Pages

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Trung Quốc muốn gì ở trật tự thế giới mới?

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa hiểu được rằng để làm một cường quốc lãnh đạo thế giới, cần một tầm nhìn vượt lên trên những lợi ích quốc gia hạn hẹp và những hành động vì lợi ích khu vực và thế giới, thậm chí đôi khi phải hy sinh các lợi ích ngắn hạn.

 Khi cả Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Mỹ, thế giới đang mong chờ lời giải đáp từ hai nhà lãnh đạo về các vấn đề tồn tại từ lâu trong mối quan hệ song phương giữa hai nước. Cụ thể, người ta đang trông chờ rất nhiều về giải thích của Trung Quốc đối với quan điểm cơ bản về trật tự thế giới. Dù ông Tập có thể sẽ đưa ra những tuyên bố và đề xuất khéo léo nhằm trấn an Mỹ về những ý định ôn hòa của mình, ông cũng phải tìm cách để khớp chúng với những sáng kiến khu vực mới thể hiện sức mạnh cũng như sự quyết đoán của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực. Ông Tập sẽ phải giải thích cuối cùng thì ý đồ thực sự của Trung Quốc là gì.

Cho đến nay, câu trả lời trực diện nhất đó là Trung Quốc muốn nhiều hơn nữa. Cụ thể hơn, Trung Quốc mong muốn ba điều: nhiều ảnh hưởng hơn, nhiều sự tôn trọng hơn và nhiều không gian hơn. Trong một loạt các hội nghị vào mùa hè ở Bắc Kinh, các chuyên gia đã dùng chung một phép ẩn dụ để giải thích hành vi của Trung Quốc: Trung Quốc từ một đứa trẻ giờ đã trưởng thành và do đó cần phải có quần áo mới bởi bộ đồ cũ đã không còn vừa vặn. Nói cách khác, khi sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự đã tăng lên, Trung Quốc “xứng đáng” có thêm không gian ở khu vực. Với quan điểm như vậy, bản chất xét lại trong chính sách của Trung Quốc là điều rất dễ thấy.

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, xu hướng xét lại này càng được đẩy mạnh. Với khẩu hiệu “Công cuộc phục hưng vĩ đại đất nước Trung Hoa”, ông Tập xác định lại các nhiệm vụ quan trọng nhất đối với chính sách đối ngoại nhằm “từng bước đạt thành tựu” (奋发有为). Chính sách “ẩn mình chờ thời” (韬光养晦) nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình gần như đã biến mất trong cẩm nang chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Các nhà ngoại giao Trung Quốc ngày càng trở nên cứng rắn đến mức một số nhà phân tích Trung Quốc đã ví von họ là những người thuộc “Bộ không đàm phán”. Những phản ứng tiêu cực, chẳng hạn như sự lo lắng và phản đối phong cách ngoại giao mới của Trung Quốc, đã không được đếm xỉa khi Trung Quốc coi đó là “những khó khăn bình thường” trong giai đoạn đầu thiết lập trật tự thế giới mới. Các nhà ngoại giao và học giả Trung Quốc còn tự tin đến mức cho rằng khi Trung Quốc áp dụng phong cách quyết đoán này, láng giềng và phần còn lại của thế giới trước sau gì cũng sẽ phải chịu khuất phục và chấp nhận “tình trạng bình thường mới”.

Trong giới nghiên cứu chính sách đối ngoại của Trung Quốc, sự trỗi dậy trở thành siêu cường của Trung Quốc đã không còn là chủ đề gây tranh cãi. Ở Trung Quốc, trong khi một số còn nghi ngờ về vai trò siêu cường duy nhất của Mỹ, thì ít ai nghi ngờ về việc Trung Quốc chắc chắn sẽ vượt qua Mỹ - câu hỏi duy nhất đặt ra chỉ là khi nào. Vì vậy, theo quan điểm của Trung Quốc, đề xuất xây dựng “mối quan hệ cường quốc kiểu mới” và cuộc thảo luận nảy lửa về cách để tránh “bẫy Thucydides” không liên quan gì mấy đến kết quả của cuộc chuyển giao quyền lực. Thay vào đó, họ tập trung vào việc làm thế nào để quản lý quá trình chuyển giao đó, nói cách khác là làm thế nào để thay thế Mỹ một cách hòa bình và tránh xáo trộn ở mức thấp nhất.

Được thúc đẩy bởi định hướng và tầm nhìn vinh quang về tương lai của Tập Cận Bình, bộ máy chính sách đối ngoại đã bộc lộ sự tự tin của mình. Nhiều nhà nghiên cứu của Trung Quốc đã ví von (hoặc cũng có thể là nghiêm túc) tuyên bố rằng, Trung Quốc hài lòng với mọi thứ trong trật tự thế giới hiện tại và cũng mong muốn giữ nguyên trạng miễn là Bắc Kinh thay thế vị trí Washington trong hệ thống đó. Mặc dù có rất nhiều quan điểm cho rằng, trong giai đoạn nắm quyền của Tập Cận Bình (từ 2012 đến 2022), Trung Quốc gần như không thể đạt được mục tiêu đó, nhiều quan điểm khác lại nhìn thấy một viễn cảnh khá thực tế là Trung Quốc sẽ thiết lập được sự thống trị của mình trước hết ở Châu Á. Để đạt được mục tiêu đó, các học giả Trung Quốc đã đưa ra những lập luận sáng tạo nhằm làm suy yếu và loại bỏ vai trò của Mỹ ở Châu Á. Một số thách thức bản sắc của Mỹ với tư cách là một quốc gia Châu Á khi cho rằng, dù Mỹ là một cường quốc ở Châu Á - Thái Bình Dương nhưng lại không phải là một quốc gia Châu Á. Do đó Mỹ không có vai trò nội tại gì để hoạt động ở đây. Số khác thì cho rằng Thái Bình Dương “đủ lớn cho cả Mỹ và Trung Quốc,” do đó Mỹ nên tự bằng lòng với phần nửa đông Thái Bình Dương và cần chấm dứt can thiệp vào phần nửa tây Thái Bình Dương của Trung Quốc. Học giả Trung Quốc còn bác bỏ hệ thống đồng minh của Mỹ khi cho rằng hệ thống này đã “lỗi thời” và đang “gây bất ổn” cho sự cân bằng quyền lực mới ở Châu Á. Họ yêu cầu Mỹ hoặc là giải thể hệ thống này, hoặc tối thiểu phải điều chỉnh hệ thống đó để nhường không gian cho sự thống trị của Trung Quốc.

Về cơ bản, mong muốn thực sự của Trung Quốc bắt đầu với một thỏa thuận an ninh do Trung Quốc chi phối trong ngắn hạn, và dài hạn thì đó là một cấu trúc quyền lực toàn cầu do Trung Quốc dẫn dắt. Trung Quốc sẵn sàng tặng thưởng cho các quốc gia có tinh thần hợp tác bằng sự thịnh vượng kinh tế, các sản phẩm công và những lợi ích thiết thực, nhưng đổi lại Trung Quốc sẽ yêu cầu các quốc gia này phải tôn trọng, hợp tác hay ít nhất phải đồng thuận trong những vấn đề mà Trung Quốc xem là quan trọng. Tầm nhìn này gợi nhớ về hệ thống chư hầu cổ xưa của Trung Quốc ở Đông Á, trong đó Trung Quốc với vai trò bá quyền “thịnh vượng và hiền hòa” buộc các quốc gia phên dậu phải tôn trọng mình và thay họ quyết định những ưu tiên của mình. Đổi lại cho sự thần phục này, các quốc gia sẽ được nhận những phần thưởng về kinh tế cũng như văn hóa và công nghệ tiên tiến. Với khuôn khổ trật tự như vậy, sức mạnh áp đảo và cách ứng xử hiền hòa của Trung Quốc là điều kiện cần và đủ để đảm bảo cho sự quy thuận của các quốc gia khác. Những đề xuất về việc xây dựng “cộng đồng chung vận mệnh” hay “Một Vành đai, Một Con đường” đều được lồng vào trật tự với Trung Quốc đóng vai trò trung tâm này.

Tầm nhìn về thế giới của ông Tập đóng vai trò then chốt trong việc hình thành và thực hiện ước vọng mới của Trung Quốc. Không hài lòng với “thập kỷ thiếu vắng những hành động lớn lao” dưới thời Hồ Cẩm Đào, ông Tập được cho là một người theo chủ nghĩa hiện thực khi tin vào chính trị cường quyền và vận mệnh của Trung Quốc với tư cách là nhà lãnh đạo thế giới. Ngoài ra, chiến dịch chống tham nhũng, thành công trong giới chính trị tinh hoa trong nước, và sự củng cố quyền lực trong hệ thống đã giúp ông Tập có khả năng theo đuổi chương trình chính sách đối ngoại theo ý muốn của mình mà không gặp thách thức lớn nào từ bên trong.

Mặc dù vẫn tồn tại những quan điểm khác biệt cả bên trong và bên ngoài hệ thống, tất cả đều nhanh chóng rơi vào im lặng hoặc bị gạt ra ngoài lề. Một số học giả còn nghi ngại về tính khả thi về mặt kinh tế và các rủi ro chính trị của các chiến dịch như “Một Vành đai, Một Con đường,” đặt câu hỏi về sự khôn ngoan khi vội vã thách thức vị thế của Mỹ trong lúc nước này vẫn là siêu cường duy nhất. Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống tuyên truyền đã được huy động để bảo vệ và thúc đẩy một tiếng nói duy nhất và tiếng nói đó ủng hộ ông Tập. Chính quyền loại bỏ mọi lời chỉ trích nhưng sẵn sàng hoan nghênh những lời khuyên “mang tính xây dựng” về việc làm thế nào để khắc phục những vấn đề trong kế hoạch của ông Tập. Do đó, đối với các nhà phân tích và học giả Trung Quốc, việc tham gia vào phong trào “cứng rắn” của ông Tập sẽ có lợi cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. Thách thức chắc chắn sẽ chẳng mang lại được gì.

Ngoài những ước vọng mang tính bản năng về quyền lực, sự tôn trọng và quyền uy tối cao, Trung Quốc nên tự hỏi mình một câu hỏi căn bản hơn: làm thế nào để các quốc gia khác chấp thuận vị thế lãnh đạo của Trung Quốc mà không cần đến mua chuộc hay cưỡng ép? Trung Quốc hiểu rằng sự tôn trọng không thể bị ép buộc và sự sợ hãi không đồng nghĩa với tôn trọng. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa hiểu được rằng để làm một cường quốc lãnh đạo thế giới, cần một tầm nhìn vượt lên trên những lợi ích quốc gia hạn hẹp và những hành động vì lợi ích khu vực và thế giới, thậm chí đôi khi phải hy sinh các lợi ích ngắn hạn. Vị thế lãnh đạo đòi hỏi Trung Quốc phải tuân thủ đầy đủ rất nhiều quy chuẩn và giá trị toàn cầu cũng như phải thể hiện bản lĩnh chính trị. Về khía cạnh này, Trung Quốc còn cả một đoạn đường dài mới đạt được những yêu cầu đó.

Sự tự tin thái quá của Trung Quốc rất đáng lo ngại bởi nhiều lý do. Tầm nhìn về trật tự thế giới mới của Trung Quốc không được Mỹ và nhiều quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ. Khi những tầm nhìn về trật tự thế giới quá khác nhau, điều đó sẽ tạo ra xung đột về ý thức hệ cũng như trên thực tế, dù tầm nhìn về trật tự thế giới lý tưởng của cả Mỹ và Trung Quốc đều có những ưu - nhược điểm. Trong hoàn cảnh như vậy, việc nhận thức không đúng đắn về bản thân cũng như về người khác có thể sẽ trở thành những yếu tố lớn nhất gây bất ổn cho quan hệ Mỹ - Trung thời gian tới.

Yun Sun

Yun Sun là nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Stimson, thành viên nghiên cứu không thường trực tại Viện Nghiên cứu Brookings. Bài phân tích dựa trên những tìm hiểu và nghiên cứu thực trực tiếp tại Trung Quốc vào mùa hè vừa qua. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên trang PacNet  thuộc Pacific Forum CSIS.

Những bình luận và phản hồi của PacNet thể hiện qua điểm riêng của tác giả. Mọi quan điểm khác nhau đều được hoàn nghênh và khuyến khích.

Người dịch: Trần Quang

Hiệu đính: Minh Ngọc

(Nghiên Cứu Biển Đông)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét