Pages

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

LS Lê Công Định ‘muốn tái hành nghề’

Image copyrightFB Le Cong Dinh
Luật sư Lê Công Định nói muốn được trả lại chứng chỉ hành nghề để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và đào tạo luật sư trẻ.
Thông điệp được gửi ra trên ‘ Ký sự trình diện tháng 10/2015’ mà ông đăng trên facebook cá nhân sau cuộc gặp mới nhất với giới an ninh Việt Nam.
Cuộc gặp mặt này nằm trong lịch “trình diện” hàng tháng theo lệnh quản chế sau khi thi hành án tù.

“Tôi thấy lo cho đất nước khi tham gia TPP do mọi người, từ nhà nước đến doanh nghiệp, đều chưa chuẩn bị sẵn sàng.
“Ở góc độ pháp lý, rõ ràng hệ thống luật pháp khiếm khuyết trên mọi phương diện. Xét ở khâu nền tảng nhất là đào tạo, có thể nhận ra việc giảng dạy luật ở bậc đại học vô cùng lạc hậu,” ông Định nói về một phần nội dung trao đổi với giới an ninh.
Ông Định mô tả việc một nhân viên an ninh hỏi “Vậy anh muốn đề xuất gì để tôi ghi vào biên bản?”
“Tôi đáp ngay: “Có hai việc quan trọng không biết các anh dám làm hay không, nhưng vì đã hỏi nên tôi trả lời.
“Thứ nhất, sau khi tôi hết quản chế, nhà nước nên trả lại chứng chỉ hành nghề luật sư để tôi có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn và trực tiếp tham gia đào tạo nghề nghiệp cho luật sư trẻ.
“Thứ hai, tôi muốn thành lập một đại học luật tư nhân hoặc đóng vai trò cố vấn toàn bộ chương trình giảng dạy luật của một đại học hiện hữu mà không bị can thiệp từ bộ giáo dục.””
Ông Định cho hay một nhân viên an ninh đáp lời rằng “Hai vấn đề anh nêu đều khó, nhưng không phải không làm được.”
Ông Định nói rằng thời gian không còn nhiều cho vận hội mới của đất nước và rằng nếu không nắm lấy cơ hội này và chuẩn bị đầy đủ, đất nước sẽ tụt hậu thêm và vĩnh viễn không bắt kịp các nước khác trong khu vực, kể cả Campuchia và Lào.
“Nên nhớ, một đại học luật không thể lật đổ chính quyền được. Vậy đừng quá lo lắng!”, ông Định viết trên facebook, thuật lại những gì ông nói với giới an ninh.
Ông Lê Công Định, cựu phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tp HCM và từng tham gia đại diện cho phía Việt Nam trong các vụ kiện chống phá giá cá tra, mô tả điều ông gọi là hàng chục năm nay các đại học luật ở Việt Nam chỉ cung cấp sản phẩm kém chất lượng vì “thầy cũng kém chất lượng.”
“Sinh viên ra trường nếu may mắn làm việc ở hãng luật tốt, thì được huấn luyện lại đúng hướng, còn không may mắn thì mất nhiều thời gian mới biết cách làm việc, hoặc thậm chí chỉ bình bình ở mức nào đó rồi dừng lại.
“Đấy là lý do tại sao chúng ta thiếu những luật sư tầm cỡ với nhiều kinh nghiệm quốc tế. Thêm nữa, trước bộ máy tư pháp và hành pháp như hiện nay, luật sư có năng lực vẫn có thể bị cản trở cơ hội phát triển, vì hệ thống tòa án, viện kiểm sát, bộ ngành, v.v… đều kém năng lực một cách đồng đều.”
Ông Định thuật lại rằng khi “buổi nói chuyện chính” tạm dừng thì mọi người [nhân viên an ninh] lại hỏi ông dự định sẽ làm việc gì khi hết quản chế.
“Tôi bảo muốn làm luật sư, nhưng nếu chính quyền không trả lại chứng chỉ hành nghề, thì chỉ còn cách về phường này làm việc,” ông Lê Công Định viết.
Một trong các nội dung chính khác được ông Định thuật lại gồm việc ông được hỏi về đánh giá của mình về dự thảo văn kiện của đại hội toàn quốc của đảng lần 12 sắp tới.
“Điều làm tôi chú ý nhất là nhiều mục tiêu chính sách kinh tế-xã hội được liệt kê sẽ đạt trong nhiệm kỳ sau thật ra đã được nêu trong đại hội lần 11 của 5 năm về trước.
“Như vậy, rõ ràng việc thực hiện nghị quyết đại hội 11 nhìn chung là thất bại,” ông Định viết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét