Pages

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

Người Thượng trốn sang Campuchia trông chờ cứu giúp

Sơn Trung, thông tín viên RFA, 

Một nhóm người Thượng trốn từ Việt Nam sang khu rừng Rattanakiri ở Campuchia được một đội ngũ của Liên Hợp Quốc cứu hồi tháng 12, 2014

Một nhóm người Thượng trốn từ Việt Nam sang khu rừng Rattanakiri ở Campuchia được một đội ngũ của Liên Hợp Quốc cứu hồi tháng 12, 2014
 AFP




Một tuần kể từ khi nhóm 9 người Thượng được nhân viên của Liên Hiệp Quốc đưa đến một nơi trú ngụ ở gần Phnom Penh, những người này hiện đang sống trong tình trạng thiếu lương lực và không còn đủ khả năng chi trả nơi trọ trong khi Chính quyền Campuchia tuyên bố sẽ trục xuất những người này vì nhập cư bất hợp pháp. Về phía Liên Hiệp Quốc thì cho đến nay vẫn chưa có động thái gì cụ thể về số phận những người này.
Hoàn toàn không phải là người tỵ nạn
Giới chức Campuchia cho biết họ đã tiến hành thẩm vấn nhóm chín người Thượng Việt Nam vừa trốn sang và khẳng định rằng những người này hoàn toàn không phải là người tỵ nạn. Ông Khieu Sopheak, Người Phát ngôn Bộ Nội vụ Campuchia cho biết quy trình thẩm vấn được thực hiện với các câu hỏi chuyên môn đúng theo tiêu chuẩn thẩm vấn người xin tỵ nạn của quốc tế và các câu hỏi này cũng được Cao ủy Liên Hiệp Quốc phụ trách về Người tỵ nạn công nhận.
Cũng theo vị quan chức này không chỉ nhóm này mà gần như hơn 200 người Thượng Việt Nam vượt biên sang Campuchia từ cuối năm 2014 đến nay đều không phải là người tỵ nạn do bị đàn áp mà chỉ đơn giản là muốn được định cư ở một quốc gia khác để giải quyết những khó khăn về kinh tế.
Ông Khieu Sopheak: “Khi nhân được thông tin nhóm 13 người Thượng được chấp nhận cho hưởng quy chế là người tỵ nạn thì họ bắt đầu ồ ạt kéo nhau sang Campuchia, hàng chục người. Như vậy có nghĩa là thấy người ta đến được thì họ cũng bắt chước mà sang theo”.
Trước những cáo buộc của giới chức Campuchia, những nhóm người Thượng này khẳng định rằng nguyên nhân họ chạy trốn sang Campuchia là để thoát khỏi sự đàn áp của chính quyền Việt Nam, hơn nữa nếu không bị đàn áp thì họ sẽ không rời bỏ quê hương và gia đình của mình.
Công an cứ gọi mãi lên xã thôi. Chồng tôi ở nhà thì cơm cũng không ăn nữa, ngủ không yên nữa. Nó tức giận nó nói công an không nghe
Một phụ nữ Thượng
Một người Thượng thuộc sắc tộc Jarai, sinh năm 1975 cho biết anh có vợ và ba người con nhỏ tuổi, anh là lao động chính nên khi quyết định trốn sang Campuchia vợ con anh sẽ rất khó khăn nhưng anh không có lựa chọn nào khác. Anh này chia sẽ: “Nếu không bị đàn áp thì sống ở Việt Nam tốt hơn ở đây, mình không thích. Lý do mình bỏ vợ, bỏ con, bỏ nhà cửa, tôi không thích. Tôi thích ở Việt Nam nhưng do bị người ta đàn áp, tôi sợ. Lúc tôi chạy trốn sang đây, con và vợ tôi khóc, ba người con, con đầu 15 tuổi, 13 tuổi và 6 tuổi. Khi qua đây không biết làm gì, chỉ biết khóc vì sợ nhưng nếu mình ở đó thì bị Việt Nam quản lý, giấy mời liên tiếp mình sợ”.
Đêm 7 tháng 10 năm 2015, chúng tôi đã liên hệ với gia đình một người Jarai ở xã Ia Pêt, huyện Đăk Đoa, có chồng thuộc nhóm 9 người vừa chạy sang Campuchia. Chị này cho biết chồng chị bỏ nhà vì không chịu nổi việc công an gửi giấy mời liên tục. “Công an cứ gọi mãi lên xã thôi. Chồng tôi ở nhà thì cơm cũng không ăn nữa, ngủ không yên nữa. Nó tức giận nó nói công an không nghe”.
Chị này còn cho biết thêm từ ngày chồng chị rời khỏi địa phương, công an liên tục đến nhà chị hoặc mời chị lên xã để hỏi thông tin về chồng.
Công an trong thôn nó đi tìm, nó nói chồng mày đang ở đâu, làm gì? Nó hỏi như thế. Tôi rất sợ bắt giam chồng tôi như lần trước đó. Lần trước nó bắt rồi”.
Tổ chức phi chính phủ hậu thuẫn cho vượt biên xin tỵ nạn?
Người Phát ngôn Bộ Nội vụ Campuchia còn khẳng định rằng những người Thượng Việt Nam vượt biên sang Campuchia gần đây không hội đủ điều kiện là người tỵ nạn vì không chịu bất kỳ sự đàn áp hay phải đối mặt nguy hiểm như chiến tranh, khủng hoảng chính trị, … Tuy nhiên, những người này đã được một số tổ chức, dưới danh nghĩa nhân đạo sắp xếp cho vượt biên sang Campuchia để xin tỵ nạn.
Ông Khieu Sopheak: “Khi vào trong lãnh thổ Campuchia, họ (người Thượng Việt Nam) không ra trình diện với giới chức Campuchia để xin được tỵ nạn. Rồi có người đưa họ từ biên giới đến tận trụ sở UNHCR (Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn). Về phần UNHCR thì cũng không hợp tác với chúng tôi, họ tự nhận những người này, thuê nhà cho ở, gần trăm người. Với danh nghĩa là một nhà nước có chủ quyền, chúng tôi phải làm như thế nào?
Tuy vậy, khi tiếp xúc với chúng tôi, nhóm 9 người Thượng này khẳng định rằng việc họ trốn sang Campuchia là hành vi tự phát và không hề nhận được sự hỗ trợ của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào cả.
7 giờ ngày 23 tháng 9, đi bộ, không biết đi hướng nào, chỉ đi lung tung lung tăng, không biết đường. Chúng tôi muốn đi Campuchia nhưng không biết đi đường nào, chỉ biết đi vào rừng thôi. Rồi gặp ông làm rẫy (người Campuchia) ở đó, nó làm rẫy, mình gặp nó, nó chỉ cho mình đường đi Campuchia. Nó dẫn cho mình đi tới đường to, nó chặn xe, xe dừng mình đi. Ông chở xe, mình hỏi ở Campuchia có biết Liên Hiệp Quốc không? Có số điện thoại nó không? Nó nói biết, nó đưa cho mình”.
Khi vào trong lãnh thổ Campuchia, họ (người Thượng Việt Nam) không ra trình diện với giới chức Campuchia để xin được tỵ nạn. Rồi có người đưa họ từ biên giới đến tận trụ sở UNHCR (Cao ủy LHQ về người tỵ nạn). Về phần UNHCR thì cũng không hợp tác với chúng tôi, họ tự nhận những người này, thuê nhà cho ở, gần trăm người

Ông Khieu Sopheak
Theo lời kể của người này thì dường như họ không hề nhận được sự hỗ trợ từ bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào trong quá trình chạy trốn khỏi Việt Nam đến khi gặp được Đại diện Liên Hiệp Quốc tại Phnom Penh.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Chhay Thy, điều phối viên của tổ chức bảo vệ nhân quyền Adhoc phụ trách tỉnh Ratanakiri, người có nhiều năm tiếp xúc với người Thượng Việt Nam trốn sang Campuchia thừa nhận rằng có việc người Thượng trực tiếp đến văn phòngLiên Hiệp Quốc ở Phnom Penh, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là có sự dàn xếp để người Thượng vượt biên sang Campuchia.

Ông Chhay Thy: “Thời gian vừa qua, chúng ta thấy rằng người Thượng Việt Nam chạy sang, họ trốn trong rừng để chờ Liên Hiệp Quốc và giới chức Campuchia đến cứu họ. Tuy nhiên chính quyền Campuchia cho triển khai lực lượng tìm kiếm dọc theo biên giới để bắt những người này và trao trả cho Việt Nam. Sau này, chúng ta thấy rằng người Thượng không trốn trong rừng nữa mà họ tự đến Phnom Penh để gặp đại diện Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi không dám khẳng định là liệu có ai hỗ trợ, cổ xúy, hay họ tự mình tìm đến Liên Hiệp Quốc, nhưng đó là quyền tự do của họ và là vấn đề riêng của những người tỵ nạn đó”.
Ông Thy còn cho biết thêm rằng dù có người hậu thuẫn để họ vượt biên đi chăng nữa thì khi nhận được yêu cầu xin tỵ nạn, chính quyền Campuchia và Liên Hiệp Quốc phải có trách nhiệm xem xét giải quyết cho những người này.
Đài Á Châu Tự Do đã cố gắng liên hệ với Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn qua thư điện tử nhưng đến ngày 8 tháng 10 năm 2015 vẫn không nhận được bất kỳ câu trả lời nào.
Một diễn biến mới nhất, trưa ngày 7 tháng 10 năm 2015, 24 người Thượng chạy trốn sang Campuchia hồi tháng 7 năm 2015 đã tự rời khỏi Phnom Penh đi tỉnh Ratanakiri để trở về Việt Nam sau khi không được chấp nhận cho hưởng quy chế là người tỵ nạn. Riêng nhóm 9 người Thượng mới sang thì khẳng định họ không dám trở về Việt Nam vì sợ bị chính quyền Việt Nam đàn áp và quyết định phó thác số phận cho chính quyền Campuchia và Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn.
Sơn Trung, tường trình từ Campuchia
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét