Pages

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

Việt - Nhật - Mỹ hợp tác chặt chẽ phòng ngừa rủi ro ở Biển Đông

Tăng cường hợp tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản nhằm phát triển nền kinh tế cũng như thực hiện "bảo hiểm rủi ro tập thể", thậm chí là một chính sách...

    Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ảnh: KAZUHIRO NOGI/AP.

Học giả Campuchia Chheang Vannarith, đồng sáng lập và là Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Campuchia ngày 20/9 bình luận trên Khmer Times, chuyến thăm chính thức Nhật Bản tuần trước của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Biển Đông và Hoa Đông. Việt Nam đang thực hiện một chính sách ngoại giao phòng ngừa rủi ro trước sự bành trướng của Trung Quốc, bằng cách tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản.

Việt Nam và Nhật Bản có lợi ích chiến lược hội tụ, Chheang Vannarith bình luận. Tranh chấp lãnh thổ ở Hoa Đông, chủ nghĩa dân tộc và sự đối kháng về vấn đề lịch sử là nguyên nhân chính của mâu thuẫn Trung - Nhật. Căng thẳng ngoại giao giữa hai quốc gia này sẽ không thể hạ nhiệt sớm trong thời gian sắp tới.

Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản đã bắt đầu một chính sách đối ngoại chủ động và quyết đoán hơn bằng cách điều chỉnh chiến lược an ninh trong khu vực châu A - Thái Bình Dương. Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã sửa đổi thành công Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản, cho phép nước này sử dụng lực lượng quân sự tham chiến ở nước ngoài.

Tăng cường hợp tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản nhằm phát triển nền kinh tế cũng như thực hiện "bảo hiểm rủi ro tập thể", thậm chí là một chính sách đối ngoại răn đe các hoạt động bành trướng. Cả Việt Nam và Nhật Bản đều thấy rằng Trung Quốc đang thách thức, đe dọa trật tự an ninh và hiện trạng của khu vực (cũng như luật pháp quốc tế).

Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc họp báo chung với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Một điều rất quan trọng là chúng tôi chia sẻ mối quan ngại nghiêm trọng về các hành động đơn phương liên tục thay đổi hiện trạng và làm tăng căng thẳng ở BIển Đông, trong đó bao gồm hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo quy mô lớn và xây dựng các tiền đồn."

               Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng.

Việt Nam đa dạng hóa quan hệ đối ngoại

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Nguyễn Phú Trọng sang Nhật Bản kể từ khi ông trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 2011. Tổng bí thư tiền nhiệm Nông Đức Mạnh cũng đã đến thăm chính thức Nhật Bản năm 2009. Chuyến thăm Nhật Bản của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phản ánh chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam.

Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng bằng cách làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với các cường quốc lớn. Về phía Nhật Bản, chuyến thăm này góp phần tăng cường kết nối hai nền kinh tế, tăng cường sự tin cậy chính trị và đẩy mạnh hợp tác trong các vấn đề cùng quan tâm. Đáng chú ý, Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường năng lực hàng hải.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, đặc biệt là kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Việt Nam và Nhật Bản đã vượt qua được trở ngại quá khứ và nâng cao mối quan hệ song phương. Hợp tác phát triển nhanh chóng sau khi Việt Nam và Nhật Bản thành lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2009, sau đó nâng cấp thành đối tác quan hệ chiến lược sâu rộng năm 2014. 

Sự tin tưởng lẫn nhau giữa Việt Nam và Nhật Bản đã được tăng cường thông qua các chuyến thăm cấp cao và tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo hai nước. Về kinh tế, Nhật Bản là nước cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam trong 20 năm qua. Năm 2015 Nhật Bản cam kết mức hỗ trợ cao kỷ lục 3 tỉ USD. Hỗ trợ của Nhật Bản cho Việt Nam từ năm 1992 đến nay lên tới 20 tỉ USD.

Các gói hỗ trợ phát triển tập trung vào cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, xóa đói giảm nghèo, giáo dục y tế, phát triển đô thị và môi trường. Tính đến tháng 8 năm nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 2 tại Việt Nam sau Hàn Quốc với 2661 dự án tổng giá trị 37,7 tỉ USD.

Về thương mại, Nhật Bản là đối tác lớn thứ 4 của Việt Nam sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Trong năm 2014 tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 28 tỉ USD và dự kiến con số này năm nay sẽ lên mức 30 tỉ USD.

Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác phát triển quan trọng trong thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa của mình nhờ vào việc tăng gấp đôi đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên như điện tử, năng lượng, ô tô và ngành nông nghiệp công nghệ cao.

Hơn nữa việc thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm nay và kết thúc đàm phán TPP sẽ mở ra cơ hội mới cho cả hai nước để mở rộng quy mô hợp tác, cơ hội mới cho thương mại và đầu tư.

      Trung Quốc càng bành trướng Biển Đông, càng thúc đẩy các nước đoàn kết lại. Ảnh: Reuters.

Việt - Nhật hợp tác chặt chẽ về quốc phòng - an ninh, Nhật Bản giúp Việt Nam là giúp mình

Về lĩnh vực quốc phòng an ninh, Nhật Bản mong muốn hỗ trợ Việt Nam về an ninh hàng hải và an toàn trên biển, xây dựng năng lực trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, an ninh mạng, chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia.

Trong năm 2014 Nhật Bản đã cam kết cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra để lực lượng Cảnh sát biển thực thi pháp luật trên vùng biển chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Năm nay Nhật Bản tiếp tục cam kết viện trợ cho Việt Nam 1,7 tỉ USD để phát triển năng lực đảm bảo an ninh hàng hải, học giả Chheang Vannarith cho biết.

Theo The Yomiuri Shimbun ngày 20/9, trong hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Shinzo Abe đã cam kết hỗ trợ Việt Nam 200 triệu Yên để mua các tàu tuần tra đã qua sử dụng và các thiết bị đảm bảo an ninh hàng hải khác. Cảnh sát biển Nhật Bản cũng có kết hoạch hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo lực lượng tàu tuần tra.

Bình luận về quan hệ Việt - Nhật, The Yomiuri Shimbun khẳng định, để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng và duy trì sự ổn định trong khu vực, Nhật Bản cần tăng cường hợp tác chiến lược với các nước liên quan. Việt Nam và Nhật Bản đã quyết định đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải.

Ngoài ra, việc Nhật Bản mở rộng đầu tư và xuất khẩu sang Việt Nam đang có nền kinh tế phát triển nhanh chóng chắc chắn sẽ cung cấp động lực cho chiến lược phát triển của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe.

Điều quan trọng là Nhật Bản và Việt Nam cần thúc đẩy lợi ích chung bằng cách tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế - an ninh một cách toàn diện và sâu sắc trước sự gia tăng của chủ nghĩa bành trướng trong khu vực. Nhật Bản cũng cần phải hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ để tăng cường hiệu quả hợp tác an ninh với Việt Nam, The Yomiuri Shimbun nhấn mạnh.

Hoa Kỳ đã thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác, hỗ trợ Việt Nam bằng cách giúp người Việt tăng cường năng lực đảm bảo an ninh hàng hải. Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã thông qua một động thái chiến lược mạnh mẽ để cải thiện quan hệ với Việt Nam trong những năm gần đây với mục đích ngăn chặn các hành vi bành trướng từ Trung Quốc, đặc biệt là hoạt động bồi lấp xây dựng, quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông.

Hồng Thủy

(Giáo Dục)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét