Pages

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

Những thách thức mới của lãnh đạo VN trong vấn đề Biển Đông

 Kami (Blog RFA)

Vấn đề Biển Đông nói chung và chủ quyền về các quần đảo Hoàng sa-Trường sa một lần nữa lại nóng lên sau những phát biểu của Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ chính thức trong thời gian cuối tháng 9/2015 vừa qua.

Quan hệ Việt - Trung đang xấu đi rõ rệt

Trong cuộc họp báo chung tại Tòa Bạch Ốc ngày 25/9/2015, ông Tập Cận Bình đã không hề ngần ngại khi lớn tiếng khẳng định trước Tổng thống Mỹ Barack Obama và giới truyền thông quốc tế rằng “Các quần đảo ở Nam Hải từ thời cổ đại là lãnh thổ của Trung Hoa”. Điều này một lần nữa chứng tỏ dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là không thay đổi, đồng thời điều đó cũng cho thấy Trung quốc hoàn toàn lo ngại Mỹ trong vấn đề Biển Đông như chúng ta tưởng.

Trước phát biểu ngang ngược của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phía Việt nam đã có các hành động phản đối khá mạnh mẽ qua các tuyên bố người phát ngôn của Bộ Ngoại giao. Đáng chú ý, bên lề Hội nghị thượng đỉnh thường niên của của các nguyên thủ quốc gia tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York tháng 9/2015 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định rõ: “Khi ông Tập Cận Bình khẳng định Nam Sa từ lâu là của Trung Quốc, chúng tôi gọi các quần đảo này là Hoàng Sa và Trường Sa trong tiếng Việt, và khẳng định các quần đảo này thuộc về VN đã hàng nghìn năm nay, từ thời tổ tiên chúng tôi, có đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để chứng minh. Nhưng tôi nghĩ, trong mọi tranh chấp, chúng ta nên áp dụng luật pháp quốc tế, chứ không thể cứ chấp nhận bất đồng mãi". Và khi trả lời phỏng vấn Hãng thống tấn AP, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã thẳng thắn chi ra rằng Biển Đông đến nay đã thực sự là một điểm nóng của khu vực và thế giới và hành động xây đảo của Trung Quốc ở Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và an toàn hàng hải.

Các phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được dư luận đánh giá cao, bởi vì với cương vị người đứng đầu nhà nước và phát biểu nói trên diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh thường niên của của các nguyên thủ quốc gia tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Điều đó cho thấy lập trường của nhà nước Việt nam đối với Trung quốc trong vấn đề Biển Đông đã có một bước tiến khá xa và lần đầu tiên khả năng Việt nam sẽ kiện Trung quốc ra Tòa án quốc tế được người đứng đầu nhà nước Việt nam tiết lộ là điều rất có thể xảy ra.

Vụ án gián điệp cho Trung quốc, một điểm nhấn

Ở Việt nam, những thông tin về các vụ làm gián điệp cho nước ngoài là các thông tin thuộc dạng nhạy cảm, ít khi được công khai trên truyền thông đại chúng. Song trước ngày kỷ niệm lần thứ 66 ngày Quốc khánh Trung quốc (1/10/2015) một ngày thì báo chí việt nam loan tải tin một cựu nhà báo bị 6 năm tù vì làm gián điệp cho Trung quốc.

Đó là trường hợp ông Hà Huy Hoàng, cựu phóng viên báo Thế giới và Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại giao, ngày 30/9 bị Tòa án Nhân dân TP Hà Nội kết án 6 năm tù vì cung cấp thông tin cho tình báo Trung Quốc. Qua thời điểm xét xử và nội dung phiên tòa, người bình thường cũng thấy đây là một vụ án mang màu sắc chính trị, khẳng định quan hệ Việt nam - Trung quốc đã xấu đi rõ rệt trong mấy năm gần đây. Đáng chú ý vụ án này được đưa ra xét xử trước chuyến thăm Việt nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Điều này đã khiến cho nhiều người nghĩ lại các vụ án xét xử gián điệp Trung Quốc trong những năm 197X dưới thời TBT Lê Duẩn trước khi nổ ra cuộc Chiên tranh Biên giới năm 1979. Tuy vậy bản tin nói trên ngay lập tức đã bị rút khỏi các  trang báo lớn. Điều này được cho rằng là một hành động khiêu khích Trung quốc một cách có chủ ý của ban lãnh đạo Việt nam.

Sự kiện này khiến cho người ta nghĩ lại thời kỳ quan hệ Việt - Trung ở mức xấu nhất vào những năm cuối 197X, dười thời Tổng Bí thư Lê Duẩn trước khi xảy ra chiến trang Biên giới tháng 2/1979 giữa Việt nam và Trung quốc. Lúc đó đã có không ít các vụ án làm gián điệp cho Trung quốc đã được đưa ra xứt xử công khai như vụ án này.

Khả năng xung đột Việt - Trung

Đã từ lâu, các nhà phân tích chính trị quốc tế và khu vực đều thống nhất một nhận định chung khi cho rằng, việc Trung quốc sẽ dùng vũ lực để cưỡng chiếm các đảo và bãi ngầm thuộc chủ quyền của Việt nam hiện nay trên vùng biển Trường sa, như họ đã từng tiến hành đồi với các đảo thuộc khu vực Quần đảo Hoàng sa năm 1974 và đối với đảo Gạc ma của Việt nam năm 1988. Vấn đề chỉ còn là thời gian sẽ diễn ra vào lúc nào. Và những cuộc tấn công đột kích đó cộng với tiềm lực của Hải quân Trung quốc rất mạnh thì khả năng chiến thắng của Trung quốc đối với Việt nam sẽ là rất cao. Điều đó sẽ đồng nghĩa với việc Việt nam sẽ lần lượt mất các đảo và bãi ngầm trong khu vực Trường sa và cuối cùng là mất trọn Biển Đông.

Gần đây, giớp phân tích chính trị quốc tế cho rằng, cuối năm 2016 và đầu năm 2017 là thời cơ tốt nhất để Trung Quốc tấn công và chiếm toàn bộ những đảo còn lại của Trường Sa. Đồng thời nếu như phía Việt nam có phản ứng thì chắc chắn sẽ có thêm một cuộc chiến trên bộ tại biên giới phía Bắc là điều không tránh khỏi. Theo tác giả Joshua Kurlantzick, chuyên viên về Đông Nam Á của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Council on Foreign Relations) trong bài bài viết với tựa đề “A China-Vietnam Military Clash” đăng trên trang The Diplomat đã nhận định rằng "Các nguy cơ đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam đang tăng lên. Mặc dù hai nước có quan hệ gần gũi giữa hai đàng trong nhiều thập kỷ, từ năm 2011, cả hai nước đều đã khẳng định những yêu sách mâu thuẫn đối với Biển Đông... Những căn nguyên làm bất hòa đang gia tăng có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự nghiêm trọng giữa hai nước trong 12-18 tháng tới, với những hậu quả tiềm tàng lớn đối với Mỹ. Do đó, Mỹ cần tìm cách tháo ngòi nổ căng thẳng và giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.".

Điều này cho thấy, trong lúc này ban lãnh đạo Việt nam đứng trước hai sự lựa chọn, đó là cam tâm đứng nhìn Trung quốc cưỡng đoạt biển đảo của tổ quốc hoặc cần phải có các động thái liên minh, liên kết với các quốc gia khác để bảo vệ chủ quyền lãnh hải,

Việt nam phải làm gì?

Có ý kiến cho rằng Việt nam cần nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ để kiện Trung quốc ra Tòa án quốc tế. Đây là việc cần thiết của phía Việt nam nhằm để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình. Tuy vậy, việc làm này sẽ mất nhiều thời gian nên nó không thể giúp gì trong ngắn hạn. Và nếu xung đột cục bộ giữa Việt nam và Trung quốc nổ ra trên Biển Đông trong thời điểm cuối 2016 và đầu năm 2017 thì liệu Việt nam sẽ trông cậy vào đâu để bảo vệ lãnh hải của mình? Đi tìm câu trả lời có lẽ là việc cần thiết hơn.

Trước hết, việc dựa vào khối các nước Asian thì hoàn toàn không thể, trong bối cảnh lập trường của các quốc gia trong khối Asian về vấn đề tranh chấp Biển Đông đang có nhiều bất đồng, không thống nhất. Vì quyền lợicủa mình nên hầu hết các quốc gia trong khối Asian (trừ Việt nam và Philippines) bằng mọi cách duy trì quan hệ ở mức thân thiện với Trung quốc. Nhất là sau khi Trung quốc đưa ra "miếng mồi" Dự án Con đường Tơ lụa Hàng hải trong thế kỷ 21 vào tháng 10/2013 cùng với việc thiết lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) mới đây, với vốn đăng ký 100 tỷ USD nhằm phát triển quan hệ hợp tác hàng hải với các nước ASEAN.

Như vậy việc Việt nam dựa vào liên minh Mỹ-Nhật bản-Ấn Độ có lẽ là phương án cuối cùng mà Việt nam sẽ phải lựa chọn, cho dù từ trước đến nay ban lãnh đạo Việt nam vẫn kiên trì với chính sách ngoại giao 3 không, với mong muốn làm vừa lòng tất cả các bên. Tuy vậy, trước sự lấn lướt không ngừng của Trung quốc thì đây có lẽ là giải pháp bắt buộc Việt nam phải lựa chọn. Nếu vậy, có nghĩa là Việt nam phải học tập Philippines, một nạn nhân của chính sách bá quyền của Trung quốc như Việt nam hiện nay. Mà gần đây Philippines đã buộc phải chuyển từ thái độ "từ chối Mỹ" - kêu gọi Mỹ rút quân khỏi căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic từ năm 1992 để chuyển sang tinh thần hợp tác quân sự mới, bao gồm việc ký kết Hiệp ước Tăng cường Hợp tác quốc phòng với thời hạn mười năm. Điều đó đã khiến Philippines trở thành một nước đồng minh trong chính sách xoay trục sang châu Á và tái cân bằng lợi ích an ninh của Mỹ. Đối với Việt nam, thì quân cảng Cam Ranh cũng có ý nghĩa tương tự và chắc chắn đây sẽ là một giải pháp hết sức quan trọng mà Việt nam sẽ phải đưa ra để đổi chắc với phía Mỹ trong tình huống thực sự cần thiết.

Và các vị lãnh đạo Việt nam hiện nay cũng đang có mong muốn như vậy. Còn nhớ bên cạnh việc ông Trương Tấn Sang tại New York vừa rồi, lên án việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông là vi phạm luật quốc tế và đe dọa an ninh hàng hải, thì ông Sang còn kêu gọi phía Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí cho Hà Nội và coi đó sẽ là cơ hội làm cho quan hệ Việt-Mỹ sẽ được bình thường hóa toàn diện. Tuy vậy, vấn đề này không phải  do phía Việt nam muốn hợp tác với Mỹ là được, mà nó phải dựa trên cán cân quyền lợi gữa Mỹ-Trung và Mỹ-Việt bên nào mang lại quyền lợi nhiều hơn cho nước Mỹ. Bởi vì đến thời điểm này quan điểm của Mỹ chỉ chủ trương khẳng định quyền tự do hàng hải chính đáng của họ chứ không muốn đi ngược lại nguyên tắc luôn tuyên bố là không thiên vị bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Hơn nữa trong bối cảnh năm 2016 là năm tiến hành bầu cử ở Mỹ, nên việc phía Mỹ có các quyết sách cần thiết không phải là chuyện dễ dàng. Song việc Mỹ đang trợ giúp cho Hải quân của Việt nam trong việc tổ chức huấn luyện và cung cấp phương tiện cũng như khi tài cũng cho thấy hai bên đã có những sự hợp tác ở một chừng mực đáng quan tâm. Tuy nhiên những cái đó vẫn chưa đủ để đảm bảo.

Nhân quyền, vấn đề cốt lõi

Quan hệ Mỹ-Việt chưa bao giờ sáng sủa như hiện nay, nhất là từ sau chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và theo dự kiến thì Tổng thống Mỹ có thể ghé thăm Việt Nam trong tháng sắp tới này nhân chuyến công du khu vực. Điều đó không chỉ thấy trong việc xúc tiến để ký kết Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), hay việc Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ thường niên 2015 đã kết thúc hồi giữa năm, cũng như việc hai nước đang tiến hành đối thoại chính sách quốc phòng lần thứ 5 diễn ra từ ngày 27/9 tới ngày 3/10 tại Mỹ. Còn nhớ, tháng 10/2014, phía Mỹ cũng đã loan báo dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam nhằm tăng cường khả năng bảo vệ an ninh hàng hải. Không chỉ thế, phía Mỹ đã bày tỏ thái độ dứt khoát rằng họ không có ý định thay đổi thể chế chính trị hiện nay ở Việt nam, tuy vậy việc Việt nam phải tôn trọng các cam kết quốc tế trong vấn đề quyền con người hoặc các vấn đề khác là trách nhiệm bắt buộc.

Tuy nhiên, mọi vấn đề phải có cái giá của nó, việc chính quyền của Tổng thống Obama nhất mực khẳng định điều kiện tiên quyết để quan hệ Việt-Mỹ được phát huy toàn diện là Hà Nội phải cải thiện thành tích nhân quyền hiện vẫn đang bị quốc tế lên án. Đây là vấn đề mấu chốt.

Phía Việt nam cần nhớ, trong quan hệ với Mỹ thì các vấn đề Nhân quyền và vũ khí là hai mặt của một tấm huy chương, những cái đó cần phải có sự cân bằng. Tiến bộ nhân quyền sẽ quyết định tương lai hợp tác Việt-Mỹ, trong đó có cả sự chuyển giao vũ khí sát thương từ Mỹ cho Việt Nam nói riêng hay kể cả trong vấn đề phát triển mối quan hệ Mỹ-Việt ở mức đối tác chiến lược. Do đó, sự hợp tác giữa hai bên Việt-Mỹ cần phải gắn chặt với điều kiện nhân quyền là điều không thể chối bỏ. Qua vấn đề này để thấy, việc Quốc hội Việt nam cố tình trì hoãn việc xem xét thông qua Dự án luật về Hội là một hành động có chủ ý của một số quan chức hàng đầu, mà họ không lường hết được rằng hậu quả của hành động này là vô cùng tai hại nếu như xung đột trên biển giữa Việt nam và Trung quốc xảy ra.

Kết

Bành trướng lãnh thổ và lãnh hải là bản chất của các triều đại Trung quốc, hàng nghìn năm nay các hoàng đế Trung hoa chưa bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt nam. Đến nay cũng vậy, thực tế đã chứng minh cho thấy ngày nay những lãnh đạo cộng sản không thể mang con bài cùng ý thức hệ để biện minh cho việc này và coi Trung quốc là chỗ dựa cho đảng của họ để nắm giữ quyền lực. Nếu như vậy thì họa mất nước là điều cầm chắc và không cần phải bàn cãi.

Vào thời điểm hiện nay, trước nguy cơ Việt nam có thể mất trắng các đảo và bãi đá ngầm trong khu vực Trường sa và toàn bộ Biển Đông đã hết sức rõ ràng. Đây là thời điểm buộc ban lãnh đạo Đảng CSVN phải có thái độ dứt khoát trong việc lựa chọn một chỗ đứng rõ ràng cho mình, để có thể đảm bảo toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Muốn vậy, bản thân họ phải biết cháp nhận hy sinh quyền lợi của cá nhân mình để dũng cảm bước tới một cách mạnh mẽ hơn nữa để đi theo các trào lưu tiến bộ của văn minh nhân loại như họ đang tự chuyển hóa như hiện nay. Đây là một trong những thách thức quan trọng nhất đối với Đảng CSVN trong dịp Đại hội Đảng lần thứ XII sắp diễn ra trong đầu năm 2016.

Ngày 02/10/2015

© Kami

(Blog RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét