Pages

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Biển Đông đứng ngoài vùng lợi ích chiến lược của Nhật Bản ?

mediaChiến hạm mang trực thăng Izumo hiện đại của Hải quân phòng vệ Nhật ( MSDF) trên cảng Tokyo ngày 1/9/2015.REUTERS/Thomas Peter
Vào lúc Hoa Kỳ đưa chiến hạm áp sát các đảo nhân tạo của Trung Quốc trong khu vực Trường Sa, giới chuyên gia Nhật Bản dự báo Tokyo sẽ không tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông vì đây không thực sự là vùng chiến lược của Nhật.




Trong bài phân tích đăng trên trang mạng của tạp chí The Diplomat, số đề ngày 29/10/2015 nhà báo Shannon Tiezzi đưa ra nhiều yếu tố để trả lời cho câu hỏi vì sao Nhật Bản tỏ thái độ thận trọng trước việc Hoa Kỳ tuần tra ở Biển Đông.
Vào tháng 6/2015 Tổng tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, Đô đốc Katsutoshi Kawano, đã cho biết hiện tại Tokyo « không có kế hoạch » giám sát Biển Đông, cho dù Nhật Bản sẽ cân nhắc vấn đề tùy theo diễn biến tình tình. Cách nay hai ngày khi Hoa Kỳ điều chiến hạm USS Lassen áp sát Đá Xu Bi và Vành Khăn trong khu vực Trường Sa thì ngoài phát biểu của thủ tướng Shinzo Aben, các giới chức Nhật Bản từ bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakaatani đến Chánh văn phòng của phủ thủ tướng, Yoshihide Suga đều tỏ thái độ rất thận trọng : không ủng hộ mà cũng không chỉ trích chiến dịch tuần tra của của Hoa Kỳ.
Theo tác giả bài báo, đó là dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy Tokyo đang khó xử trên hồ sơ Biển Đông. Một mặt Nhật Bản mong muốn duy trì quan hệ mật thiết với đồng mình Hoa Kỳ nhưng mặt khác, nội các của thủ tướng Abe đánh giá Biển Đông không là một vấn đề sinh tử đối với Tokyo.
Các chuyên gia Nhật Bản về an ninh quốc phòng đều nhìn nhận, liên kết Mỹ Nhật là nền tảng vững chắc không thể chối cãi. Trục Tokyo – Washington có kiên cố thì mới ngăn chận được những tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Nhưng đồng thời, vì nhiều lý do, mối liên hệ gắn bó đó không cho phép Nhật Bản chạy theo Hoa Kỳ, tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông.
Lý do thứ nhất được một quan chức cao cấp trong bộ Quốc phòng Nhật nêu ra là Tokyo không có tranh chấp chủ quyền trong khu vực này. Quyền lợi trực tiếp của Nhật Bản trong vùng Biển Đông chỉ giới hạn ở quyền tự do lưu thông hàng hải. Chính vì lẽ đó mà nội các của thủ tướng Abe sẽ theo dõi sát diễn biến ở Biển Đông, quan sát các động thái của Trung Quốc cũng như của các quốc gia có tranh chấp chủ quyền trong khu vực.
Thứ nữa theo phân tích của giáo sư về quan hệ quốc tế Yuichi Hosoya giảng dậy tại đại học Keio, ngay cả trong trường hợp Hoa Kỳ có yêu cầu Nhật Bản hỗ trợ, thì đó cũng chỉ giới hạn ở các khâu tình báo, giám sát và do thám (ISR). Có điều, ngay cả trong công tác đó Nhật Bản cũng không đủ sức đảm trách. Vì vậy cho nên, theo giáo sư Hosoya thuộc đại học Keio, Tokyo luôn tìm cách hỗ trợ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nâng cao khả năng phòng thủ, hiện đại hóa các trang thiết bị quân sự.
Chuyên gia về quan hệ quốc tế Nhật Bản này cũng lưu ý : sẽ là một sai lầm nếu chúng ta gắn liền việc Tokyo vừa sửa đổi luật quốc phòng với khả năng Nhật Bản can thiệp ở Biển Đông. Luật mới đó không là phương tiện để Nhật Bản nhắm mắt can thiệp ở bất cứ nơi nào.
Sau cùng các nhà quan sát tại Tokyo cho rằng, ngay cả trong trường hợp Nhật Bản muốn can thiệp ở Biển Đông để hỗ trợ đồng minh Hoa Kỳ thì quyết định đó sẽ khó có thể được công chúng tán đồng. Công luận Nhật Bản chỉ chấp nhận một sự can thiệp quân sự trong trường hợp an ninh quốc gia bị đe dọa trực tiếp. Trước mắt đối với đại đa số người dân Nhật Biển Đông phải là một vấn đề sống còn đối với an ninh quốc gia.
Các chuyên gia Nhật Bản được tác giả bài báo, Shannon Tiezzi trích dẫn đều đưa ra cùng một nhận định : không hy vọng Tokyo sốt sắng can thiệp ở Biển Đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét