Pages

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Trước Đại hội 12: Con dân và con quan

Image copyrightMang xa hoi
Image captionThiếu niên Đỗ Đăng Dư bị đánh chết khi đang bị giam giữ tại Hà Nội
Trước cuộc họp năm năm một lần vào đầu năm tới của Đảng Cộng sản, một số sự việc xảy ra cho thấy sự tương phản về thân phận con người tại đất nước mà người đứng đầu Đảng nói là đang ở vào "thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử".

Từ con dân...

Sáng Chủ Nhật ngày 4/10, theo những gì công an Việt Nam đưa ra, thiếu niên 17 tuổi Đỗ Đăng Dư, con của một gia đình nông dân ở Hà Nội, bị bạn cùng buồng giam đánh.

Thứ Bảy ngày 10/10, Đỗ Đăng Dư tử vong.
Trong khoảng thời gian từ 4-10/10, gia đình thanh niên xấu số nói họ bị ngăn cản khi muốn vào thăm con em mình.
Khám nghiệm tử thi diễn ra hôm 11/10 nhưng luật sư đại diện cho gia đình nói ông không ký vào biên bản khám nghiệm vì các điều tra viên "chỉ ghi những dấu vết bên ngoài thân thể mà không ghi các dấu vết bên trong khi giải phẫu".
Các dấu vết bên trong, theo luật sư Trần Thu Nam, bao gồm "bị tụ máu trên não" cũng như "đốt sống số 1 trên cùng bị tổn thương dẫn đến động mạch chỗ đó bị tổn thương không đưa máu lên nuôi não dẫn đến chết não, phù não."
Ngày 16/10 khi một đoàn trong đó có một nhóm vận động cho dân chủ và nhân quyền tới viếng và chuyển tiền phúng viếng cho gia đình, một số thanh niên đã tới gây lộn xộn tại nhà của nạn nhân khiến bố mẹ Đỗ Đăng Dư phải thách thức họ "Giết con rồi, giết luôn vợ chồng nhà tôi đi xem có được không."
Có những bình luận trên Facebook nói bà Đỗ Thị Mai là "chị Dậu thời hiện đại" nhưng còn khổ hơn chị Dậu thời xưa.
Khác với một số vụ việc tương tự trước đó vài tháng, các báo chỉ đưa những gì phía công an thông báo mà không tìm hiểu thêm từ phía gia đình nạn nhân hay có điều tra riêng.
Theo dõi trên báo chí chính thống, không một chính trị gia có tiếng nào cảm thấy cần phải có lời chia buồn với gia đình nạn nhân hoặc coi đây là giọt nước làm tràn chiếc ly trong đó có hơn 200 người chết khi đang bị giam giữ trong ba năm trở lại đây.

...tới con quan

Trong lúc đó một loạt các con quan gây sốt khi chứng tỏ họ 'tuổi trẻ tài cao'.
Ông Lê Phước Hoài Bảo, 30 tuổi, con trai của người giữ chức bí thư tỉnh Quảng Nam tới tháng Chín năm nay, trở thành giám đốc sở kế hoạch đầu tư trẻ nhất nước tại cùng tỉnh bố lãnh đạo.
Trong ngày các thanh niên lạ mặt gây sự tại đám viếng Đỗ Đăng Dư, các báo coi như đó là chuyện không đáng kể và tập trung đưa tin về sự thăng tiến chính trị của những người được coi là "hạt giống Đỏ" hay "thái tử Đảng" khác.
Image copyrightGetty
Image captionCả hai con trai của ông Nguyễn Tấn Dũng đều vừa có sự thăng tiến mới trong chính trường
Trưa 16/10, VietNamNet đưa tin tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Anh, 39 tuổi, con trai của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Chi, trở thành người đứng đầu về Đảng ở địa phương và bình thêm:
"Đến thời điểm này, có thể nói ông Xuân Anh là vị Bí thư Thành ủy trẻ tuổi nhất nước."
Tối muộn cùng ngày vẫn VietNamNet lại đưa tin ông Nguyễn Thanh Nghị, người báo nói "xuất thân từ gia đình truyền thống cách mạng, là con trai lớn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng" trở thành Bí thư tỉnh Kiên Giang.
Danh hiệu bí thư trẻ nhất nước của ông Nguyễn Xuân Anh chỉ giữ được trong vài tiếng vì ông Nghị kém ông Anh vài tháng tuổi.
Con trai khác của ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Minh Triết, cũng vừa trở thành tỉnh ủy viên trẻ nhất khi được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ Bình Định ở tuổi 27.
Hồi tháng Tám, tháng con thường dân Đỗ Đăng Dư bị bắt giam và hiện còn có tranh cãi quyết định giam giữ có đúng không, con ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Trương Hải Hiếu trở thành chủ tịch quận trẻ nhất nước.
Tuy nhiên, trong một trong những bất ngờ hiếm hoi, ông Hiếu đã không lọt được vào Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh theo tin hôm 17/10.

Bình luận trên mạng xã hội

Vụ của nạn nhân Đỗ Đăng Dư và của các "hạt giống Đỏ" đều gây xôn xao mạng xã hội.
Video cảnh gây lộn khi có đoàn tới viếng Đỗ Đăng Dư trên YouTube và Facebook của BBC đã được hàng vạn lượt xem sau hai ngày.
Các bài về nhân sự trẻ tuổi trong Đảng, nhất là bài về con trai lớn của thủ tướng, cũng được nhiều người bình luận.
Trên các trang Facebook cá nhân, một số người quan tâm tới thời cuộc và không e ngại khi nói tới các vấn đề chính trị cũng đăng các thông điệp về bước đường chính trị của con cái chính trị gia.
Blogger Trương Duy Nhất viết:
"Những đứa trẻ ranh mới hôm rồi chỉ biết vọc tiền, chơi gái thoắt cái khoác áo vét cà vạt chễm trệ trên đỉnh cao quyền lực cai trị, hoạch định chính sách kinh tài quốc gia.
"Đất nước này, tổ quốc này, non sông này đâu phải cái chiếu giỗ để chia mâm bát cho vài gia đình dòng tộc.
"Chưa giai thời nào đội ngũ con quan- quan con được mệnh danh là lớp “Thái tử đảng” lại xuất hiện nhiều đến thế, chướng tai gai mắt đến thế."
Luật sư Lê Công Định bình luận:
"Kể từ đời nhà Trần chấm dứt đến nay, dường như chế độ Thái Thượng Hoàng đang được tái lập? Chỉ ở những hình thái chính trị-xã hội phong kiến, dù cổ truyền hay hiện đại, mới dung dưỡng tình trạng chuyển giao quyền hành bằng thừa kế theo huyết thống.
"Đất nước ta trên thực tế đang rẽ vào giai đoạn phân hoá nghiêm trọng giữa giới quý tộc cai trị với nhiều đẳng cấp cao thấp và những người dân đen bị trị vô sản. Tầng lớp trung gian, tuy không rơi vào cảnh nghèo hèn phải bán sức lao động, nhưng cũng chẳng có cơ hội trực tiếp giành quyền lực chính trị, đó là giới doanh nhân ngày nay.
"So sánh xã hội Việt Nam hiện tại thấy rất giống thời tiền cách mạng tư sản ở Âu Châu thế kỷ 17-18. Ánh sáng cuối đường hầm đã le lói."
Và nhà báo Trương Huy San đăng:
"Đem "hết trứng" - Nguyễn Thanh Nghị và Nguyễn Minh Triết - đặt vào một "giỏ" - cái giỏ đảng Cộng sản VN - như gửi con tin.
"Vậy mà có nhiều trí thức vẫn hy vọng rằng nếu ông Nguyễn Tấn Dũng làm TBT [tổng bí thư] ông sẽ giải tán đảng và dân chủ hóa đất nước.
"Có ai chặt cái cây mà hai thằng con nối dõi của mình đang hăm hở leo lên không. Chấp nhận độc tài, tham nhũng để đổi lấy dân chủ, hy vọng cải cách từ một người chỉ giỏi thu vén cá nhân, cũng "viển vông" như "tình hữu nghị" Việt - Trung thôi quý vị ạ."
Trong khi đó về mặt công khai hiện chưa có tin tức gì về những ai đang tranh đua vào vị trí tổng bí thư Đảng Cộng sản mà hiện ông Nguyễn Phú Trọng đang giữ cũng như những vị trí then chốt khác trong đó có chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội.
Cựu Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nói mọi chuyện vẫn có thể thay đổi ở "những phút đá bù giờ".
Nhưng dường như ít ai hy vọng vào thay đổi lớn lao từ đại hội sắp tới của các đảng viên Cộng sản.
Mấy ngày nay trên mạng xã hội người ta lại nhắc lại câu ca dao "Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét