Pages

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Lý Thái Hùng - Tuần tra 12 hải lý: Dằn mặt hay đối đầu

USS-Lassen-620.jpg

Sau hai lần thuyết phục Bắc Kinh ngưng xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp tại Trường Sa bằng đường lối ngoại giao hoàn toàn thất bại, Tổng thống Obama ngày 26/10 vừa qua đã chính thức cho phép lực lượng hải quân Hoa Kỳ đưa tàu chiến tiến vào biển Đông như một động thái mới để đối đầu với Bắc Kinh.

Ngoại giao thất bại
 
Nhằm giảm thiểu tình trạng căng thẳng trên biển Đông, Tổng thống Obama đã dùng ngoại giao để thuyết phục Bắc Kinh ngưng bồi đắp phi pháp 7 đảo nhân tạo. Nỗ lực đầu tiên là Ngoại trưởng John Kerry đã thân hành đến Bắc Kinh thảo luận với lãnh đạo Trung Quốc hồi tháng 5/2015 nhưng bất thành.

Sự thất bại của Ngoại trưởng John Kerry đã khiến cho giới quân sự Hoa Kỳ sốt ruột nên đã yêu cầu Tổng thống Obama tiến hành biện pháp quân sự nhằm răn đe Bắc Kinh; nhưng Tổng thống Obama vẫn kiên trì với giải pháp ngoại giao, hy vọng sẽ thuyết phục được Tập Cận Bình khi ông này viếng thăm Hoa Kỳ vào tháng 9.

Tổng thống Obama đã tổ chức một buổi ăn tối đặc biệt giữa hai nhà lãnh đạo với một vài phụ tá thân cận chỉ để bàn riêng về biển Đông một ngày trước khi lãnh đạo Trung Quốc được mời dự đại yến tại Tòa Bạch Ốc, nhưng cũng đã không mang lại kết quả nào.

Tuy trong cuộc họp báo với Tổng thống Obama tại Tòa Bạch Ốc, ông Tập Cận Bình tuyên bố là sẽ ngưng các việc bồi đắp và tôn trọng quyền tự do hàng hải của các nước trong khu vực; nhưng các lời hứa của họ Tập chỉ là nói lấy có để xoa dịu dư luận vào lúc đó. Trong thực tế, theo những hình ảnh chụp được từ vệ tinh, Bắc Kinh vẫn tiếp tục bồi đắp và tổng số diện tích lên đến 2 ngàn mẫu.

Tổng thống Obama không chỉ bị áp lực từ giới quân sự Hoa Kỳ sau giải pháp ngoại giao thất bại mà còn đến từ Tokyo và Manila khi chính phủ Nhật và Phi Luật Tân cho biết là không còn có thể “nhẫn nại” trước các áp lực bành trướng của Bắc Kinh trên biển Đông.

Tuần tra 12 hải lý

Ngay sau buổi ăn tối ngày 24/9 để thảo luận về giải pháp biển Đông thất bại, Tổng thống Obama đã ra lệnh cho người phụ tá liên lạc và yêu cầu Đô Đốc Harry Harris, tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương bắt đầu xúc tiến kế hoạch tuần tra trên biển Đông.

Như vậy, việc đưa tàu chiến tuần tra được chuẩn bị từ một tháng trước và Hoa Kỳ đã không giấu kín nỗ lực này. Nhưng Tổng thống Obama đã chần chừ không quyết định ngày khởi đầu cuộc tuần tra.

Mãi đến ngày 24/10, phát biểu sẵn sàng đối đầu với Mỹ trên biển Đông của Thủ tướng Lý Khắc Cường trong một hội nghị cán bộ cao cấp của Trung Quốc đã làm cho Tòa Bạch Ốc phải hành động vì nếu không sẽ bị… coi thường.

Vì thế mà ngày 26/10 (giờ Hoa Kỳ), Khu trục hạm Lassen từ cảng Yokosuka, Nhật Bản đã tiến vào biển Đông, nhưng chỉ là động thái khởi đầu nhằm dằn mặt Bắc Kinh hơn là chuẩn bị sự đối đầu quy mô.

Khu trục hạm Lassen có biệt danh là "Sea Devils" - Quỷ Biển. Đây là loại Khu trục hạm mạnh nhất trong biên chế Hải quân Mỹ, thực hiện các nhiệm vụ từ chống tàu trên mặt nước, tàu ngầm, tấn công mặt đất đến phòng thủ tên lửa.

Theo kế hoạch, Khu trục hạm tiến vào khu vực tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh bãi đá Subi (mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam tháng 3/1988) và Đá Vành Khăn (mà Trung Quốc chiếm của Phi Luật Tân năm 1995) trong quần đảo Trường Sa.

Cuộc tuần tra có phối hợp với máy bay trinh sát, loại P-8 Poseidon tối tân nhất của Hoa Kỳ. Trung Quốc đã lên tiếng phản đối Hoa Kỳ với bài ca cũ rích rằng Hoa Kỳ đã vi phạm chủ quyền của Bắc Kinh. Trong lúc tuần tra, Hoa Kỳ đã thu hình và công bố hai chiến tàu của Trung Quốc chạy phía sau khu trục hạm Lassen nhưng không có bất cứ động thái ngăn cản nào.

Trong cuộc họp báo vào sáng ngày 27/10, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Hoa Kỳ thông báo rằng chuyến tuần tra của Khu trục hạm Lassen đã hoàn tất và cuộc tuần tra sẽ diễn ra thường xuyên chứ không chỉ một lần.

Dằn mặt hay đối đầu

Hoa Kỳ đã đứng trên lập trường bảo vệ “quyền tự do hàng hải” để tiến hành cuộc tuần tra và coi việc Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo là phi pháp, vi phạm Luật biển 1982 của Liên Hiệp Quốc.

Trong khi đó, tham vọng của Trung Quốc là nhanh chóng hoàn tất các căn cứ quân sự trong quần đảo Trường Sa như họ đã làm tại Hoàng Sa để đặt Hoa Kỳ và các nước trong khu vực vào tình trạng “chuyện đã rồi”, nên Bắc Kinh đã bất chấp tất cả những phản đối của các nước.

Vấn đề còn lại nằm ở sự quyết đoán của Hoa Kỳ, đặc biệt là Tổng thống Obama, trong việc ngăn chận các hành động xâm lược trắng trợn nói trên của Bắc Kinh.

Tổng thống Obama vốn chủ trương đối thoại để thuyết phục Trung Quốc ngưng những công trình quân sự hóa trên biển Đông. Hơn nữa ông chỉ còn một năm nữa là hết nhiệm kỳ nên sẽ không muốn phiêu lưu trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Ngay cả Tập Cận Bình, tuy muốn tạo ra cuộc chiến từ bên ngoài để lấy đó làm lý cớ trấn áp nội bộ vốn đang bị phân hóa trầm trọng do kế hoạch “đả hổ diệt ruồi” từ năm 2013 cho đến nay. Nhưng bản thân Tập Cận Bình đang đối diện với rất nhiều nguy cơ có thể bị mất mạng khi mà tình hình kinh tế suy thoái với những đe dọa đảo chánh ngày một gia tăng.

Tuy biển Đông căng thẳng, nhưng bản thân ông Obama và Tập Cận Bình đã có những giới hạn tự thân nên họ sẽ không liều lĩnh để tạo ra cuộc đối đầu không lường trước hệ quả.

Tóm lại, việc Hoa Kỳ đưa Khu trục hạm Lassen tiến vào biển Đông chỉ là gửi tín hiệu dằn mặt Bắc Kinh mà thôi. Tuy chỉ là hành động dằn mặt, nhưng thái độ cứng rắn của Hoa Kỳ qua vụ tuần tra 12 hải lý đã khiến cho đồng minh Nhật Bản, Phi Luật Tân ... tin tưởng hơn vào thực tâm muốn xoay trục về Á Châu Thái Bình Dương của Hoa Kỳ mà ông Obama đưa ra từ năm 2011.

Lý Thái Hùng

27/10/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét