Các mẫu hóa thạch tìm thấy ở Trung Quốc gây chấn động cho giới khoa học vốn theo cách giải thích truyền thống về cuộc thiên di của loài người từ châu Phi ra các châu lục khác.
Các khoa học gia khi làm việc tại huyện Đạo thuộc tỉnh Hồ Nam ở miền nam Trung Quốc đã phát hiện được những mẫu răng thuộc về loài người hiện đại sống cách đây ít nhất 80 ngàn năm.
Niên đại này sớm hơn 20 ngàn năm so với thời di cư "Ra khỏi Phi châu" (Out of Africa) vốn là cột mốc được thừa nhận rộng rãi.
Đây là cuộc thiên di tạo ra sự sinh sôi lan tỏa phát triển mạnh mẽ của con người hiện đại ngày nay ra toàn cầu.
Nội dung chi tiết công tác nghiên cứu mới đây đã được đăng trên tạp chí Nature.
Đã có một số bằng chứng, gồm cả kết quả nghiên cứu gene và khảo cổ, củng cố cho giả thuyết nói việc loài người chúng ta di chuyển ra khỏi châu Phi từ cách đây 60 ngàn năm.
Những nhóm người hiện đại thời kỳ đầu sống tại khu vực Sừng Phi châu được cho là đã vượt Hồng Hải qua eo biển Bab el Mandeb vào những lúc thủy triều xuống.
Toàn bộ những nhóm người không phải là người Phi châu ngày nay được cho rằng đều có xuất xứ từ lần dịch chuyển này.
Nay, các kết quả đào bới khảo cổ tại Động Phúc Nham, huyện Đạo, tỉnh Hồ Nam thu được 47 răng người.
'Thay đổi cuộc chơi'
"Với chúng tôi thì rõ ràng những răng này thuộc về người hiện đại. Điều gây ngạc nhiên là niên đại của chúng," Tiến sỹ María Martinón-Torres từ Đại học University College London (UCL) nói với BBC News.
"Toàn bộ các hóa thạch đều được vùi kín trong một nền có chứa calcit, giống như là trong mộ đá vậy. Cho nên những cái răng này phải có tuổi đời cao hơn lớp che phủ đó. Trên đó có những lớp măng đá được xác định là có tuổi đời 80 ngàn năm."
Điều này có nghĩa là bất kỳ thứ gì bên dưới các lớp măng đá đều phải có niên đại cổ hơn 80 ngàn năm; những răng người được tìm thấy có thể đã có từ 125 ngàn năm trước, theo các nhà nghiên cứu.
Một số mẫu hóa thạch về người hiện đại được xác định là có từ thời "Ra khỏi Phi châu" đến nay đã được biết đến, thu được từ các hang động Skhul và Qafzeh ở Israel. Nhưng những mẫu này được cho là một phần của đợt di chuyển bất thành trước đó của một nhóm người hiện đại nào đó mà ngày nay có lẽ đã tuyệt chủng.
Tuy nhiên, những phát hiện mới về các mẫu hóa thạch ở Trung Quốc nay đang phủ bóng lên cách giải thích này.
Giáo sư Chris Stringer từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London nói kết quả nghiên cứu mới là "điều làm thay đổi cuộc chơi" trong cuộc tranh luận về chuyện con người đã di cư đi các nơi như thế nào.
Tiến sỹ Martinón-Torres nói nghiên cứu mới có thể sẽ giúp giải thích được vì sao loài người thông minh (Homo sapiens) phải mất thêm tới 40 ngàn năm mới định cư ổn định ở Âu châu.
Có thể sự hiện diện của người Neanderthals khiến loài người chúng ta không xâm nhập được vào khu vực viễn tây của đại lục Âu-Á cho tới khi những người anh em của chúng ta bắt đầu suy giảm dân số.
Tuy nhiên, cũng có thể là người hiện đại, mà khởi đầu là giống người sống ở vùng nhiệt đới, đã không thích nghi được với môi trường như người Neanderthals trong khí hậu băng giá ở Âu châu.
Bà lưu ý rằng trong lúc giống người hiện đại đã chiếm lĩnh vùng miền nam ấm áp của Trung Quốc từ 80 ngàn năm trước, nhưng các vùng lạnh lẽo hơn ở miền trung và bắc Trung Quốc dường như đã được các nhóm người tiền sử có thể là những họ hàng Á châu của giống người Neanderthals cư trú.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét