Pages

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Nguyễn Hòa Bình - Những vấn đề khó nói của người Mỹ và chính quyền Hà Nội

“…Họ đã chứng minh cho cả thế giới thấy rằng sự ấu trĩ của họ là điều không còn gì để bàn đến, nhưng các trí thức Việt Nam còn ấu trĩ hơn khi không có sự dứt khoát và phải hành động để "thay đổi chế độ Cộng Sản bằng một chế độ dân chủ đa nguyên cho đất nước"...”

Nói Trung Quốc là kẻ vô luật lệ trong vấn đề Biển Đông là không đúng cho lắm, nói chính xác hơn "họ là những con cáo" biết tận dụng thời cơ, sử dụng luật lệ và áp đặt luật rừng với các nước trong khu vực thậm chí với Hoa Kỳ.

Ảnh minh họa
Năm 1974, Trung Quốc ngang nhiên đánh chiếm các đảo Hoàng Sa (có sự phản kháng quân lực VNCH), đến tận năm 2015 hầu như toàn bộ các hòn đảo trên 2 quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa đã rơi vào tay của Trung Quốc. Một điều thú vị là Hoa Kỳ và Việt Nam (sau 1975) không hề phản ứng và phản kháng gì đối với chiến dịch đánh chiếm của hải quân Trung Quốc. Hoa Kỳ và Việt Nam chắc chắn đã ký những thỏa thuận với Trung Quốc, nếu không chính quyền Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ hiểu rõ việc đánh chiếm các hòn đảo sẽ làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, tình hình an ninh hàng hải trong khu vực và thế giới.

Việc tổng thống Richard Nixon (nhiệm kỳ 1969-1974) có những bê bối chính trị và "hội nghị Thành Đô" năm 1990 của Đảng Cộng Sản Việt Nam càng minh chứng cho những thỏa thuận với Trung Quốc là có thực. Những năm gần đây, đặc biệt là chiến lược xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Obama và chính sách "quân sự hóa và phát triển hạ tầng" trên các hòn đảo Hoàng Sa-Trường Sa (Thuộc chủ quyền của Việt Nam) đã làm tình hình căng thẳng thêm, có nguy cơ leo thang dẫn đến xung đột bằng quân sự trong khu vực.

Một yếu tố quan trọng dẫn đến sự mâu thuẫn chính trị giữa hai cường quốc Trung-Mỹ là "lập trường của Đảng Cộng Sản Việt Nam". Đảng Cộng Sản Việt Nam đang đứng vai trò trung lập, sự trung lập đó khiến Hoa Kỳ và các nước trong khu vực ngỡ ngàng khi toàn bộ biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Bộ ngoại giao và các tướng lĩnh Cộng Sản Việt Nam luôn quan ngại sâu sắc, luồn lách và phản đối mang tính chất nói cho có. Nhân dân và giới ngoại giao thế giới nghe muốn thuộc lòng từng lời nói và cử chỉ. Vấn đề quan ngại của Việt Nam về vấn đề Biển Đông khiến tổng thống Philippines phải mạnh dạn phát biểu "luật pháp quốc tế không thể áp đặt đối với Trung Quốc thì không thể áp đặt với bất kỳ quốc gia nào". Một lời phát biểu mang tính mỉa mai chính quyền Hà Nội thì đúng hơn, người Philippines biết rằng ngoài sử dụng luật pháp luật quốc tế, còn phải thể hiện rõ lập trường "đồng minh quân sự" trước một Trung Quốc vô luật lệ và lấy quân sự để giải quyết các vấn đề tranh chấp biển đảo như thế.

Chính quyền Obama đã nhiều lần muốn làm rõ lập trường của chính quyền Hà Nội trong 2 cuộc gặp gỡ với chủ tịch nước Trương Tấn Sang (2013) và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (2015). Kết quả "zero" là con số mà người Mỹ đạt được sao 2 cuộc gặp gỡ đó, có thể người Mỹ sẽ tiếp tục nhẫn nại hoặc đã hiểu lập trường "nghiêng về phía Trung Quốc" trong chuyến công du Đông Nam Á sắp tới. Việc lôi kéo chính quyền Việt Nam đứng về phía Hoa Kỳ là rất cần thiết trong chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương. Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ có những bước tiến "tiếp cận lãnh thổ Trung Quốc" bằng các cuộc tập trận chung trên Biển Đông (thuộc chủ quyền Việt Nam) và sự hiện diện của hải quân lâu dài góp phần răn đe "phủ đầu" Trung Quốc bất cứ lúc nào.

Nhưng đáng tiếc, Việt Nam đã quá lộ rõ "lập trường anh em khối Cộng Sản" khi đề xuất cho người Nga thuê cảng Cam Ranh và tập trận hải quân thường niên với Trung Quốc trên Biển Đông. Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain đã đưa ra những khuyết điểm của hải quân Hoa Kỳ, trong đó các "tàu sân bay" không thể tấn công phủ đầu Trung Quốc khi chưa tiếp cận lãnh thổ Trung Quốc với khoảng cách 800km (các chiến đấu cơ có tầm hoạt động giới hạn dưới 800km). Các tên lửa chống hạm DF-21D có tầm bắn hơn 1500km là vũ khí chiến lược "giá rẻ-số lượng lớn" răn đe các hạm đội Mỹ. Đó cũng là một trong những lý do người Mỹ vẫn tiếp tục dùng luật lệ quốc tế, tuần tra bằng tàu chiến vào vùng 12 hải lý (dễ rơi vào cái bẫy của Trung Quốc) thay vì đưa cả hạm đội vào Biển Đông.

Một lý do khó nói nữa của người Mỹ là không quân ở các cứ Hawaii, Guam, Hàn Quốc, Nhật Bản khó có thể phủ đầu các căn cứ quân sự chủ chốt (hệ thống các tên lửa DF) nằm phía Đông Bắc Kinh. Sự bế tắc về số lượng máy bay tiêm kích F-22 quá ít ỏi (hết tên lửa), không thể thiết lập các phi đội bay hoàn hảo hộ tống những chiếc bay ném bom tối tân như B-52, B2, F-117 trước số lượng lớn các chiến đấu cơ Trung Quốc và hệ thống phòng không "đa cấp" (Sam, HQ-9, S300, S400). Sự hối thúc sản xuất các loại máy bay không người lái (UAV) và máy bay tiêm kích F-35 Lightning II đại trà (2019) cũng nói lên phần nào nỗi lo lắng của người Mỹ. Tác chiến điện tử rất quan trọng trong chiến tranh hiện đại, và người Mỹ cũng đang gặp phải vấn đề trong cuộc chiến "tác chiến điện tử" khi người Trung Quốc đã thử nghiệm "tương đối thành công" các loại tên lửa chống vệ tinh DN-2 và SC-19 và triển khai trong 5 đến 10 năm tới. Chính quyền Trung Quốc rất quyết tâm chi tiêu để thực hiện các dự án quan trọng đó, trong khi người Mỹ đang quá lệ thuộc vào thông tin từ các vệ tinh mang lại (70% thông tin cung cấp và dẫn đường hầu hết các tên lửa).

Người Trung Quốc đang chứng tỏ họ rất khôn ngoan khi đặt ra đúng vấn đề, đầu tư đúng chỗ mà vẫn đạt hiệu quả thực tế cao trước một cường quốc công nghệ quân sự hàng đầu. Về vấn đề này, các ông chủ nhà trắng không thể tiếp tục cắt giảm ngân sách (thực trạng họ đang cắt giảm chi tiêu quốc phòng) cho các dự án vũ trụ tầm cỡ (X-37b) hoặc những vũ khí bí mật nào có thể răn đe được Trung Quốc thì thời gian tới sẽ lộ diện và được đưa về các căn cứ quân sự Hoa Kỳ-Đồng minh ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Một vấn đề khó nói của người Mỹ nữa là các tư bản Hoa Kỳ chưa đồng thuận tài trợ tổn thất chiến tranh cho chính quyền Obama. Họ có lý do chính đáng bởi thực tế cho thấy một chiến dịch phủ đầu chớp nhoáng các căn cứ quân sự Trung Quốc là một nhiệm vụ bất khả thi. Sự kéo dài cuộc chiến giữa hai cường quốc quân sự sẽ gây tổn thất rất lớn cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Bằng chứng mới nhất của sự bất lực nữa khi bộ quốc phòng Hoa Kỳ điều thêm 2 tàu khu trục mang tên lửa đạn đạo đến Nhật Bản, một sự cảnh cáo rất mạnh mẽ, nhưng nói lên một suy nghĩ cực kỳ bế tắc của người Mỹ.

Sự răn đe đó sẽ làm leo thang cuộc chiến tranh bằng vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên-Trung-Mỹ. Vị thế chính trị, cũng như lời nói của chính quyền Obama đã không còn giá trị trong cuộc lật đổ chính quyền độc tài Al-Assad, khi "chiến lược Syria" của người đồng cấp Putin đã khẳng định vai trò "nói là làm đến cùng". Những chế độ độc tài còn sót lại sẽ tìm đến Nga, sự bất ổn chính trị trên thế giới sẽ khiến cho Hoa Kỳ và đồng minh không thể kiểm soát được trong tương lai. Bên cạnh đó, cuộc chiến chống lực lượng khủng bố IS do Hoa Kỳ đứng đầu đã không còn sức quyến rũ khi lần lượt các đồng minh khối Nato từ chối tham gia.

Mới đây tân thủ tướng Canada cũng tuyên bố sẽ rút lực lượng không quân từ chiến trường Syria và Iraq. Giới phân tích quân sự hay ví von: Người Anh là hậu cần vững chắc cho người Mỹ, họ có một mối quan hệ đồng minh rất mật thiết. Nhưng thực tế người Trung Quốc đang tiếp cận người Anh bằng chính sách "quan hệ mật thiết", liệu người Anh có bị tiền của Trung Quốc cướp mất hồn hay không? Sự cắt giảm binh sĩ và sự thiếu hụt vũ khí trầm trọng ở Châu Âu, một phần minh chứng vị thế quân sự của Hoa Kỳ đã suy giảm rất nhiều so với thời chiến tranh lạnh. Sự rủi ro phá vỡ tính đồng minh khối EU về "vấn đề kinh tế" của hiệp định TPP cũng là lý do chính đáng cho việc phản đối chính quyền Obama từ các nghị sĩ Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ.

Người Mỹ có quá nhiều vấn đề đang bế tắc, trong khi một chính quyền Obama quá mềm yếu, quá thực tiễn không đưa ra các hướng giải quyết triệt để. Sự cứng rắn của chính quyền Obama trong vấn đề Biển Đông là lẽ đương nhiên "có muộn còn hơn không", nhưng đã quá muộn trước một sự tính toán khôn ngoan của người Trung Quốc trong mốc thời gian 2015-2020. Khoảng cách thời gian đó đủ để "chuỗi đảo thức 1" quân sự hóa răn đe các lực lượng hải quân qua lại trong khu vực Biển Đông và Tây-Thái Bình Dương.

Chính quyền Hà Nội đang hả hê trước "sự áp đảo chính trị-quân sự" của người anh cả Trung Quốc. Bằng chứng mới nhất là bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh có những giọng điệu khó nghe nhưng rất dễ hiểu "Mất chế độ, mất Đảng thì biển, đảo cũng mất". Một câu nói ví von của tôi cho câu nói trên của ông Phùng "Mất Đảng cộng sản là Trung Quốc đánh cho không còn cái răng để ăn bánh vẽ".

Vấn đề Cộng Sản đã là của chung của hai nước cộng sản Việt Nam-Trung Quốc, liệu nhân dân Việt Nam có nhìn thấy rõ bộ mặt thật của Đảng Cộng Sản Việt Nam hay không? Trong khi Cộng Sản Việt Nam đã quá lộ bản chất bán rẻ lợi ích quốc gia "sẵn sàng làm chư hầu cho Trung Quốc"? Cuộc chiến ý thức hệ đã chấm dứt từ rất lâu, giới lãnh đạo cấp cao Cộng Sản Việt Nam lại loay hoay bảo vệ cho bằng được chủ nghĩa cộng sản. Họ đã chứng minh cho cả thế giới thấy rằng sự ấu trĩ của họ là điều không còn gì để bàn đến, nhưng các trí thức Việt Nam còn ấu trĩ hơn khi không có sự dứt khoát và phải hành động để "thay đổi chế độ Cộng Sản bằng một chế độ dân chủ đa nguyên cho đất nước".

Vấn đề Biển Đông lại có thêm một quốc gia có tiếng nói ngang hàng với Hoa Kỳ đó là Nhật Bản, trong tương lai các vấn đề trong khu vực Đông Á-Thái Bình Dương cũng sẽ là vấn đề của người Nhật. Có thể cả thế giới sẽ tin tưởng giới lãnh đạo Nhật Bản hơn chính quyền Hoa Kỳ, bởi lịch sử đã chứng minh chính quyền Hoa Kỳ quá thực dụng trong vấn đề kiềm chế Trung Quốc. Sự ủng hộ Nhật Bản bành trướng quân sự từ các nước trong khu vực và chuyện sở hữu vũ khí hạt nhân chỉ còn là vấn đề thời gian.

Nguyễn Hòa Bình

(Thông Luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét