Pages

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Trung Quốc lo ngại Việt Nam thể hiện rõ quan điểm Biển Đông ở cộng đồng quốc tế

Trung Quốc dựa vào bản đồ "đường 11 đoạn" do Đài Loan vẽ bậy, ra sức bành trướng, đe dọa lợi ích các nước, sẽ bị Việt Nam và cộng đồng quốc tế ngăn chặn.

Trung Quốc cần tuân thủ luật pháp quốc tế

Hãng tin AP Mỹ ngày 28 tháng 9 đã đăng bài phỏng vấn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch đã bày tỏ rõ quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, điều này đã gây chú ý rộng rãi của báo chí quốc tế, trong đó có báo chí Mỹ và Trung Quốc.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa trả lời phỏng vấn hãng tin AP Mỹ về vấn đề Biển Đông và quan hệ Việt-Mỹ

Đây là quan điểm rõ ràng của Việt Nam trước hành động bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chủ tịch Trương Tấn Sang nói thẳng rằng, các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đã “vi phạm luật pháp quốc tế”, vi phạm “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC). Hành động của Trung Quốc đã “đe dọa nghiêm trọng an ninh hàng hải”.

Trước việc Chủ tịch Trương Tấn Sang vạch trần hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, ngày 29 tháng 9, Chính phủ Trung Quốc thông qua phát ngôn viên ngoại giao của họ có tên là Hồng Lỗi lại giở giọng ném ra những tuyên bố “chủ quyền” cũ rích, lố bịch.

Rằng “Trung Quốc xây dựng đảo để cung cấp dịch vụ sản phẩm công quốc tế, thực hiện trách nhiệm nước lớn của Trung Quốc, có lợi cho tiếp tục bảo vệ tự do và an toàn hàng hải ở Biển Đông. Chúng tôi hy vọng các bên hiểu đúng”.

Trước đó, trong cuộc họp báo với Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 25 tháng 9, Chủ tịch Trung Quốc cũng ngang nhiên phát biểu tương tự. Như vậy, từ Tập Cận Bình đến phát ngôn viên ngoại giao đều ngang nhiên cho biết, sẽ lấy đất ăn cướp để làm việc nghĩa. Đó là một trò hề, lố bịch đặc sắc Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Trung Quốc - Tập Cận Bình tại cuộc họp báo sau hội đàm ngày 25 tháng 9 năm 2015. Ông Bình đã có những phát biểu hết sức phi lý, lố bịch về vấn đề Biển Đông

Khi đó, Tập Cận Bình còn “mồi chài” Mỹ bằng cách tuyên bố: “Trung Quốc và Mỹ có rất nhiều lợi ích chung trong vấn đề Biển Đông”. Nhưng, trong cuộc họp báo này cũng như tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tối ngày 28 tháng 9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đều đã lên tiếng phê phán hành động Trung Quốc ở Biển Đông.

Tối ngày 28 tháng 9, trước cộng đồng quốc tế, ông Obama yêu cầu Trung Quốc cần chấm dứt ngay hoạt động xây đảo trái phép ở Biển Đông. Ông nói: “Mỹ không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng, cũng như các mọi quốc gia đang có mặt tại đây, Mỹ có lợi ích trong việc tôn trọng các nguyên tắc về tự do hàng hải và thương mại, những tranh chấp cần được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế, chứ không phải bằng vũ lực”.

Mỹ và Nhật Bản triển khai hành động

Không chỉ nói, Mỹ đang triển khai hành động. Theo tờ “JoongAng Ilbo” Hàn Quốc ngày 25 tháng 9, để ứng phó với CHDCND Triều Tiên và tranh chấp Biển Đông, Quân đội Mỹ bắt đầu mở rộng hệ thống lực lượng phản ứng nhanh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

                                            Thủy quân lục chiến Mỹ (ảnh tư liệu minh họa)

Theo báo chí Mỹ, Quân đội Mỹ đã di chuyển lực lượng Thủy quân lục chiến đến các khu vực như Hawaii, bắt đầu tiến hành tái bố trí lực lượng. Đây là một phần của chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương do Mỹ đưa ra và đang triển khai.

Khi tranh chấp lãnh thổ Biển Đông phát triển thành xung đột vũ lực, lực lượng chiến đấu có thể lập tức triển khai ứng phó của Quân đội Mỹ chính là Thủy quân lục chiến. Việc mở rộng lực lượng Thủy quân lục chiến Thái Bình Dương sẽ trở thành biện pháp gây sức ép mang tính thực chất ứng phó Trung Quốc.

Ngoài Mỹ, do Nhật Bản có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc ở biển Hoa Đông, đồng thời lo ngại Trung Quốc có thể cắt đứt tuyến đường sinh mệnh của nước này ở Biển Đông, Nhật Bản hiện nay đang rất tích cực can dự vào vấn đề an ninh của Biển Đông.

Gần đây, Nhật Bản đã tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng với các nước ven Biển Đông, điển hình là với Philippines và Việt Nam. Năm 2015, Hải quân Nhật Bản-Philippines ít nhất đã 2 lần tiến hành diễn tập quân sự liên hợp ở Biển Đông.

Ngoài ra, Lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật Bản và Philippines cũng đã tiến hành diễn tập chống cướp biển ở Biển Đông. Trong một tuyên bố cách đây vài tháng, quan chức Philippines cho biết, Cảnh sát biển Trung Quốc chính là “cướp có vũ trang” ở Biển Đông.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản và Philippines tiến hành diễn tập chống cướp biển ở vịnh Manila ngày 6 tháng 5 năm 2015

Theo các nguồn tin, các cuộc diễn tập quân sự giữa Nhật Bản và Philippines có thể sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm và trong tương lai có thể mở rộng cho Mỹ và các nước khác tham gia.

Gần đây, tại một cuộc triển lãm vũ khí trang bị ở London, Anh, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cũng đã cho biết, Lực lượng Phòng vệ sẽ giữ vai trò răn đe có hiệu quả ở Biển Đông. Nhật Bản sẽ thúc đẩy xây dựng một khuôn khổ hải quân đa phương để các nước tham gia.

Vừa qua, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua dự luật bảo đảm an ninh mới, cho phép Nhật Bản thực hiện quyền tự vệ tập thể, có thể chi viện quân sự cho Mỹ và các nước khác có quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản. Có quan điểm cho rằng, Nhật Bản có thể chi viện quân sự cho Việt Nam, Philippines.

Ngoài ra, nhiều động thái cho thấy, Nhật Bản cũng sẽ điều động Lực lượng Phòng vệ đến Biển Đông tuần tra, giám sát, bảo vệ an ninh hàng hải. 

Những động thái an ninh mới nhất của Nhật Bản được Mỹ hoan nghênh và được cho là phối hợp với chiến lược khu vực của Mỹ.

Ngày 5 tháng 8 năm 2015, Nhật Bản bàn giao tàu tuần tra Hayato cho Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam

Điều này đang đặc biệt gây lo ngại cho Trung Quốc. Từ trước đến nay, truyền thông Trung Quốc luôn quấy rối để chia rẽ nội bộ Nhật Bản nhằm ngăn chặn chính quyền Shinzo Abe thực thi chính sách an ninh mới, đồng thời chia rẽ quan hệ Mỹ-Nhật, chia rẽ quan hệ giữa Việt Nam và một số nước lớn, thực chất là để các hành động bành trướng lãnh thổ, bành trướng quân sự của Trung Quốc không bị kiềm chế, ngăn chặn.

Trung Quốc sợ dư luận, Việt Nam cần sức mạnh quốc tế

Trên tờ “Thời báo Hoàn Cầu” – một phiên bản của tờ “Nhân Dân” – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 29 tháng 9, Phùng Siêu – phó viện trưởng Viện Nam Á-Đông Nam Á, Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải, Trung Quốc cũng đã lộng ngôn xuyên tạc, bôi đen Việt Nam.

Phùng Siêu cho rằng, trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, Việt Nam sẵn sàng thực hiện nghiêm túc đồng thuận của hai nước về vấn đề Biển Đông, thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý thỏa đáng vấn đề liên quan.

Theo Phùng Siêu, nhưng sau đó, các quan chức và báo chí Việt Nam đã có nhiều phát biểu và bài viết “chói tai, nguy hiểm”. Ví dụ như Chủ tịch Trương Tấn Sang yêu cầu Tổng thư ký Liên hợp quốc thúc đẩy giải quyết tranh chấp Biển Đông hay như phó phát ngôn viên ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa gần đây.

Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

Bài viết cũng tỏ ra đố kị khi cho rằng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tỏ thái độ “giận dữ” với Trung Quốc, nhưng lại nói tốt về quan hệ Việt-Mỹ, trong đó có vấn đề Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Phùng Siêu giở giọng xấu cho rằng, Việt Nam thực hiện chính sách “cân bằng ngoại giao” rất dễ gây ảnh hưởng “bất lợi” cho Việt Nam. Rằng “trong thời gian các hội nghị của Liên hợp quốc, nhà lãnh đạo Việt Nam không biết đến xu thế lớn ‘phát triển hòa bình’ của thế giới, đưa ra những phát biểu ‘không hài hòa’, tìm kiếm sự ủng hộ ở diễn đàn quốc tế, thực chất là đã đóng vai trò của kẻ quấy rối. Việt Nam nếu vẫn coi các nước như Mỹ, Nhật Bản làm cây rơm cứu mạng, đã chính là đã mắc bệnh ấu trĩ”.

Những bình luận của Phùng Siêu cho thấy Trung Quốc rất sợ sệt dư luận quốc tế, không muốn để những âm mưu và hành động đen tối của họ ở Biển Đông bị cộng đồng quốc tế biết đến, tìm hiểu, bàn bạc, đánh giá và cuối cùng có thể đi đến phản đối Trung Quốc.

Một sự thật là, Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa với bằng chứng pháp lý và lịch sử đầy đủ và rõ ràng, được công bố công khai, không như Trung Quốc.

Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Trong hình là đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp thành đảo và tiền đồn quân sự.

Tờ “Thời báo Trung Quốc” Đài Loan ngày 29 tháng 9 dẫn lời phó giáo sư Khổng Tiểu Huệ - Viện nghiên cứu Đài Loan, Đại học Chiết Giang, Trung Quốc thừa nhận, do yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc có nguồn gốc từ “đường 11 đoạn” (vẽ bậy) của Đài Loan, nếu Đảng Dân Tiến lên cầm quyền (thời gian tới) và từ bỏ yêu sách này thì yêu sách của Trung Quốc sẽ mất đi “cơ sở lịch sử và căn cứ pháp lý nhất định”.

Phùng Siêu nên biết rằng, Việt Nam thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận về vấn đề trên biển với Trung Quốc, nhưng không có nghĩa là Việt Nam sẽ từ bỏ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của mình, Việt Nam cũng chưa từng nói với Trung Quốc là Việt Nam sẽ từ bỏ.

Phùng Siêu hay giới bành trướng Trung Quốc không phải không hiểu điều đó, nên chắc cũng chẳng ngạc nhiên khi nhà lãnh đạo Việt Nam tuyên bố rõ quan điểm của mình trước cộng đồng quốc tế. Chỉ có điều, giới bành trướng Trung Quốc muốn thông qua cái “loa” ngoại giao và truyền thông để lòe bịp thiên hạ, bào chữa cho hành động đen tối và phi pháp của mình.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu thể hiện quan điểm rất đúng lúc và kịp thời, nhất là khi nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc vừa có những phát biểu ngang nhiên và lố bịch trong chuyến thăm Mỹ vừa qua.

Quân đội Trung Quốc tổ chức diễn tập đổ bộ đánh chiếm đảo đá trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (ảnh tư liệu minh họa).

Phát biểu ngang nhiên khi đó của Tập Cận Bình rõ ràng là một tín hiệu mới nhất, ở cấp cao nhất của giới cầm quyền Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, đã thể hiện đầy đủ và rõ ràng nhất tham vọng bành trướng, bá quyền của Bắc Kinh ở khu vực.

Phùng Siêu ăn nói hàm hồ, chính kẻ cướp mới làm gì biết đến hòa bình. Sự thật vẫn là sự thật. Sự thật là giới cầm quyền Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm lược quần đảo Hoàng Sa, một phần quần đảo Trường Sa vào các năm 1956, 1974, 1988, 1995…

Chính mưu đồ và hành động bành trướng lãnh thổ, bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông mới đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của các nước ven Biển Đông, quấy rối sự yên bình vốn có của Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, đi ngược lại xu thế lớn phát triển hòa bình của thời đại hiện nay.

Để bảo vệ chủ quyền biển đảo, Việt Nam luôn biết mình phải làm thế nào. Phùng Siêu chỉ là một kẻ “học giả” do Bắc Kinh sử dụng, cho lên mặt báo ăn nói lung tung. Phùng Siêu nói cả nhà lãnh đạo hay nước Việt Nam “mắc bệnh ấu trĩ” trong chính sách ngoại giao thì chính Phùng Siêu đã quá “non nớt”.

Việt Nam đã tuyên bố rõ ràng về chính sách ngoại giao, đó là không liên minh, không dựa vào nước này để chống nước kia. Nhưng, đứng trước một kẻ bành trướng có thực lực quân sự mạnh hơn nhiều ở Biển Đông thì ngoài việc dựa vào sức mình là chính, Việt Nam rõ ràng rất cần tới sức mạnh quốc tế và sức mạnh thời đại, cần có sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của mình, cần hợp tác để bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực, không để bọn bành trướng thích làm gì thì làm.

                                 Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng

Quả quýt dày có móng tay nhọn. Việt Nam chắc chắn không đơn độc trong cuộc chiến chống bành trướng, bảo vệ chủ quyền và chính nghĩa. Dù láng giềng là không thay đổi, không thể xê dịch, nhưng không phải để tình trạng kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu được. Trong thế giới hiện đại luôn có những cơ chế, phương thức thông minh, hiệu quả để Việt Nam tham gia, sử dụng bảo vệ mình và đóng góp mang tính xây dựng cho cộng đồng quốc tế.

Việt Nam sẽ không như Trung Quốc, sẽ không ăn cướp lãnh thổ, ăn cướp biển đảo của Trung Quốc, rồi tiến hành quân sự hóa, ra sức mồi chài “cung cấp dịch vụ an ninh công” cho cộng đồng quốc tế. Thủ đoạn lừa đảo để áp đặt chủ quyền này của Trung Quốc sẽ không bao giờ thực hiện được, chỉ phản ánh tính chất lố bịch có một không hai, chứ làm gì có “phong độ nước lớn” như báo chí họ ra sức tung hô.

Trước mưu đồ và thủ đoạn bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đã bộc lộ hết sức rõ ràng trong các tuyên bố ngang nhiên của Tập Cận Bình, việc còn lại đối với Việt Nam chính là luôn luôn sẵn sàng ứng phó mọi bất trắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng. 

Đông Bình

(Giáo Dục)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét