Pages

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Trung Quốc ra oai với trật tự thế giới «Made in China» !

mediaMột xưởng chế tạo linh kiện điện tử "Made in China" tại tỉnh An Huy - REUTERS /Stringer/Files
Lược qua trang nhất các báo ra ngày thứ Tư 02/09/2015 này, chủ đề nổi bật qua các tựa lớn trang nhất khá tản mạn, nhưng đáng lưu ý nhất có lẽ là bài về Trung Quốc trên báo Le Monde. Trong một hàng tựa ở trang nhất : « Trung Quốc biểu dương sức mạnh », tờ báo đề cập đến buổi lễ duyệt binh rầm rộ mà Bắc Kinh sẽ tổ chức ngày mai để kỷ niệm 70 năm ngày gọi là chiến thắng trong cuộc « kháng chiến chống Nhật Bản xâm lược ». Ở trang trong, Le Monde đã phân tích điều được tờ báo cho là « Trung Quốc đang nhào nặn trật tự thế giới mới của mình ».






Đối với nhật báo Pháp, việc Trung Quốc tổ chức một buổi lễ duyệt binh to lớn nhân ngày mùng Ba tháng Chín chứng tỏ rằng Bắc Kinh đã từ bỏ chính sách ngoại giao « nhẫn nhịn »trước đây, và đang muốn phô trương sức mạnh quân sự cũng như tham vọng khu vực,.
Và tại Bắc Kinh, với cuộc diễu binh đầu tiên trong cương vị chủ tịch nước và chỉ huy tối cao của quân đội, ông Tập Cận Bình sẽ đón tiếp điều được Le Monde gọi là « thế giới » của ông, gồm khoảng 30 lãnh đạo quốc gia có thể xem là thân hữu. Vấn đề được nhật báo Pháp nêu bật đầu tiên là ngoại trừ Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, các nước còn lại chỉ thuộc diện « thứ yếu », thậm chí còn có cả lãnh đạo là tội đồ của thế giới như Tổng thống Sudan Omar al-Bashir.
Các nước phương Tây, theo Le Monde, chỉ hiện diện một cách « kín đáo » trong buổi lễ, vì không muốn bảo kê cho một hành động mang « hơi hướm » phục thù, kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa tại Trung Quốc.
Phân tích về các yếu tố thúc đẩy Trung Quốc phô trương thanh thế vào lúc này, Le Monde ghi nhận là so với lúc diễn ra cuộc diễu binh gần đây nhất là vào năm 2009, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, hiện nay Bắc Kinh không chỉ hiện đại hóa quân đội và hung hăng tấn các con tốt của mình trong các vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông, mà lại còn tung ra nhiều sáng kiến để thay đổi luật chơi tại châu Á, và dùng các khoản đầu tư vào hạ tầng cơ sở để dẫn dụ các nước trong khu vực.
Kiến trúc mới theo kiểu Trung Quốc
Thế mạnh của Trung Quốc, theo Le Monde, là « tấm nệm » đầy ngoại tệ của họ, cho phép họ tung ra những khoản đầu tư khổng lồ ở nước ngoài, thu lợi về cho các doanh nghiệp nhà nước.
Các « con đường tơ lụa » mới chẳng hạn, sẽ cho phép các đại tập đoàn Trung Quốc làm dầy thêm sổ đặt hàng của họ, đồng thời biến Trung Quốc thành nước mang lại sự phát triển cho vùng Đông Nam Á và Trung Á. Mùa xuân vừa qua, Bắc Kinh đã thành công trong việc chiêu dụ được các đồng minh của Mỹ tham gia Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng cơ sở Châu Á do Trung Quốc lèo lái, trong số đó đặc biệt có các quốc gia châu Âu như Anh và Pháp.
Trung Quốc cũng lăm le xây dựng lại cấu trúc an ninh khu vực. Theo Le Monde, vào tháng 5 năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thậm chí còn gợi lên một khái niệm mới về an ninh châu Á – do người châu Á đảm đương để phục vụ người châu Á – nghĩa là không cần đến Mỹ.
Đối với Le Monde, khi tìm cách tránh né một trật tự quốc tế dựa trên phương Tây, Bắc Kinh trước hết là muốn tự bảo vệ chống lại bất kỳ chuyển biến nào đe dọa mô hình cai trị độc đoán của mình. Theo chuyên gia Pháp Jean-Pierre Cabestan tại Hồng Kông, Hội nghị Trung ương về ngoại giao của Trung Quốc vào tháng Mười năm 2014 đã đánh dấu sự cáo chung của chính sách ngoại giao « nhẫn nhịn » thời Đặng Tiểu Bình, và sự « vươn lên của một Trung Quốc sẵn sàng có nhiều sáng kiến hơn ».
Dùng sức mạnh quân sự để thúc đẩy chính sách ngoại giao kinh tế
Theo ghi nhận của Le Monde, khối đầu tư khổng lồ và trong lượng áp đảo trong giao dịch thương mại đã cung cấp cho Trung Quốc các phương tiện để gây áp lực hoặc trả đũa nhắm vào các quốc gia không muốn chấp nhận trật tự mới do Bắc Kinh áp đặt, gọi theo thuật ngữ chính trị là pax sinica – nền hòa bình kiểu Trung Quốc. Theo nhật báo Pháp, Philippines nằm trong số nước này vì bướng bỉnh chống lại Trung Quốc ở Biển Đông.
Và chính sách ngoại giao kinh tế đó đã được sự vươn lên mạnh mẽ về mặt quân sự hỗ trợ. Chính sự lớn mạnh về quân sự đã cho phép Trung Quốc áp đặt các điều kiện của mình đối với nước khác. Vấn đề là đà tiến đó đã đẩy Trung Quốc đến chỗ chạm trán với đối thủ khu vực của mình là Nhật Bản, và dĩ nhiên là Mỹ.
Theo Le Monde, trong lúc Hoa Kỳ luôn bị ám ảnh bởi khái niệm « từ chối truy cập » (ở đây là trong các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền), thì Trung Quốc lại luôn luôn tưởng tượng ra rằng mình bị Mỹ « bao vây »  « ngăn chặn » do việc Hoa Kỳ đã thiết lập một mạng lưới liên minh và căn cứ ở một số quốc gia nằm cạnh các vùng biển bao quanh Trung Quốc.
Chính thế đối lập quan điểm trên đây đã khiến cho hai cường quốc căng thẳng với nhau trên vấn đề các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Vấn đề, theo Le Monde là Bắc Kinh như đang có dấu hiệu kiên trì trong chiến lược giành lãnh thổ trong các vùng biển đang tranh chấp.

1 nhận xét:

  1. PHẢI NHẬN XÉT ĐÚNG LÀ MỘNG BÀNH TRƯỚNG BÁ QUYỀN CỦA THẰNG TÀU (CSẢN VÀ ĐÀI LOAN ) LÚC NÀO CŨNG QÚA LỚN.

    Trả lờiXóa