“Thế giới này sẽ thay đổi, từ những điều rất nhỏ mà mỗi chúng ta làm, cùng với nhau, chúng ta sẽ giúp thế giới này trở lên tốt đẹp hơn” – Đây là một câu trong một bài viết của một em bé 12 tuổi mà anh tình cờ đọc được, một chân lý đơn giản và không thể đúng hơn. Kết luận rút ra là bài học có thể đến từ bất kỳ đâu, từ bất cứ ai, miễn là mỗi chúng ta giữ cho mình một tư duy cởi mở, và như Steven Job nói, hãy sống khát khao, sống dại khờ để đón nhận những điều mới mẻ trong cuộc sống.
Nói đến sự thay đổi xã hội ở Việt Nam, người ta thường hình dung đến những cuộc cách mạng đẫm máu và bi thảm trong quá khứ. Liệu có một cách nào khác giúp xã hội thay đổi với một cái giá dễ chịu hơn và một lộ trình thời gian chấp nhận được? Đây là câu hỏi thường trực trong suy nghĩ của nhiều thế hệ người Việt.
Năm 1989, khối cộng sản Đông Âu sụp đổ. Do tính biểu tượng và vị thế của các quốc gia, người ta hay nói tới sự sụp đổ của bức tường Berlin hay sự tan rã của Liên bang Sô Viết. Thực tế ấy khiến nhiều người quên mất một góc nhỏ ở Đông Âu, nằm kẹt giữa hai thế lực luôn luôn hùng cường Nga – Đức, một quốc gia nhỏ từng có thời kỳ bị xóa tên trên bản đồ thế giới – Poland. Tuy nhiên, chính ở đây, chính ở đất nước vốn bị xóa tên trong thời kỳ thế chiến thứ hai, chịu sự dày xéo của cả đạo quân tàn bạo của Hitler lẫn gót sắt sặc mùi giai cấp của Stalin, chính đất nước này đã viết lên một trang sử riêng của nó, khiến bức màn sắt một thời ở Đông Âu sụp đổ. Ba Lan (Poland hay Polska) ngày nay là quốc gia thành công nhất trong khối Đông Âu sau khi chế độ cộng sản sụp đổ. Thống kê của World Bank, năm 1987, GDP Ba Lan vỏn vẹn 63,90 tỷ USD. Năm 2014, GDP danh nghĩa của Ba Lan lên tới 548 tỷ USD và đạt tới 721,39 tỷ USD nếu tính theo chỉ số ngang giá sức mua (PPP). Ba Lan hiện xếp hạng 20 thế giới xét về quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của 38 triệu dân Ba Lan hiện nay đạt tới 23.649 USD/người, cao hơn hầu hết các nước hậu cộng sản. Bên cạnh các thành công về kinh tế, Ba Lan cũng có sự hội nhập hầu như trọn vẹn với thế giới văn minh. Năm 1999 Ba Lan có mặt trong Nato, năm 2004, người Ba Lan được cộng đồng kinh tế EU đón chào trong tư cách của một quốc gia được hoan nghênh chứ không phải chấp nhận gia nhập vì khuyến khích. Điều gì đã khiến Ba Lan đạt được những thành tựu nổi bật mà nhiều người đánh giá là đỉnh cao trong lịch sử suốt 500 năm gần đây của Ba Lan, sau một xã hội tan hoang được tái xây dựng từ năm 1989?
Sự sụp đổ của các xã hội cộng sản trong khối Warszawa thường được nhắc đến do những sai lầm nội tại của chế độ cộng sản. Điều đó là đúng với hầu hết trường hợp. Nhưng sai lầm chỉ dẫn tới sụp đổ, còn sự hồi sinh thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố phức tạp hơn. Trong những nhân tố làm nên điều kỳ diệu của sự hồi sinh, nhân tố quan trọng nhất, là sự trưởng thành của xã hội, hay nói cách khác, chính là nền tảng dân trí và dân khí mà mỗi xã hội đạt được. Dù ít được nhắc đến, nhưng chính người Ba Lan, một cách lặng lẽ và kiên cường, đã góp phần của họ vào quá trình đào mồ cho chủ nghĩa cộng sản khát máu kiểu Mác Lê ở Đông Âu. Cuộc cách mạng chấn hưng dân trí diễn ra âm thầm ở Ba Lan từ những năm 1970. Sự sụp đổ của chế độ cộng sản tại Ba Lan, đáng ngạc nhiên, lại bắt đầu từ chính một phong trào mang đặc hơi hướng của xã hội cộng sản: Phong trào công đoàn đoàn kết của những người công nhân Ba Lan. Tuy nhiên, khác với những cuộc đấu tranh giai cấp khát máu trong quá khứ, Công đoàn đoàn kết của Ba Lan, khởi đầu từ sự đấu tranh của những người công nhân về tình trạng thiếu thốn triền miên và những cam kết hầu như không được thực thi của chế độ cộng sản, đã tìm được sự hội tụ chung với những người trí thức thuộc nhiều tầng lớp ở Ba Lan. Điều đó giúp công đoàn đoàn kết thay vì một đám đông hỗn loạn và hung hãn, trở thành một tổ chức xã hội có sức mạnh vượt trội và được định hướng đúng đắn bởi dòng chảy tri thức. Jacek Kuron, một trí thức công giáo Ba Lan, là một trong số những người tiên phong đã khuyến khích và giúp đỡ công nhân Ba Lan dựng lên công đoàn độc lập của họ. Năm 1980, công đoàn đoàn kết thông báo tổ chức của họ có tới 10 triệu thành viên, và thành phần của nó không phải chỉ có công nhân mà gồm đông đảo tri thức. Tháng 12/1981 chính quyền cộng sản Ba Lan tuyên bố thiết quân luật và bắt giam hàng nghìn thành viên công đoàn. Sự đàn áp tiếp tục kéo dài trong nhiều năm sau đó, nhưng không dập tắt được một phong trào có sức mạnh ngày càng lan rộng. Cuối cùng, trong biến cố lịch sử phi thường năm 1989, công đoàn đoàn kết Ba Lan đã lật đổ chế độ cộng sản và xây dựng thể chế văn minh cho mình. 10 năm sau, họ góp mặt trong ngôi nhà chung châu Âu với tư cách của một quốc gia đạt trình độ cao cả về văn hóa và kinh tế.
Điều gì đã giúp người Ba Lan đạt được những kỳ tích ấy, với một cái giá rất êm đềm nếu so với những biến cố đẫm máu và tăm tối như ở Syria, Libya, iraq hay thậm chí là Ucraine? Lịch sử sẽ ghi nhận điều này: Công đoàn đoàn kết Ba Lan và những thành viên của nó, đã khởi đầu cho cuộc cách mạng vĩ đại của họ từ chính phong trào đọc và đấu tranh cho những quyền ghi trong hiến pháp. Trong suốt cuộc cách mạng kéo dài 10 năm kể từ tháng 8/1980, ngày Công đoàn đoàn kết Ba Lan được thành lập cho đến lúc chế độ cộng sản sụp đổ, hầu hết các hoạt động phản kháng và gây sức ép với chế độ cầm quyền để đòi hỏi các thay đổi xã hội đều xuất phát từ cách yêu cầu dựa trên nền tảng hiến pháp. Chịu sự đàn áp nặng nề của chính quyền, nhưng những người trí thức công giáo, những lãnh tụ công nhân và những thành phần cấp tiến của Ba Lan đã kiên trì trong hòa bình nhưng quyết liệt cho những đòi hỏi của mình. Những cuộc đấu tranh gây tiếng vang của Công đoàn đoàn kết, đều xuất phát từ chính những quyền của người dân được ghi trong hiến pháp. Trong vòng 10 năm, bằng việc nhận thức sâu sắc các quyền hiến định về quyền con người, trong sự đoàn kết và chấp nhận khác biệt, người Ba Lan kiên cường đối mặt với những đợt trấn áp của chế độ cộng sản. Nhiều nghìn người bị tống vào tù, nhưng sự kiên trì trong hòa bình và sự trưởng thành về mặt tư duy của xã hội đã khiến cái giá phải trả của người Ba Lan không quá nặng nề. Khi chế độ cộng sản sụp đổ vào năm 1989, khác với hầu hết các nước Đông Âu hậu cộng sản, người Ba Lan đạt tới một trình độ nhận thức hoàn toàn khác biệt về xã hội và nhân quyền. Cuộc đấu tranh sát cánh trong nhiều năm giữa công nhân, trí thức, các thành phần công giáo và nông dân khiến người Ba Lan có sự trưởng thành hơn hết về việc chấp nhận và dung hòa sự khác biệt. Ba Lan nhanh chóng đạt được sự ổn định thật sự về xã hội đa nguyên trên nền tảng của một xã hội đã được khai phóng về dân trí trong suốt một quá trình hơn 10 năm. Người Ba Lan mất hai năm để thoát khỏi sự hỗn độn hậu cộng sản, kể từ năm 1991 đến nay, Ba Lan phát triển với một tốc độ thần kỳ so với các nước Đông Âu. Không giống Nga, khi xã hội tự do nhanh chóng quay lại sự thống trị mang hơi hướng độc tài, cũng không giống Ucraine, nơi người dân hầu như không biết làm gì với món quà dân chủ từ trên trời rớt xuống, để rồi sau 24 năm nhận được độc lập, Ucraine chỉ có một chế độ chính trị tham nhũng nối đuôi sau các kỳ bầu cử, và cuối cùng đối mặt với cảnh tan hoang dưới sức ép của người Nga. Cũng chính Ba Lan, là ví dụ bằng vàng cho những xã hội muốn đạt tới văn minh khi so sánh với tình trạng đầy ám ảnh tại các nước Trung Đông. Dân chủ chỉ có giá trị ở một xã hội khai phóng, chứ không thể phát huy sức sống và tính ưu việt của nó ở những xã hội mà người dân còn chưa biết phải làm gì với số phận của chính mình.
Hồi ký của nhiều lãnh tụ Công đoàn đoàn kết Ba Lan sau này đều ghi nhận: “Những cuộc đấu tranh của chúng tôi để gây sức ép với chính quyền, đều xuất phát từ chính nền tảng hiến pháp. Dựa vào đó, chúng tôi yêu cầu họ phải xóa bỏ các điều luật gây cản trở xã hội. Chúng tôi chịu đàn áp và khủng bố, nhưng với các quyết sách trong hòa bình và sự nhận thức ngày càng tăng của các thành viên, cùng với nhau, cuối cùng chúng tôi (đã) được điều mình muốn”
Quay trở lại câu chuyện Việt Nam, vấn đề gai góc nhất khi Việt Nam đàm phán TPP không phải nằm ở các sắc thuế, cũng không phải ở việc bảo hộ hay mở cửa các thị trường, mà chính ở điều kiện về việc thành lập “Công đoàn độc lập” của những người lao động. Những người có đủ sự trải nghiệm hẳn sẽ nhận ra lý do tại sao mà Việt Nam e ngại đến thế với điều kiện này, dù chế độ cộng sản hiện nay vẫn mặc nhiên tự nhận họ chính là đại diện cho giai cấp công nhân Việt Nam. Trong nguy cơ có tính sinh tồn từ sức ép của người Tàu, cùng với sự vận động gần như tất yếu của dòng chảy quyền lực Á Châu, tính đến thời điểm này, có vẻ tạm coi chế độ cộng sản cầm quyền hiện nay buộc phải chấp nhận đối mặt với thực tiễn. Việt Nam đã kết thúc đàm phán song phương với tất cả các nước về điều kiện TPP. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ hồi tháng 7/2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngỏ ý Việt Nam sẵn sàng sửa đổi các điều luật để đáp ứng điều kiện TPP. Rõ ràng đây là một cơ may lớn đối với lịch sử đất nước.
Nhưng trông đợi vào vận may không phải là cách mà một dân tộc nên làm. Do đó, chưa bao giờ, chưa có lúc nào mà vấn đề nâng cao dân trí và chấn hưng dân khí lại quan trọng như lúc này. Người Việt Nam cần có sự trưởng thành, có đủ tri thức, có đủ sự tỉnh táo, có đủ dũng khí và cần có đủ sức mạnh đoàn kết để chuẩn bị cho tiền đề của một xã hội văn minh. Chúng ta quay trở lại cuộc cách mạng ba ngọn thác mà anh Lãng đã đề cập đến ở đây:
1. Tại sao nên thừa nhận hiến pháp? Thừa nhận hiến pháp, là để mọi cuộc đấu tranh xã hội phải diễn ra trên cơ sở hòa bình. Bạo lực là cách nhanh nhất để làm thui chột xã hội và tạo điều kiện cho những kẻ cực đoan có cơ hội xúi giục đám đông. Không thể có sự tỉnh táo ở một đám đông say sưa bắn giết. Đó chính là điều đã diễn ra ở Ucraine, Libya, Syria hay Iraq ngày nay, và nó đã không diễn ra ở Ba Lan, khi những thành viên công đoàn đoàn kết đã chọn cho mình một lối đi khác: đấu tranh ôn hòa kết hợp với sự khai phóng xã hội.
2. Đọc hiểu hiến pháp để làm gì? Đọc hiểu hiến pháp, đặc biệt là phần viết về quyền con người, về quyền và nghĩa vụ công dân, chính là để mỗi cá nhân có nhận thức sâu sắc về giá trị hiến định của cá nhân mình trước xã hội, trước chính quyền và trước lịch sử. Đọc hiểu hiến pháp để hiểu về quyền của mình, để từ đó biết vận dụng những quyền hiến định ấy để đấu tranh đòi hỏi xã hội phải thay đổi, đòi hỏi chế độ phải cải cách thậm chí bãi bỏ các điều luật gây cản trở sự tiến bộ xã hội. Chính trong quá trình ấy, nhận thức của mỗi cá nhân sẽ tăng dần theo thời gian khi ý thức về quyền con người được khai phóng. Chỉ có sự khai phóng ấy mới khiến mỗi cá nhân ý thức được sức mạnh của mình, ý thức được vai trò của mình và đồng thời cũng ý thức và trân trọng được cái giá của hòa bình. Một đám đông man rợ chỉ có thể hành xử một cách man rợ, kết thúc cũng sẽ là sự hỗn loạn trong man rợ. Một cộng đồng văn minh sẽ có sức mạnh đẳng cấp với lối đấu tranh trong sự văn minh. Và chỉ có như thế mới đạt được nền tảng cho một xã hội dân chủ văn minh. Khi một xã hội đủ trưởng thành, nó sẽ có đủ trình độ và văn minh để viết cho mình một bản hiến pháp mới, trong hòa bình.
3. Những quyền lực nào bạn có khi nhận thức sâu sắc về quyền con người và quyền công dân? Có vô số thứ mà mỗi cá nhân có thể làm và có khả năng làm được một khi tư duy được khai phóng. Nếu hơn 30 triệu người dùng Internet ở Việt nam, những cử tri trong hiện tại và trong tương lai ý thức được giá trị của mình, thì điều đầu tiên mỗi người có thể làm, là việc biến những lá phiếu trong kỳ bầu cử kế tiếp trở thành một phương tiện thể hiện quyền lực xã hội, thay vì chỉ là một tờ giấy lộn như vài chục năm qua. Mỗi công dân đều có quyền lựa chọn người đại diện cho mình trước khi bỏ phiếu, và nếu danh sách ứng viên do chế độ hiện hành lập ra hàng năm chỉ gồm toàn những thứ mà các bạn cho là ăn hại, thì không ai cấm mỗi người gạch tên toàn bộ đám ăn hại ấy trước khi bỏ phiếu vào thùng. Chế độ có thể nhắm mắt làm ngơ nếu chỉ có vài nghìn lá phiếu giống thế, nhưng khi con số lên tới hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu thì đó sẽ là một cú sốc gây chấn động. Đó sẽ chính là tiền đề cho một xã hội văn minh, nơi mỗi cá nhân ý thức được quyền lực và nghĩa vụ đối với xã hội của mình.
Internet đem lại một món quà đắt giá cho quyền lực thứ 4. Đây là nơi duy nhất mà người Việt nam có thể thực sự thể hiện được quyền lực giám sát xã hội của mình. Khi báo chí không còn giữ được vị trí của nó như một phương tiện tuyên truyền phục vụ chế độ trong dòng thác của mạng xã hội, rõ ràng, người Việt nam ngày nay có lợi thế hơn người Ba Lan những năm 1970 rất nhiều để thực hiện việc giám sát xã hội, chia sẻ quan điểm và hội tụ về tư duy, từ đó tạo thành động lực đối với xã hội. Trong những ngày qua, nhiều vấn đề được nhiều người Việt nam xới lên trên các trang thông tin mạng. Và trào lưu này ngày một nhiều, đáng mừng thay, đó chính là một phần của cuộc cách mạng ba ngọn thác đang làm biến đổi xã hội Việt nam. Sự trưởng thành của người Việt, ý thức trách nhiệm đối với xã hội và sự quan tâm tới cộng đồng ngày một nhiều hơn trong dòng thác đang diễn ra này. Chính những điều đó đang làm xã hội thay đổi, chính những điều đó đang khiến mỗi cá nhân ngày một trưởng thành và khai phóng về mặt tư duy, chính những điều đó đang giúp đất nước biến đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Một trí thức khai phóng Nhật Bản từng nói với Phan Bội Châu vào đầu thế kỷ 20: “Quý quốc đừng lo không giành được độc lập dân tộc, mà Quý quốc cần phải đối mặt với nỗi lo dân tộc không có đủ tư cách có được độc lập”
Anh Lãng cũng muốn chia sẻ điều này với các bạn: “Các bạn đừng lo Việt Nam không có dân chủ. Điều các bạn cần lo là dân tộc này không có đủ tư cách để có được dân chủ”
Ba Lan mất 15 năm, tính từ 1974 – 1989, trong thời đại không internet và đất nước bị kìm kẹp trong bức màn sắt với thế giới văn minh. Việt Nam năm 2015 được kết nối với thế giới, có tới hơn 30% dân số thông thạo internet và mạng xã hội, nơi mỗi công dân có thể dễ dàng chia sẻ quan điểm và thực hiện quyền giám sát xã hội của mình. Chúng ta sẽ mất bao nhiêu năm nếu thực sự khai phóng trở thành một động lực cho mỗi con người???
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét