Pages

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

Tù chết và bị thương được đền tiền

Nhân các vụ tử vong hoặc bị bạo hành trong tù tại Việt Nam tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận, BBC Tiếng Việt giới thiệu ví dụ một số quốc gia có cơ chế bồi thường:

Image copyrightPA

Hoa Kỳ

Trong tháng 5/2015, một người ở Ohio bị tù gần 40 năm vì tội giết người mà ông không hề gây ra đã được toà án Mỹ công nhận trắng án và bồi thường 2 triệu đô la.
Ông Ricky Jackson, 59 tuổi cùng hai người bạn bị xử năm 1975 vì tội giết một doanh nhân.
Theo trang Cleveland.com, không chỉ nhận 2 triệu đô la từ tiểu bang Ohio, ông Jackson còn nhận "khoản tiền lương" không công bố để bù lại 39 năm không đi làm.

Tuy thế, theo trang CBSNews thì không phải tiểu bang nào của Mỹ cũng có luật công nhận bồi thường cho phạm nhân bị xử oan sai ngay lập tức.
Cả nước Mỹ chỉ 29 công nhận quyền đó còn 21 bang còn lại không ghi quyền này trong luật.
Tuy vậy, trong mọi trường hợp, người dân đều có thể thuê luật sư kiện nhà tù hoặc chính quyền tiểu bang để đòi bồi thường.
Ông Marty Tankleff, bị xử năm 1988 và đã ngồi tù 17 năm sau khi bản án bị coi là có yếu tố sai trái.
Ông đã thắng kiện tiểu bang New York nhận 3,4 triệu đô la tiền bồi thường.

Anh Quốc

Năm 2012, chính phủ Anh phải đền cả thẩy 13 triệu bảng Anh cho gần 4000 trường hợp bị thương tật, bị ngã, bị chết trong nhà tù.
Người bị giam quá hạn vì nhà tù không làm kịp giấy tờ thả họ đúng ngày cũng được bồi thường, theo báo Anh, tờ The Mirror hồi 2013.
Tính trung bình cứ mỗi tuần có 70 trường hợp tù nhân nhận chừng 3000 bảng Anh khi bị ngã, bị thương lúc chơi thể thao trong tù.
Image copyrightgp.gov.ua
Trên thực tế, tiền bồi thường cho mỗi vụ là 15.000 bảng nhưng sau khi trừ tiền phí luật sư, tù nhân nhận khoảng 3620 bảng mỗi người.
Với con số trên 3700 vụ việc, nhà nước Anh phải trả 8,5 triệu bảng bồi thường.
Trong 47 trường hợp tù nhân bị chết khi trong trại giam, gia đình họ nhận trung bình 35 nghìn bảng cho một trường hợp.
Các vụ bồi thường xảy ra không chỉ với thường phạm.
Trong tháng 10 năm nay, tướng Serbia, ông Radislav Krstić được bồi thường 50 nghìn bảng Anh vì bị một số tù nhân Hồi giáo tấn công khi đang thi hành án ở nhà tù Wakefield tại Anh.
Những kẻ tấn công đã dùng dao lam cứa cổ ông Krstic nhưng ông không chết.
Họ muốn trả thù cho đồng đạo Hồi giáo vì ông Krstić bị tòa án quốc tế ở The Hague, Hà Lan xử 35 năm tù năm 2001 vì tội diệt chủng với người Hồi giáo ở Nam Tư cũ.
Theo luật Anh, khi bị giam giữ, tù nhân được đảm bảo an toàn thân thể và chạy chữa y tế đúng hạn, đúng tiêu chuẩn.
Nếu bị bạn tù hay cai ngục hành hạ, tấn công, tiền bồi thường còn cao hơn khi họ bị ngã, bị tai nạn.
Trong bảng ghi các vụ bồi thường ở nhà tù Anh Quốc 2004-2008 ( đường dẫn tại đây) có thể thấy một trường hợp bị bạn tù tấn công tại Liverpool, khiến nạn nhân được bồi thường 30 nghìn bảng Anh.

Ba Lan

Image copyrightGetty Images
Image captionTòa án công lý châu Âu - hình minh họa
Có khi một quốc gia bị tòa án quốc tế bắt bồi thường cho công dân của họ.
Năm 2013, Cộng hòa Ba Lan bị Tòa án Nhân quyền châu Âu bắt trả 3700 euro cho công dân Henryk Wereda bị xử tù năm 2007.
Lý do là ông Wereda đã bị giam quá hạn đúng ba ngày bởi giấy báo thả ông khi tòa ra lệnh đổi án tù thành 'quản chế' đến chậm ba hôm.
Tính ra mỗi ngày bị tù quá hạn ông được bồi thường 1233 euro.

Singapore

Việc bồi thường cho thân nhân người tù bị chết trong trại giam cũng được luật Singapore công nhận.
Image copyrightAFP
Image captionMột nhà tù Singapore - hình minh họa
Tháng 4/2014, bà Selvi Narayanasamy, 45 tuổi, đồng ý nhận "khoản tiền không công bố" trong vụ đòi kiện nhà tù Changi, Singapore vì cái chết của con trai.
Dinesh Raman Chinnaiah, 21 tuổi bị chết hồi 2010 sau khi đá một quản giáo và bị trói chặt.
Nhân viên nhà tù là Kim Kwo Yin sau đó đã thú tội ngộ sát và bị phạ̣t 10 nghìn đô la Singapore.
Tòa Thượng thẩm Singapore đã bác bỏ án của tòa cấp dưới không cho bà Selvi Narayanasamy đòi bồi thường.
Sau đó, nguyên đơn đã chấp nhận dàn xếp với chính quyền và nhận một khoản tiền không công bố.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét