Pages

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

Việt Nam: Doanh nghiệp nhà nước lại ăn vạ

HÀ NỘI (NV) - Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) vừa đề nghị thủ tướng của chế độ “kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảng xăng dầu” để đẩy mạnh tiêu thụ xăng dầu do PVN sản xuất, nếu không, tập đoàn này sẽ... chết.

PVN cho biết, đến năm 2018, xăng dầu do nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và bốn cơ sở pha chế xăng từ condensate của PVN sản xuất sẽ khoảng 17,589,000 m3/năm, trong khi nhu cầu tiêu dùng của thị trường Việt Nam chỉ khoảng 17,329,000 m3/năm. Thành ra lượng xăng dầu dư thừa sẽ khoảng 260,000 m3/năm. Chưa kể lượng dầu diesel dư thừa sẽ lên tới 849,000 m3/năm.

Tàu Speedy Falcon của Mông Cổ được tập đoàn hàng hải quốc doanh CSVN mua lại với giá 70 tỷ rồi vứt ở Quảng Ninh vì quá cũ, không dùng được. Ðây chỉ là một trong nhiều kiểu vứt tiền của các doanh nghiệp nhà nước. Dẫu nợ quốc gia tăng chóng mặt nhưng những kẻ vứt tiền sẽ có tiền bỏ túi. (Hình: Tiền Phong)

Bởi giá bán xăng dầu do PVN sản xuất cao hơn giá xăng dầu trên thị trường thế giới nên PVN không thể xuất cảng và PVN lo rằng, vì giá bán xăng dầu nhập cảng thấp hơn nên dân chúng Việt Nam không thèm mua xăng dầu mà PVN sản xuất, thành ra PVN đề nghị nhà cầm quyền Hà Nội “thay đổi về cơ chế, chính sách trong kinh doanh xăng dầu,” chỉ cho nhập cảng xăng dầu nếu... xăng dầu do PVN sản xuất đã được tiêu thụ hết.

PVN gọi đề nghị này là một giải pháp nhằm “phát huy hiệu quả của các dự án đầu tư những nhà máy lọc hóa dầu” và “ bảo đảm an ninh năng lượng.” Ðồng thời dọa rằng không chấp nhận giải pháp đó thì PVN sẽ... chết!

Hồi đầu tháng này, ba tập đoàn nhà nước, độc quyền trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam là: điện (EVN), than-khoáng sản (TKV) và dầu khí (PVN) cũng vừa đồng loạt báo cáo bị lỗ hàng chục ngàn tỉ vì Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam phá giá tiền đồng, khiến cho tỉ giá đồng Việt Nam/Mỹ kim thay đổi. Cũng vì vậy, cả ba đề nghị đưa hết khoản lỗ đó vào giá bán điện.

Tại Việt Nam, vì giá các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như: xăng dầu, điện,... do các doanh nghiệp nhà nước độc quyền cung cấp, liên tục gia tăng nên giá thành tăng vọt, doanh nghiệp Việt Nam không còn khả năng cạnh trạnh cả trong lĩnh vực xuất cảng lẫn trên thị trường nội địa rồi phá sản hay tạm ngưng hoạt động.

Cũng tại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế đã từng đúc kết rằng, không thể tin vào số liệu mà các doanh nghiệp nhà nước công bố vì lúc cần tăng giá thì than thua lỗ thê thảm, lúc muốn chia tiền thưởng cho nhau lại khoe “lãi lớn.”

Tuy nhiên bởi các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước là một thứ “con cầu tự” nên thường là không trước thì sau, chế độ Hà Nội cũng sẽ tìm cách đáp ứng mọi yêu cầu của loại “con cầu tự” này cho dù chúng chỉ “ăn tàn, phá hại.”

Chẳng hạn, Bộ Tài Chính Việt Nam vừa loan báo đã soạn xong kế hoạch xóa các khoản nợ thuế cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn để đề nghị Quốc Hội phê duyệt vào tháng tới. Trừ các doanh nghiệp tư nhân tuy thiếu thuế song đã ngưng hoạt động từ lâu, chẳng còn gì để “nắm,” những doanh nghiệp đang gặp khó khăn mà Bộ Tài Chính CSVN dự tính xin Quốc Hội xóa các khoản nợ về thuế đều là doanh nghiệp nhà nước hoặc thiếu thuế vì lỡ làm ăn với doanh nghiệp nhà nước.

Nếu Quốc Hội CSVN đồng ý với đề nghị vừa kể, ngân sách Việt Nam sẽ mất thêm hàng ngàn tỉ vì các doanh nghiệp nhà nước được xóa những khoản thuế còn thiếu, sau khi đã mất nhiều ngàn tỉ đầu tư vào các doanh nghiệp này.

Không phải tự nhiên mà hồi tháng 11 năm 2013, Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội CSVN nhận định, hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước là một trong những nguyên nhân chính khiến suy thoái kinh tế kéo dài.

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô 2013, ủy ban này cho biết, tuy nắm giữ nhiều nguồn lực nhất song hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp nhà nước kém xa các khu vực kinh tế khác. Doanh nghiệp nhà nước phải sử dụng tới 2.2 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu trong khi doanh nghiệp tư nhân chỉ cần 1.2 đồng và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ cần 1.5 đồng.

Hồi tháng 7 vừa qua, Kiểm Toán Việt Nam công bố kết quả kiểm toán 249 doanh nghiệp thuộc 38 tập đoàn và tổng công ty nhà nước hồi năm ngoái. Theo đó, các dự án do những doanh nghiệp này đầu tư vẫn “không hiệu quả” nên “lãng phí về vốn” và thua lỗ.

Do làm mất vốn mà ngân sách cấp (thường được gọi là vốn chủ sở hữu), nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang duy trì hoạt động bằng vốn vay hoặc vốn chiếm dụng của các tổ chức tín dụng, thành ra hệ số nợ phải trả trên vốn của chủ sở hữu lên tới vài chục lần. (G.Ð)

(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét