Pages

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Biển Đông: Đồng minh hoan nghênh, Bắc Kinh tức tối

mediaĐá Xu Bi (Subi Reef) chụp từ vệ tinh tháng 9/2015 - REUTERS /CSIS Asia Maritime Transparency Initiative
Trước sự kiện Mỹ cho chiến hạm USS Lassen đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh hai đảo nhân tạo bồi đắp tại Đá Xu Bi (Subi Reef) và Đá Vành Khăn (Mischief Reef) ở quần đảo Trường Sa hôm nay 27/10/2015, Bắc Kinh giận dữ tố cáo đây là hành động « đe dọa chủ quyền » của Trung Quốc. Tổng thống Philippines hoan nghênh, còn Bộ Quốc phòng Úc ra thông cáo ủng hộ tự do hàng hải tại Biển Đông.  





Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) tuyên bố chiến hạm Mỹ đã « tiến vào một cách bất hợp pháp, không được phép của Trung Quốc ». Lục Khảng cho biết « các cơ quan liên quan đã giám sát, theo dõi chiến hạm này để đưa ra lời cảnh báo, theo đúng luật lệ », và chính quyền Trung Quốc sẽ « kiên quyết đáp trả tất cả mọi hành động khiêu khích », « sử dụng mọi biện pháp cần thiết trong trường hợp phải cần đến ».
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) bày tỏ quan ngại : « Chúng tôi khuyến cáo phía Mỹ nên cân nhắc kỹ trước khi hành động, không nên có những hành vi liều lĩnh, thiếu suy nghĩ, không gây rối loạn vô cớ ».
Ngược lại, Tổng thống Philippines Benigno Aquino sáng nay tuyên bố trước báo chí : « Tôi nghĩ rằng mọi người đều hoan nghênh một sự thăng bằng quyền lực. Một khi (chiến hạm Mỹ) tuân theo các luật lệ quốc tế, chúng tôi không thấy có vấn đề gì trong việc các tàu không có ý định thù địch đi qua. Nếu nói ủng hộ tự do hàng hải mà lại tìm cách ngăn trở các tàu bè khác, thì có vẻ không phù hợp ».
Hãng tin AFP nhắc lại, vốn luôn phản đối Bắc Kinh, trước đó ông Aquino từng nói rằng Trung Quốc « gây sợ hãi cho thế giới ».
Về phía Bộ Quốc phòng Úc hôm nay ra thông cáo khẳng định : « Điều quan trọng cần phải thừa nhận là theo luật pháp quốc tế, mọi quốc gia đều có quyền tự do hàng hải và hàng không, kể cả tại Biển Đông. Úc mạnh mẽ ủng hộ các quyền này ».
Tuy cho biết : « Hiện nay Úc không tham gia các hoạt động cùng với Hoa Kỳ tại Biển Đông »nhưng « Úc sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ và các đối tác khác trong khu vực về an ninh hàng hải ». Thông cáo không quên nhắc nhở « gần 60% hàng xuất khẩu của Úc được vận chuyển qua Biển Đông »,  « Úc có các lợi ích chính đáng trong việc duy trì hòa bình và ổn định »tại vùng biển quan trọng này.
Hãng CNN cho biết chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga từ chối đưa ra lời bình luận về việc chiến hạm Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc tự tiện bồi đắp tại Trường Sa, nhưng nói rằng : « Điều vô cùng quan trọng là cộng đồng quốc tế cùng ngồi lại với nhau để bảo vệ một đại dương rộng mở, tự do và yên bình ». Được biết báo Nhật Sankei Shimbun dành bản tin đặc biệt hôm nay cho vấn đề này.
Hiện nay chưa thấy có phản ứng chính thức của phía Việt Nam. Đá Xu Bi thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc chiếm từ năm 1988, và đã xây dựng một tòa nhà bốn tầng, hai trại lính, một vòm radar, một ngọn hải đăng tại đây. Còn Đá Vành Khăn thuộc cụm Bình Nguyên, bị Trung Quốc kiểm soát từ năm 1995 sau khi trục xuất các ngư dân Philippines.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét