Pages

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

TPP sẽ gây chia rẽ ở châu Á?

Nếu TPP có hiệu lực thì sẽ có một giả định dường như không thể lay chuyển là: TPP là nền tảng đối với sự can dự tiếp tục của Mỹ vào châu Á và sẽ đảm bảo sự ổn định trong một khu vực bị chi phối ngày càng nhiều bởi chủ nghĩa dân tộc, tranh chấp lãnh thổ và chủ nghĩa quân phiệt.

1a.jpg

Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) khó có thể được coi là động lực cho sự ổn định. Thực tế cho thấy các thỏa thuận thương mại luôn tạo ra "kẻ thắng người thua" nên không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều ý kiến lo ngại rằng TPP sẽ không được tất cả 12 nước thành viên phê chuẩn. Tuy nhiên, nếu hiệp định này có hiệu lực thì sẽ có một giả định dường như không thể lay chuyển là: TPP là nền tảng đối với sự can dự tiếp tục của Mỹ vào châu Á và sẽ đảm bảo sự ổn định trong một khu vực bị chi phối ngày càng nhiều bởi chủ nghĩa dân tộc, tranh chấp lãnh thổ và chủ nghĩa quân phiệt. Đến nay, các nhà lập pháp Mỹ đang tập trung cao độ vào những tác hại cũng như lợi ích mà TPP có thể mang lại. Trong số những người bày tỏ thái độ hoài nghi về những lợi ích kinh tế của TPP có Thượng nghị sĩ Orrin Hatch, Chủ tịch Ủy ban Tài chính đầy quyền lực của Thượng viện. Hiện vẫn chưa có gì đảm bảo rằng quốc hội Mỹ sẽ thông qua TPP. Điều chắc chắn là khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tăng tốc, các mặt lợi và hại của một thỏa thuận thương mại lớn sẽ trở thành một chủ đề nóng bỏng.

Tuy nhiên, ngay cả khi sự ủng hộ và chống đối của mỗi bên được cân nhắc thì Nhà Trắng chắc chắn sẽ vẫn kiên quyết đối với các vấn đề về an ninh của TPP. Được xem như là một thành tố kinh tế của chính sách tái cân bằng rộng lớn hơn của Mỹ đối với châu Á, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thúc đẩy TPP như là "chìa khóa" để đảm bảo các mối quan hệ chiến lược của Mỹ với châu Á, một khuôn khổ đảm bảo sự gắn kết bền vững giữa Mỹ với một khu vực có nền kinh tế năng động và đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, có lý do để lo lắng rằng TPP thực sự có thể dẫn đến những căng thẳng gia tăng trong khu vực, không chỉ giữa Wasshington với Bắc Kinh.

Hiển nhiên, tất cả các hiệp định thương mại đều phản ánh lợi ích kinh tế cũng như an ninh giữa các nước tham gia và TPP không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, việc nhấn mạnh đến khía cạnh an ninh của TPP xuất phát một phần từ thực tế rằng Trung Quốc không phải là một trong những thành viên sáng lập. Hơn nữa, ngay cả khi Washington nhấn mạnh đến cái gọi là "cấu trúc mở" của TPP - có thể cho phép nhiều quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc tham gia - thì một điều rất rõ là Nhà Trắng xem hiệp định này như một cách để Mỹ đóng vai trò dẫn dắt việc thiết lập các quy tắc thương mại trong tương lai trước khi Trung Quốc thực hiện việc đó. Chính quyền Obama cho rằng TPP sẽ củng cố các mối quan hệ chiến lược với các đồng minh châu Á như Nhật Bản, Úc, New Zealand và Singapore, đồng thời tăng cường quan hệ với một số nước có thể đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực như Việt Nam và Malaysia.

Nhiều người cũng tin rằng quan hệ giữa 12 quốc gia thành viên của TPP sẽ trở nên gần gũi hơn không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả trên khía cạnh an ninh. Thực tế cho thấy quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn thường dẫn đến tăng cường hợp tác quân sự, chẳng hạn như trường hợp của Nhật Bản và Úc. Sau khi ký kết hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) vào tháng 4/2014 và hiệp định này có hiệu lực từ đầu năm 2015, Tokyo và Canberra đã mở rộng hợp tác quốc phòng, góp phần củng cố mối quan hệ của cả hai với Mỹ. Các giả định về một hiệu ứng lan tỏa tích cực của các thành viên TPP dưới chiếc ô của một chương trình thương mại chung không phải lúc nào cũng đúng. Ở Mỹ, người ta cho rằng Hàn Quốc sẽ là một trong những nước đầu tiên tham gia TPP khi được phê chuẩn bởi Hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao Mỹ-Hàn (KORUS) đã có hiệu lực từ tháng 3/2012.

Hàn Quốc chắc chắn sẽ là một ứng cử viên nặng ký để tham gia TPP do KORUS được xem như một "tiêu chuẩn vàng" cho các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn lại miễn trừ phần lớn thị trường gạo - vốn rất nhạy cảm về chính trị - của Hàn Quốc. Chỉ riêng điều này cũng sẽ là một vấn đề chính trị lớn đối với tất cả các nước thành viên nếu Hàn Quốc đàm phán gia nhập TPP, và chắc chắn sẽ là một vấn đề tranh cãi với Nhật Bản (một thành viên sáng lập của TPP) bởi nước này đã buộc phải nhượng bộ đối với thị trường gạo không kém phần nhạy cảm chính trị của mình. Do vậy, bất cứ tranh cãi nào do các nhà đàm phán Nhật Bản đưa ra đối với việc tiếp cận thị trường gạo của Hàn Quốc chắc chắn sẽ làm tổn hại thêm mối quan hệ Seoul-Tokyo, vốn đã lạnh nhạt do hai bên tiếp tục bất đồng về vấn đề lịch sử và chủ nghĩa dân tộc gia tăng.

TPP không phải là hiệp định thương mại đa phương duy nhất đang được thảo luận ở châu Á. Nếu hội nhập kinh tế và ổn định khu vực lớn hơn là một mục tiêu thì đang có các khuôn khổ khác thay thế. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) không chỉ bao gồm 10 nước thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà còn có cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand. Các nhà chỉ trích RCEP nhận xét rằng hiệp định này đang nhắm đến những tiêu chuẩn thấp hơn so với TPP cũng như tập trung quá nhiều vào việc cắt giảm hàng rào thuế quan tương đối cũ. Hơn nữa, hiệp định này cũng được xem như một sáng kiến do Trung Quốc dẫn đầu mà không có Mỹ. Tuy nhiên, thực tế là đến nay RCEP đang đưa những đối tác như Myanmar và Campuchia vào khuôn khổ hiệp định khu vực mà tự nó có thể xem là bước phát triển đáng kể khi đạt được một trong những mục tiêu dài hạn của TPP - đó là khuyến khích các quốc gia phải áp dụng các tiêu chuẩn và quy tắc quốc tế.

Vẫn còn quá sớm để đưa ra nhận định về khả năng và thời điểm TPP được cả 12 quốc gia thành viên phê chuẩn. Nhưng rõ ràng RCEP vẫn nên tiếp tục tiến về phía trước bất chấp tương lai của TPP. RCEP thực sự có thể chứng minh là một hiệp định tốt hơn để đưa các đối thủ châu Á cùng nhau hợp tác trong một chương trình chung của tăng trưởng kinh tế liên tục trong khu vực mà không cần đến Mỹ.

Theo "The diplomat"

Anh Thư (gt)

(Nghiên Cứu Biển Đông)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét