâm vào việc thu thập tin tức tình báo trên mạng để Trung Quốc có lợi thế hơn cho mưu đồ ảnh hưởng chính trị ở khu vực.



Nhóm tin tặc Naikon xâm nhập hệ thống máy tính của các nước ASEAN vừa đánh cắp dữ liệu về kinh tế, chính trị và quân sự gồm cả các cơ quan như ngoại giao, an ninh, hàng không, theo DGI.

“Nếu quý vị để ý đến (sức mạnh quân sự của) Trung Quốc hiện nay và sự khẳng định chủ quyền (biển đảo) của họ ở khu vực, người ta có thể thấy phản ảnh một số lợi nhuận và thắng lợi mà nhóm tin tặc mang lại,” ông Rich Barger, đồng sáng lập viên công ty ThreatConnect, phát biểu.

Hồi Tháng Năm năm ngoái, khi lực lượng cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc đối đầu trên biển khi Bắc Kinh cho giàn khoan HD981 tới dò tìm dầu khí phía nam quần đảo Hoàng Sa thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tin tặc Trung Quốc tới tấp xâm nhập và đánh phá mạng lưới thông tin mạng tại Việt Nam. Trước đó hai năm, Cục An Ninh Mạng của Bộ Công An Việt Nam từng tố cáo tin tặc Trung Quốc xâm nhập hệ thống máy tính của các bộ ngành của Việt Nam. (TN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét