Sau thỏa thuận mới đạt được về Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam hy vọng sẽ gia tăng gấp đôi thương mại khi được tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường Mỹ, giúp thu hút các nhà sản xuất trên thế giới và thúc đẩy cải cách nền kinh tế kém hiệu quả và đầy dẫy tham nhũng.
Một quốc gia với 90 triệu dân, Việt Nam đã trỗi dậy từ một cuộc khủng hoảng ngân hàng trầm trọng để trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á bằng cách thu hút một loạt các nhà sản xuất trên thế giới, từ tập đoàn công nghệ Samsung đến các nhà cung cấp cho những thương hiệu thời trang Nike và Uniqlo.
Trước đồng lương gia tăng nhanh chóng ở Trung Quốc, trung tâm sản xuất chính của thế giới, các nhà sản xuất đã bị chi phí lao động thấp của Việt Nam hấp dẫn – khoảng một nửa mức của Trung Quốc – và vị trí trung tâm của Việt Nam ở châu Á.
Sự phát triển công nghiệp đã giúp cho kinh tế Việt Nam đạt mức 6,5% trong chín tháng đầu năm nay, nhanh nhất kể từ năm 2010, trong khi việc giải ngân vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng 8% trong cùng kỳ, lên đến 9,7 tỷ USD.
Theo các nhà kinh tế và sản xuất, TPP và thỏa thuận thương mại với Liên minh Âu Châu (EU) ký kết gần đây sẽ giúp Việt Nam gia tăng hơn nữa uy thế xuất khẩu và mang tới đầu tư nước ngoài nhiều hơn.
Các viên chức theo khuynh hướng cải cách trong chính quyền Cộng sản Việt Nam xem thỏa thuận thương mại như “chìa khóa” có thể được dùng để thúc đẩy tự do hóa một nền kinh tế vẫn còn bị kềm giữ bởi những bế tắc cơ sở hạ tầng và các doanh nghiệp nhà nước lắp ghép và kém hiệu quả.
Nhưng đòi hỏi của TPP đối với 11 quốc gia tham gia, trong đó bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Úc, là mở rộng kinh tế nhiều hơn cho cạnh tranh nước ngoài và thực thi những tiêu chuẩn lao động và môi trường nghiêm ngặt, sẽ khó khăn cho Việt Nam trong việc áp dụng và thực hiện những rủi ro chính trị và kinh tế.
“Việt Nam đã có bước tăng trưởng rất lớn trong ngành sản xuất quần áo và giày dép, và hai thỏa thuận thương mại này sẽ giúp đẩy mạnh lợi thế cạnh tranh khi các hãng xưởng tìm cách rời khỏi Trung Quốc, thúc đẩy sự gia tăng việc làm và chuyển giao công nghệ hơn nữa”, Johanna Chua, một nhà kinh tế tại Citigroup cho biết.
Những nước Á châu không nằm trong TPP khác như Campuchia, Indonesia, Myanmar và Thái Lan, có thể bị thua thiệt trong trận chiến lôi kéo các nhà sản xuất quốc tế, bà Chua cảnh báo.
Crystal Group, một trong những nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới về doanh thu, tuyển dụng 17.000 công nhân ở Việt Nam để làm hàng cho các thương hiệu như Gap, Marks & Spencer và Uniqlo.
Các công ty có trụ sở ở Hồng Kông đã lập kế hoạch mở rộng lực lượng lao động của họ ở Việt Nam để dần dần giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng thỏa thuận TPP sẽ mang lại thêm động lực cho họ, ông Andrew Lo, giám đốc điều hành cho biết.
Ông Bosco Law, phó giám đốc công ty Lawsgroup, nhà sản xuất hàng may mặc có trụ sở ở Hồng Kông đang khuếch trương tại Việt Nam, cho biết, TPP “chắc chắn sẽ khuyến khích đầu tư nước ngoài”, nhưng nói thêm rằng các doanh nghiệp “phải xem xét những điểm chi tiết” trước khi họ có thể thẩm định những lợi ích.
Frederic Neumann, một nhà kinh tế tại HSBC, tự tin rằng TPP sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho các nhà sản xuất ở Việt Nam và những nước có chi phí lao động thấp khác trong nhóm như Mexico và Peru.
Ông nói: “Các ngành như sản xuất phụ tùng xe hơi vẫn được Mỹ bảo vệ kỹ lưỡng. Thái Lan đã có bước tiến đáng kể trong ngành công nghiệp xe hơi, nhưng sự vắng mặt trong TPP sẽ cho phép Việt Nam và / hay Mexico nhảy vào”.
Nhưng những lợi ích của TPP đối với Việt Nam không phải không có những thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất là hoàn thành các điều khoản nghiêm ngặt của chương lao động của TPP, điều mà lần đầu tiên sẽ bắt phạt thương mại đối với bất kỳ nước nào vi phạm các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế.
Việt Nam sẽ phải sửa đổi hệ thống công đoàn lao động do đảng Cộng sản kiểm soát để cho phép người lao động thành lập công đoàn độc lập – một đòi hỏi khó khăn, theo các viên chức Mỹ.
Việt Nam cần phải đáp ứng các điều kiện trước khi TPP có hiệu lực, là điều khá khó khăn vào thời điểm mà giới lãnh đạo Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển tiếp trước Đại hội Đảng Cộng sản mỗi 5 năm, vào năm tới.
Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương của Việt Nam, phát biểu tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai rằng, Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng các tiêu chuẩn. “Đây là các điều kiện của Tổ chức Lao động Quốc tế và Việt Nam là một thành viên trong đó”, ông nói.
Nhưng cam kết bằng miệng không đủ. Việc Mỹ thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động nghiêm ngặt, một phần là do tình hình chính trị và ước muốn của Tổng thống Barack Obama để chiếm cảm tình của nhiều đảng viên Dân chủ, những người từng phản đối TPP và chính sách thương mại tổng thể của ông.
Vì thế, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với sự kiểm tra kỹ lưỡng, đặc biệt là thỏa thuận này bao gồm một điều khoản về một ủy ban độc lập gồm các chuyên gia giám sát sự tiến bộ về cải cách lao động trong vòng ít nhất là 10 năm đầu tiên sau khi TPP có hiệu lực.
Financial Times
Tác giả: Ben Bland và Shawn Donnan
Người dịch: Trần Văn Minh
06-10-2015
(Việt Báo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét