Pages

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Công Đoàn Độc Lập Bao Giờ?


Như thế, hiệp định TPP họp xong hoàn tất. Bây giờ chỉ còn chờ thủ tục phê chuẩn.

Câu hỏi là, bao giờ nhà nước CSVN cho thành lập công đoàn độc lập? Cũng có nghĩa là, bao giờ công đoàn nhà nước không còn một mình một cõi?

Trên nguyên tắc, nhà nước Hà Nội được cho 5 năm chuyển tiếp. Có nghĩa là, trì hoãn 5 năm. Và thêm 2 năm để thực hiện, nếu vi phạm là sẽ bị chế tài, tức là bị phạt. Nghĩa là, bị câu giờ 7 năm.

Cũng nên nghĩ rằng, nếu chính phủ Mỹ không quyết liệt, nhà nước CSVN sẽ kéo dài hơn…

Trước tiên, TPP là món quà lớn cho nền kinh tế VN đang mang nợ công quá nặng.

Bản tin BizLIVE có tựa đề “TPP: Cơ hội chỉ đến với những doanh nghiệp được chuẩn bị” hôm 13-10-2015 ghi nhận:

“… “Sau hiệp định TPP vừa được ký kết chưa đầy bảy ngày, tôi đã tiếp 30 đoàn doanh nghiệp nước ngoài, họ đi theo dòng chảy của các thương hiệu quốc tế. Việt Nam sẽ là công xưởng của thế giới, đa phần là Mỹ", ông Đỗ Long, Tổng giám đốc công ty Bita's nói trong buổi tọa đàm "TPP trong mắt doanh nhân Việt" do BizLIVE tổ chức ngày 12/10/2015….”(ngưng trích)

Có nghĩa là, bận rộn tới tấp. Doanh nghiệp VN thấy tư bản Mỹ vào lũ lượt tìm các hợp đồng với các hãng VN. Và rồi tự tin rằng VN sẽ là công xưởng cho thế giới.

Nhưng, có thay đổi thể chế, chính sách gì không?

Bản tin này dè dặt, không nói thẳng, chỉ nói là “người lao động được đối xử bình đẳng”… Câu nói này bí hiểm. Phải chăng là bình đẳng với người lao động các nước khác.

Bản tin vừa kể viết:

“…Ông Thân Thanh Vũ, Phó chủ tịch hội Bất động sản Du lịch Việt Nam bày tỏ nỗi băn khoăn của doanh nghiệp: “TPP vào thì việc đi lại sẽ dễ dàng hơn, người lao động được đối xử bình đẳng. Chuyện mua nhà của người nước ngoài ở Việt Nam sẽ tăng lên, Bất động sản du lịch sẽ phát triển. Đầu tư bất động sản sẽ có chiều hướng tăng về đầu tư từ nước ngoài. Một số doanh nghiệp sẽ chết, nhưng không sao, họ sẽ tái sinh….”(ngưng trích)

Trong khi đó, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn (TBKTSG) nói rõ hơn. Đó là công đoàn độc lập. Bài viết tựa đề “TPP và công đoàn” hôm 10-10-2015 trên TBKTSG viết, trong đó có cam kết về lao động:

“…Việt Nam được cho là đã nhất trí sơ bộ với Mỹ về một “kế hoạch thống nhất” (Consistency Plan) để gắn những cam kết về lao động với những lợi ích về cắt giảm thuế quan trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo một nguồn tin từ cuộc đàm phán.

Chủ đề nhạy cảm

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, tối 5-10, đã trả lời bằng tiếng Anh câu hỏi của phóng viên báo The New York Times (NYT), tại cuộc họp báo kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Khi được hỏi về những cam kết trong lĩnh vực lao động, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: “Lao động là một vấn đề quan trọng và nhạy cảm của Việt Nam trong quá trình đàm phán”.

Ông cho biết: “Điều kiện lao động của Việt Nam không giống với điều kiện của Mỹ hay các quốc gia khác. Chúng tôi tuân thủ các điều khoản của Tổ chức Lao động quốc tế, mà Việt Nam là thành viên. Chúng tôi sẵn lòng đáp ứng được vấn đề lao động này”.

Không phải ngẫu nhiên mà NYT lại quan tâm tới vấn đề lao động. Đây là vấn đề rất mới, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều đối tác trong đàm phán TPP. Tuy là vấn đề “phi thương mại” nhưng nó có liên quan chặt chẽ đến hoạt động thương mại, được đưa vào trong các mô hình đàm phán FTA thế hệ mới.

Theo Trung tâm WTO, đối với Việt Nam, một số nội dung đàm phán về lao động trong TPP được cho là khá khó khăn. Chẳng hạn, việc đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải duy trì các điều kiện lao động ở cùng tiêu chuẩn tối thiểu với các nước phát triển trong TPP. Đây là điều không dễ dàng và có thể là tác nhân làm tăng chi phí sản xuất, từ đó giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Về quyền tự do nghiệp đoàn (freedom of association), trong bối cảnh Việt Nam đang duy trì một hệ thống công đoàn thống nhất và duy nhất (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), yêu cầu này sẽ gây khó khăn cho Việt Nam.

Hơn nữa, theo cách tiếp cận chung trong TPP, việc chấp nhận các cam kết về lao động không chỉ đơn thuần bao gồm điều chỉnh pháp luật nội địa cho phù hợp mà còn phải đảm bảo việc thực thi nghiêm túc trong thực tế với các biện pháp trừng phạt khi không đảm bảo thực thi.

Vậy vấn đề này đã được giải quyết thế nào?

Gắn với thuế quan

Theo insidetrade.com, một trang tin khá uy tín chuyên cung cấp các bản tin thương mại, Việt Nam đã nhất trí với Mỹ về kế hoạch triển khai thực hiện các bước để đáp ứng những đòi hỏi của chương về lao động trong TPP. Mỹ sẽ gắn điều kiện dỡ bỏ thuế quan đối với việc thực hiện cam kết về lao động của Việt Nam.

Theo trang tin nói trên, Việt Nam sẽ tiến hành các bước để cải thiện “quyền tự do nghiệp đoàn” khi TPP có hiệu lực. Việt Nam có khoảng thời gian là năm năm để thực hiện cam kết.

Cam kết này cho phép người lao động được thành lập công đoàn, mà không bị buộc phải liên kết với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi của pháp luật Việt Nam cho phép các công đoàn “độc lập” có thể hoạt động sau khi đăng ký với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Một quy định khác gọi là “cross-affiliation” (tạm dịch là “liên kết chéo”), cho phép các công đoàn độc lập địa phương tại các nhà máy trong cùng một lĩnh vực có thể liên kết với nhau, hoặc có thể tạo thành một liên đoàn lao động cấp rộng lớn hơn với công đoàn các ngành khác.

Sau giai đoạn chuyển tiếp năm năm, Mỹ sẽ có hai năm để đánh giá xem liệu Việt Nam đã tuân thủ các nghĩa vụ về liên kết chéo này hay không.

Trong thời gian hai năm đó, nếu Mỹ thấy Việt Nam không thực hiện nghĩa vụ, họ sẽ thông báo, tiến hành tham vấn, và sau đó có quyền đơn phương đình chỉ việc dỡ bỏ thuế quan (đối với những loại thuế chưa thực hiện vào thời điểm đó)…”(ngưng trích)

Như thế, cho hoãn 5 năm, và Mỹ có 2 năm để khảo sát xem VN có hứa lèo không. Nghĩa là, trì hoãn 7 năm.

Nhưng, hẳn là CSVN phải có độc chiêu gì để kềm hãm công đoàn độc lập?

Bản tin RFI hôm 12-10-2015 có tựa đề “Công đoàn: Cho độc lập nhưng vẫn kiểm soát” trong đó ghi nhận:

“…Nếu như về mặt kinh tế, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, thì về mặt chính trị, xã hội, hiệp định này cũng sẽ thúc đẩy những thay đổi đáng kể ở Việt Nam, đặc biệt với việc chính quyền Hà Nội buộc phải chấp nhận cho thành lập các công đoàn độc lập. Thế nhưng, Việt Nam đang tìm cách trì hoãn việc thực hiện điều khoản liên quan đến vấn đề này.

Trước hết, sau khi kết thúc đàm phán thì các bước kế tiếp của các nước tham gia TPP là như thế nào, trả lời RFI Việt ngữ từ Hà Nội, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế giải thích:

“Trước hết, Việt Nam các nước tham gia TPP sẽ phải hoàn chỉnh lại văn bản, bởi vì đấy là một hiệp định dài đến 30 chương và hơn 800 trang, nếu tính luôn cả các phụ lục. Cho nên phải xem xét lại từng câu từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy của bản hiệp định. Thứ hai là sẽ phải chuyển ngữ ra ngôn ngữ của từng nước, trước khi đi đến ký kết.

Ký kết rồi thì phải đưa hiệp định ra trước Quốc hội từng nước để xem xét. Quá trình đó có lẽ sẽ mất hết năm 2016 và nếu được phê chuẩn hết thì hiệp định mới được thực hiện vào năm 2017. Đây là một quá trình có nhiều thời gian và như vậy là các bên có thể chủ động công bố và tích cực chuẩn bị thực thi.”

Riêng trong đàm phán song phương với Việt Nam, Hoa Kỳ đã đưa vào vấn đề bảo vệ quyền lợi của người lao động và đặc biệt là quyền tự do thành lập công đoàn ở Việt Nam, theo lời tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết:

“Trong 30 chương của hiệp định thì có một chương rất nhạy cảm đối với Việt Nam, đó là chương về quyền tự do của người lao động, trong đó có phần về quyền tự do lập công đoàn. Đây là chương mà hai bên đàm phán rất gay go và cuối cùng cũng đã đi đến thống nhất là có một thời gian ân hạn, tức là không phải thực hiện ngay lập tức sau khi ký.

Thứ hai, Việt Nam sẽ có thời gian để ban hành các luật về lập hội, trong đó có thể sẽ có những quy định người đứng ra lập công đoàn phải là người như thế nào, bao nhiêu tuổi, trình độ ra sao, được sự tín nhiệm của công nhân như thế nào. Với tất cả những điều kiện ấy thì tôi nghĩ là phía Việt Nam có những phương tiện thích hợp để có thể tiếp tục có được ảnh hưởng đối với các công đoàn (độc lập) ấy, không để tuột khỏi sự lãnh đạo của chế độ hiện nay.

Tuy vậy, đây sẽ là một sự cạnh tranh với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam hiện đang hoạt động và đấy là một thách thức mà Việt Nam cần phải xét đến trong thời gian tới. Với tất cả những điều kiện như vậy, Việt Nam đã đồng ý ký và tôi hoan nghênh quyết tâm của Việt Nam ký cả gói hiệp định đó.

Quốc hội Việt Nam cũng đã chuẩn bị thảo luận dự luật về hội, nhưng dự luật đó chưa tạo sự đồng thuận, cho nên cần phải được chuẩn bị lại lần nữa.

Việt Nam cũng đã có những bảo lưu và đã đàm phán được những vấn đề khác trong hiệp định TPP, ví dụ như vấn đề không được hạn chế về Internet. Về nguyên tắc là như thế, nhưng Việt Nam đã thành công đưa ra được những đặc thù về văn hóa, về thuần phong mỹ tục và cả về vấn đề an ninh quốc gia, cho nên cũng sẽ vẫn có những sự hạn chế và giám sát Internet nhất định”.

Về phần luật sư Nguyễn Văn Đài, một trong những sáng lập viên của Hội Anh em Dân chủ, trả lời RFI từ Hà Nội, cho biết là Việt Nam sẽ chỉ cho phép các công đoàn cơ sở ở từng xí nghiệp, nhà máy, chứ không chấp nhận một tổ chức công đoàn độc lập cấp toàn quốc:

“Theo thông tin tôi biết được, Việt Nam đã chấp nhận cho phép thành lập công đoàn cấp cơ sở ở từng xí nghiệp, nhà máy và phía Hoa Kỳ đã chấp thuận điều đó. Hiện nay thì ở Việt Nam có Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, bao trùm từ cấp cơ sở cho đến trung ương, nhưng theo hiệp định TPP thì Việt Nam chỉ chấp nhận cho phép các tổ chức công đoàn độc lập cấp cơ sở. Các tổ chức công đoàn ở các nhà máy khác nhau thì không được liên kết với nhau hay là không có một tổ chức trung ương của các công đoàn độc lập ấy.

Hiện nay, Việt Nam đã Luật Công đoàn để điều chỉnh Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Nhưng để cho phép lập công đoàn độc lập thì tôi không biết là Quốc hội và chính phủ Việt Nam sẽ chọn xây dựng một luật mới cho các công đoàn độc lập cơ sở hay sẽ lồng ghép các công đoàn ấy vào luật về hội đang được Quốc hội dự thảo và chuẩn bị đưa ra thảo luận tới đây, hoặc là họ sửa lại Luật Công đoàn”…”(ngưng trích)

Như thế, nếu bản dịch hoàn tất năm 2017, nghĩa là, CSVN câu giờ thêm 2 năm, tức là, thay vì 7 năm, mà là 9 năm? Hình như chưa rõ ràng. Trong khi đó, LS Đài nói Hà Nội chỉ cho công đoàn độc lập ở cấp nhà máy, không cho nối kết thành tầm cỡ cấp tỉnh hay quốc gia. Nếu đúng như thế, tiến trình dân chủ hóa quê nhà sẽ còn lâu xa…

Có cách nào nhanh hơn chăng? Thí dụ, Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố dân chủ tự do, khi nắm chức Tổng Bí thư? Thí dụ, quân đội thực hiện cuộc đảo chánh nhanh gọn lẹ?

Phải chăng, Hà Nội muốn trì hoãn cải tổ thể chế thêm 10 năm, để cho tròn 50 năm sau ngày thống nhất VN, và không còn những người liên hệ tới cuộc nội chiến vừa qua, dù quốc gia hay cộng sản?

Xin nhớ rằng, sơ xuất là mất Biển Đông nhiều hơn. Không tin vào dân, sẽ không giữ gì được cả.

Trần Khải

(Việt Báo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét