Xe Toyota trong video truyền bá của tổ chức Nhà nước Hồi giáo. |
Theo nhận định của một số quan chức Mỹ chống khủng bố khi trả lời kênh truyền hình ABC News, có vẻ như chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo rất ưa chuộng dòng xe bán tải Hilux và xe đường trường gầm cao Land Cruiser của Toyota. Còn ông Mark Wallace, phụ trách tổ chức phi chính phủ “Dự án chống Chủ nghĩa cực đoan” (Counter Extremism Project) thì lấy làm tiếc « khi thấy rằng hai loại xe này hiện là lại hình ảnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ».
Độ bền cao
Nhà sản xuất Nhật Bản khẳng định không thể theo dõi được số lượng xe hơi có thể bị đánh cắp hay được mua, rồi sau đó được các nhà trung gian bán lại cho những kẻ xấu. Hãng Toyota cũng nhắc lại là đã ngừng bán xe trực tiếp tại Syria từ nhiều năm nay nhằm tránh việc xe hơi của hãng “bị quân sự hoá”.
Manh mối có thể bắt nguồn từ phía Irak. Đài truyền hình ABC ghi nhận số lượng loại xe Hilux và Land Cruiser được bán ra trên thị trường nước này đã tăng hơn gấp ba lần trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2013. Trả lời phỏng vấn đài ABC, đại sứ Irak tại Mỹ Lukman Faily cho biết, hàng trăm chiếc xe thuộc hai dòng này đã được các nhóm thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo mua từ một nhà trung gian “chưa xác định được danh tính”. Một số khác có thể có nguồn gốc từ kho xe Toyota mà các nước, như Libya chẳng hạn, đã mua từ vài năm trước đó. Sau khi chế độ Kadhafi sụp đổ, những kho này rơi vào tay các tổ chức khủng bố.
Vậy tại sao tổ chức Nhà nước Hồi giáo lại chuộng xe do Toyota sản xuất ? Lý do thường được nêu ra là xe của nhà sản xuất Nhật Bản có độ bền cao. Thậm chí, vào năm 2010, chương trình “Top Gear” của đài BBC đã giành hẳn một số, “Killing a Toyota” và đã dùng trăm phương nghìn kế để thử “giết chết” một chiếc xe bán tải Hilux, song không thành công.
Sau khi bị cố tình va chạm và đâm vào các chướng ngại vật, bị ngâm dưới nước biển cho tới đêm tối, bị đốt cháy và thậm chí nổ theo một tòa nhà cũ bị đánh sập bằng chất nổ, chiếc xe vẫn tiếp tục... chạy dù tả tơi. Độ bền chắc bất chấp mọi thử thách rõ ràng đã thuyết phục được người sử dụng trên đường trường hay tại các vùng chiến sự như tại Syria.
Ngoài lý do độ bền, sở dĩ xe Toyota được dùng nhiều còn vì tránh được bị phụ thuộc vào kênh phân phối của các nhà sản xuất Hoa Kỳ. Theo phân tích của Wassim Nasr, chuyên gia về các phong trào thánh chiến tại đài truyền hình France 24, các nhóm khủng bố dễ dàng có được các linh kiện thay thế của một chiếc xe hơi Nhật Bản hơn là một chiếc xe Mỹ.
Phe Taliban cũng chuộng xe Toyota
Quỹ Hoà bình Thế giới (World Peace Foundation) của Mỹ nhắc lại rằng nhiều dòng xe của Toyota cũng đã từng được quân Taliban sử dụng trong những năm 1990. Thậm chí, ngay từ năm 2001, nhật báo New York Times từng tiết lộ đó còn là những chiếc xe ưa chuộng của Oussama Ben Laden và đội quân cận vệ của trùm khủng bố.
Sau giai đoạn đó, những chiếc xe Toyota đã xuất hiện tại nhiều địa điểm nằm trong vòng kiểm soát của các tổ chức khủng bố hay phiến quân trên thế giới, đặc biệt là tại Châu Phi. Nhà nghiên cứu các xung đột tại Châu Phi Asim Elhag, hiện đang làm việc tại World Peace Foundation, nêu ví dụ những chiếc xe địa hình Land Cruiser « rất phổ biến tại những khu vực khô hạn thuộc sa mạc Sahel và Sahara, cũng như tại Somalia ». Ông đánh giá, sau hơn 15 năm, đã tới lúc Toyota phải tiến hành lắp đặt các hệ thống kiểm soát hiệu quả hơn để ngăn những chiếc xe của hãng trở thành công cụ phục vụ chiến tranh của các tổ chức khủng bố.
Toyota sẵn sàng hợp tác với các nhà điều tra Mỹ
Toyota đã nhanh chóng đưa ra phản ứng trước những thông tin mà đài truyền hình Mỹ ABC News công bố. Ngày 08/10, ngay sau khi được Bộ Tài chính Mỹ liên lạc, trong thông cáo gửi tới hãng AFP, tập đoàn sản xuất thuộc vùng Nagoya, miền trung Nhật Bản, khẳng định : « Chúng tôi ủng hộ cuộc điều tra của Bộ Tài chính Mỹ về các kênh cung cấp quốc tế cũng như nguồn vốn và mặt hàng tại Trung Đông » liên quan tới sản phẩm xe hơi Toyota.
Toyota cũng khẳng định có chính sách nghiêm ngặt cấm bán các phương tiện vận tải cho những đối tượng có thể biến chúng phục vụ các hoạt động bán quân sự hay khủng bố. Vẫn theo văn bản gửi AFP, Toyota cho biết « đã tiến hành nhiều biện pháp để ngăn chặn sản phẩm của hãng có thể bị chuyển hướng sang mục đích quân sự bất hợp pháp ».
Tuy nhiên, Toyota cũng chia sẻ thực tế khó khăn mà một nhà sản xuất phải đối mặt vì rất khó có thể kiểm soát được các chi nhánh gián tiếp hay bất hợp pháp. Thông qua các đại lý này, xe của Toyota có lẽ đã bị rơi vào tay kẻ xấu.
Năm 2014, hơn 820.000 xe của nhà sản xuất Nhật Bản đã được bán ra trên thị trường Trung Đông. Loại xe bán tải của Toyota, cũng như các dòng xe cùng loại do các hãng Mitsubishi Motors, Isuzu hay Hyundai sản xuất, rất được các nhóm nổi dậy và quân đội trên thế giới ưa chuộng vì khoẻ và có "tuổi thọ" cao./Thu Hằng (RFI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét