Pages

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

Người Việt đang chia rẽ vì TPP

Nam Nguyên

Đại diện 12 nước tham gia đàm phán TPP tại Atlanta, Mỹ ngày 5/10/2015

Đại diện 12 nước tham gia đàm phán TPP tại Atlanta, Mỹ ngày 5/10/2015
 AFP




Dư luận báo chí tuần này đã có những ngày đầy phấn khởi với việc đàm phán TPP kết thúc. Nhưng khi dư âm các cuộc họp báo ở Atlanta Hoa Kỳ đã lắng xuống, cũng là úc báo chí Việt Nam chuyển tải những bất đồng sâu sắc, nếu không nói là chia rẽ về việc nhà nước hầu như chấp nhận mọi điều kiện, để được tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.

Nếu như các giới chức chính phủ đánh giá tích cực về việc Việt Nam sẽ tăng Tổng sản phẩm nội địa GDP thêm hàng chục tỷ USD kể từ 2020, thì báo Thế giới Tiếp thị ngày 7/10/2015 đưa lên mạng bài viết với tựa bài mang tính vừa hài hước vừa mỉa mai “Đón TPP: Vui sao nước mắt lại trào”. Nếu chúng tôi nhớ không lầm thì đây cũng là một câu trong một bài nhạc đỏ phổ biến sau ngày 30/4/75 ở miền Nam Việt Nam.
Chúng tôi xin trích một đoạn nhiều ý nghĩa trong bài viết trên Thế giới Tiếp thị:
Với hơn 54 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên, theo con số mới nhất của tổng cục Thống kê, sinh kế của nhiều người sẽ được cải thiện khi TPP mở ra cánh cửa xuất khẩu rất lớn của một thị trường chiếm đến 40% GDP toàn cầu. Dệt may chẳng hạn, hiện có đến hơn 6.000 doanh nghiệp, với lực lượng lao động lên đến hơn 2,5 triệu người. Những con số xuất khẩu hàng chục tỉ USD đang làm rất nhiều người loá mắt, nhất là trong ngành dệt may, da giày, nông sản.
Đằng sau những con số tỉ đô đó là phần nhập khẩu đã ăn gần như trọn. Phần doanh nghiệp Việt Nam được hưởng chỉ là những đồng tiền gia công ít ỏi. Phần lời, theo một chuyên gia của ngành dệt may, chủ yếu ăn vào những đồng lương ít ỏi của công nhân, vì “nếu trả lương sòng phẳng thì làm giỏi lắm thì chỉ có huề vốn”.
Tác giả bài viết trên Thế giới Tiếp thị phê phán chính sách của Nhà nước là chậm chạp, trong khi áp lực của các FTA (Thỏa thuận thương mại tự do) thì đang đè nặng. Tờ báo mô tả điều gọi là sự hối hả của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI đổ vào Việt Nam, còn các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tư nhân, đang chật vật trước một nền kinh tế khó khăn, đối mặt với các vấn đề thuế phí bên trên, lương tối thiểu bên dưới.
Bài báo cũng so sánh hai hình ảnh tương phản, các nước thành viên khác trong TPP thì cố gắng tìm mọi cách để bảo vệ các nhà sản xuất của họ. Còn Việt Nam thì chú ý tới lợi ích xuất khẩu, đến doanh nghiệp nhà nước, đến công đoàn. Tác giả bài báo cũng mô tả về điều gọi là, khối doanh nghiệp dân doanh có vẻ bị lãng quên.
Ở kết đoạn kết, tác giả bài báo trên Thế giới Tiếp thị điện tử thể hiện cách mô tả đầy cảm xúc, hiếm thấy trên các bài viết về kinh tế: “Những màu hồng đang đang ngự trị như tám năm trước khi Việt Nam gia nhập WTO. Và rồi, theo thời gian, sắc hồng nhạt phai để lộ ra những khoảng đen và sắc xám. Và giọt nước mắt mừng vui trào ra trong khoảnh khắc ‘chiến thắng’ của TPP, biết đâu lại là dòng nước mắt tuôn rơi tủi hổ khi một lần nữa để cơ hội vụt bay, còn lại vô vàn thách thức.”
Bài viết trên Thế giới Tiếp thị được ghi nhận như là một điển hình của khuynh hướng hoài nghi về những lợi ích khi Việt Nam tham gia TPP. Tác giả bài báo không đề cập tới một khía cạnh đáng chú ý liên quan tới cải cách thể chế chính trị mà Việt Nam cam kết, trong các chương liên quan đến quyền cơ bản của người lao động, nói rộng ra là tự do nghiệp đoàn, tự do lập hội. Hoặc cam kết về tính công khai minh bạch, tạo sân chơi bình đẳng giữa Doanh nghiệp nhà nước và các thành phần doanh nghiệp khác.
Phải nhìn nhận khuynh hướng hoài nghi về tăng xuất khẩu dệt may một cách kỳ diệu trong TPP là rất có cơ sở. Hiện nay hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ chịu thuế nhập khẩu trung bình khoảng 17%. Khi TPP có hiệu lực mức thuế này có thể giảm tới 0%, nhưng điều kiện để được hưởng miễn thuế quan thì hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ, Nhật Bản hay các nước TPP khác phải đáp ứng điều kiện khó nuốt đó là nguyên tắc tính từ sợi. Sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải được sản xuất từ sợi và vải tại Việt Nam hoặc nội khối TPP. Theo thông tin chính thức thì TPP dành cho Việt Nam cơ chế “nguồn cung thiếu hụt” cho phép sử dụng một số loại sợi và vải nhất định không có sẵn trong khu vực. Thông tin chưa nói rõ thời gian chuyển tiếp là bao lâu và với tỷ lệ sợi và vải sản xuất bên ngoài TPP là bao nhiêu.
Về vấn đề liên quan, TS Lê Đăng Doanh khi trả lời RFA đã nhận định:
SB: “Việc TPP yêu cầu có hàm lượng sợi trong TPP khoảng 70%, tôi không rõ là Việt Nam có thỏa thuận được điều kiện nào thuận lợi hơn hay không. Nhưng với tình hình như vậy thì tôi nghĩ nó cũng có cái lý của nó, đó là TPP muốn Việt Nam xuất khẩu hàng do Việt Nam sản xuất chứ không phải xuất khẩu hộ hàng của Trung Quốc. Vì vậy Việt Nam đang cố gắng nâng cao hàm lượng nội địa, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài và đấy là những thách thức, nhưng thách thức đó nếu được xử lý tốt thì có thể trở thành những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam”
Năm 2014 kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 24,5 tỷ USD nhưng chủ yếu là may gia công với nguyên liệu nhập từ Trung Quốc ít nhất 70%. Phần còn lại là từ Hàn Quốc, Đài Loan hay một số quốc gia khác mà chủ đơn hàng chỉ định nhà cung cấp.
Trước đây trong một cuộc phỏng vấn của chúng tôi ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM loại trừ khả năng Việt Nam nhập bông từ Mỹ về để kéo sợi và dệt vải vì giá thành sẽ rất cao. Tuy rằng cũng có thể nhập bông từ Trung Quốc, Ấn Độ hay Indonesia về để kéo sợi và dệt vải tại Việt Nam nhưng đó mới chỉ là một vế. Việt Nam chưa thể trong một sớm một chiều có đủ các nhà máy kéo sợi, nhà máy dệt vải, nhuộm và hoàn tất cho khối lượng xuất khẩu lớn lao của mình. Ông Diệp Thành Kiệt nhận định rằng, Nếu danh mục thiếu hụt tạm thời các bên thỏa thuận là 5 năm, thì trong kịch bản lạc quan, trong thời gian ấy có thể khá đủ để ngành dệt may tìm những nhà đầu tư hoặc tự đầu tư để có thể bù đắp được 70% sự thiếu hụt. Còn trong kịch bản thứ hai, mọi việc tiến hành chậm trễ thì chỉ có thể đáp ứng 30% vải phục vụ cho yêu cầu TPP.  Ông Diệp Thành Kiệt tiếp lời:
SB: “ Đáp ứng những kịch bản như thế nào thì nó còn tùy thuộc nhiều yếu tố mà không phải chỉ giải quyết riêng vấn đề sợi; mà còn phải giải quyết được khâu dệt vải và khâu nhuộm. Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam thì hiện nay với vải nội địa khâu nhuộm cũng chỉ đáp ứng 80%. Rõ ràng đây là một bài toán về mặt vĩ mô, cân đối giữa năng lực của kéo sợi, năng lực dệt vải và năng lực nhuộm, khá hóc búa cho các nhà điều hành ở tầm vĩ mô của ngành dệt may Việt Nam.”
Trong số những bài báo quan ngại về điều gọi là “lợi thì có lợi nhưng răng không còn” sau khi TPP có hiệu lực, dự kiến năm 2018, trang mạng Xã Luận. com có bài đặt tựa cũng đặc biệt không kém. Đó là “lo tảng đá làm trĩu cánh chim đại bàng.” Trang thông tin điện tử này đã phỏng vấn chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành và tờ báo đã lời ông để đặt tựa cho bài viết.
Ông Bùi Kiến Thành là một chuyên gia Việt Kiều có uy tín hiện sống và làm việc trong lĩnh vực tài chính ở Hà Nội. Ông Thành bày tỏ lo ngại sâu xa về hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh của Việt Nam, cũng như thủ tục hành chính nhiêu khê sẽ giống như tảng đá làm trĩu cánh con đại bang. Ông nói, nền kinh tế Việt Nam dù có phát triển nhưng vẫn như vận động viên thiếu dinh dưỡng, đội ngũ cán bộ thiếu kinh nghiệm. Trong TPP Việt Nam là đối tác của những nước tư bản hàng đầu, thậm chí có những luật chơi của họ mình còn chưa được biết, chưa được học.
Ông Bùi Kiến Thành nhận định rằng, khi áp dụng TPP doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ chết ngay trên sân nhà, vì hàng hóa ngoại nhập tràn vào mà các doanh nghiệp nội địa không có khả năng cạnh tranh.
Ông Bùi Kiến Thành cũng kết luận một cách đầy lo ngại trên trang điện tử Xã Luận. com, TPP là cơ hội cực kỳ quan trọng của Việt Nam, nhưng phải có nội lực thì mới làm được. Việt Nam vào TPP thì phải thay đổi tư duy rõ ràng. Ông Thành nhấn mạnh Việt Nam khi đã hội nhập sâu thì không có cách để quay lại khi thấy mình yếu thế.
Nhiều chuyên gia cả trong ngoài chính phủ đều kêu gọi Việt Nam đổi mới lần thứ hai một cách tích cực, và phải cải cách đồng bộ kinh tế lẫn chính trị thì mới có thể phát triển kinh tế bền vững
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét