Tại sao ông Tập Cận Bình mê Khổng Tử đến thế? Đó là đề tài đang được tranh luận sôi nổi trong vòng cư dân mạng Trung Quốc và giới quan sát quốc tế.
Cần nói ngay hiện tượng "Cận Bình yêu Khổng Tử" hiện nay khác hẳn với chính sách thời Hồ Cẩm Đào. Đó là xuất cảng các viện Khổng Tử ra khắp thế giới và dùng chúng làm vũ khí "quyền lực mềm" hay các ổ gián điệp trá hình.
Nỗ lực hiện nay của ông Tập nhắm vào chính người dân Trung Quốc và hàng ngũ đảng viên ĐCSTQ:
Từ năm ngoái, Bộ Giáo Dục đã ra lệnh cho trẻ em từ bậc tiểu học đến sinh viên đại học phải học môn "văn hóa truyền thống", mà cụ thể bao gồm từ các bài dạy luân lý từ các "sách thánh hiền" đến loại "tứ thư ngũ kinh" mà thư sinh ngày xưa phải học để thi làm quan. Trong giáo trình đó, các lời dạy của Khổng Tử đóng vai trò then chốt.
Cán bộ hàng đầu của mọi bộ, ngành tại Bắc Kinh đều đã được lệnh đi học các khóa bổ túc tại chỗ. Các khóa này không phải để ôn lại chủ nghĩa Mác-Lênin hay tư tưởng Mao Trạch Đông, nhưng để dạy hệ tư tưởng Khổng Tử.
Trong lúc Khổng học được lệnh đưa vào tất cả các trường Đảng, thì Trường Khổng đầu tiên đã được khánh thành tại thành phố Quí Dương. Đây là một khu trường ốc lớn, mới tinh, được xây trên 30 héc-ta đất với trị giá khoảng 200 triệu USD. Trường Khổng đã trở thành trường đảng cao cấp cho cán bộ.
Một số giáo sư, nhà nghiên cứu Khổng học đang được báo đài của đảng đề cao tên tuổi, và rồi chính các ông này lên tiếng đề nghị Đảng biến tư tưởng Khổng tử thành "hệ tư tưởng quốc gia". Đây là loại đề nghị "cực kỳ phản động" vì nó hàm ý thay thế hệ tư tưởng Mác-Lênin-Mao hiện tại. Chắc chắn chẳng báo nào dám đăng các kêu gọi công khai này nếu đây không phải là chủ trương lớn của chính lãnh đạo tối cao.
Trong tình hình các đối thủ chính của ông Tập đều đang ngồi tù hoặc bị canh chừng cẩn mật, không thấy có phê phán nào đáng kể trên báo đài về chính sách thay đổi hệ tư tưởng hiện nay - một hành động mà trong quá khứ chắc chắn đã long trời lở đất. Trên mạng Internet thì ngược lại, nhiều dòng phân tích từ đủ mọi góc đã xuất hiện:
Trước hết, nhiều người chỉ ra sự "tỉnh bơ" của giới lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là Ban Tuyên Giáo Trung Ương khi họ thản nhiên ca ngợi chính sách mới và làm như một chế độ nào khác chứ không phải ĐCSTQ là kẻ đã ra sức tẩy xóa văn hóa truyền thống TQ suốt gần 70 năm qua. Chính ĐCSTQ đã lên án tất cả những Khổng Tử, Trang Tử, Mạnh Tử, Lão Tử,... cùng với toàn bộ di sản văn hóa mà họ gọi là "tàn dư phong kiến". Hàng chục triệu con người, bao gồm vô số các nhà học giả, nhà giáo và gia đình họ, bị tước lột tất cả, bị đày đọa và ngay cả mất mạng trong mỗi đợt "bài phong" trong quá khứ. Nay nhân dân TQ lại bắt đầu phải "hết dạ biết ơn" bác Tập và Đảng đã sáng suốt đổi mới... NHƯNG vẫn cấm không ai được phê phán bác Mao và Đảng về chính sách cũ.
Có người nhận định đây là sự chọn lựa bắt buộc của ông Tập. Không có con đường nào khác vì xã hội của những "con người mới XHCN" đã băng hoại tới mức kinh hoàng. Một phần nguyên do đến từ những thập niên mà bác Mao xóa sạch các tiêu chuẩn luân lý để ông là tiếng nói duy nhất quyết định đúng sai về mọi mặt trong xã hội. Khổ nỗi chính ông Mao lại sống rất vô luân (theo các chứng cớ nay đã lộ diện) và ông cứ thay đổi các tiêu chuẩn luân lý xoành xoạch theo nhu cầu chính trị. Đặc biệt trong 10 năm Cách Mạng Văn Hóa, có những điều mới tuần trước Bác bảo là chân lý đến tuần sau đã bị lên án là tư tưởng "tả khuynh" hay "hữu khuynh" hay "đồi trụy". Một phần nguyên do còn lại đến từ mấy thập niên mà bác Đặng Tiểu Bình, bác Giang Trạch Dân, bác Hồ Cẩm Đào cho cả nước chạy theo chủ nghĩa tư bản hoang dã, khuyến khích "làm giàu là vinh quang", bất chấp các tác hại lên môi sinh và người chung quanh.
Nhiều đoạn phim tiêu biểu cho tình trạng mất nhân tính đã xuất hiện trên Internet như cảnh 1 bé gái lạc mẹ bị xe cán chết ngay giữa đường với hàng ngàn người qua lại mỗi giờ nhưng không một ai dù chỉ dừng lại xem. Chiếc xe cán chết em bé cũng đã chạy mất. Mãi cho đến khi 1 bà quét đường đến mới phát hiện ra vì... xác em bé cản trở việc quét rác. Và có lẽ rõ nhất là tình trạng mạnh ai nấy ném chất thải ra sông hồ như hàng chục ngàn con heo chết, vịt chết vì dịch bệnh, làm tắc nghẽn và nhiễm độc cả dòng sông mà hàng chục triệu người khác phải dùng làm nước uống; dài đến việc mạnh ai nấy ném đủ loại hóa chất độc hại vào thực phẩm để kiếm lời, kể cả sữa cho trẻ em sơ sinh, v.v...
Vì hệ quả băng hoại từ cả chủ nghĩa cộng sản lẫn chủ nghĩa tư bản đó, ông Tập phải dùng đạo đức Khổng Tử để mong phục hồi nền luân lý xã hội.
Nhiều người đồng ý về thế kẹt của ông Tập nhưng không đồng ý về lý do phía sau quyết định thay thế hệ tư tưởng. Họ cho rằng ông Tập cho Khổng Tử sống dậy vì các mục tiêu chính trị là chính, và việc duy trì ngôi vị cai trị của ông là lý do cốt lõi. Họ dẫn chứng như sau:
Ông Tập và giới lãnh đạo Đảng biết lý tưởng cộng sản không còn thuyết phục được ai mà còn tạo phản tác dụng nơi người nghe vì mức độ khác với thực tế quá cao. Nói ngắn gọn, lý tưởng cộng sản đã hoàn toàn... phá sản. Trong khi đó, lý tưởng "làm giàu là vinh quang" từ thời Đặng Tiểu Bình nay cũng mất sức hấp dẫn vì kinh tế đang xuống dốc nhanh và có chỉ dấu tiếp tục chậm lại trong những năm trước mặt. Với khoảng trống đó, ông Tập rất sợ các giá trị nhân bản bị xem là "văn hóa phương Tây" thấm nhập vào xã hội. Nền tảng của hệ giá trị đó đặt trọng tâm vào con người, coi trọng các quyền đương nhiên của con người, và nhắm bảo vệ các quyền đó bằng thể chế dân chủ pháp quyền. Chính vì thế mà ông Tập phải nhân danh "bảo vệ văn hóa TQ chống lại tha hóa phương Tây" để ngăn chận các ước mơ dân chủ, tự do, nhân quyền len lấn vào dân chúng. Tư tưởng Khổng Tử vì vậy rất vừa vặn cho nhu cầu của ông. (Dĩ nhiên, ông cũng tỉnh bơ không nhắc gì tới sự kiện chủ nghĩa cộng sản cũng là sản phẩm phương Tây mà đảng ông rước về thay thế văn hóa truyền thống TQ hơn 70 năm trước).
Ông Tập và giới lãnh đạo Đảng cũng ngày càng khó biện minh cho việc duy trì một nhà nước chuyên chính kiểu Lênin khi mà mọi mặt khác của chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội đều đã biến mất hoặc chỉ còn trên giấy tờ. Mọi loại dịch vụ công ích theo kiểu xã hội XHCN, từ thực phẩm, giáo dục đến y tế, chỉ còn trên các tài liệu tuyên truyền; còn mọi mặt hoạt động thật nay đều theo kiểu chủ nghĩa tư bản hoang dã. Cách biện minh duy nhất còn lại là chọn một truyền thống TQ, đó là đất nước luôn phải có vua và dân đương nhiên thần phục vua như Khổng Tử dạy. Nói cách khác, biện chứng thời nay trở thành: Yêu nước là yêu văn hóa và truyền thống 5000 năm của TQ; Yêu truyền thống văn hoá TQ là yêu các lời dạy của các bậc thầy TQ, mà lớn nhất là Khổng Tử; Yêu các lời dạy của Khổng Tử thì phải giữ điều hệ trọng nhất, đó là thần phục nhà vua. Thiếu điều đó thì toàn hệ thống các lời dạy sụp đổ. Nếu rút gọn lại, sẽ là: "Yêu nước là yêu vua Tập Cận Bình".
Nhưng phục hồi tư tưởng Khổng Tử không phải là không có vấn đề, đặc biệt khi đụng phải di sản của quá khứ:
Suốt từ khi lên nắm quyền năm 1949 đến những năm gần đây, ĐCSTQ luôn khẳng định một trong những lý do chính khiến TQ bị bạc nhược và bị các nước phương Tây làm nhục là vì đất nước này bị trói chặt bởi văn hóa phong kiến bảo thủ, mà trong đó các qui luật hành xử xã hội của Khổng Tử mang tội nặng nhất. Họ liệt kê cụ thể các hệ quả, từ tệ nạn phân xã hội thành quá nhiều giai cấp, đến tệ nạn coi thường sáng kiến khoa học kỹ thuật, tệ nạn coi rẻ phụ nữ, tệ nạn quan liêu dẫn đến tham nhũng, lạm quyền, v.v... Nhiều thế hệ dân TQ đã thấm nhuần và tin chắc vào các khẳng định đó. Liệu các đòn mạnh tay ép buộc của ông Tập có tẩy được hàng tỉ bộ não như thế không?
Ngay trong hàng ngũ cán bộ cao cấp nhất, sự oán ghét Khổng Tử vẫn còn mãnh liệt đến độ vào năm 2011 (khi họ Tập chưa lên nắm quyền) một bức tượng Khổng Tử mới tinh vừa được đặt tại quảng trường Thiên An Môn đã phải rút đi sau chỉ hơn 3 tháng vì các phản đối quá mạnh trong đội ngũ các cán bộ thượng tầng. Liệu ông Tập có thể an tâm là hàng ngũ cán bộ cao cấp hiện nay thực lòng nghe theo vua Cận Bình hay chỉ đang chờ cơ hội?
Và như mọi chiến dịch "điên" khác của Đảng CSTQ trong quá khứ, dịch đề cao tư tưởng Khổng Tử, dù chỉ mới phôi thai, đã bắt đầu có những biểu hiện quá đà. Có trường bắt học cả Kinh Dịch - tức sách cổ về các quẻ bói toán chẩn định tương lai - và dạy như một môn khoa học. Có trường tổ chức những buổi lễ trình diễn hàng ngàn học sinh quì trước cha mẹ để chụp hình thi đua về lòng hiếu thảo. Có trường buộc gắt gao các nữ sinh phải giữ các "đức hạnh nữ nhi truyền thống" của hàng ngàn năm trước (tức thời còn bó chân hay gả bán con gái như đồ vật...) đến độ chính Bộ Giáo Dục phải lên tiếng khiển trách.
Có lẽ phải là người dân TQ và phải sống qua những năm tháng "đấu tranh tư tưởng" kinh hoàng trong quá khứ, mới cảm được sự hồi hộp của dân chúng đất nước này trước các chiếu chỉ vùn vụt của vua Tập Cận Bình. Nhưng ít nhất tại điểm này, các diễn biến quanh hiện tượng "chuyển hệ" tại TQ dễ gợi lại trong giới quan sát nhiều suy nghĩ về một trường hợp tương tự.
Y như Liên Xô vào những năm cuối trước khi sụp đổ, lãnh tụ Gorbachev và giới lãnh đạo Liên Xô lúc đó cũng cho toàn dân học lại về đạo đức khi tình trạng xã hội đã băng hoại đến mức không cứu chữa được nữa. Liệu nỗ lực "chuyển hệ" cho xã hội Trung Quốc có là một trường hợp "quá ít, quá trễ" khác nữa không?
Trong dòng tranh luận sôi nổi về việc phục hồi tư tưởng Khổng Tử, giới quan sát chợt nhận ra một vùng trống kỳ lạ. Đó là gần như không còn ai đoái hoài đến lý tưởng cộng sản, đạo đức cách mạng, lời dạy bác Mao,... nữa. Liệu có phải mức chán ngán và mức tác hại của các tư tưởng đó đối với dân chúng và đảng viên đã quá đương nhiên tới độ không cần tranh cãi nữa? Liệu hiện tượng này có phải là một chứng cớ nữa về tình trạng quá băng hoại, quá ít, quá trễ nêu trên?
Vũ Thạch
(Việt Báo)
CHỨNG TỎ NGÀY TÀN CỦA CS TÀU ,VIỆT ĐẾN NƠI RỒI .LẤY CỨU CÁNH LÀ KHỔNG TỬ ,CHỦ THUYẾT MÁC LÊ LẾT LÀ BIỆN CHỨNG CHO HÀNH ĐỘNG CƯỚP BÀNH TRƯỚNG CỦA MÌNH THÌ LIỆT CƯỜNG PHÁ NÁT TÀU CỘNG LÀ CÁI CHẮC CHẮN RỒI .
Trả lờiXóaLòng tham quyền cố vị của lãnh đạo tàu ta thấy qúa rõ trog việc hướng dân theo lý thuyết Khổg phu tử .Ngày nay intenet đã tràn lan dân tàu đã thấm mùi tư sản làm sao họ chịu .Khá khen cho lũ cs tàu ngu si dốt nát.
Trả lờiXóa