Pages

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2015

Vụ kiện thịt gà Mỹ của Việt Nam: Mặt trái của TPP

Người tiêu dùng mua thịt gà tại một siêu thị ở Hà Nội.
Khánh An - VOA
Chuyên gia nghiên cứu Mỹ nhận định vụ kiện bán phá giá thịt gà Mỹ, mà Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết sẽ tiến hành vào tháng tới, chứng minh tác động của sự tranh gay gắt trong thương mại toàn cầu khi Việt Nam gia nhập ‘sân chơi’ TPP.
Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Á cho báo giới biết hôm 5/10 rằng hiệp hội đang hoàn tất các thủ tục để có thể chính thức khởi kiện bán phá giá gà Mỹ tại Việt Nam trong tháng tới. Theo hiệp hội này, giá thịt gà Mỹ bán ra ở thị trường Việt Nam chỉ 23.000/kg, rẻ bằng nửa giá gà nội địa và chỉ khoảng ¼ giá thịt gà bán ở Mỹ.

Thịt gà đông lạnh Mỹ đã khiến cho các doanh nghiệp chăn nuôi gà ở Việt Nam bị thiệt hại đến 2.700 nghìn tỉ đồng trong vòng 16 tháng qua. Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết nhiều nông dân Việt Nam đã bỏ nghề nuôi gà vì không cạnh tranh nổi với gà nhập từ Mỹ.
Ông Murray Hiebert, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ được báo Bloomberg trích lời nói: “Thịt gà nhập khẩu có giá thấp từ Mỹ đang chứng minh  cho Việt Nam thấy tác động cạnh tranh gay gắt trong thương mại toàn cầu”.
Việt Nam được đánh giá là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo về khả năng một số lĩnh vực ở Việt Nam sẽ gặp phải những ‘bài học cay đắng’ khi gia nhập vào sân chơi thương mại toàn cầu.
Chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về Đông Nam Á Murray Hiebert nói thêm với Bloomberg: “Việt Nam đang học được rằng trong khi một số sản phẩm hàng may mặc thắng lớn trên thị trường toàn cầu, thì những sản phẩm khác, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, kết cục có thể sẽ mất đi các thị trường mà các nhà sản xuất lớn có lợi thế về quy mô”.
Sau khi sang Mỹ tìm hiểu về thị trường chăn nuôi gà ở Mỹ hồi cuối tháng rồi, ông Âu Thanh Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, giá bán thịt gà Mỹ ở Việt Nam là đang bán phá giá khoảng 29% so với sản phẩm cùng loại bán trên thị trường Mỹ. Ông này cho rằng giá thành sản xuất thịt gà Mỹ khoảng 26.000 – 27.000 đồng, không chênh lệch nhiều so với giá thành gà Việt Nam. Do vậy giá bán gà Mỹ về Việt Nam chỉ 18.000 đồng là bán phá giá hơn 30%.
Nhưng các nhà sản xuất gà ở Mỹ nói việc so sánh giá như vậy là sai vì hiệp hội đang so sánh giá của loại sản phẩm cao cấp, không kháng sinh, được Cơ quan Nông nghiệp và Thực phẩm Mỹ (USDA) chứng nhận với các sản phẩm chân gà góc tư đông lạnh xuất khẩu theo lô.
Bloomberg trích lời ông James Sumner, Chủ tịch của Hội đồng Xuất khẩu gia cầm và trứng của Mỹ nói: “Họ đang so sánh những sản phẩm đắt tiền nhất ở Mỹ với các sản phẩm rẻ tiền nhất mà chúng tôi xuất khẩu sang Việt Nam. Điều đó cũng giống như so sánh giá thịt bò thăn tại Mỹ với giá hamburger tại Việt Nam. Không có một lý lẽ chứng minh nào cho một vụ kiện bán phá giá cả”.
Trước đó, Cục Thú y Việt Nam đã bác bỏ khiếu kiện của nhiều nông dân Việt Nam cho rằng thịt gà Mỹ có chất lượng kém vì bán quá hạn.
Các doanh nghiệp sản xuất gà ở Mỹ dựa vào lợi thế về quy mô và nguồn thức ăn chăn nuôi giá rẻ, vốn chiếm đến 70% giá thành sản phẩm, để hạ giá thành xuống. Chính vì vậy mà, theo ông Sumner, các nhà sản xuất ở Mỹ là ‘những nhà sản xuất thịt gà có chi phí thấp nhất thế giới’.
Mặc dù xác định Việt Nam là nước ‘thắng cuộc’ trong TPP, nhưng các chuyên gia nhận định một số ngành công nghiệp của Việt Nam sẽ phải vất vả cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế tại TP.HCM, được Bloomberg dẫn lời nói: “Việt Nam tin rằng mình sẽ không bao giờ thua về lĩnh vực nông nghiệp do giá nhân công thấp, nhưng thịt gà nhập khẩu Mỹ giá rẻ chứng minh là chúng ta chắc chắn sẽ gánh chịu thiệt hại về các sản phẩm nông nghiệp nếu lĩnh vực này không tự biến đổi”.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA, bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban Cố vấn của Thủ tướng Việt Nam, nhận định ‘cơ hội thắng thua’ của các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc không chỉ vào năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp mà còn phụ thuộc vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
“Bao nhiêu năm chính phủ Việt Nam năm nào cũng cam kết và đưa ra chính sách gọi là ‘tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp’, nhưng năm nào cũng phải nhắc đến ‘tháo gỡ khó khăn’, có nghĩa là những khó khăn đó về môi trường kinh doanh vẫn còn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Những khó khăn về môi trường kinh doanh thì tự thân từng doanh nghiệp không làm được. Nó phụ thuộc vào nỗ lực của Việt Nam trong cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh tốt đẹp, thuận lợi và công bằng với các doanh nghiệp”
Bà Phạm Chi Lan cho rằng những khó khăn về môi trường kinh doanh sẽ cộng thêm bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước vốn đã yếu trong tương quan so sánh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Hội đồng Xuất khẩu Gia cầm và Trứng của Mỹ cho biết Việt Nam nhập khẩu 54.036 tấn thịt gà Mỹ, chủ yếu là đùi gà, trong 7 tháng đầu năm 2015, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện không chỉ thịt gà mà các sản phẩm thịt khác của Việt Nam cũng đang bị thịt nhập khẩu lấn át, chẳng hạn như thịt bò nhập từ Úc.
Ngoài vấn đề thức ăn chăn nuôi phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, năng suất lao động thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, lãi suất ngân hàng cao, chất lượng con giống thấp…là những yếu tố thêm vào khiến cho ngành chăn nuôi Việt Nam bị thua ngay trên sân nhà khi tham gia vào ‘sân chơi’ TPP cũng như các FTA khác.
Theo Bloomberg, Pháp Luật Việt Nam, kinhtevadubao.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét