Pages

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Việt Nam có thực tâm ‘cải cách thể chế’?

Image copyrightGetty
Image captionNăm ngoái, Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Tấn Dũng sử dụng cụm từ 'nắm chắc ngọn cờ dân chủ' trong một thông điệp đầu năm.
Sau thông điệp ‘nắm chắc ngọn cờ dân chủ’ đầu 2014 vẫn chưa đi đến đâu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lần thứ hai đã xuất hiện khẩu hiệu ‘cải cách’ trên cửa miệng giới quan chức chóp bu Việt Nam, mà có thể coi là một thông điệp lần hai.
Ngay sau khi Hiệp định TPP kết thúc đàm phán vào ngày 5/10/2015, một số trong giới chuyên gia ‘phản biện trung thành’ ở Việt Nam một lần nữa nhắc lại cụm từ ‘cải cách thể chế’.

Bà Phạm Chi Lan - một trong những thành viên thân cận trong ban nghiên cứu chính phủ, phát biểu ‘cải cách thể chế là ưu tiên số một’. Tuy nhiên cũng như tất cả những lần trước khi đề cập về khái niệm này, bà Lan không giải thích ‘cải cách thể chế’ là gì.
Nhiều năm trước, ‘thể chế’ là từ bị xem lại nhạy cảm chính trị trong xã hội Việt Nam. Với nguồn gốc từ triết luận phương Tây, từ ngữ này không được đồng nhất với từ ‘chế độ’, và càng chẳng có gì tương xứng với ‘chế độ xã hội chủ nghĩa’ mà giới cầm quyền Việt Nam nhất tuân quan niệm.
Tuy nhiên xu hướng hội nhập ‘Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước’, sự tung hoành gần hai chục năm của Internet ở quốc gia này và gần nhất là nghị trình TPP đã khiến những tư tưởng bảo thủ bản ngã trở nên dễ bảo hơn.
Không chỉ các chuyên gia được cho là gần gũi với chính phủ như bà Phạm Chi Lan, ông Lê Đăng Doanh, ông Trần Du Lịch…, mà cả những quan chức có phẩm trật khá cao như Trương Đình Tuyển - nguyên bộ trưởng thương mại, Bùi Quang Vinh - đương kim Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư, Trần Đình Thiên - Viện trưởng viện kinh tế…, cũng lấp ló từ ‘thể chế’’ trong một năm qua.
‘Cải cách thể chế’ lại là một yêu cầu bắt buộc của TPP. Không ai có thể bước chân qua ngưỡng cửa hiệp định này mà không phải tự thay đổi mình.
Sự thật quá đỗi hiển nhiên là nếu không có quá trình đàm phán TPP và nhu cầu bức thiết của nhà nước Việt Nam tham gia vào hiệp định này, có lẽ còn rất lâu nữa vấn đề cải cách thể chế mới được nêu ra.
Image copyrightGetty
Image captionNgười nông dân Việt Nam vẫn không có quyền sở hữu ruộng đất
Nhưng rốt cuộc ‘cải cách thể chế’ là cải cách kinh tế hay chính trị, hay cả hai? Và quan trọng nhất là chính thể có muốn cải cách hay không?

Mù mờ ý thức hệ?

Cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ một giải thích nào từ các cấp có trách nhiệm. Tính mù mờ về ý thức hệ lại dẫn đến mơ hồ về quan niệm và khái niệm.
Tại Hội nghị trung ương 12 của đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu tháng 10/2015, một khái niệm mới được trưng ra: ‘Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’.
Điều đáng nói là trong khi cuộc tranh cãi trong đảng về việc như thế nào là ‘nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa’ vẫn chưa có đáp số, thì nay lại sinh ra một ẩn số hoàn toàn mới.
Khái niệm hoàn toàn mới, nhưng ‘tư duy’ không hề và chưa hề có ý định rời bỏ cái cũ. Một phần lớn trong số 108 tập đoàn, tổng công ty kinh tế quốc doanh làm ăn kém hiệu quả cùng nợ đầm đìa vẫn được giữ nguyên thế ‘chủ đạo’, trong khi giới doanh nghiệp tư nhân tạo ra chất bổ dưỡng gấp rưỡi doanh nghiệp nhà nước thì vẫn bị coi là ‘khúc ruột thừa’ và vẫn phải nai lưng đóng thuế.
Trong khi đó với TPP, cải cách thể chế không chỉ là những vấn đề cải cách cơ chế sở hữu trí tuệ, nhãn mác, nguồn nguyên liệu nhập khẩu…, mà bao gồm cả khung luật pháp liên quan đến quyền con người như tự do lập hội, Công đoàn độc lập, tự do Internet, tự do báo chí, tự do tôn giáo…
Thế nhưng sự dịch chuyển não trạng và hành động của giới lãnh đạo Việt Nam trước những yêu cầu của TPP là vô cùng chậm. Nếu thông điệp năm 2014 của Thủ tướng Dũng đề cập đến mục tiêu xóa độc quyền, thì cho đến nay những tập đoàn siêu độc quyền của nhà nước như Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam… vẫn ung dung thống trị bằng các thủ đoạn tăng giá đè đầu đè cổ người dân.
Vào cuối năm 2014, trước sức ép của TPP được truyền đạt bởi đoàn đàm phán Việt Nam, Quốc hội nước này mới chịu chuyển động đôi chút bằng hứa hẹn ‘sẽ ban hành Luật về hội và Luật biểu tình’.
Song sang năm 2016, chỉ có mỗi Luật trưng cầu dân ý là được bàn thảo rôm rả hơn cả, tuy có vẻ còn lâu mới đi đến thống nhất giữa các nhóm quyền lực bên đảng và chính phủ.
Image copyrightReuters
Image captionViệt Nam đã đàm phán xong về TPP, nhưng liệu công đoàn độc lập có được công nhận hay không vẫn là dấu hỏi, theo tác giả.
Còn hai bộ luật về hội và tín ngưỡng tôn giáo đều chỉ được làm cho có, với vô số rào cản ‘xin - cho’ mà ngay lập tức có thể khiến người dân liên tưởng về thời kinh tế chỉ huy cách đây chẵn bốn chục năm.

Rào cản ghê gớm nhất

Thế nhưng rào cản ghê gớm nhất lại thuộc về quan niệm độc tài chính trị và nỗi lo sợ bị lật đổ.
Mặc dù đã phải chấp nhận định chế Công đoàn độc lập để đổi lấy một suất trong TPP, nhưng quá nhiều ám ảnh được nhắc đi nhắc lại về Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước luôn khiến chính quyền Việt Nam còn lâu mới thành tâm để cho phép công nhân được tự đứng ra lập công đoàn cơ sở bảo vệ quyền lợi cho mình.
‘Luật về hội’ - theo cách đặt tên của Quốc hội Việt Nam - cũng bởi thế đã chẳng được gọi là ‘Luật lập hội’ theo đúng tinh thần hiến định của nó từ một phần tư thế kỷ qua, và có thể bị trì hoãn càng lâu càng tốt cùng với những sửa đổi lẽ ra phải được làm ngay đối với Luật công đoàn.
Thân phận công nhân đã vậy, còn số phận hàng chục triệu nông dân ở Việt Nam cũng chẳng thể khá hơn.
Không có quyền tự định đoạt ngay cả mảnh đất đang sống, người nông dân đành phải cắn răng chấp nhận bản hiến pháp năm 2013 vẫn giữ nguyên quyền sở hữu đất đai thuộc về nhà nước.
Chính nội dung phản ngược trào lưu lịch sử này đã trở thành tác nhân lớn nhất, cùng với nạn tham nhũng và cường hào ác bá, gây ra vô số công cuộc quan chức và giới đại gia cướp đất hoặc gần như thế đối với tầng lớp dân đen sa chân vào cảnh khốn cùng.
Trong lúc giới quan chức và chuyên gia ‘phản biện trung thành’ hầu như nín lặng trước thực tiễn sống sượng ấy, những tiếng nói bạo phổi hơn nhiều đã vang lên từ giới đấu tranh dân chủ và những nhà hoạt động xã hội dân sự:
Không thể có cải cách kinh tế nếu không cải cách chính trị; không thể có dân chủ nếu cứ khư khư ôm chặt thế độc trị của đảng.

Bắt đầu nhúc nhích

Image copyrightGetty
Image captionQuốc hội Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức về việc điều chỉnh, bổ sung pháp luật khi Việt Nam gia nhập TPP.
Nói mãi rồi cũng phải chuyển. Nhưng chỉ mới chuyển đôi chút.
Vài hứa hẹn lại được khêu gợi từ phía Quốc hội.
Chính phủ chưa nhúc nhích gì nhưng lại thông qua vài chuyên gia để bắn tín hiệu tới thiên hạ là sẽ ‘cải cách’.
Gần đây, vài diễn đàn và hội thảo của giới doanh nghiệp (chưa phải giới trí thức) đã bắt đầu đề cập đến ‘cải cách thể chế’.
Tuy nhiên tương tự nỗi sợ hằn sâu quá nhiều năm trong chế độ, không phải ai cũng dám đào sâu đến gốc rằng muốn cải cách thể chế kinh tế thì cần phải bắt đầu bằng cải cách thể chế chính trị.
Thế nhưng bên ngoài hành lang cuộc họp, đã có quan chức còn dám thổ lộ rằng nếu không sớm cải cách thể chế chính trị, cơ hội để nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi từ TPP sẽ hầu như không đáng kể.
Và rồi tương lai nào sẽ bảo đảm an toàn cho số phận tài sản và cả sinh mạng của những quan chức hoặc đã chán ngấy chế độ chính trị này, hoặc đang phát sốt lên vì cái áo độc tài quá chật, nếu đảng không tự đổi khác?
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một nhà báo độc lập và nhà vận động cho xã hội dân sự đang sinh sống ở Sài Gòn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét