Pages

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

VŨ HOÀNG ANH BỐN PHƯƠNG - KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO

Với tình hình của những vị lãnh đạo tại VN hiện giờ, sau 40 năm thống nhất đất nước, Việt Nam vẫn không có sự tiến bộ so với các quốc gia trong vùng; Việt Nam vẫn chưa đủ trưởng thành để hội nhập vào trào lưu của thế giới. Điều này nhiều người thấy (gồm cả những người nằm trong bộ máy cầm quyền) dù rằng trên mặt quần chúng thì những người trong vị trí lãnh đạo luôn luôn nói những câu nói sai sự thật hay nói những câu nhằm mục đích ru ngủ mọi người để che giấu khả năng lãnh đạo yếu kém của người lãnh đạo.
Trước khi nói về khả năng lãnh đạo, chúng ta cần tìm hiểu phải chăng cái khả năng này do bẩm sinh, hay do sự rèn luyện mà ra?

Theo một bài viết của Erika Andersen, đăng trên Forbes ngày 21 tháng 11 năm 2012, cô đều đặt câu hỏi “Are Leaders Born or Made” trong những cuộc phỏng vấn của cô. Những người được hỏi đều trả lời là — người lãnh đạo sinh ra là đã có khả năng lãnh đạo rồi. Sau đó cô đưa ra nhận định của cô, sau 30 năm quan sát những người lãnh đạo trong thương trường, là những người có khả năng lãnh đạo thường ví như là một vòng cong chuông (bell curve). Những người sinh ra có khả năng lãnh đạo bẩm sinh, những người này khởi đầu đã giỏi vì bẩm sinh đã có tài, sau đó càng ngày càng được tôi luyện để được xếp vào loại lãnh đạo giỏi nằm ở đầu chuông. Những người ở dưới chuông, khoảng 10 hoặc 15% thì dù họ cố gắng cách nào đi nữa, họ vẫn không thể nào trở thành một người lãnh đạo giỏi bởi có lẽ họ không có cái bẩm sinh trong sự lãnh đạo (hoặc học hỏi để trở thành người lãnh đạo giỏi). Và số phần trăm to lớn còn lại là những người có cơ hội trở thành người lãnh đạo giỏi, rất giỏi do sự tôi luyện để trở thành người lãnh đạo.
Để tóm tắt điều nói của cô Erika là những người có khả năng lãnh đạo sinh ra đã có khả năng đó (con số này rất nhỏ), những người không có khả năng lãnh đạo nhưng nằm trong vị trí lãnh đạo thì cho dù cố gắng cách mấy cũng sẽ không bao giờ thành người lãnh đạo giỏi. Và số đông còn lại có khả năng trở thành người lãnh đạo giỏi qua quá trình tôi luyện để học hỏi nhằm nâng khả năng lãnh đạo của mình.
Câu hỏi được đặt ra là cái gì để tạo ra một người lãnh đạo giỏi?
Theo cô Erika thì cái quan trọng nhất để trở thành một người lãnh đạo giỏi tức là phải biết chính mình. Phải biết điểm yếu, điểm mạnh của mình trong vị trí của một người lãnh đạo và vị trí của một con người. Phải biết ảnh hưởng của mình đến người khác ra sao. Cái gì là cái mà mình quan tâm nhất. Suy nghĩ về đạo đức của mình ra sao và cái gì để hướng dẫn mình trong lối ứng xử của quan niệm đạo đức đó. Hành động của chính mình so sánh với lời hứa ra sao. Cô Erika cho rằng những người tự hiểu biết chính mình thường là những người chịu học hỏi để cố gắng nâng khả năng lãnh đạo của mình lên cao. Ngược lại những người không biết chính mình thì không chịu học hỏi và khả năng lãnh đạo yếu kém mặc dù nằm trong vị thế lãnh đạo.
Cô Erika đưa ra ba chuyện cần phải làm để người lãnh đạo tập luyện nhằm gia tăng khả năng lãnh đạo của mình.
1.     Nhân chứng công bằng trong sự nhận định về chính mình, về kinh nghiệm của chính mình, những điểm mạnh yếu của chính mình, những sai lầm đã mắc phải và học hỏi gì từ những sai lầm trên. Để làm chuyện này, chính mình phải thoát khỏi cái tôi và đặt mình trong vị trí của người khác để đánh giá về những điều nói bên trên.
2.     Đón nhận ý kiến từ bên ngoài để tự mình soi chính mình. Là một con người chúng ta sẽ không hoàn hảo. Tuy nhiên để nhìn rõ chính mình thì cũng như cách soi gương, cần phải có tấm gương (người khác) cho ý kiến và đánh giá về những lối ứng xử của mình, hoặc những chính sách mình đưa ra ảnh hưởng ra sao với số đông (quần chúng hay nhân viên làm việc cho mình). Đây cũng là lúc mình biết nhân viên (hay quần chúng) nghĩ về cá nhân mình ra sao. Nếu mình là người lãnh đạo có tính vươn lên thì sẽ đón nhận ý kiến bên ngoài một cách chân thành để mình có những chính sách tốt hơn hầu thuyết phục được người làm cho chính mình hay dân chúng ủng hộ mình.
3.     Đón nhận ý kiến người khác mà không chịu lắng nghe thì sự đón nhận giống như nước đổ lá môn. Lắng nghe tuy ở vị thế thứ ba nhưng đóng vai trò khá quan trọng bởi chúng ta có thể thực hiện hai điều bên trên nhưng lại không lắng nghe thì tất cả hai điều bên trên trở thành một con số không, hay gọi là công dã tràng. Lắng nghe phải ở trong trạng thái cá nhân mình phải loại bỏ tất cả những gì mà mình cho là có kinh nghiệm — để đón nhận những ý kiến của người khác nói về mình, về chính sách của mình. Và nếu chúng ta lắng nghe với trạng thái như thế thì những người cho ý kiến sẽ mở cho chúng ta thấy được một giải pháp mà chính chúng ta không nhìn thấy bởi chúng ta đã bị kinh nghiệm quá khứ, hay thành kiến làm mờ đi những sáng kiến khác khả thi.
Đó là những điểm chính mà một người lãnh đạo cần phải có, cần phải luôn luôn tu bổ và làm cho gia tăng để trở thành một nhà lãnh đạo được nhiều người chấp nhận và làm việc với mình.
Khi nói về người lãnh đạo, chúng ta thường hay nghĩ đến là những nhà làm chính trị, lãnh đạo đất nước. Thực tế thì người lãnh đạo ở rất nhiều dạng. Bậc làm cha mẹ có thể là nhà lãnh đạo cho mái ấm gia đình mình mà con cái chính là những người nằm dưới quyền của mình khi các cháu chưa đến tuổi trưởng thành. Có nghĩa là chúng ta phải cố gắng thực hiện ba điểm chính bên trên để làm trong vai trò bố mẹ bằng cách lắng nghe những ý kiến từ con cái, bạn bè thân, hoặc người thân trong gia đình trên lãnh vực dạy dỗ con cái của chính mình.
Người thầy/cô giáo cũng là một nhà lãnh đạo trong việc đào tạo Con Người và trong việc đào tạo này, để có hiệu quả, người thầy/cô giáo cần phải lắng nghe và học hỏi hầu cải tiến cách giảng dạy của mình. Đừng nghĩ rằng mình là thầy/cô nên mình biết cách giảng dạy hơn phụ huynh. Nếu lắng nghe trong trạng thái không thành kiến thì biết đâu thầy/cô giáo học được điều hay từ phụ huynh và từ đó chính thầy cô giáo tự giúp mình thành một nhà lãnh đạo hoàn hảo.
Để chứng minh những khả năng bên trên ảnh hưởng ra sao với một sinh hoạt trong cơ cấu chính quyền hay công ty, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu, phân tích, đồng thời đưa ra những thí dụ để cùng nhau tham khảo và học hỏi — nhằm giúp thế hệ sau trở thành nhà lãnh đạo không phải ở bên dưới chuông mà là nhà lãnh đạo ở phần giữa của chuông, hoặc trên đỉnh của chuông.  Bài viết cho đề tài này sẽ đăng trên trang mạng này vào ngày 15 tháng 10, năm 2015.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 9 năm 2015
Dallas, TX

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét