Lần đầu tiên kể từ Hội nghị Thành đô những năm 1990, báo chí và dư luận xã hội Việt Nam bất ngờ sôi nổi về tương lai ‘thoát Trung’ nếu Việt Nam được gia nhập Hiệp định TPP. Thậm chí vài tờ báo nhà nước còn can đảm đặt tựa đề báo bằng cụm từ này trong ngoặc kép, vốn bị coi là rất nhạy cảm.
Tuy nhiên, ‘thoát Trung’ ngay trong những năm tới là một khả năng hoàn toàn viễn vông.
Trong lịch sử buôn bán hai chiều với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam bị phụ thuộc vào Trung Cộng nhiều nhất. Ít nhất 35% nguyên liệu dùng cho sản xuất của Việt Nam phải nhập khẩu từ Trung Cộng, thậm chí một số ngành có tỷ lệ này lên tới 70%. Cơ cấu này đang gây khó rất lớn cho việc Việt Nam tham gia vào TPP. Có một điều kiện không thể thay đổi của TPP là Việt Nam phải chuyển đổi vùng nguyên liệu nhập khẩu từ các nước ngoài TPP như Trung Cộng về các nước trong khối TPP.
Chỉ từ sau năm 2000 đến nay, giá trị nhập siêu của Việt Nam từ Trung Cộng đã tăng đến 150 lần, từ mức 200 triệu USD lên đến 35 tỷ USD dự kiến trong năm 2015. Còn trong những năm 2013 và 2014, VN phải nhập siêu từ 23-24 tỉ USD hàng năm từ Trung Quốc. Đó là chưa kể đến 20 tỷ USD nhập lập từ Trung Cộng mà cho tới giờ này các bộ ngành VN vẫn còn nhắm mắt đổ lỗi cho nhau, không ai biết số hàng này tuồn đi đâu và cũng chẳng ai dám nhận trách nhiệm…
Đó là một sự mất cân xứng quá lớn và làm lợi rất nhiều cho Trung Cộng.
TPP chỉ có thể làm được vài việc cho khả năng thoát Trung về kinh tế. Với quy định nghiêm ngặt của TPP về cơ chế phải nhập nguyên vật liệu từ các nước nội khối TPP, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải bắt buộc chuyển đổi dần cơ cấu nhập khẩu từ Trung Cộng sang các nước khác như Đại Hàn, Nhật Bản, Singapore…, giảm dần tỷ lệ nhập siêu từ Trung Cộng.
Tuy thế, cản ngại rất lớn đang tồn tại đối với triển vọng “thoát Trung” không chỉ là do thói quen nhập hàng giá rẻ của Trung Cộng, mà còn bởi lợi ích nhóm về kinh tế và chính trị của một lực lượng không nhỏ giới quan chức Việt Nam ‘thân Tàu’. Trong thời gian qua, số quan chức này đã tìm cách ngăn cản và phá đám Hiệp định TPP cho Việt Nam. Trong thời gian tới, những quan chức này còn có thể tiếp tục tạo ra những tình huống nan giản để gây khó khăn cho tiến trình Việt Nam triển khai thực thi các quy định TPP. Đặc biệt với những quan chức này nằm trong những bộ ngành kinh tế liên quan mật thiết đến TPP như Bộ Công Thương, Bộ Xây Dựng, Bộ Giao Thông Vận Tải, Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư… Nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn chuyển đổi kênh nhập khẩu sẽ bị hành hạ không ít bởi chủ kiến chính trị của Bắc Kinh.
Do đó, trong những năm trước mắt, chỉ có thể thận trọng nói tới khả năng Việt Nam ‘giãn Trung’ về kinh tế, và tốt hơn nữa là ‘giãn Trung’ về chính trị./ Lê Dung / SBTN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét